.
.

TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI BỘ THÁNG 1/2019

Thứ Tư, 02/01/2019|16:21

I. TÌNH HÌNH THỜI SỰ, CHÍNH TRỊ NỔI BẬT TRONG NƯỚC

Hội nghị lần thứ 9 BCH Trung ương Đảng khoá XII 

Trong hai ngày 25 và 26-12-2018, tại Thủ đô Hà Nội, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã họp để thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề: Lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư theo quy định; về việc giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021 - 2026; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2018; Báo cáo các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 8 đến Hội nghị Trung ương 9 khoá XII; xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ.

Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị.

Sau khi xem xét và thảo luận các Tờ trình, báo cáo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết nghị:

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 21 đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư khoá XII theo quy định.

2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, cho ý kiến về việc giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với 205 đồng chí để Bộ Chính trị xem xét, quyết định quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo thẩm quyền.

3. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất cao với Tờ trình của Bộ Chính trị về việc đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Tất Thành Cang, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định kỷ luật đồng chí Tất Thành Cang bằng hình thức cách chức Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII; cách chức Phó Bí thư thường trực Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 - 2020; cách chức Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 - 2020.

4. Theo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2018. Giao Bộ Chính trị nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thảo luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét Báo cáo của Bộ Chính trị về những công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 8 đến Hội nghị Trung ương 9 khoá XII.

5. Ban Chấp hành Trung ương Đảng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tăng cường đoàn kết, thống nhất, phát huy những kết quả quan trọng, toàn diện đạt được của năm 2018, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2019 và nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng.

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2019

Ngay ngày đầu tiên của năm mới (01/01/2019), Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.

Mục tiêu tổng quát kế hoạch năm 2019 là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chú trọng phát triển y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; quyết liệt phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

4 trọng tâm chỉ đạo điều hành 

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Chính phủ xác định phương châm hành động của năm là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả" với 4 trọng tâm chỉ đạo điều hành là:

Thứ nhất, nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế. Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô; duy trì và khơi thông các động lực tăng trưởng; nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ hai, xây dựng bộ máy kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ, tạo động lực và áp lực trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Chú trọng cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy biên chế tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới và tăng cường hiệu quả hoạt động tư pháp.

Thứ ba, phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa, xã hội, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Thứ tư, chủ động, tích cực tham gia chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới  Đại hội XIII của Đảng. Tập trung tổng kết và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện Nghị quyết là củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cụ thể, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, nhất quán mục tiêu xuyên suốt là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tiếp tục điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và yêu cầu quản lý. Giữ ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng. Phấn đấu GDP năm 2019 tăng khoảng 6,8%, kiểm soát tốc độ tăng CPI dưới 4%.

Cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN). Siết chặt kỷ luật tài chính - NSNN; tăng cường thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN. Triển khai hiệu quả Luật Quản lý và sử dụng tài sản công. Giám sát chặt chẽ việc quản lý và sử dụng vốn vay. Phấn đấu đến cuối năm 2019, dư nợ công khoảng 61,3% GDP, nợ Chính phủ khoảng 52,2% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia dưới 49% GDP.

Cơ cấu lại các khoản thu, mở rộng cơ sở thuế. Mở rộng áp dụng hóa đơn điện tử, cơ bản hoàn thành trong năm 2019 ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn; chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế; giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5%. Phấn đấu tăng thu ngân sách khoảng 5% so với dự toán và tỷ lệ động viên ở mức 23,5% GDP. Điều hành chi ngân sách theo dự toán được giao; phấn đấu nâng tỷ trọng chi đầu tư phát triển lên 27% - 27,5%, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống 63% - 63,5% tổng chi NSNN. Tiết kiệm chi thường xuyên, không bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; hạn chế mua sắm xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền; tiết kiệm tối đa chi phí tổ chức hội nghị, lễ hội, hội thảo, khánh tiết, công tác nước ngoài... Cân đối nguồn lực để thực hiện đúng lộ trình cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết Trung ương. Kiểm soát bội chi NSNN năm 2019 ở mức không quá 3,6% GDP. Triển khai thực hiện cam kết quốc tế, sửa 71 Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần, chống xói mòn nguồn thu.

Thực hiện quyết liệt các đột phá chiến lược

Nhiệm vụ và giải pháp tiếp theo là thực hiện quyết liệt các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Trong đó, về thực hiện quyết liệt các đột phá chiến lược, tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, nhất là trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Sớm xây dựng, trình Quốc hội Đề án nội luật hóa các cam kết hội nhập quốc tế trong các Hiệp định. Đẩy mạnh phát triển các thị trường tài chính, chứng khoán, lao động, bất động sản và khoa học công nghệ. Triển khai Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán, bảo hiểm; cơ cấu lại tổ chức các sở giao dịch chứng khoán; đẩy mạnh phát triển thị trường phái sinh, trái phiếu doanh nghiệp và các sản phẩm mới. Hoàn thiện thể chế, khuyến khích phát triển đa dạng các dịch vụ tài chính, kế toán, kiểm toán, thẩm định giá, xếp hạng tín nhiệm... và các loại hình dịch vụ giá trị gia tăng cao như nghệ thuật, vui chơi, giải trí. Phát triển thị trường lao động, chú trọng công tác hướng nghiệp, dự báo, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cung - cầu; triển khai thực hiện chính sách việc làm công, hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp; mở rộng thị trường lao động ngoài nước; bảo đảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Hoàn thiện thể chế, phát triển thị trường bất động sản minh bạch và lành mạnh, khuyến khích phát triển thị trường nhà ở cho thuê. Phấn đấu diện tích bình quân nhà ở toàn quốc là 24,5 m2 sàn/người. Phát triển mạnh doanh nghiệp khoa học công nghệ và thị trường khoa học công nghệ, đẩy mạnh bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, khơi thông nguồn lực, thu hút mạnh nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng. Phát triển bứt phá hạ tầng viễn thông, Internet băng rộng, mạng di động 5G.

Phấn đấu đến cuối năm 2019 có 60% - 62% lao động được đào tạo, trong đó 24% - 24,5% lao động được đào tạo từ 3 tháng trở lên, có văn bằng, chứng chỉ. Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược thời kỳ 2011 - 2020 và Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011 - 2020.

Đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán. Công khai doanh nghiệp đã cổ phần hóa, đủ điều kiện nhưng chưa niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán và xem xét trách nhiệm người đứng đầu. Phát huy vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tập trung vốn, hợp vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đầu tư có hiệu quả (theo cơ chế thị trường) vào các công trình lớn, trọng điểm quốc gia, có yếu tố đảm bảo quốc phòng, an ninh. Trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 ban hành Nghị quyết về quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Quyết liệt thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2% và tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu (gồm nợ xấu, nợ xấu đã bán cho VAMC hiện chưa xử lý được và các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu) dưới 5%. 

Quyết liệt đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. Ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khuyến khích chuyển giao công nghệ, chuyển đổi lên công nghệ cao hơn, tiến tới nghiên cứu, phát triển công nghệ mới; xây dựng hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia hỗ trợ nghiên cứu, phát triển, khởi nghiệp sáng tạo; đảm bảo vận hành thành công các trung tâm với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh so với khu vực và quốc tế. Thực hiện hiệu quả Chương trình quốc gia về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020.

Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân

Phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Cụ thể, trình Quốc hội ban hành Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công. Tiếp tục rà soát, giải quyết hiệu quả chính sách hỗ trợ người có công, bảo đảm công khai, minh bạch; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm sai phạm. Hoàn thiện chính sách giảm nghèo, khuyến khích người nghèo, cận nghèo tích cực, chủ động tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời ngăn chặn, xử lý nghiêm việc trục lợi chính sách. Ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, bền vững. Phấn đấu giảm 1% - 1,5% số hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều; riêng các huyện nghèo giảm 4%.

Tăng cường bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai

Cùng với các nhiệm vụ và giải pháp nêu trên là nhiệm vụ và giải pháp phát huy nguồn lực tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng, khắc phục tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai, tài nguyên, khoáng sản,... Bảo vệ, phát triển rừng bền vững, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 41,85%.

Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí

Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 

Thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực; xử lý nghiêm các vi phạm. Nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực.

Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

Nghị quyết nêu rõ, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng, hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong đó, bám sát tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, kiên quyết đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát quyền lực và trách nhiệm giải trình. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ. Xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, đổi mới phương thức, lề lối làm việc (tăng tối thiểu 20% số lượng cuộc họp theo hình thức trực tuyến; cắt giảm 20% chế độ báo cáo định kỳ). Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý và các tiêu chí đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm gắn với chế độ tiền lương, thưởng, phụ cấp.

Tích cực triển khai Nghị quyết số 19/NQ-TW, hoàn thiện khung khổ pháp lý, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Hoàn thiện khung khổ pháp lý chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần. Đẩy mạnh tiến độ thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Sắp xếp lại, đổi mới cơ chế hoạt động của quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, cơ chế tài chính đặc thù đối với cơ quan, đơn vị trong ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật.

II. TIN HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẢNG ỦY KHỐI VÀ CƠ SỞ

Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương học tập chuyên đề năm 2019

Chiều 14/12, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập chuyên đề năm 2019 “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” bằng hình thức trực tuyến tới 53 điểm cầu ở các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương.

Các đồng chí: Võ Văn Phuông - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Bùi Trường Giang, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương dự và chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, có các đồng chí: Phạm Viết Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối; Lê Văn Châu - Phó Bí thư Đảng ủy Khối cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối; đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị của Đảng ủy Khối; thường trực các Đảng ủy trực thuộc và cán bộ, đảng viên Cơ quan Đảng ủy Khối.

Hội nghị đã nghe PGS.TS Bùi Đình Phong, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh giới thiệu những nội dung cơ bản của chuyên đề năm 2019 về “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Khẳng định tầm quan trọng của việc học tập chuyên đề năm 2019, Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu, quán triệt, thực hiện trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về những nội dung của chuyên đề năm 2019. Ban Tuyên giáo các cấp tham mưu, giúp cấp ủy cùng cấp chỉ đạo việc tổ chức nghiên cứu, học tập và tuyên truyền cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ cụ thể của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, nhằm tạo động lực to lớn cho công cuộc đổi mới, góp phần đẩy mạnh xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, củng cố hệ thống chính trị trong giai đoạn hiện nay.

Hội nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tháng 12/2018

Ngày 21/12, tại tỉnh Bình Phước, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương họp phiên thường kỳ tháng 12/2018. Đồng chí Phạm Viết Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã cho ý kiến vào tờ trình Chương trình hành động của Đảng ủy Khối thực hiện các nội dung Hội nghị Trung ương 8, khóa XII; các tờ trình về việc: phân công công tác các đồng chí trong Thường trực Đảng ủy Khối, nhiệm kỳ 2015 - 2020; chỉ định bổ sung Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhiệm kỳ 2015 - 2020; công tác cán bộ tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; ban hành Quyết định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của Đảng ủy Khối, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; ban hành chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Đảng ủy Khối; xin ý kiến về dự thảo Chương trình kiểm tra, giám sát của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối năm 2019; xin ý kiến dự thảo Nghị quyết nhiệm vụ công tác năm 2019 của Đảng bộ Khối; xin lùi thời gian trình Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 10-KL/ĐUK của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối “về tiếp tục đẩy mạnh công tác nắm bắt, nghiên cứu, phản ánh tư tưởng và dư luận xã hội”. Thảo luận và cho ý kiến một số nội dung khác.

Cùng ngày, Đoàn công tác của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương do đồng chí Phạm Viết Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương làm trưởng Đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Bình Phước.

Tại buổi làm việc, Bí thư Đảng ủy Khối DNTW đã nhấn mạnh các hoạt động của Đảng ủy Khối thời gian qua và mong muốn trong thời gian tới Tỉnh ủy Bình Phước và Đảng ủy Khối tiếp tục có sự phối hợp, trao đổi kinh nghiệmtrong thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương.

Nhân dịp này, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) hỗ trợ 3 tỷ đồng cho huyện Lộc Ninh để xây dựng 8 phòng học trường Tiểu học Lộc Tấn A - huyện miền núi biên giới phía Tây - Bắc của tỉnh Bình Phước tiếp giáp với huyện Sanuol tỉnh Kratie và Mimot, tỉnh Congpongcham của Campuchia.

Khai giảng lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương

Sáng 10/12, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Lễ khai giảng Lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ Khối nhiệm kỳ 2015-2020 và  2020-2025.

Dự lễ khai giảng có các đồng chí: GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS Phạm Viết Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối DNTW; Lê Văn Châu - Phó Bí thư Đảng ủy Khối, Trưởng ban tổ chức lớp học cùng 98 học viên là cán bộ các Ban, đơn vị Đảng ủy Khối, cán bộ chủ chốt các đảng ủy tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối thuộc diện quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối DNTW nhiệm kỳ 2015 - 2020 và nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Phát biểu tại lễ khai giảng, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và đồng chí Phạm Viết Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối DNTW nêu rõ vai trò, tầm quan trọng của lý luận trong thực hiện các phong trào cách mạng cũng như việc học tập, bồi dưỡng kiến thức đối với cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng bộ Khối. Các đồng chí nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Đảng ủy Khối tổ chức lớp bồi dưỡng cho cán bộ thuộc diện quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối nhiệm kỳ 2015 - 2020 và nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc tổ chức lớp cán bộ dự nguồn là chương trình quan trọng, vừa có ý nghĩa trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trong thời gian từ tháng 12/2018 đến tháng 5/2019, các học viên sẽ được các giảng viên, báo cáo viên của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, của Đảng ủy Khối  truyền đạt 28 chuyên đề tập trung vào các nội dung, như: Nhận thức mới về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; Cục diện thế giới hiện nay và đường lối đối ngoại của Việt Nam; Những giá trị bền vững của Chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay; Phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh với việc rèn luyện cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng; Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa XII); Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, 7 (khóa XII); xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân; xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế; chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới công tác phòng chống tham nhũng hiện nay và bài học rút ra qua một số vụ án lớn ở các doanh nghiệp nhà nước; chiến lược bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII;…

Hội nghị báo cáo viên và giao ban công tác Tuyên giáo Quý IV/2018

Ngày 6/12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức Hội nghị báo cáo viên và giao ban công tác Tuyên giáo Quý IV/2018.Đồng chí Lê Văn Châu - Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có đồng chí Đoàn Thị Hồng Nga - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối cùng đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị, báo cáo viên của Đảng ủy Khối; các đồng chí phó bí thư phụ trách công tác Đảng và trưởng, phó ban Tuyên giáo các đảng ủy trực thuộc.

Tại Hội nghị báo cáo viên, các đại biểu được nghe Chuẩn đô đốc Phạm Văn Luyện - Phó chủ nhiệm Chính trị quân chủng Hải quân cung cấp thông tin về tình hình Biển Đông thời gian gần đây và dự báo trong thời gian tới; công tác xây dựng lực lượng Hải quân chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; những thành tựu của công tác đối ngoại đa phương trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

Tại buổi giao ban công tác Tuyên giáo Quý IV/2018, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận tình hình triển khai nhiệm vụ chính trị trong quý IV/2018, những khó khăn, thuận lợi, những vấn đề còn vướng mắc cần tháo gỡ, nhằm triển khai tốt hơn trong thời gian tới; xung quanh việc triển khai học tập, quán triệt nghị quyết của Trung ương bằng hình thức trực tuyến; sử dụng bản tin sinh hoạt chi bộ hàng tháng trên Tạp chí Điện tử của Đảng ủy Khối. Bên cạnh đó, các đại biểu còn phản ánh những khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ trong quá trình triển khai thực hiện Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW, ngày 05/10/2018 của Ban Tổ chức Trung ương về việc thực hiện hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của đảng ủy với các cơ quan chuyên môn có chức năng, nhiệm vụ tương đồng của doanh nghiệp theo Quy định số 69-QĐ/TW của Ban Bí thư khóa XII. Trao đổi kinh nghiệm, phản ánh những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện chương trình bồi dưỡng 06 chuyên đề cho cán bộ, đảng viên và người lao động theo Hướng dẫn số 40, 41, 42, 43, 44, 45 của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Văn Châu đã định hướng công tác tuyên truyền thời gian tới, đề nghị các đảng ủy trực thuộc tập trung vào triển khai xây dựng chương trình hành động thực hiện các nội dung Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) của Đảng; chú trọng đầu tư lắp đặt, ứng dụng thiết bị họp trực tuyến; kiện toàn đội ngũ báo cáo viên cơ sở; tuyên truyền những nội dung chính của Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV và kết quả giữa nhiệm kỳ cũng như các hoạt động thi đua hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh và công tác xây dựng Đảng năm 2018 của đơn vị.

Nâng cao chất lượng công tác tư tưởng và dư luận xã hội trong Đảng bộ Khối

Vừa qua, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác tư tưởng và dư luận xã hội quý IV/2018. Tham dự Hội nghị giao ban có đại diện lãnh đạo, cán bộ Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối và cộng tác viên dư luận xã hội các Đảng ủy trực thuộc.

Theo báo cáo tại hội nghị, thời gian qua, tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và người lao động tại các đảng ủy trực thuộc Khối ổn định. Đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội đã duy trì, chủ động nắm bắt và phản ánh tình hình tư tưởng, dư luận xã hội một cách kịp thời. Trong đó, dư luận và cán bộ công nhân viên, người lao động trong Khối bày tỏ sự quan tâm, tin tưởng đến các chủ trương, chính sách cũng như hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước; về Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XII); tập trung nắm dư luận xã hội về các chủ đề khác như sự kiện chính trị, môi trường, tệ nạn xã hội, công tác cán bộ và các vấn đề quốc tế...

Tại hội nghị, đã có nhiều kiến nghị, đề xuất với Ban Thường vụ Đảng ủy Khối những vấn đề như: Những thuận lợi và bất cập trong triển khai học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước bằng hình thức trực tuyến; những bất cập trong thực hiện văn bản số 17-HD/BTCTW ngày 5/10/2018 của Ban Tổ chức Trung ương về hướng dẫn thực hiện hợp nhất các cơ quan tham mưu, giúp việc của đảng ủy với các cơ quan chuyên môn có chức năng, nhiệm vụ tương đồng trong doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối theo Quy định số 69-QĐ/TW của Ban Bí thư khóa XII; những vấn đề bất cập, rườm rà trong triển khai kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp,…

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã thông tin tới các đại biểu dự Hội nghị một số vấn đề tác động đến dư luận xã hội hiện nay và định hướng nhiệm vụ cộng tác viên dư luận xã hội Quý I/2019, cần chú trọng thực hiện các nhiệm vụ và nâng cao chất lượng hoạt động để công tác nắm bắt dư luận xã hội đạt hiệu quả thiết thực hơn trong thời gian tới.

Đoàn công tác của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương thăm và làm việc với Công ty Cao su Phú Riềng

Ngày 21/12, tại tỉnh Bình Phước, Đoàn công tác của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương do đồng chí Phạm Viết Thanh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với Công ty Cao su Phú Riềng (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam).

Cùng đi với đoàn có các đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy Khối: Lê Văn Châu, Phạm Tấn Công và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành, trưởng các ban, đơn vị của Đảng ủy Khối.

Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Ngọc Thuận - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CN Cao su Việt Nam cho biết: Từ những chủ trương đúng đắn và bám sát tình hình thực tiễn, nhiệm kỳ 2010-2015, Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng liên tục được xếp vào tốp dẫn đầu của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và Đảng bộ tỉnh với thành tích hoàn thành xuất sắc, toàn diện các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động và phục vụ dân sinh góp phần cùng với địa phương xây dựng nông thôn mới.

Trước những khó khăn về giá mủ cao su xuống thấp, Ban Chấp hành Đảng bộ Công ty đã căn cứ nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Bình Phước, Nghị quyết Đảng bộ Công ty, các chỉ tiêu được giao để cụ thể hóa nghị quyết, xây dựng các giải pháp thực hiện; động viên cán bộ, đảng viên, công nhân lao động khắc phục khó khăn, tập trung cho sản xuất nhằm hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Cụ thể, sản lượng khai thác hàng năm của Công ty đạt trên 25.000 đến 28.000 tấn, mỗi năm khai thác vượt kế hoạch tập đoàn giao trên 10% (trên 2.500 tấn); năng suất vườn cây tăng nhanh, trong 15 năm từ năm 2004 – 2018 đã tăng gần 2,2 lần, 12 năm liền ổn định ở mức trên 2 tấn/ha, là một trong số rất ít Công ty có 12 năm liền nằm trong câu lạc bộ 2 tấn của Tập đoàn và có 12/12 Nông trường nằm trong câu lạc bộ 2 tấn của Tập đoàn; công tác trồng mới - tái canh và chăm sóc vườn cây luôn được quan tâm và thực hiện tốt, 12 năm liền là đơn vị nằm trong tốp dẫn đầu Tập đoàn.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phạm Viết Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã ghi nhận những nỗ lực của cán bộ, CNVC-LĐ Công ty Cao su Phú Riềng đã vượt qua những khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu được giao, luôn là đơn vị ngọn cờ đầu của Tập đoàn cũng như ngành Cao su.

Đồng chí lưu ý, trong những năm tiếp theo, ngành Cao su tiếp tục còn gặp không ít khó khăn do tác động của sự biến đổi khí hậu dẫn đến thiên tai và tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp; thị trường truyền thống tiếp tục thiếu ổn định, giá bán mủ cao su đang trên đà giảm nhanh và chưa có dấu hiệu phục hồi, từ đó ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận, thu nhập của người lao động. Vì vậy, đồng chí tin tưởng rằng, kế thừa và phát huy truyền thống Phú Riềng Đỏ hào hùng, viết tiếp trang sử vàng lịch sử hình thành và phát triển của giai cấp Công nhân cao su Việt Nam, đội ngũ cán bộ, CNVC-LĐ đơn vị sẽ đạt và vượt kế hoạch, chỉ tiêu mà Tập đoàn CN Cao su Việt Nam giao. Bên cạnh đó, tăng hiệu quả sử dụng đất từ việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật để sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và các sản phẩm chế biến sâu từ mủ cao su. Duy trì và phát triển vị thế là một Công ty mạnh trong Tập đoàn và tỉnh Bình Phước, giữ vai trò chủ đạo trong việc thực hiện các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và đảm bảo an sinh xã hội trong phạm vi tổ chức sản xuất của Công ty. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động.

Trước đó, Đoàn công tác của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã dâng hương tại Tượng đài Phú Riềng Đỏ - nơi thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng, là Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Miền Đông Nam bộ, một trong những chiếc nôi đầu tiên của phong trào đấu tranh cách mạng.

Đoàn cũng đã đến thăm nhà máy, dây chuyền chế biến mủ cốm, mô hình xử lý nước thải, sản xuất bao bì, tem, nhãn tại Nhà máy Chế biến Trung tâm thuộc Công ty Cao su Phú Riềng; thăm vườn cây kinh doanh, vườn cây kiến thiết cơ bản và mô hình trồng xen canh tại tổ 12 - Nông trường Phú Riềng đỏ. Thăm và làm việc với Công ty Cổ phần Cao su kỹ thuật Đồng Phú - Công ty con của Công ty CP Cao su Đồng Phú (thành viên của Tập đoàn CN Cao su Việt Nam). Đây là đơn vị đầu tiên trong ngành cao su sản xuất sản phẩm Foam - Nệm - Gối từ 100% cao su thiên nhiên. Với dây chuyền sản xuất và công nghệ hiện đại của Malaysia, Cộng hòa Liên bang Đức, sản phẩm đảm bảo tuyệt đối về chất lượng cũng như an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Đoàn thanh niên Khối triển khai nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm 2019

Ngày 27/12/2018, tại Hà Nội, Ban Thường vụ Đoàn thanh niên Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm 2018, phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2019. 

Trong năm 2018, Ban Thường vụ Đoàn Khối đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm kịp thời nắm bắt thông tin cũng như có sự tương tác thường xuyên với đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở; thực hiện cải cách hành chính, tiết kiệm trong công tác tổng hợp, văn thư lưu trữ của Đoàn. Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn tiếp tục triển khai Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030” trong Khối Doanh nghiệp Trung ương. Tổ chức tuyên truyền các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn của dân tộc bằng nhiều hình thức thiết thực như: treo băng rôn, khẩu hiệu, tranh ảnh tuyên truyền trực quan sinh động ở trụ sở cơ quan, xí nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của đơn vị trên fanpage, group chat, website, bản tin nội bộ. 100% các cơ sở Đoàn trực thuộc đồng loạt tổ chức “Ngày đoàn viên” từ 23-25/3/2018 thu hút hơn 75.000 đoàn viên tham gia, với nhiều hình thức, hoạt động đa dạng, phong phú.

Trong năm 2018, đã có 1856 đề án nghiên cứu khoa học, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong lao động sản xuất, làm lợi cho doanh nghiệp hàng tỷ đồng; hơn 26.000 ý tưởng của cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong Khối tham gia vào Ngân hàng ý tưởng sáng tạo Thanh niên Việt Nam được Trung ương Đoàn đánh giá cao. Các cấp bộ Đoàn trong Khối đã đảm nhận thực hiện 1.815 công trình thanh niên (trong đó có06 công trình, đề tài, sản phẩm sáng tạo cấp Trung ương Đoàn, 155 công trình cấp Khối, 687công trình cấp huyện, 967 công trình cấp cơ sở) làm lợi cho đơn vị hàng chục tỷ đồng.

Công tác tham gia xây dựng Đảng được các cơ sở Đoàn trong Khối quan tâm chú trọng, đặc biệt là việc tiếp tục triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Đoàn viên, thanh niên phấn đấu trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”. Trong năm 2018, các cơ sở Đoàn trong Khối đã giới thiệu cho Đảng 3.891đoàn viên ưu tú, trong đó có 1.746 đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Với những thành tích nổi bật, Đoàn thanh niên Khối Doanh nghiệp Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ Thi đua vì đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2017; Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc công tác Đoàn và Phong trào thanh thiếu nhi năm 2018. 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phạm Tấn Công - Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương biểu dương những kết quả đạt được và yêu cầu, trong năm 2019 Đoàn thanh niên Khối phải bám sát chỉ đạo của Trung ương Đoàn và cấp ủy các cấp trong Khối, chỉ đạo và định hướng các nội dung hoạt động Đoàn cho phù hợp; phấn đấu về đích, hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đảng bộ Khối nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra. Chú trọng quan tâm đến công tác giáo dục, bồi dưỡng niềm tin và lý tưởng cho đoàn viên thanh niên; đổi mới sáng tạo trong công tác tuyên truyền, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết đoàn gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; thường xuyên nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng của đoàn viên thanh niên. Tiếp tục phát huy mạnh mẽ các phong trào ”tuổi trẻ sáng tạo, ”thanh niên tình nguyện”, ”tuổi trẻ xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”,... Đồng thời, cần khơi dậy khát vọng, sức mạnh sáng tạo trong thanh niên Khối để sáng tạo trở thành sức sống tự thân của mỗi bạn trẻ, xuất phát từ chính nhu cầu thực tiễn cuộc sống mà không phải bắt nguồn từ sức ép hành chính. Qua đó ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế; có những bước đột phá, đi đầu, tỏa sáng trong phong trào sáng tạo trẻ của thanh niên toàn quốc, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

PVN đạt doanh thu 542.344 tỷ đồng trong 11 tháng 2018

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa cho biết, hết tháng 11/2018, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 542.344 tỷ đồng, vượt 16,8% so với kế hoạch 11 tháng và vượt 2,2% kế hoạch năm. Với doanh thu này, PVN nộp ngân sách Nhà nước 108.122 tỷ đồng, vượt 46,5% kế hoạch cả năm 2018.

Theo PVN, 11 tháng năm 2018, PVN tiếp tục phải thực hiện các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong bối cảnh thị trường dầu khí có nhiều biến động, kinh tế thế giới tiềm ẩn không ít rủi ro, trong khi đó, nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc của Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên vẫn chưa được tháo gỡ kịp thời. Song, với tinh thần, quyết tâm cao nhất, chủ động trong việc xây dựng và đề ra các giải pháp thực hiện, PVN đã cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra trong tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2018.

Tổng sản lượng khai thác quy dầu tháng 11 đạt 1,99 triệu tấn, vượt 11,3% so với kế hoạch tháng, tính chung 11 tháng đạt 22,1 triệu tấn, vượt 5,4% so với kế hoạch 11 tháng và bằng 96,8% kế hoạch năm. Các hoạt động sản xuất điện, xăng dầu và đạm đều đạt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đặc biệt là sản xuất đạm tháng 11 đạt 97 nghìn tấn, tính chung 11 tháng đạt 1,477 triệu tấn, vượt 5,2% kế hoạch 11 tháng và 96,4% kế hoạch năm. Sản xuất xăng dầu toàn Tập đoàn tháng 11 đạt 1,068 triệu tấn, vượt 7,1% so với kế hoạch tháng, tính chung 11 tháng đạt 8,53 triệu tấn, bằng 72,4% kế hoạch năm.

Tính đến hết tháng 11/2018, về cơ bản các đơn vị trong Tập đoàn đều giữ được nhịp độ sản xuất kinh doanh và hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, trong đó có 03 đơn vị hoàn thành vượt mức kế hoạch cả năm các chỉ tiêu tài chính hợp nhất (tổng doanh thu, lợi nhuận trước thuế, lợi nhuận sau thuế, nộp ngân sách nhà nước) là BSR, PVGas, PVTrans. Có 02 đơn vị hoàn thành vượt mức kế hoạch cả năm chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế hợp nhất là PVI và PVCFC.

Vietcombank ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện với Tổng Công ty đường sắt Việt Nam

Vừa qua, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã tổ chức Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong quan hệ giữa hai đơn vị.

Thông qua việc ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện, hai bên thống nhất tinh thần hợp tác trên cơ sở đảm bảo công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả. Theo đó, Vietcombank sẽ cung cấp các gói giải pháp tài chính toàn diện, từ các dịch vụ ngân hàng bán buôn bao gồm tài trợ các dự án, tài trợ vốn lưu động, thanh toán quốc tế, quản lý dòng tiền… cho đến các dịch vụ cho vay tài chính cá nhân với chi phí hợp lý và chất lượng dịch vụ cao nhất.

Việc Vietcombank và VNR ký kết Thỏa thuận hợp tác toàn diện là rất quan trọng đối với cả 2 bên. Vietcombank hy vọng trong thời gian tới sẽ là đối tác toàn diện của VNR trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, lĩnh vực thanh toán, quản lý các giao dịch tập trung, dịch vụ bán lẻ và các hợp đồng đầu tư dự án. Vietcombank cam kết sẽ cung ứng những dịch vụ trên với chất lượng tốt nhất và hy vọng VNR và các công ty thành viên sẽ sử dụng trọn vẹn các sản phẩm dịch vụ của Vietcombank.

Nhân dịp này, Vietcombank và VNR cũng thực hiện ký Hợp đồng tín dụng. Theo đó, Vietcombank cam kết tài trợ gói tín dụng trung dài hạn trị giá hơn 260 tỷ đồng để Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn (Công ty con của VNR) thực hiện đầu tư mới 30 toa xe chở khách và 50 toa xe chở hàng. Hai bên cũng thỏa thuận tăng cường hợp tác đối với các dịch vụ bán lẻ thông qua Thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện.

Bằng việc ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện và Hợp đồng tín dụng, Vietcombank một lần nữa khẳng định vị trí đối tác ngân hàng chiến lược đối với hoạt động của VNR nói riêng đồng thời khẳng định cam kết của một ngân hàng lớn đối với sự phát triển của ngành đường sắt nói chung.

III. TIN THAM KHẢO

Chính sách tiền tệ đóng góp vào tăng trưởng ổn định

Trong năm 2018, với sự chủ động, linh hoạt trong điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dù có nhiều áp lực từ thị trường quốc tế nhưng tỷ giá trong nước vẫn tương đối ổn định, tín dụng dù tăng trưởng hợp lý, vốn đến đúng địa chỉ, lạm phát nằm trong mục tiêu đã đề ra.

Giữ ổn định tỉ giá trước biến động

Trao đổi với báo chí, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế chính trị thế giới năm 2018 có nhiều thách thức và biến động bất thường, nhưng lạm phát bình quân năm 2018 tiếp tục được kiểm soát phù hợp mục tiêu 4% - đánh dấu thành công trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của NHNN tiếp tục góp phần quan trọng trong việc điều hành lạm phát do Chính phủ và Quốc hội giao.

NHNN đã điều hành chính sách lãi suất một cách một cách linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô và diễn biến thị trường, giữ mặt bằng lãi suất tương đối ổn định để tạo điều kiện đảm bảo nguồn vốn cho kinh doanh sản xuất, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, tháng 1/2018, trên cơ sở xem xét, phân tích các yếu tố vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối và cân đối tổng thể cung-cầu, NHNN đã điều chỉnh giảm lãi suất chào mua OMO từ 5%/năm xuống còn 4,75%/năm để góp phần giảm chi phí vốn cho tổ chức tín dụng (TCTD).

Ngay từ đầu năm, một số ngân hàng thương mại (NHTM) đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Từ đó đến cuối năm, NHNN đã điều hành để giữ mặt bằng lãi suất trong nước tương đối ổn định trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thế giới tăng lên do các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.  Nhờ đó tạo điều kiện đảm bảo nguồn vốn cho kinh doanh sản xuất, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng tăng phù hợp với mục tiêu, cơ cấu tín dụng theo đồng tiền diễn biến phù hợp với chủ trương chống Đô-la hóa của Chính phủ, chuyển dần từ quan hệ gửi-vay sang quan hệ mua-bán ngoại tệ, tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên tăng cao hơn tín dụng chung và tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro có xu hướng chậm lại.

Trên thị trường ngoại tệ, dù có nhiều áp lực từ thị trường quốc tế nhưng tỷ giá trong nước vẫn tương đối ổn định, đặc biệt khi so với mức độ mất giá của các đồng tiền mới nổi và đang phát triển, thanh khoản thị trường vẫn đảm bảo, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, các nhu cầu mua ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời và NHNN mua ròng ngoại tệ, bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước (DTNHNN).

Về điều hành tín dụng, ngay từ đầu năm, căn cứ mục tiêu tăng trưởng và lạm phát Quốc hội giao, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tín dụng cả năm tăng khoảng 17%, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Trong điều hành, NHNN đã có nhiều chỉ đạo, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh (SXKD), tăng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế như chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm; mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, tập trung vốn vào các lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro; kiên định các giải pháp chính sách để giảm dần tín dụng ngoại tệ phù hợp với chủ trương chống Đô-la hóa của Chính phủ, chuyển dần từ quan hệ gửi – vay ngoại tệ sang quan hệ mua – bán ngoại tệ.

Điều hành chính sách tiền tệ cũng đã đảm bảo ổn định thanh khoản thị trường tiền tệ, giảm mặt bằng lãi suất liên ngân hàng, tạo điều kiện  để phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn dài và lãi suất thấp hơn.

Nhờ các yếu tố vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát chặt chẽ, môi trường kinh doanh được cải thiện mà Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế uy tín nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia, cải thiện hình ảnh trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ B1 lên Ba3 với triển vọng thay đổi từ ổn định sang tích cực vào ngày 11/8/2018. Fitch nâng xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn bằng ngoại tệ (IDR) của Việt Nam từ mức BB- lên mức BB với triển vọng ổn định.

Thách thức khó lường năm 2019

Ở trong nước, nền kinh tế đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt với các khó khăn thách thức. Điểm thuận lợi lớn là tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục đà hồi phục vững chắc trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Kỳ vọng vào lạm phát ở mức thấp được neo giữ ngày càng vững; rủi ro vĩ mô giảm mạnh. Niềm tin của nhà đầu tư đối với kinh tế trong nước được củng cố khi Chính phủ chỉ đạo sát sao, đẩy mạnh cải cách, phát triển kinh tế tư nhân, chú trọng tăng trưởng bền vững. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiềm ẩn những rủi ro đối với hoạt động xuất khẩu nhưng hứa hẹn những cơ hội, cùng với việc Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019, đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ từ các cơ quan, doanh nghiệp trong nước để tận dụng cơ hội, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.

Về kiểm soát lạm phát, có những yếu tố thuận lợi để kiểm soát lạm phát năm 2019 theo mục tiêu đặt ra. Đó là, kỳ vọng lạm phát ổn định và được neo quanh mức 4% do thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát lạm phát những năm qua; Chính phủ điều hành sát sao giúp quan hệ cung cầu trong nền kinh tế đối với các hàng hóa quan trọng, thiết yếu được giữ ổn định, cân bằng; không có những cú sốc đột biến, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá; các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ theo chỉ đạo của Chính phủ trong việc điều chỉnh các loại giá Nhà nước quản lý (điện, y tế, giáo dục), đảm bảo không gây tác động tiêu cực lên kỳ vọng lạm phát và kiểm soát lạm phát tổng thể theo mục tiêu đặt ra…

Tiếp tục điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường tiền tệ và yêu cầu quản lý; ổn định thị trường ngoại tệ; tăng trưởng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát việc cho vay bằng ngoại tệ; tăng dự trữ ngoại hối nhà nước khi có điều kiện thuận lợi.

Cụ thể, về điều hành lãi suất, trên cơ sở bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, NHNN tiếp tục thực hiện linh hoạt các giải pháp về lãi suất, kết hợp đồng bộ với các công cụ CSTT khác nhằm ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong điều hành tỷ giá, NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường tài chính, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ khác để ổn định thị trường ngoại tệ.

Đối với tín dụng, quan điểm của NHNN điều hành các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của nền kinh tế. Tiếp tục tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, kiên định kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ, giảm dần và có lộ trình phù hợp.

Về định hướng điều hành nghiệp vụ thị trường mở: Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình vốn khả dụng của các TCTD, diễn biến thị trường tiền tệ, ngoại hối để điều hành chủ động, linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở nhằm đảm bảo thanh khoản cho hệ thống, ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát tiền tệ, hỗ trợ ổn định tỷ giá.

Về định hướng điều hành tái cấp vốn và dự trữ bắt buộc, thực hiện tái cấp vốn cho TCTD với khối lượng, lãi suất và thời hạn hợp lý để hỗ trợ thanh khoản, cho vay theo các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu. Điều hành công cụ dự trữ bắt buộc đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác.

Giá xăng, dầu tiếp tục giảm

Từ 0h ngày 1/1/2019, giá xăng E5 giảm 515 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 538 đồng/lít. Các mặt hàng dầu như diesel giảm mạnh 1.092 đồng/lít, dầu hỏa giảm 818 đồng/lít và dầu mazut giảm 733 đồng/kg.

Như vậy, sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán xăng E5 không cao hơn 16.272 đồng/lít; xăng RON 95 không cao hơn 17.603 đồng/lít; dầu diesel không cao hơn 14.909 đồng/lít; dầu hỏa giá bán không cao hơn 14.185 đồng/lít; dầu mazut không cao hơn 13.275 đồng/kg.

Đây là lần đầu tiên giá xăng giảm trong năm 2019 và là lần giảm thứ 6 liên tiếp kể từ tháng 10/2018, với tổng mức giảm khoảng hơn 4.500 đồng/lít. Giá xăng hiện nay thấp hơn 2.500 đồng/lít so với đầu năm 2018.

Bộ Công Thương cho biết, Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Theo đó, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol) là 4.000 đồng/lít, dầu diesel là 2.000 đồng/lít, dầu hỏa là 1.000 đồng/lít, dầu mazut là 2.000 đồng/lít.

Theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 28/12/2018 của Chính phủ về phương án điều hành giá xăng dầu ngày 1/1/2019, Chính phủ thống nhất kỳ điều hành giá xăng dầu kế tiếp sau kỳ điều hành ngày 21/12/2018 là kỳ điều hành ngày 1/1/2019; đồng thời lấy ngày 1/1/2019 là thời điểm để tính chu kỳ điều hành giá tiếp theo theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới từ 21-31/12/2018 là 53,358 USD/thùng xăng RON 92; 55,485 USD/thùng xăng RON 95; 62,760 USD/thùng dầu diesel; 65,733 USD/thùng dầu hỏa; 333,308 USD/tấn dầu mazut.

Bộ Công Thương cho hay, nhằm mục đích điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo giá xăng dầu trong nước phản ánh xu hướng giá thành phẩm xăng dầu thế giới, đồng thời tiếp tục góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, hỗ trợ đời sống sinh hoạt của người dân, Liên Bộ trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: Xăng E5RON92 giữ nguyên mức trích lập như hiện hành; xăng RON95 là 500 đồng/lít; dầu diesel là 800 đồng/lít; dầu hỏa 700 đồng/lít...

Thời gian trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu áp dụng từ 0h ngày 1/1/2019. Việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu quy định nhưng không muộn hơn 0h ngày 1/1/2019 đối với các mặt hàng xăng dầu.

Thời điểm trên cũng là thời điểm Liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố giá cơ sở kỳ công bố cho đến trước ngày Liên Bộ công bố giá cơ sở kỳ kế tiếp. Việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu quyết định phù hợp với các quy định tại Nghị định số 83, Thông tư Liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC, Thông tư liên tịch số 90/2016/TTLT-BTC-BCT.

IV. VĂN BẢN, QUYẾT ĐỊNH MỚI

Chương trình hành động thực hiện các nội dung Hội nghị Trung ương 8, khóa XII của Đảng

Ngày 28/12/2018, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã ban hành Chương trình hành động số 22-CTr/ĐUK về thực hiện các nội dung Hội nghị Trung ương 8, khóa XII của Đảng. Theo đó, tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nghiêm túc các nội dung Hội nghị Trung ương 8, khóa XII của Đảng để các cấp ủy, tổ chức đảng, tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên, người lao động nắm vững và triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong Khối và người đứng đầu chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp một cách đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và quyết tâm cao.

Các cấp ủy đảng trong Đảng bộ Khối và bí thư cấp ủy, người đứng đầu doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị các cấp căn cứ Nghị quyết của Trung ương, Kế hoạch 59-KH/ĐUK ngày 09/11/2018 của Đảng ủy Khối để tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nội dung Hội nghị Trung ương 8, khóa XII của Đảng nghiêm túc, hiệu quả (các đảng ủy trực thuộc hoàn thành trước ngày 23/12/2018, các đảng ủy cơ sở hoàn thành trước ngày 23/01/2019). Bên cạnh đó, các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo và tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi các nội dung Hội nghị Trung ương 8, khóa XII của Đảng trong đoàn viên, hội viên, người lao động trên các phương tiện truyền thông của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị với các hình thức phù hợp và thường xuyên.

Nội dung Chương trình hành động được đăng tải trên Tạp chí Điện tử Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương./.

--------------------

.
.
.
.