Phát biểu của đồng chí Tô Huy Rứa tại Hội nghị cán bộ toàn quốc năm 2012 :
Để mỗi cơ quan, mỗi cán bộ trong Ngành thực sự là địa chỉ tin cậy của Đảng, của nhân dân
Phát biểu của đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương tại Hội nghị cán bộ toàn quốc năm 2012 :
Thưa các đồng chí,
Thưa toàn thể Hội nghị,
Sau một ngày rưỡi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác tổ chức xây dựng đảng năm 2012 đã hoàn thành các nội dung, yêu cầu đề ra với kết quả tốt. Mặc dù cuối năm bận rất nhiều công việc, nhưng các đồng chí bí thư, phó bí thư thường trực tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, bộ trưởng, thứ trưởng và các đồng chí đại biểu đã về dự Hội nghị đông đủ.
Hội nghị đã sôi nổi thảo luận, thể hiện sự đồng tình cao với Dự thảo Báo cáo do Ban Tổ chức Trung ương chuẩn bị. Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, khách quan, không né tránh, các đồng chí đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, đánh giá cao những kết quả đạt được, đồng thời cũng phân tích, làm rõ thêm những hạn chế, yếu kém trong công tác tổ chức xây dựng đảng năm 2011; đóng góp ý kiến vào phương hướng nhiệm vụ công tác và những vấn đề cần quan tâm, đầu tư sức lực, trí tuệ thực hiện trong năm 2012; đề xuất, kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến các lĩnh vực công tác tổ chức, bộ máy, công tác cán bộ, phương thức lãnh đạo của Đảng, về xây dựng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên, công tác bảo vệ chính trị nội bộ và góp ý vào Sơ thảo Quy định của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Hội nghị cũng đã được nghe và tiếp thu bài phát biểu quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo.
Ngay sau Hội nghị này, Ban Tổ chức Trung ương sẽ tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư và tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của các đồng chí để hoàn chỉnh văn bản, bổ sung nhiệm vụ công tác năm 2012.
Hội nghị của chúng ta cũng đã tuyên dương khen thưởng, ghi nhận những thành tích xuất sắc mà các tập thể và cá nhân đã đạt được trong năm 2011.
Thưa các đồng chí,
Như chúng ta đã biết, năm 2011 là năm có nhiều sự kiện trọng đại của Đảng, của đất nước, thuận lợi nhiều. Nhưng năm 2011 cũng là năm khó khăn rất lớn, thậm chí có người còn cho rằng đây là năm khó khăn nhất đối với đất nước ta từ sau đổi mới. Là một năm thế giới đầy biến động, bất ổn chính trị - xã hội ở một số quốc gia Trung Đông, Bắc Phi; suy thoái kinh tế toàn cầu chưa có điểm dừng, khủng hoảng nợ công ở Châu Âu lan rộng; biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến khó lường; tình hình không ổn định ở Biển Đông; các thế lực thù địch đang tìm mọi cách kích động, chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân… ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội nước ta.
Ở trong nước, xuất hiện nhiều tình huống khó khăn không lường trước; những yếu kém vốn có của nền kinh tế chậm được khắc phục, chính sách tiền tệ, tài khoá chưa thật sự hợp lý, áp lực đối với tỉ giá còn lớn; thị trường tài chính, thị trường bất động sản giảm sút, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, bị thu hẹp, lạm phát tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, đời sống của một bộ phận nhân dân gặp nhiều khó khăn, nhất là người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, người lao động ở các đô thị, khu công nghiệp, vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số…
Ngoài những khó khăn chung của đất nước tác động lớn đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Công tác xây dựng đảng dù đã cố gắng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên ảnh hưởng rất lớn, trực tiếp đến công tác tổ chức xây dựng đảng, đến công tác tổ chức, cán bộ, nhất là trong việc tham mưu đánh giá, lựa chọn, giới thiệu nhân sự. Đây thực sự là những áp lực, khó khăn có tính đặc thù của công tác tổ chức xây dựng đảng.
Mặt khác, sau Đại hội XI của Đảng, cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, chúng ta phải tập trung trí tuệ, công sức, thời gian để triển khai nhiều việc lớn, hệ trọng, phức tạp, nhạy cảm, như: tham mưu, phục vụ Đại hội XI của Đảng, triển khai, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội. Tham mưu nội dung để Bộ Chính trị trình tại các hội nghị Trung ương, nhất là trong thời gian rất ngắn đã góp phần nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất, hoàn thiện Đề án một số vấn đề cấp bách về xây dựng đảng hiện nay. Có việc lần đầu tiên thực hiện như: tổ chức Đại hội Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội chỉ cách nhau 4 tháng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp được tổ chức trong cùng một ngày và chúng ta phải kịp thời tham mưu chuẩn bị, giới thiệu, kiện toàn nhân sự cấp cao của các cơ quan Nhà nước và các địa phương.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn như đã nêu trên, với khối lượng công việc rất lớn, yêu cầu cao và phải thực hiện trong thời gian ngắn, bảo đảm chu đáo, thận trọng, chặt chẽ, đúng quy trình, năm 2011, Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan làm công tác tổ chức, cán bộ cả nước đã có nhiều nỗ lực, chủ động đổi mới cách nghĩ, cách làm, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan; giữ vững nguyên tắc, thể hiện rõ quan điểm, chính kiến, kiên trì trong công tác tham mưu, tích cực triển khai thực hiện và đã cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra. Kết quả đạt được là rất đáng phấn khởi, không chỉ được Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp uỷ các cấp, lãnh đạo cơ quan đánh giá tốt mà dư luận cũng đồng tình, chia sẻ, tin tưởng.
Tại các buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của Ban Tổ chức Trung ương và hội nghị toàn ngành, Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của công tác tổ chức, cán bộ và cho rằng nếu “xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt” thì công tác tổ chức, cán bộ là “then chốt của then chốt”. Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả, thành tích của chúng ta đạt được trong năm 2011. Nổi bật là:
- Khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự sau Đại hội XI, như tham mưu phân công công tác đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và cấp ủy viên các cấp; tham mưu để Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ban thường vụ cấp ủy điều động, phân công, bố trí, sắp xếp cán bộ thuộc diện Trung ương, diện cấp ủy quản lý. Chuẩn bị nhân sự ứng cử đại biểu và giới thiệu nhân sự để Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 bầu, phê chuẩn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương tại kỳ họp thứ nhất, tạo được sự thống nhất rất cao, phiếu giới thiệu, phiếu bầu đều rất tập trung, góp phần kịp thời hình thành bộ máy lãnh đạo mới của đất nước, của bộ, ngành Trung ương và của các địa phương. Thực hiện kịp thời chế độ, chính sách đối với các đồng chí nghỉ công tác, nghỉ hưu.
- Tham gia xây dựng các chương trình, đề án công tác của Trung ương, của cấp ủy, nhất là những việc liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
- Với cách làm việc khoa học, sâu sát, tinh thần trách nhiệm cao trong công tác, các ban tổ chức và cơ quan làm công tác tổ chức, cán bộ đã tham mưu cho các cấp ủy, tổ chức đảng từng bước đổi mới, hoàn thiện quy trình; chủ động phối hợp hiệu quả, tranh thủ ý kiến của các cơ quan liên quan tạo sự thống nhất, trên cơ sở đó đưa ra các phương án cụ thể bảo đảm đúng tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình, giữ vững nguyên tắc, thể hiện rõ quan điểm, chính kiến của cơ quan và những người làm công tác tổ chức, cán bộ.
Các cơ quan của Ngành Tổ chức xây dựng đảng đã quan tâm chăm lo xây dựng, củng cố nội bộ, tạo dựng không khí dân chủ, đồng thuận và nền nếp làm việc mới, giúp anh chị em thấy rõ trách nhiệm hơn, phấn khởi, tin tưởng hơn.
Sở dĩ có được thành công nêu trên là do có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát và hiệu quả của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư của Đảng, của các cấp ủy; có sự phối hợp chặt chẽ và chân thành, tích cực của ban, bộ, ngành, địa phương (năm nay rất nổi bật là sự phối hợp tốt giữa đảng đoàn, ban cán sự các bộ, ban, ngành với Ban Tổ chức Trung ương), có sự theo dõi, động viên, khích lệ của các tầng lớp nhân dân. Nhưng trực tiếp và quan trọng nhất là sự cố gắng, trên dưới đồng lòng, thành tâm thừa nhận và sửa chữa khuyết điểm, yếu kém, nhiệt tình hăng hái, dám đề xuất điều đúng, dũng cảm bảo vệ chân lý, lẽ phải, vượt qua khó khăn, thách thức hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, chúng tôi đánh giá cao, hoan nghênh và cảm ơn cán bộ, công chức toàn ngành, nhất là những tổ chức và cá nhân vừa được suy tôn và nhận các phần thưởng cao quý.
Thưa các đồng chí,
Với tinh thần thẳng thắn, khách quan, cầu thị, phải thừa nhận rằng chúng ta còn nhiều hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm cần sớm khắc phục mà Dự thảo Báo cáo và ý kiến phát biểu của các đại biểu hội nghị đã nêu. Qua đó, tôi xin khái quát và nhấn mạnh một số hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm lớn, cơ bản chúng ta cần quyết tâm nhằm khắc phục càng sớm càng nhiều, càng tốt:
- Việc nghiên cứu, tham mưu cho Trung ương, cho cấp ủy ban hành chủ trương, cơ chế, chính sách lớn có tính chiến lược về tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ phù hợp với tình hình mới còn hạn chế, chất lượng chưa cao.
- Nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, quy chế, quy định... về công tác cán bộ đã ban hành chưa sát thực tế, khó thực hiện hoặc thực hiện còn hình thức, nhưng chậm tham mưu rà soát, sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa cho phù hợp, dễ thực hiện, đạt hiệu quả cao hơn (Như tiêu chí đánh giá cán bộ còn chung chung, tiêu chuẩn cán bộ mới thiên về bằng cấp; quy trình, nội dung lấy phiếu tín nhiệm còn hình thức; thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu và mối quan hệ với tập thể cấp uỷ, cơ quan, đơn vị chưa rõ...).
- Tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị dù đã có nhiều cố gắng hoàn thiện, song đến nay vẫn còn cồng kềnh, chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả, chưa tinh giản được biên chế; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ chưa rõ ràng, còn chồng chéo.
- Chính sách cán bộ còn nhiều bất cập, nhất là chính sách về lương và nhà ở cho cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang.
- Chưa đề xuất được những giải pháp có tính khả thi cao nhằm khắc phục tình trạng cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân cực đoan, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân.
- Việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện các quy chế, quy định, hướng dẫn của cấp trên về công tác tổ chức xây dựng đảng chưa được quan tâm chỉ đạo.
Cuối cùng, với tinh thần cầu thị, thái độ thẳng thắn và nghiêm túc không thể không thấy Ngành Tổ chức xây dựng Đảng từ Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đến cán bộ, công chức, nhân viên trong toàn ngành, nơi này hay nơi khác, lúc này hay lúc khác, việc này hay việc khác, người này người khác còn nhiều yếu kém hoặc về năng lực chuyên môn, hoặc về thái độ trách nhiệm, về phẩm chất đạo đức nếu đối chiếu với yêu cầu “Mỗi cán bộ làm công tác tổ chức bên cạnh việc học tập, nâng cao trình độ, hiểu biết và kinh nghiệm công tác, phải thường xuyên rèn luyện về phẩm chất đạo đức, trong sáng, công tâm, khách quan; mạnh dạn đề xuất, dám can ngăn những việc làm không đúng, dũng cảm bảo vệ chân lý, lẽ phải; không chịu bất cứ sức ép nào không lành mạnh; không bị cám dỗ bởi những lợi ích vật chất, không bị chi phối bởi quan hệ tình cảm cá nhân, thân quen, riêng tư, không trong sáng”, mà Đồng chí Tổng Bí thư đã nêu trong buổi làm việc với Ban Tổ chức Trung ương ngày 22/11/2011 và Bài phát biểu hôm nay.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm trên, nhưng có thể nói nguyên nhân sâu xa chính là việc các cơ quan và từng cán bộ, đảng viên làm công tác tổ chức, cán bộ chưa quan tâm đúng mức nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Như chúng ta biết, những vấn đề thực tế đặt ra bao giờ tự nó cũng đã có giải pháp thực hiện, nhưng vấn đề là chúng ta chưa phát hiện, khái quát hóa được, do chúng ta còn yếu về trình độ lý luận, nghiệp vụ, thiếu kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn. Trong khi đó lại chưa chịu khó tìm hiểu, gần gũi lắng nghe, nắm bắt để tập hợp sáng kiến, kinh nghiệm thực tiễn của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Nhiều cán bộ, đảng viên làm công tác tổ chức xây dựng đảng chưa tự giác nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ, hiểu biết, thiếu hẳn sự tâm huyết với công việc, với sự nghiệp, chưa thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, còn ngại khó... nên chất lượng, hiệu quả công tác không cao.
Những hạn chế, yếu kém nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác của chúng ta, đến uy tín và sự lãnh đạo của Đảng, đòi hỏi từng cơ quan và mỗi cán bộ, công chức làm công tác tổ chức xây dựng đảng phải thực sự nghiêm túc nhìn nhận và tìm cách sửa chữa, khắc phục.
Thưa các đồng chí,
Năm 2012, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; tình hình thế giới và khu vực vẫn tiếp tục có những biến động phức tạp, khó lường; đất nước ta vẫn phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức... sẽ tác động nhiều mặt đến đời sống xã hội, trong đó có công tác xây dựng đảng nói chung và từng cơ quan, từng cán bộ, đảng viên làm công tác tổ chức, cán bộ. Nếu năm 2011 nhiệm vụ của Ngành Tổ chức xây dựng Đảng như đã nêu trên rất nặng nề do khối lượng công việc lớn, đòi hỏi cao và nhiều khi thời gian rất gấp thì năm 2012 khối lượng công việc còn nhiều hơn, yêu cầu cao hơn và thời gian sẽ thúc bách hơn. Bộ Chính trị, Ban Bí thư dự kiến giao Ban Tổ chức Trung ương chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các cấp ủy thực hiện 35 đề án (trung bình một tháng có 3 đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư). Trong đó, có những nhiệm vụ hết sức quan trọng, đòi hỏi cao, thời gian ngắn, lần đầu tiên thực hiện, như tham mưu xây dựng Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh chủ chốt của Đảng, Nhà nước trình Hội nghị Trung ương 6; Đề án “Nhận xét, đánh giá các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng”…
Đặc biệt, năm 2012 chúng ta đang đứng trước yêu cầu mới, đòi hỏi không chỉ năng lực chuyên môn giỏi, phẩm chất đạo đức trong sáng, tinh thần trách nhiệm cao mà còn đòi hỏi dũng khí, tinh thần gương mẫu của các cơ quan, của đội ngũ những người làm công tác tổ chức, cán bộ trong việc tham mưu giúp Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp, cũng như phải dũng cảm đi đầu triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng đảng hiện nay”. Đây thực sự là thử thách lớn, là tiêu chí để đánh giá khả năng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của chúng ta. Là ngành chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu, đề xuất nội dung các vấn đề cấp bách, các giải pháp thực hiện, không thể lại đứng ngoài để đặt câu hỏi: Biết có thực hiện được không? Do vậy, tôi đề nghị các đồng chí phải với tinh thần tích cực, chủ động và kiên quyết hơn, phát huy những thành tích đã đạt được, quyết tâm khắc phục những hạn chế, yếu kém, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tận tâm, tận lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ đã đề ra, nhằm góp phần tạo bước chuyển biến mới trên các mặt công tác tổ chức xây dựng đảng.
Dự thảo Báo cáo đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm và cụ thể chúng ta phải thực hiện trong năm 2012. Sau đây, tôi xin nói cụ thể hơn về một số nhiệm vụ mà chúng ta tập trung thực hiện, đó là:
Trước hết, công việc của chúng ta cần làm ngay là tham mưu hoàn chỉnh để sớm ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, Chỉ thị và Kế hoạch của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết.
Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu đề ra các cơ chế, giải pháp cụ thể, khả thi, có tính đột phá nhằm tạo chuyển biến thực sự, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ, như: quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị; xây dựng tiêu chuẩn cán bộ theo chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ; đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ, trong đó phải xem việc mở rộng dân chủ trong Đảng, tạo điều kiện để nhân dân tham gia đánh giá, mở rộng nguồn quy hoạch, người được giới thiệu phải có chương trình hành động, đổi mới cách lấy phiếu tín nhiệm cán bộ để đánh giá đúng cán bộ; thực hiện thí điểm giao quyền cấp trưởng có trách nhiệm lựa chọn, giới thiệu để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó; thí điểm chế độ tiến cử, chịu trách nhiệm về tiến cử cán bộ, chế độ tập sự; tiếp tục thực hiện thí điểm chủ trương bố trí một số chức danh chủ chốt ở cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương; mở rộng thí điểm nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện… tiếp tục cải cách chế độ tiền lương, nhà ở cho đội ngũ cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang, gắn với tinh giản biên chế thật sự.
Hai là, các cơ quan và từng cán bộ, đảng viên làm công tác tổ chức, cán bộ cần tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để đề xuất, tham mưu bổ sung cơ chế, chủ trương, giải pháp về công tác tổ chức xây dựng đảng bảo đảm sát thực tiễn, khả thi, tránh chung chung, hình thức.
Ba là, ngay từ bây giờ, chúng ta sớm nghiên cứu, tham mưu việc đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị; về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu và mối quan hệ công tác của ban cán sự đảng, đảng đoàn ở Trung ương và địa phương; về quy định chế độ tự phê bình và phê bình trong Đảng, quy định cụ thể thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác tổ chức và cán bộ.
Bốn là, tập trung nghiên cứu đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Xem xét, giải quyết những vấn đề chính trị hiện nay của cán bộ, đảng viên.
Năm là, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Quan tâm công tác nội bộ, xây dựng từng cơ quan làm công tác tổ chức, cán bộ thực sự đoàn kết, thống nhất trên dưới một lòng; thường xuyên chăm lo xây dựng, kịp thời kiện toàn, bổ sung đội ngũ cán bộ. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, hướng dẫn… của Trung ương về công tác tổ chức xây dựng đảng.
Thưa các đồng chí!
Trong Dự thảo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 về một số vấn đề cấp bách về xây dựng đảng hiện nay đã đề ra phương châm “Chỉ đạo tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp uỷ đảng, cán bộ chủ chốt, nhất là cấp Trung ương phải gương mẫu làm trước để tạo niềm tin”. Chúng ta, những người đã đề xuất, tham mưu ban hành Nghị quyết phải thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình, thực sự gương mẫu, đi đầu trong việc tổ chức thực hiện để mỗi cơ quan, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức trong Ngành thực sự là địa chỉ tin cậy của Đảng, của nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ cấp bách về xây dựng đảng, góp phần củng cố niềm tin trong nội bộ Đảng, của nhân dân với Đảng.
Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố bế mạc Hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2012.
Chuẩn bị đón Xuân Nhâm Thìn 2012, tôi chúc các đồng chí, qua các đồng chí đến toàn thể cán bộ, công chức, nhân viên Ngành Tổ chức xây dựng Đảng và gia đình một Năm Mới sức khoẻ, hạnh phúc và thành công!
Xin cảm ơn các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và Hà Nội đã đến dự và kịp thời đưa tin về Hội nghị. Cảm ơn Văn phòng Trung ương Đảng, Thành uỷ Hà Nội và các cơ quan liên quan đã phối hợp, giúp đỡ tổ chức thành công Hội nghị này.
Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí!
Theo Xaydungdang.org.vn