.
.

Tăng cường lãnh đạo công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

Thứ Sáu, 21/05/2021|19:20

Ngày 20/5/2021, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã ban hành văn bản số 281 - CV/ĐUK "V/v tăng cường lãnh đạo công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai". Nội dung văn bản như sau:

Những năm gần đây, tình hình thiên tai ở nước ta diễn biến ngày càng phức tạp, cực đoan, bất thường. Các vùng, miền trong cả nước đã phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai, gây tổn thất nặng nề về người và tài sản (khoảng 1 - 1,5% GDP/năm), ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đời sống, sản xuất của nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước, trong đó có các doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị trong Khối.

Để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với diễn biến bất thường của thiên tai trong thời gian tới, nhất là tình huống xảy ra mưa lũ lớn kéo dài, bão mạnh, lũ quét, sạt lở đất, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối yêu cầu các đảng ủy trực thuộc chỉ đạo đơn vị triển khai ngay một số nhiệm vụ sau:

1. Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của hội đồng thành viên/hội đồng quản trị, ban giám đốc doanh nghiệp, đơn vị trong công tác phòng ngừa, ứng phó và giảm nhẹ thiên tai, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh.

2. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và Chỉ thị số 35/CT-TTg, ngày 01/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai một số biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó thiên tai.

Xác định việc lãnh đạo công tác chủ động phòng ngừa, ứng phó thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của các cấp ủy đảng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, người lao động, quán triệt sâu sắc quan điểm phòng ngừa là chính, kết hợp với các giải pháp thích ứng phù hợp với quy luật và điều kiện tự nhiên; đưa công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị.

3. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ trong các tình huống; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hiệu quả những tác động tiêu cực của thiên tai, bảo đảm an toàn về người, tài sản, phương tiện của doanh nghiệp.

4. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương nơi có hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, triển khai thực hiện công tác ứng phó thiên tai và tham mưu, báo cáo kịp thời với các bộ, ngành chủ quản chỉ đạo công tác ứng phó các tình huống thiên tai nguy hiểm.

5. Chỉ đạo tăng cường công tác thông tin, cập nhật dự báo, diễn biến thiên tai, hướng dẫn kỹ năng ứng phó để người lao động biết, chủ động phòng, tránh và sẵn sàng tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

(Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 35/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được đăng tải trên Tạp chí điện tử Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, mục Văn bản - Chính sách mới)./.

TCĐT ĐUKDNTW

.
.
.
.