.
.

Thông tư 06 - thêm một giải pháp tái cấu trúc ngân hàng

Thứ Bảy, 31/03/2012|08:49

Thông tư 06/2012/TT-NHNN mà Ngân hàng Nhà nước mới ban hành được coi là chiếc "phao" thanh khoản cho một vài ngân hàng nhất định.

Thông tư 06/2012/TT-NHNN quy định về việc cho vay đặc biệt của NHNN đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả.

Theo Thông tư 06, lãi suất cho vay đặc biệt do NHNN quyết định với từng trường hợp cụ thể. Căn cứ vào đề nghị của TCTD, khả năng chi trả thực tế của TCTD, NHNN quyết thời hạn cho vay, kỳ hạn trả nợ trong từng trường hợp cụ thể, nhưng thời hạn cho vay tối đa là 2 năm. NHNN có thể xem xét gia hạn khoản cho vay đặc biệt trên khả năng chi trả thực tế của TCTD, nhưng thời gian gia hạn từng lần không vượt quá thời hạn cho vay lần đầu.

Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy Fullbright phân tích, Thông tư 06 nhằm mở rộng “cửa sống” cho những ngân hàng mất khả năng chi trả - tức là trầm trọng hơn những ngân hàng mất khả năng thanh khoản tạm thời. Điều này cũng có nghĩa, vốn của các ngân hàng này không còn hội đủ điều kiện an toàn, thậm chí trước đây đã được vay tạm thời nhưng nay không còn được vay tạm thời nữa bởi có vay nhưng không có trả. Trong khi những ngân hàng đã mất khả năng chi trả nhưng người dân vẫn đến rút tiền thì ngân hàng đó phải được đi vay để trả tiền cho người dân nên phải có cơ chế mới phù hợp với thực tế. Do vậy, những điều này đã được quy định trong Thông tư 06 với một cơ chế cho vay đặc biệt.

Tuy nhiên, ông Thành chia sẻ thêm, Thông tư 06 có thể hiểu là một phần của việc tái cấu trúc, nghĩa là NHNN vẫn cho ngân hàng vay đặc biệt, nhưng như thế, ngân hàng sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn, thậm chí đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và lúc đó, NHNN có thể tham gia trực tiếp vào tái cấu trúc ngân hàng đó. Nhưng cũng có thể hiểu theo hướng ngược lại rằng, Thông tư 06 là một cứu cánh cho ngân hàng, thay vì anh buộc phải tái cấu trúc thì anh vẫn được nuôi sống.

“Việc làm theo hướng nào là tùy Chính phủ, nhưng nếu một thông tư không được công bố rộng rãi thì cũng khó để có được lời giải thích rõ ràng từ NHNN”, ông Thành nói.

Trao đổi với ĐTCK, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho biết, Thông tư 06 thể hiện thông điệp của NHNN cố gắng giúp các ngân hàng mất thanh khoản, gặp khó khăn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu NHNN tiếp tục hỗ trợ thanh khoản cho những ngân hàng yếu, kém thì cuối cùng, tiền sẽ rơi vào “lỗ đen”. Khi ấy, NHNN có “ba đầu sáu tay” cũng không làm gì được nữa.

“Theo tôi, lãi suất nên để thả nổi. Có khả năng lãi suất sẽ vọt lên thật cao khi được thả nổi nhưng sẽ trở về điểm quân bình. Những biện pháp hành chính quy định lãi suất không phải điểm quân bình góp phần vào việc mất cân bằng về thanh khoản tại nhiều ngân hàng và tạo ra một đường cong lãi suất không phù hợp với quy luật rủi ro và thị trường. Tuy nhiên, việc gỡ bỏ những quy định trần lãi suất cần phải được đi kèm với một nguyên tắc khác của quy luật kinh tế thị truờng là để cho các ngân hàng yếu kém phá sản, nếu không còn cách nào khác”, TS Hiếu nói.

Tổng giám đốc một NHTM nhận định, Thông tư 06 của NHNN là hợp lý, bởi khi các ngân hàng gặp khó khăn tạm thời thì phải giữ yên ổn cho hệ thống. Tuy nhiên, cơ chế cho vay của NHNN rất chặt chẽ, hỗ trợ không hết mức hay hỗ trợ cái này lại siết cái khác, sẽ làm khó cho các ngân hàng, khiến việc hỗ trợ thành phản tác dụng.

“Tôi đón nhận Thông tư này một cách bình thản. Vấn đề là cần phải xem hành động cụ thể của NHNN. Tuy nhiên, tôi mong muốn hỗ trợ phải mang tính chất tạo điều kiện để ngân hàng tận dụng được những hỗ trợ đó”, vị tổng giám đốc trên nói.

Còn theo ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank, NHNN đã cung cấp tiền ra thì phải quản lý, kiểm soát hoặc cụ thể hơn là trước khi đưa tiền cần phải có điều kiện. Chắc chắn, NHNN không mong muốn và mặn mà câu chuyện ngân hàng mất thanh khoản để phải cho vay nên nếu ngân hàng không muốn bị giám sát đặc biệt, không sa vào bẫy thanh khoản thì phải đảm bảo quản trị ngân hàng tốt, nếu không thì phải chấp nhận cuộc chơi.

Ở một góc độc khác, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Nguồn vốn và ngoại hối VIB cho rằng, đây là việc nên làm bởi trình độ quản trị của các ngân hàng không ngang nhau. Đường cong lãi suất của Việt Nam khá hấp dẫn, lấy ngắn nuôi dài, “quyến rũ” các ngân hàng theo đuổi. Trong khi đó, thanh khoản của hệ thống ngân hàng Việt Nam không ổn định, khi thừa thì cả hệ thống thừa, khi thiếu thì cả hệ thống thiếu và những ngân hàng lấy nguồn từ thị trường 2 bổ sung cho thị trường 1, rất nguy hiểm.

“Do vậy, việc có một văn bản quy trình hóa nghiệp vụ này là điều cá nhân tôi rất mong muốn. Nói chung, các nghiệp vụ được minh bạch hóa, cụ thể hóa bằng một quy trình sẽ giúp hệ thống minh bạch và rõ ràng. Cụ thể ở đây, khi ngân hàng mất thanh khoản sẽ biết mình cần phải làm gì chứ không như trước đây”, ông Trung nói.

Hồng Dung

 

.
.
.
.