Nhận và sửa lỗi
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XIII (ngày 22-10-2012), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn “nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành...”. Trước đó, trong phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6 (ngày 15-10-2012), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư “thành thật nhận lỗi trước Ban Chấp hành Trung ương về những yếu kém, tồn tại trong công tác xây dựng đảng, những suy thoái, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên như Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu” và lần đầu tiên, Bộ Chính trị “đề nghị Ban Chấp hành Trung ương cho được nhận một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị”. Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ đều hứa sẽ nỗ lực cao nhất, có biện pháp tích cực khắc phục, sửa chữa khuyết điểm.
Để có được kết quả nhận lỗi là cả thời gian tự phê bình, phê bình thẳng thắn, nghiêm túc của cá nhân và tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương. Nếu không có thẳng thắn, quyết liệt tự phê bình, phê bình làm sao có thể nhận lỗi, nhận hình thức kỷ luật trong khi những thất thoát nghiêm trọng, những sai phạm nối tiếp, vụ sau lớn hơn vụ trước, thậm chí trên diễn đàn Quốc hội có đại biểu bức xúc đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm nhưng đã không có ai nhận lỗi, nhận trách nhiệm?
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ công khai nhận lỗi là đã thực hiện lời Bác căn dặn “có gan nhận khuyết điểm”. Trong lời nhận lỗi của Tổng Bí thư về những yếu kém trong công tác xây dựng đảng, những suy thoái, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên như Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu, nhất là khi hiện tượn
g chạy chức, chạy quyền không còn hiếm liệu có lỗi của những người chuyên làm công tác tổ chức xây dựng đảng? Ai chịu trách nhiệm? Chắc chắn, với tất cả ý thức trách nhiệm và lòng tự trọng, mỗi chúng ta tự thấy không thể vô can.
Quan trọng không chỉ có gan nhận lỗi mà quan trọng hơn là phải “tìm mọi cách sửa chữa khuyết điểm”, thực hiện lời hứa trước toàn Đảng, toàn dân. Có nhiều cách:
Đó là công khai, minh bạch, làm rõ trách nhiệm cá nhân trong hoạt động của Đảng và Chính phủ. Công khai, minh bạch là ánh sáng mặt trời, tạo môi trường trong sạch không có các hiện tượng hư hỏng phát sinh, phát triển, không để lẫn lộn công chỉ của cá nhân, tội chỉ của tập thể.
Đó là có “thần linh pháp quyền” tối thượng, không có lạm quyền, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không có vùng cấm, xử lý nội bộ, để trừng trị kẻ vi phạm, bảo vệ người ngay thẳng, trung thực.
Đó là dựa vào dân để xây dựng Đảng, bởi Bác đã dạy: Dễ trăm lần không dân cũng chịu / Khó vạn lần dân liệu cũng xong.
Đó là trí tuệ, bản lĩnh, thành thực, quyết tâm của chính các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Chính phủ đã nhận và hứa sửa chữa khuyết điểm, của mỗi chúng ta trong nhiệm vụ được giao.
Tạp chí Xây dựng Đảng