.
.

20 năm phát triển các KCN qua những con số

Thứ Ba, 21/02/2012|22:39

Đến hết năm 2011 cả nước có 283 KCN với tổng diện tích 76.000 ha, trong đó diện tích có thể cho thuê 46.000 ha chiếm 61%.

Tại Hội nghị tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển KCN, KCX tại Việt Nam vừa được tổ chức, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo chi tiết về thực trạng phát triển và định hướng phát triển KCN, KCX Việt Nam.

Báo cáo cho thấy, sau 20 năm xây dựng và phát triển các KCN đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế. Theo đó, tính đến hết năm 2011, cả nước có 283 KCN với tổng diện tích 76.000 ha, trong đó diện tích có thể cho thuê 46.000 ha chiếm 61%. Quy mô trung bình của các KCN, KCX đến 12/2011 là 268 ha. Các vùng có điều kiện tương đối khó khăn, ít có lợi thế phát triển công nghiệp có quy mô KCN, KCX trung bình thấp hơn so với các vùng khác, như vùng Trung du và miền núi phía Bắc (154,9 ha), Tây Nguyên (157,6 ha); vùng Đông Nam Bộ có quy mô KCN trung bình cao nhất (378,3 ha). Kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài của các KCN cũng đã đạt được những kết quả tích cực. Tính đến hết tháng 12/2011, các KCN, KCX đã thu hút được 4.113 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 59,6 tỷ USD, tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 27 tỷ USD, bằng 45% tổng vốn đầu tư đăng ký. Hàng năm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào KCN, KCX chiếm từ 35-40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước, trong đó các dự án FDI về sản xuất công nghiệp trong KCN, KCX chiếm gần 80% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp cả nước. Riêng trong năm 2011, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đăng ký vào các KCN, KCX đạt 6,5 tỷ USD; tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 7,3 tỷ USD; tương đương 44% và 67% tổng vốn FDI đăng ký và thực hiện của cả nước trong năm 2011.

Ngoài những đóng góp đáng kể trong thu hút đầu tư nước ngoài, KCN, KCX còn là một trong những giải pháp để thực hiện chủ trương phát huy nội lực của các thành phần kinh tế trong nước. Đến cuối tháng 12/2011, có 4.681 dự án trong nước còn hiệu lực trong KCN, KCX với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 420 nghìn tỷ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 210 nghìn tỷ đồng (bằng 50% tổng vốn đầu tư đăng ký).Tỷ lệ lấp đầy các KCN, KCX đã vận hành tăng đều hàng năm từ 40% năm 1996 lên 55% năm 2001 lên 65% năm 2010. Tính đến 12/2011, tổng diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê của các KCN đang vận hành khoảng 30.000 ha, trong đó đã cho thuê được 19.300 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 65%.

Đến nay có khoảng 9,5 tỷ USD dùng để đầu tư vào kết cấu hạ tầng của 283 KCN. Có 180 KCN đã đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đăng ký là 5,3 tỷ USD, vốn thực hiện đạt gần 3,2 tỷ USD; còn lại 103 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản. Trong 283 KCN đã thành lập có 31 KCN do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài làm chủ đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 2 tỷ USD. Các KCN còn lại do tổ chức kinh tế trong nước làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 7 tỷ USD. Nếu tính bình quân 1 ha đất công nghiệp có thể cho thuê trong năm 2011, các KCN đã tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp 2 triệu USD/ha; giá trị xuất khẩu 1,27 triệu USD/ha; nộp ngân sách khoảng 1,38 tỷ đồng/ha. Trung bình 1 ha đất công nghiệp đã cho thuê đã tạo việc làm cho 77 lao động trực tiếp. Như vậy, nếu so sánh các chỉ tiêu đầu tư, giá trị sản xuất, xuất khẩu, tạo việc làm trên 1 ha đất của các KCN so với đất nông nghiệp thì có thể thấy rõ hiệu quả và đóng góp nổi bật của KCN. Tuy nhiên, chất lượng quy hoạch KCN và triển khai thực hiện Quy hoạch đã được phê duyệt còn chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triểnHàm lượng công nghệ, tính phù hợp về ngành nghề trong cơ cấu đầu tư chưa cao. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Công tác bảo vệ môi trường KCN còn bất cập.

Vấn đề lao động-việc làm, đời sống công nhân trong KCN, KCX còn nhiều khó khăn. Cơ chế, chính sách đối với KCN, KCX vẫn còn nhiều điểm vướng mắc cần tiếp tục hoàn thiện. Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XI (năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 đã định hướng phát triển KCN, KCX bền vững và theo chiều sâu: Bố trí hợp lý công nghiệp trên các vùng; phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp hiện có và đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hình thức cụm, nhóm sản phẩm, tạo thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao”.Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2020 “...tất cả các cụm, khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung”. 

Theo kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) và Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đã được Quốc hội khóa VIII phê duyệt, tổng diện tích đất KCN đến năm 2015 là 130.000 ha và đến năm 2020 dự kiến là 200.000 ha.

Bình An

Theo TTVN

 

.
.
.
.