Nhà báo học theo Bác để tự rèn mình
Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là một lãnh tụ vĩ đại, vừa là một nhà báo lớn. Tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của Người luôn được các thế hệ người làm báo Việt Nam học tập và làm theo để tự rèn luyện và phấn đấu. Đó là chia sẻ của nhà báo lão thành Hữu Thọ nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6.
Thưa ông, những người làm báo chúng ta học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở khía cạnh nào?
Nhà báo Hữu Thọ - Ảnh: VGP/Mai Hồng |
Bác Hồ vừa là một lãnh tụ vĩ đại, vừa là người làm báo. Bác có nhiều lời khuyên về mặt đạo đức và có nhiều lời khuyên với người làm báo. Bác khuyên người làm báo phải trung thực. Mà trung thực ở đây là trung thực khách quan, trung với nước, hiếu với dân. Vì lợi ích của dân tộc mà phản ánh sự trung thực của cuộc sống và cái gì cũng phải có chừng mực. Khen cũng phải có chừng mực, chê cũng phải có chừng mực. Chúng ta phải trung thực với đất nước, với đồng bào và với sự thật và khen chê phải có chừng mực.
Thưa ông, đâu đó vẫn còn một bộ phận cán bộ có biểu hiện tham ô, tham nhũng, nhũng nhiễu nhân dân. Đó có phải là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân mà báo chí cần lên án?
Rất đúng. Chúng ta phải thấm nhuần lời Bác dạy: "Nêu cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân". Chủ nghĩa cá nhân ở đây là chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, coi cá nhân lên trên tất cả các giá trị khác, thậm chí có thể hy sinh tất cả các giá trị khác vì lợi ích của riêng mình. Chúng ta chống là chống cái đó, chứ không phải là chống cá nhân con người.
Ông từng nói nhà báo cách mạng thì phải "mắt sáng, lòng trong, bút sắc". Xin ông nói thêm về điều này?
Khi tôi viết "Mắt sáng, lòng trong, bút sắc" thì có người hỏi tôi rằng: Tại sao ông không nói Đảng ở đâu? Đảng ở chỗ nào? Tôi nói rằng nhà thơ Tố Hữu đã dịch thơ A-ra-gông trong đó có câu "Đảng cho tôi sáng mắt sáng lòng". Tức là Đảng cho tấm lòng ta trong sáng. Tấm lòng trong sáng thì ngòi bút mới sắc, nghĩa là sắc sảo, nhìn đúng, nói đúng vấn đề của cuộc sống, phê phán được cái sai, biểu dương cái đúng, cái tốt. Như vậy, có đôi mắt sáng để nhìn đúng sự thật, có tấm lòng trong sáng để thẩm định đúng cái gì là đúng, cái gì là sai, để từ đó chúng ta có thể viết được tốt. Viết những điều cuộc sống đặt ra, đòi hỏi câu trả lời.
Mỗi nhà báo nhìn các sự kiện qua lăng kính chủ quan của mình. Thế thì con người cá nhân của mỗi nhà báo có ảnh hưởng đến ngòi bút của họ không, thưa ông?
Chúng ta khuyến khích mỗi nhà báo nên có một phong cách riêng, ở đây là cách viết, cách biểu hiện sự kiện trong đời sống. Chính Bác Hồ cũng nói: ăn nhiều món mới ngon, còn ăn một thứ thì chóng chán. Vì thế, chúng ta khuyến khích mỗi nhà báo có một phong cách, mỗi tờ báo có một phong cách, mỗi chuyên mục có một phong cách.
Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, cũng có nhà báo không cưỡng lại được cám dỗ vật chất nên có thể bị đồng tiền lung lạc. Theo ông, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này thế nào?
Trên thế giới, để chống lại vấn nạn này, họ có qui chế rất ngặt nghèo. Ví dụ: nhà báo không được ăn cơm với các doanh nghiệp. Không được sử dụng bất cứ thù lao nào (một chuyến đi nghỉ mát, một chuyến đi chơi, có khi là một bữa tiệc...) để giữ cho tiếng nói của mình trung thực.
Đây là điều các nhà báo, các cơ quan quản lý báo chí của ta cần hết sức chú ý. Đồng tiền có thể đánh gục những ngòi bút thiếu bản lĩnh. Vì vậy, nhà báo cần phải học theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để tự rèn mình. Bác dạy chúng ta: "Viết cho ai, Viết để làm gì, Viết cái gì, Viết như thế nào?". Đây là những căn cứ để khiến mỗi nhà báo cách mạng Việt Nam có "mắt sáng, lòng trong, bút sắc" để phụng sự dân tộc.
Mai Hồng thực hiện
Theo Chinhphu