.
.

Thực hiện quyết liệt tái cơ cấu, tăng hiệu quả đầu tư

Thứ Bảy, 17/12/2011|22:39

 

Một số ý kiến đề nghị, việc thực hiện cắt giảm đầu tư công nên theo nguyên tắc giảm tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư toàn xã hội; doanh nghiệp nhà nước tập trung sức vào việc tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên tắc chung là trừ những khu vực đặc biệt, còn lại cái gì nhà nước làm tốt nhất cho nền kinh tế để nhà nước làm; cái gì tập thể làm tốt nhất để tập thể làm; cái gì tư nhân làm tốt nhất để tư nhân làm.

 

Các đại biểu dự tọa đàm - Ảnh: Báo Nhân dân

 

“Cơ cấu lại nền kinh tế” xoay quanh 3 vấn đề: tái cơ cấu đầu tư công, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là chủ đề của cuộc tọa đàm do Báo Nhân dân phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 16/12 tại Hà Nội.

TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trong tái cấu trúc đầu tư công cần có giải pháp trước mắt và giải pháp trung dài hạn.

Giải pháp trước mắt cần tập trung khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán và đầu tư thiếu đồng bộ đã tồn tại từ nhiều năm nay; phải xử lý được mâu thuẫn hết sức cam go một bên là vốn đầu tư có thể huy động được là rất có hạn và một bên là nhu cầu, yêu cầu vốn đầu tư của các dự án đã quyết định đầu tư là rất lớn. Như vậy, thay đổi đầu tiên là cơ chế lựa chọn, phân bổ vốn đầu tư cho các ngành, địa phương nói chung và các dự án cụ thể nói riêng.

Về  trung và dài hạn, phải xây dựng khung hay kế hoạch đầu tư trung hạn để quản lý đầu tư công; phải thay chế độ phân cấp và phối hợp thực hiện đầu tư giữa các địa phương với nhau, giữa trung ương và địa phương để các dự án đầu tư công bổ sung cho nhau, phối hợp với nhau, tận dụng được lợi thế quy mô, qua đó, phát huy được lợi thế của từng địa phương, vùng và ngành nghề khác.  
 
Theo TS Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo KT-XH quốc gia, cơ cấu lại đầu tư công không hẳn là phải cắt, giảm vốn đầu tư mà điều quan trọng là phải tăng tính hiệu quả của các dự án. Hiện nay đã có nhiều văn bản pháp luật quản lý về đầu tư công nhưng chưa đồng bộ và hợp lý.

Trong khi đó, theo TS Lê Hải Mơ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, trong dài hạn để định vị đầu tư công cần nâng cao chất lượng quy hoạch, tăng tính công khai và phản biện xã hội đối với đầu tư công. Có như vậy mới thực sự nâng cao được chất lượng đầu tư công.

Bộ  trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết ngay trong chiều 16/12, Bộ đã báo cáo Chính phủ đề án tái cơ cấu  doanh nghiệp Nhà nước. Theo đó, trong 10 năm tới, Việt Nam có khoảng 3 tập đoàn đa sở hữu có tầm cỡ khu vực và 10 đến 15 tập đoàn đủ mạnh để dẫn dắt nền kinh tế.

Về giải pháp thực hiện, Bộ  trưởng Vương Đình Huệ nhấn mạnh yếu tố cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác nhưng vẫn bảo đảm vai trò là đầu tàu điều tiết, dẫn dắt các thành phần kinh tế khác của doanh nghiệp Nhà nước. “Đối với từng doanh nghiệp cũng phải tự xây dựng đề án tái cấu trúc”, Bộ trưởng nói.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đánh giá tái cơ cấu ngân hàng sẽ tạo động lực dẫn dắt tái cấu trúc cả nền kinh tế vì đây là kênh truyền dẫn vốn. Theo Thống đốc, kế hoạch tái cấu trúc ngân hàng sẽ thực hiện từng bước, với “phần cứng” là sắp xếp, hợp nhất các ngân hàng yếu kém và “phần mềm” là đổi mới cơ chế quản trị để phát triển lành mạnh. Đến năm 2012 sẽ xử lý dứt điểm ngân hàng yếu kém; năm 2013, sáp nhập tự nguyện để tăng quy mô; từ năm 2014 đến 2015, xây dựng được ít nhất 1-2 ngân hàng có tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, tổng tài sản khoảng 50.000 tỉ đồng, gấp đôi quy mô của ngân hàng lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, nêu điều tra ý kiến doanh nghiệp về tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước. Kết quả, 87% ý kiến cho rằng phải đẩy mạnh cổ phần hóa; 87% cho rằng cần cải thiện tính minh bạch của các doanh nghiệp Nhà nước; 65% ý kiến cho rằng cần cắt giảm ưu đãi doanh nghiệp Nhà nước từ Chính phủ... Kết luận, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng cần tăng cường sự bình đẳng và phải tăng sức ép cạnh tranh trong khu vực nhà nước.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn cho biết hiện vẫn có 102 doanh nghiệp Nhà nước vốn dưới 5 tỉ đồng và so sánh: “Quá trình đổi mới doanh nghiệp Nhà nước trước đây đã làm quá chậm, giống như nhìn thấy có con thỏ, mất cả tháng lập kế hoạch bắt nhưng ra đến nơi thỏ chạy mất rồi. Tái cơ cấu lần này không phải nhận thức tư duy nữa mà phải là thống nhất tư duy để hành động”.

Một số ý kiến đề nghị, việc thực hiện cắt giảm đầu tư công nên theo nguyên tắc giảm tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư toàn xã hội; doanh nghiệp nhà nước tập trung sức vào việc tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên tắc chung là trừ những khu vực đặc biệt, còn lại cái gì nhà nước làm tốt nhất cho nền kinh tế để nhà nước làm; cái gì tập thể làm tốt nhất để tập thể làm; cái gì tư nhân làm tốt nhất để tư nhân làm.

Vì  thế, trước mắt, nên xóa những công trình, dự án  đã thấy trước là không có hiệu quả. Vấn đề này cần làm song song với việc đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Liên quan đến lĩnh vực tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng cần sớm hoàn thiện, ban hành tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước theo ngành nghề, lĩnh vực; thực hiện sắp xếp các doanh nghiệp Nhà nước hiện có thành các nhóm doanh nghiệp và có giải pháp tái cấu trúc đối với từng nhóm.

Bên cạnh đó, cần tổ chức sắp xếp và tái cấu trúc từng doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản trị doanh nghiệp; đổi mới, tăng cường quản lý giám sát nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước. 

Theo Chính Phủ

.
.
.
.