.
.

Cơ hội cho giao dịch hàng hóa tương lai

Thứ Hai, 26/12/2011|22:13

 

Vừa qua, tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2011 và triển vọng 2012 - cơ hội cho giao dịch hàng hóa tương lai” do VCCI chủ trì, các đại biểu đã nhận định Việt Nam và thế giới tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu và biến động chính trị ở nhiều nước trên thế giới có thể đột biến, kéo dài và nặng nề.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đã khẳng định tầm quan trọng của hội thảo trong việc phân tích, định hướng và dự báo về kinh tế năm 2012 để giúp các doanh nghiệp định hướng, đề ra chiến lược sản xuất kinh doanh, giao dịch hàng hóa trong tương lai. Đồng thời chủ tịch VCCI nhấn mạnh Việt Nam phải phấn đấu để giảm lạm phát xuống dưới 10% như mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra.

Tại hội thảo, bức tranh kinh tế Việt Nam 2011 đã được Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng nghiên cứu phát triển kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển KTXH Hà Nội thu gọn với 5 cú sốc kinh tế lớn, đó là: dồn dập điều chỉnh tỷ giá (tăng 9,3% từ ngày 11/2/2011) và tăng giá xăng, dầu (tăng từ 17-24%) và giá điện (tăng 15,2% từ 1/3/2011);  Hỗn chiến kiểm soát thị trường ngoại hối, sự chênh lệch kéo dài giá vàng trong và ngoài nước; Bùng nổ nợ khó đòi ngân hàng và đổ vỡ tín dụng đen; Đại hạ giá trên thị tường bất động sản và chứng khoán; Tăng vọt bất thường lượng doanh nghiệp thua lỗ.

Theo đó, trong 10 tháng đầu năm 2011 cả nước có hơn 57.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (giảm 10% về lượng và 64% về vốn so với cùng kỳ năm ngoái) nhưng hơn 5.800 doanh nghiệp giải thể, gần 11.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động và gần 31.500 doanh nghiệp dừng nộp thuế tuy chưa đăng ký giải thể. Như vậy, số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động tăng gần 22% so với năm ngoái. Mặt khác, nợ công Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức như quy mô tăng nhanh vượt dự báo; điều kiện nó ngày càng ngặt nghèo hơn; dịch vụ nợ tăng nhanh, hệ số an toàn nợ giảm; đầu tư công chưa hiệu quả là nguồn gốc lớn nhất làm tăng nợ công.

Từ đó, Tiến sĩ Phong cũng khẳng định rằng, với nội lực yếu kém của kinh tế Việt Nam 2011, Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức lớn bởi dự báo kinh tế thế giới trong năm 2012 sẽ tiêu cực hơn, đặc biệt là ở những nền kinh tế đứng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, EU. Không những thế, thị trường chứng khoán, bất động sản tiếp tục trì trệ, khủng hoảng nợ công ở nhiều nước tiếp tục tăng thêm, nguy cơ giá lương thực thực phẩm, nguyên liệu. Đặc biệt, giá vàng sẽ tiếp tục biến động mạnh, nhiều đồng tiền chủ chốt trên thế giới tiếp tục xu hướng yếu và yếu hơn, kể cả USD, Euro cũng như khả năng đồng Nhân dân tệ, Yên Nhật và Rúp Nga sẽ tăng giá chậm.

Tuy nhiên, một số cơ hội quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam năm 2012 cũng được Tiến sĩ Phong đưa ra. Theo đó, kinh tế liên tục tăng trưởng khá cao, GDP giai đoạn 2006-2010 bình quân đạt 7% năm (theo WB, cao hơn bình quân của Thái Lan (3,6%), Malaysia (4,5%), Phillipin (4,9%), Indonesia (5,7%), Singapore (6,5%). Xuất khẩu tăng cao, nhập siêu giảm (kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu 2011 đạt trên 70 tỷ USD, ước tính cả năm đạt 95%) trong khi nhập siêu cả năm ước tính khoảng 10 tỷ USD, bằng 10,5% tổng kim ngạch XK, thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch không quá 18%.

Bên cạnh đó, thị trường ngoại hối chuyển biến tích cực, tỷ giá dần ổn định. Nợ công được giữ ở mức an toàn. An ninh năng lược và an ninh lương thực được bảo đảm và chính trị xã hội ổn định.

Từ những nhận định về thách thức và cơ hội của kinh tế VN năm 2012, Tiến sĩ Phong cũng đưa ra những giải pháp vĩ mô lớn như ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, xúc tiến ba đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh…

Đặc biệt, Tiến sĩ nhấn mạnh tính quan trọng và cấp thiết của việc tái cấu trúc kinh tế bởi tái cấu trúc kinh tế chính là cơ cấu kinh tế hiện đại mà trong đó, chiếm tỷ trọng ưu thế vượt trội là những ngành sản kinh doanh công nghiệp – dịch vụ (thường tạo ra trên 80-90% GDP của một quốc gia như thường thấy ở các nước công nghiệp phát triển). Không những thế, tái cấu trúc cũng mang lại sự phát triển bền vững, tạo ra sự thay đổi cả về lượng và chất nền kinh tế để có cơ cấu kinh tế hiện đại, phát triển bền vững theo chiều sâu, đồng thời thay đổi về môi trường thể chế, tạo điều kiện cho phát triển thuận lợi cho cơ cấu mới.

Đề cập đến cơ hội cho giao dịch hàng hóa tương lai, Thạc sĩ Nguyễn Duy Phương, Tổng Giám đốc Sở GDHH Việt Nam (VNX) nhấn mạnh giao dịch hàng hóa là kênh đầu tư còn khá mới và hấp dẫn đối với thị trường tài chính Việt Nam. Giá cả hàng hóa nông sản thường bị chi phối bởi hàng hóa phái sinh trên thế giới. Do vậy, các doanh nghiệp muốn có một tổ chức trung gian trong nước đứng ra có chức năng điều tiết thị trường, là nơi có thể giúp các doanh nghiệp bảo hiểm rủi ro biến động giá và ổn định tình hình kinh doanh. Ông Phương cũng cho biết định hướng của VNX năm 2012 là tăng cường quảng bá, giới thiệu; tích cực hỗ trợ các công ty thành viên để thu hút giao dịch và đẩy mạnh việc trao đổi, hợp tác với các Sở giao dịch, các đối tác quốc tế.

Trong khuôn khổ hội thảo, đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa VNX và Viện Phát triển Doanh nghiệp – VCCI.

Viện Phát triển Doanh nghiệp/VCCI là một tổ chức xúc tiến, hỗ trợ các hoạt động thương mại đầu tư, hợp tác và các hoạt động kinh doanh khác của doanh nghiệp tại Việt Nam và nước ngoài hiệu quả. Với thỏa thuận hợp tác này, hai bên sẽ hỗ trợ lẫn nhau trong việc quảng bá hình ảnh của VNX ra thị trường Quốc tế như một đối tác tin cậy, tiềm năng để thu hút đầu tư cũng như quảng bá hình ảnh của Viện PTDN. Bên cạnh đó, thỏa thuận sẽ có vai trò tăng cường quan hệ hợp tác giữa Hai bên, phát huy thế mạnh của mỗi Bên nhằm mục tiêu thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, khẳng định năng lực cạnh tranh và sẵn sàng hội nhập quốc tế của VNX.

VCCI

 
.
.
.
.