.
.

Doanh nghiệp Việt chưa chú trọng thị trường Ukraine

Thứ Tư, 26/09/2012|16:22

Đây là một trở ngại khiến hàng Việt Nam chưa thâm nhập được nhiều vào thị trường Ukraine, nơi có nhu cầu lớn và tín nhiệm hàng Việt.

Ukraine - thị trường mới nổi, nhu cầu lớn

Theo Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), Ukraine là thị trường mới nổi, giàu tiềm năng và nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cao. Hiện tại, quốc gia này có dân số khoảng 48 triệu người, thu nhập bình quân khoảng trên 6.600 USD/người/năm. Ukraine là quốc gia có thế mạnh chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp nặng và công nghiệp quốc phòng. Do đó, nhiều ngành hàng khác, Ukraine có nhu cầu nhập khẩu rất lớn từ nước ngoài.

Ông Dương Hoàng Minh, Vụ phó Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) cho biết: Ukraine là quốc gia có diện tích lớn thứ 2 châu Âu (sau Nga), với GDP năm 2011 đạt 165 tỷ USD, tăng 5,2% so với 2010; mức tăng trưởng bình quân từ 2000-2007 đạt 7,5%/năm.

Hiện tại, Ukraine vẫn có nhu cầu nhập khẩu nhiều mặt hàng như: dầu khí; hóa chất; cá và các loại thủy sản; lạc, đậu; rau, quả; cà phê, chè; sản phẩm ngành dệt và may; giày và các sản phẩm từ da; máy móc thiết bị; cao su và các sản phẩm từ cao su…

Trong số đó, nhiều nhóm hàng Ukraine nhập khẩu nhiều, như năm 2011, kim ngạch nhập khẩu sản phẩm dầu khí 28,6 tỷ USD; hóa chất 8 tỷ USD; dệt may 2 tỷ USD; máy móc thiết bị gần 13 tỷ USD; thủy sản trên 500 triệu USD…

Về chính sách chung, ông Dương Hoàng Minh cho biết, Ukraine đề cao mở cửa và hội nhập nền kinh tế với toàn cầu. Từ năm 2008, Ukraine đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); từ tháng 7/2012 đã thông qua Hiệp định tự do thương mại với các quốc gia SNG; hiện đang đàm phán FTA với Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ,… Riêng với Việt Nam, Ukraine đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện từ tháng 3/2011.

Bà Lê Hoàng Oanh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) còn cho biết, Việt Nam và Ukraine đã ký trên 20 hiệp định về hợp tác kinh tế - thương mại, trong đó có nhiều lĩnh vực quan trọng như vận tải biển, vận chuyển hàng không, khuyến khích bảo vệ đầu tư, tránh đánh thuế lần hai…

Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ukraine tăng đáng kể: Năm 2009, đạt 129 triệu USD; năm 2010 đạt 115,7 triệu USD; 8 tháng đầu năm 2012, đã đạt 130 triệu USD.

Mặc dù vậy, so với tiềm năng, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này còn khiêm tốn. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu của hàng Việt Nam vào thị trường Ukraine mới chỉ chiếm 1,58% tổng giá trị nhập khẩu của Ukraine.

Đồng thời, hàng Việt xuất khẩu vào thị trường này vẫn chủ yếu các mặt hàng như: thủy sản, dệt may, hạt tiêu, gạo, giày dép.

Ông Yevhen Prypik, Trưởng phòng Thương mại, Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam, cho biết, phía Ukraine luôn chào đón và mong muốn được nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Việt Nam, đặc biệt là các nhóm hàng như máy móc thiết bị, sản phẩm từ thực vật (chè, cà phê, gạo…), thủy sản, giầy dép.

Nhiều trở ngại

Mặc dù thế mạnh và tiềm năng giao thương giữa Việt Nam và Ukraine rất lớn. Song, thực tế vẫn còn nhiều rào cản khiến kết quả xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này còn thấp.

Một trong những nguyên nhân quan trọng, theo ông Dương Hoàng Minh, Vụ phó Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), là do doanh nghiệp Việt vẫn chưa thực sự chú trọng đến thị trường này. Theo lý giải của ông Minh, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vẫn chủ yếu đang tiếp “tấn công” mạnh vào các thị trường dễ thâm nhập hơn, cho lãi suất cao hơn như Mỹ, Nhật, EU. Các thị trường này có hệ thống khung hành lang pháp lý cho nhập khẩu hàng hóa rõ ràng hơn.

Trong khi đó, tiếp cận thị trường Ukraine lại có cái khó nữa là quốc gia này còn đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách cho giao thương, đặc biệt là thủ tục cấp Visa vào Ukraine còn nhiều khó khăn.

Riêng về vấn đề Visa, ông Yevhen Prypik, Trưởng phòng Thương mại, Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam, thừa nhận một thực tế rằng, bản thân Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ Ukraine điều chính, đơn giản hóa thủ tục cấp Visa vào Ukraine này, nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều chuyển biến rõ nét.

Bên cạnh đó, theo ông Vũ Thế Hoàng, Trưởng Đại diện tại Việt Nam của Công ty TNHH N&M Ukraine (chuyên hỗ trợ xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và Ukraine và châu Âu), có 2 vấn đề nữa còn đang gây khó khi các doanh nghiệp muốn tiếp cận thị trường này, đó là vấn đề về hàng rào kỹ thuật cho hàng hóa nhập khẩu và thanh toán thương mại.

Hiện tại, giữa Việt Nam và Ukraine chưa có được hệ thống thanh toán quốc tế thuận lợi cho các doanh nghiệp giao thương. Đây là một trong những trở ngại khiến doanh nghiệp Việt Nam ngại thâm nhập thị trường này.

Xuân Thân (Theo VOV)

.
.
.
.