.
.

Kinh tế 2012 qua góc nhìn doanh nhân, chuyên gia

Thứ Ba, 03/01/2012|09:45

Năm 2012, được nhiều chuyên gia và các DN đánh giá là một năm đặc biệt, một năm tiền đề cho sự thay đổi về chất lượng phát triển. Còn nhiều khó khăn nhưng tất cả đều hy vọng tái cơ cấu sẽ tạo ra những cơ hội phát triển mới.

Những cơ hội trong khó khăn
(TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia)

Năm 2012, Chúng tôi đã nhận thấy một chiến lược thương mại đầu tư xuyên Thái Bình Dương đến từ các đối tác Mỹ. Chiến lược đầu tư dài hạn của các đối tác Mỹ mang đến Việt Nam là cơ hội lớn cho thị trường phục hồi.

Ở trong nước, Chính phủ đã nhận thấy những khó khăn thực sự của doanh nghiệp nên năm 2012, Chính phủ sẽ ban hành các chính sách khắc phục và giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp. Năm 2012, dù ít hay nhiều cũng có những chính sách thắt chặt tăng trưởng tín dụng.

Đến nay, đã có những dấu hiệu chứng tỏ đang có chính sách phục hồi thị trường bất động sản và chứng khoán. Đối với thị trường chứng khoán, Ủy ban chứng khoán đang xây dựng đề án tái cấu trúc các công ty chứng khoán và thị trường chứng khoán. Có thể tới đây các công ty chứng khoán tồn tại được sẽ còn rất ít. Trong khi đó, hàng hóa cho thị trường chứng khoán tiếp tục được "đẩy ra".

Chính phủ vẫn đẩy mạnh chủ trương cổ phần hóa ngành hàng không, dầu khí, ngân hàng thương mại lớn... những mặt hàng đáng giá trên thị trường chứng khoán.

Ông  Lê Xuân Nghĩa ( Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia)

Năm đặc biệt, xoay chuyển nền kinh tế
(TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN)

Năm 2012 là năm đặc biệt. Bởi đây là năm nền kinh tế phải tạo bước ngoặt để xoay chuyển tình hình, ổn định vững chắc tình hình, không để lạm phát "khứ hồi" để khôi phục lòng tin, hạ thấp mức lạm phát đến mức giúp các doanh nghiệp không lún sâu hơn vào tình thế bi kịch.

Ngoài ra, năm 2012, chúng tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế với các hành động thực tế mang tính chiến lược để thay đổi mô hình tăng trưởng.

Việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đó, trong điều kiện nguồn lực hạn chế và dư địa cho hành động chính sách của Chính phủ bị "thu hẹp", rõ ràng là rất khó khăn. Nhưng chúng ta không thể chậm hơn, cần quán triệt tư duy "đánh đổi" khi cân nhắc mức độ ưu tiên giữa mục tiêu ổn định, cải cách (tái cấu trúc) và mục tiêu tăng trưởng trên quan điểm lợi ích phát triển dài hạn (lợi ích chiến lược).

Ông Trần Đình Thiên (Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam)

Về cấp độ ưu tiên, không thể không ưu tiên cho nhiệm vụ tái cơ cấu. Nhưng để quá trình tái cơ cấu có thể diễn ra, cần ổn định nền kinh tế để tái lập lòng tin thị trường, lòng tin xã hội. Đây phải là hai mục tiêu/nhiệm vụ ưu tiên cao nhất.

Mỗi DN cần có tinh thần tái cấu trúc
(TS. Trần Du Lịch, Uỷ viên Ủy ban Kinh tế của QH)

Chính phủ đã chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế. Chính phủ đã yêu cầu, chậm nhất năm 2012, tổng thể tái cấu trúc cả nền kinh tế và chưa bao giờ Việt Nam lại có sự đồng thuận cao là phải tái cấu trúc nền kinh tế.

Cụ thể hơn từ nay 2015, khi hoàn thành tái cấu trúc ngân hàng thì trong tương lai các ngân hàng sẽ phải trở thành công ty đại chúng được niêm yết trên sàn, công khai minh bạch tốt hơn. Chủ trương thoái vốn, tập trung vào những lĩnh vực kinh doanh chính với lộ trình từ nay đến 2015. Các doanh nghiệp phải chuẩn bị tinh thần tái cấu trúc doanh nghiệp của mình.

Ông Trần Du Lịch (Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội)

Một vấn đề nữa cần được xử lý là thị trường chứng khoán đã giảm rất sâu. Bất động sản đóng băng với khối lượng lớn. Chúng ta sẽ làm tan khối băng này từ từ để kích thích được thanh khoản. Tôi tin rằng, trong chính sách tín dụng sắp tới những vấn đề này sẽ được tính đến. Tuy nhiên chúng ta phải làm theo bài bản nếu không vấn đề cần chặt chẽ, thận trọng thì bị thắt, còn vấn đề cần thắt chặt là tài khoá thì vẫn bội chi.

3 đột phá chiến lược
(TS. Nguyễn Minh Phong, Viện NC Kinh tế - xã hội Hà Nội)

Cần xúc tiến ba đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh

Chuyển mạnh sang phát triển theo chiều sâu, từ dựa chủ yếu vào tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và lao động chất lượng thấp sang dựa vào hiệu quả, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở áp dụng những thành tựu mới về khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao và kỹ năng quản lý hiện đại. Đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa cơ bản và lâu dài, cần được tiến hành đồng bộ gắn với các đột phá chiến lược theo một chương trình tổng thể.

Ông Nguyễn Minh Phong (Viện nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội)

Hoàn thiện cơ chế huy động các nguồn lực để thực hiện các đột phá theo một lộ trình hợp lý. Ưu tiên cho các lĩnh vực, dự án có tác động lan tỏa cao, tạo tiền đề tái cơ cấu nền kinh tế. Ngay từ năm 2012 cần tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư, trước hết là đầu tư công, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu các ngành kinh tế và phân bố lại lực lượng sản xuất trên từng vùng lãnh thổ; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn và tổng công ty; tái cơ cấu hệ thống tài chính tiền tệ, trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và các định chế tài chính.

2012: Nhiều doanh nghiệp BĐS sẽ khó "trụ" nổi
(Ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty Đất Lành, TP.HCM)

Thị trường bất động sản năm 2011 đã trải qua nhiều bước thăng trầm, trong đó khó khăn lớn nhất của thị trường đó là nguồn vốn đầu tư, do chính sách thắt chặt tín dụng. Năm 2012 chắc chắn là khó khăn hơn năm 2011 vì tình hình kinh tế còn khó khăn.

Toàn bộ doanh nghiệp hiện phải đi vào chiến lược giá thành, ngoài chiến lược diện tích nhỏ, tất cả doanh nghiệp phải tính toán chi ly từ thiết kế, vật liệu xây dựng... để giảm giá thành. Nếu doanh nghiệp nào không giảm được giá thành thì không thể bán được hàng trong năm 2012.

Ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty Đất Lành,TP.HCM

Năm 2012 là năm thị trường sẽ cạnh tranh cực kỳ khốc liệt. Thậm chí là tính sống còn, doanh nghiệp nào đủ khôn ngoan, đủ bản lĩnh thì mới có thể sống được. Tôi không tin năm 2012 là năm mở cửa cho doanh nghiệp BĐS vay vốn nhiều mà sẽ là năm chúng ta chứng kiến nhiều doanh nghiệp không trụ nổi, bắt buộc phải bán đi dự án, thậm chí họ còn phải bán đi cả cơ ngơi của mình đã gây dựng trước đây.

Theo tôi biết, tại TP.HCM có nhiều doanh nghiệp gần như đã bán gần hết cổ phần của mình cho các ngân hàng hoặc cho một số đối tác nước ngoài khác. Đây là một mối lo, và nhiều người dân, doanh nghiệp đang bị "bốc hơi" tài sản rất lớn. Thị trường hiện nay giống như một cơn bão, sau cơn bão, doanh nghiệp cũng giống như người dân, có người thiệt hại ít, có người thiệt hại nhiều, có người sống, có người chết. Còn trong cơn bão thì không ai có thể thuận lợi.

BĐS sẽ đột phá cuối 2012
(Ông Park Chun Seon (Chủ tịch Công ty INPYUNG Việt Nam)

Ông Park Chun Seon (Chủ tịch Công ty INPYUNG Việt Nam)

Hiện tại thị trường BĐS Việt Nam đang ở giai đoạn trầm lắng nhưng đất nước nào cũng vậy, trong tiến trình phát triển, luôn có trầm lắng và đi lên. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật này. Khi bước qua giai đoạn trầm lắng, BĐS sẽ có những bước phát triển lớn hơn.  Tôi tin rằng, khoảng tháng 3-4 của năm 2012, thị trường sẽ ấm dần lên và đến cuối năm 2012, sẽ có bước phát triển đột phá hơn.

Mọi người cứ lo nguồn cung BĐS căn hộ tại Hà Nội thừa nên khó bán hàng nhưng thực tế thị trường BĐS trầm lắng thời gian qua, nhiều công ty thiếu vốn đề đầu tư xây dựng, hàng loạt dự án BĐS đã dừng tiến độ. Vì thế, số ít dự án mà chủ đầu tư có năng lực tài chính, thi công với công nghệ tiên tiến, giữ đúng lời hứa bàn giao với khách hàng, có sản phẩm ra thị trường vào lúc này vẫn không khó khăn trong cạnh tranh.

Tôi cho rằng, nhiều dự án căn hộ cao cấp tại Hà Nội chưa xứng đáng với tên gọi. Ngoài việc xây dựng khu đô thị quy mô lớn, các tiện nghi, chất lượng dịch vụ phục vụ cuộc sống chưa tương xứng. Thời gian tới, vấn đề chất lượng quản lý, phí dịch vụ hợp lý sẽ là một tiêu chí quan trọng của người tiêu dùng. Đây cũng chính là một chỉ báo cho các nhà đầu tư trong việc làm vừa lòng khách hàng.

Theo VEF

 

.
.
.
.