Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - giải pháp quan trọng thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư khóa XI đã thảo luận và ra Nghị quyết về công tác xây dựng Đảng. Ngày 16-1-2012 Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư có tầm quan trọng đặc biệt trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI về công tác xây dựng Đảng, một nhiệm vụ được xác định là “then chốt” trong công cuộc đổi mới đất nước. Nghị quyết đã chỉ rõ, đây là nhiệm vụ vừa cơ bản, vừa lâu dài, phải thực hiện thường xuyên, có hiệu quả, đồng thời chỉ ra ba vấn đề có tính cấp bách trong công tác xây dựng Đảng, cần tập trung giải quyết: Một là, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng. Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ba là, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Nghị quyết đã nêu 4 nhóm giải pháp chủ yếu để giải quyết những vấn đề cấp bách nêu trên: 1-Nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên; 2- Nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng; 3- Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; 4- Nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị được xác định là giải pháp đầu tiên trong nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính tư tưởng.
1- Xét theo nội dung, cơ sở lý luận và thực tiễn để thực hiện các giải pháp được đề ra trong Nghị quyết Trung ương lần thứ tư, việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Bộ Chính trị có tác động trực tiếp và giúp thực hiện tốt tất cả các nhóm giải pháp nêu trên. Điều ấy được khẳng định bởi chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Quán triệt tư tưởng và những lời dạy của Người về xây dựng Đảng, trong đó có nội dung chuyên đề học tập năm 2010 “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh”, các tác phẩm “Đường Kách mệnh”, “Sửa đổi lối làm việc”, “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, “Di chúc” của Bác giúp thực hiện tốt các giải pháp nêu ra trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư.
Thực hiện giải pháp đẩy mạnh tự phê bình, phê bình trong Đảng, quán triệt tư tưởng và lời dạy của Hồ Chí Minh giúp chúng ta thấy rõ hơn vai trò của tự phê bình, phê bình. Hồ Chí Minh coi tự phê bình và phê bình là một trong những nguyên tắc xây dựng Đảng; là quy luật phát triển của Đảng; là công việc thường xuyên, “như người ta rửa mặt hằng ngày”. Người chỉ rõ, mục đích của tự phê bình và phê bình là làm cho phần tốt trong mỗi con người nẩy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi; làm cho các tổ chức Đảng luôn luôn trong sạch, vững mạnh... Phê bình và tự phê bình để tăng cường đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng; để các tổ chức Đảng và đảng viên luôn luôn hoàn thiện mình, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ Tổ quốc và nhân dân giao cho. Về phương pháp, Người yêu cầu tự phê bình phải thành khẩn, thành tâm, không “giấu bệnh, sợ thuốc”. Phê bình phải trung thực, "không đặt điều”, “không thêm bớt”; ”không nể nang”, kiên quyết, “ráo riết”; nhưng phải có tính xây dựng, “có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”(1). Quán triệt tư tưởng và những lời dạy trên đây của Bác trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Kế hoạch của Bộ Chính trị để đánh giá, chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, các mặt còn yếu kém, phức tạp; làm rõ nguyên nhân trở ngại trong việc lãnh đạo thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng, trách nhiệm của các tổ chức đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên, từ các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đến cơ sở, sẽ góp phần làm cho việc tự phê bình, phê bình có kết quả tích cực và hiệu quả cao hơn.
Quán triệt nguyên tắc nêu gương trong thực hành đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh giúp thực hiện tốt hơn yêu cầu nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên được đề ra trong Nghị quyết Trung ương lần thứ tư. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi nêu gương là một nguyên tắc trong thực hành đạo đức, một phương pháp lãnh đạo của Đảng. Người viết: “Muốn người ta theo mình thì mình phải làm gương trước”. Theo Người, ai cũng phải nêu gương, nhưng nhấn mạnh người có vị trí cao hơn về chức vụ, nhiều hơn về vị thế, tuổi tác thì phải nêu gương trước, nói đi đôi với làm. Người yêu cầu, đảng viên nêu gương cho quần chúng, lãnh đạo nêu gương cho nhân viên… Phát huy tính tự giác, gương mẫu và thực hiện quy định về sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW để thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ tư có hiệu quả hơn.
Về giải pháp xây dựng tổ chức và cán bộ nêu trong Nghị quyết Trung ương lần thứ tư, việc quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng nêu trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, một tác phẩm nổi tiếng về xây dựng Đảng của Người đã được giới thiệu và tổ chức học tập trong những năm qua, có ý nghĩa rất tích cực. Trong tác phẩm này, Hồ Chí Minh chỉ rất rõ vai trò và vị trí của cán bộ và công tác cán bộ. Người viết: “Cán bộ là cầu nối giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân”; “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Người yêu cầu, cán bộ cách mạng phải hội đủ các tiêu chuẩn đức và tài, phẩm chất và năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phong cách, phương pháp công tác tốt, trong đó phẩm chất đạo đức phải là yếu tố hàng đầu, là gốc, là nền tảng. Người coi công tác cán bộ là công tác gốc của Đảng; là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp. Thực chất công tác cán bộ là "nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta". Để thực hiện tốt công tác cán bộ, cần quan tâm đầy đủ đến các mặt: huấn luyện cán bộ; dạy cán bộ và dùng cán bộ; lựa chọn cán bộ; bồi dưỡng cán bộ; thực hiện chính sách đối với cán bộ...
Về phát huy dân chủ trong Đảng, Hồ Chí Minh khẳng định: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do”; “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi”... Người chỉ ra cho chúng ta mục đích và yêu cầu thực hành dân chủ trong Đảng, mở rộng dân chủ “để tất cả mọi đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình”. “Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân… Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý”(2). Quán triệt tư tưởng trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ tư giúp chúng ta phát huy dân chủ thật sự trong Đảng, thực hiện tốt các giải pháp cụ thể được đề ra, như Quy chế chất vấn trong Đảng; lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá, nhận xét cán bộ; thí điểm bố trí cán bộ chủ chốt ở cấp tỉnh, cấp huyện không phải người địa phương; kê khai tài sản; định kỳ tổ chức để nhân dân góp ý kiến xây dựng Đảng thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội...
Về các giải pháp xây dựng cơ chế, chính sách, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ trách nhiệm của Đảng và Chính phủ, khi coi “dân đói”, “dân rét”, “dân ốm” là Đảng, Chính phủ có lỗi để đặt ra yêu cầu phải không ngừng xây dựng, hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng cải thiện đời sống nhân dân. Trong bản “Di chúc” bất hủ, Người yêu cầu: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hóa, không ngừng cải thiện đời sống nhân dân”. Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh để rà soát, loại bỏ các cơ chế, chính sách đã lạc hậu, xây dựng, ban hành đồng bộ các chính sách để đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ; rà soát cơ chế, chính sách và ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quản lý, kiểm soát chặt chẽ vốn và tài sản nhà nước; thực hiện cải cách hành chính nhà nước và cải cách hành chính trong Đảng; đẩy nhanh việc cải cách, thực hiện sớm chế độ tiền lương, nhà ở, chống bình quân, cào bằng; đồng thời chống đặc quyền, đặc lợi; gắn với tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức..., tạo nên sự “không cần”, “không dám”, “không thể” tham ô, tham nhũng, qua đó mà xây dựng đội ngũ cán bộ, để ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay.
Trong nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, tư tưởng Hồ Chí Minh đã chỉ ra cho chúng ta ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung và phương pháp học tập lý luận chính trị. Từ cuốn “Đường Kách mệnh” năm 1927 đến "Sửa đổi lối làm việc” năm 1947, Hồ Chí Minh đã luôn luôn nhấn mạnh vai trò của lý luận, của thực tiễn và quan hệ giữa lý luận với thực tiễn. Người khẳng định, lý luận có vai trò rất to lớn, nó như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế; không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên, phải nâng cao hiểu biết cả về lý luận; "có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”... Theo Hồ Chí Minh, hiểu lý luận là "đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính".
Về phương pháp học tập lý luận, Người yêu cầu lý luận phải liên hệ chặt chẽ với thực tiễn. Người nói, "lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn, hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách". Lý luận và thực hành có quan hệ qua lại; lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhìn theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. “Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung cũng như không có tên”.
Về đẩy mạnh học tập lý luận, Người dạy, “phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông”...
Quán triệt tư tưởng và những lời chỉ dẫn của Hồ Chí Minh, những nội dung đã được thể hiện rõ trong 7 chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh những năm qua và hiện đang là những tài liệu quan trọng để tổ chức thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, giúp thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn các giải pháp về xây dựng Đảng nêu ra trong Nghị quyết Trung ương 4.
2- Về các giải pháp đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị, đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành công việc thường xuyên quan trọng, gắn với các nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị hiện nay để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, cần thực hiện tốt các hướng dẫn của Trung ương.
Trong năm 2012, thực hiện Hướng dẫn 32-HD/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương, cần chú ý làm tốt các công việc sau:
Một là, cần tiếp tục quán triệt các chuyên đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong 4 năm triển khai cuộc vận động, các tài liệu học tập theo chủ đề hằng năm để tổ chức nghiên cứu, trao đổi, thảo luận tại các chi bộ trong từng tháng, từng quý, gắn với kế hoạch nghiên cứu quán triệt nghị quyết và tổ chức kiểm điểm, liên hệ theo kế hoạch của Bộ Chính trị.
Hai là, xây dựng các chuẩn mực đạo đức cụ thể, sát hợp với đặc điểm tình hình, nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, với tổ chức thực hiện Điều lệ Đảng, quy định các điều đảng viên không được làm, các quy định chung của cơ quan, đơn vị. Các chuẩn mực đạo đức được xây dựng theo tư tưởng, tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải trở thành một trong những cơ sở để mỗi cán bộ, đảng viên đăng ký thực hiện, để liên hệ, kiểm điểm theo Kế hoạch thực hiện nghị quyết Trung ương 4 của Bộ Chính trị và trong sinh hoạt chi bộ, kiểm điểm cuối năm theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.
Ba là, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo các cấp, cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống. Ở các ngành, địa phương, Ban Thường vụ cấp ủy, trực tiếp là Bí thư cấp ủy có trách nhiệm tổ chức việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cơ quan, đơn vị mình và gương mẫu thực hiện các giải pháp đề ra để làm gương cho mọi người noi theo. Căn cứ quy định chung về trách nhiệm nêu gương, các ngành, địa phương cần cụ thể hóa thêm để giúp cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo theo đó tự giác và gương mẫu thực hiện.
Bốn là, để việc triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW trở nên thiết thực hơn, tạo niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, cấp ủy chỉ đạo và lựa chọn một số vấn đề nổi lên, được dư luận quan tâm, đưa ra trao đổi, thảo luận trong đơn vị, bàn giải pháp và tập trung sức giải quyết với những kết quả cụ thể. Điều đó giúp giải quyết các vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng và trong quan hệ với nhân dân ở cơ sở, làm cho việc thực hiện Nghị quyết mang tính thiết thực hơn.
Năm là, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác xây dựng Đảng. Ban Thường vụ cấp ủy tổ chức để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tham gia giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, thực hiện tốt Quy định về đảng viên các cơ quan sinh hoạt hai chiều với nơi cư trú...
Sáu là, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phát hiện, phổ biến, nhân rộng những cách làm hay, những sáng kiến tốt ở cơ sở. Chỉ đạo báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường các hoạt động tuyên truyền về thực hiện Nghị quyết, biểu dương những điển hình người tốt, việc tốt, nhân rộng các điển hình tiên tiến, động viên cán bộ, đảng viên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Quản lý tốt các hoạt động báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, góp phần động viên thực hiện Nghị quyết và hạn chế những mặt tiêu cực trong các lĩnh vực hoạt động này.
PGS.TS Ngô Văn Thạo
---------------------
(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, t.2, tr.510
(2). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, H, 1996, t.8, tr. 216.
Theo TC Tuyên Giáo