.
.

Cần xem xét trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về đấu thầu

Thứ Bảy, 13/10/2012|08:05

Ngày 10/10, Thanh tra Chính phủ đã chính thức thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực hiện Luật Đấu thầu (giai đoạn từ 1/1/2009- 1/7/2011), trong đó chỉ ra các sai phạm liên quan đến việc quản lý và hình thức tổ chức đấu thầu.

Chỉ định thầu bất thường

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, liên quan đến việc tổ chức thực hiện một số nội dung quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa kiểm tra, giám sát toàn diện, đánh giá kịp thời việc ban hành các văn bản hướng dẫn về đấu thầu tại các Bộ, ngành, địa phương, dẫn đến việc ban hành còn chậm; không đồng bộ với hệ thống văn bản pháp quy về đấu thầu; gây lúng túng và thiếu cơ sở pháp lý cho quá trình thực hiện, do đó kéo dài thời gian trong quá trình triển khai thực hiện dự án.


Thanh tra Nhà nước đã chỉ ra nhiều dấu hiệu bất thường trong lĩnh vực đấu thầu
Thanh tra Nhà nước đã chỉ ra nhiều dấu hiệu bất thường trong lĩnh vực đấu thầu

 

Tình trạng phổ biến ở một số địa phương và Bộ Giao thông vận tải là, đã chỉ định thầu cùng lúc nhiều gói thầu có giá trị lớn cho một số nhà thầu như: Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường, Tập đoàn Xuân Thành, … Việc chỉ định thầu bất thường nói trên đã dẫn đến nhà thầu bị quá tải, không đủ năng lực thi công, năng lực tài chính; không đáp ứng yêu cầu về mặt tiến độ của gói thầu; dự án bị kéo dài, hiệu quả kinh tế thấp, gây bức xúc về xã hội ở địa phương, đặc biệt là các dự án giao thông.

Trên thực tế, các bộ, ngành, địa phương có sai phạm trong chỉ định thầu chưa thực hiện đúng cam kết bố trí đủ vốn khi trình văn bản xin phép chỉ định thầu, phần lớn là trong khoảng 20-60% giá gói thầu. Một số dự án đầu tư còn vượt quá khả năng thực tế, không tập trung đủ nguồn lực của Trung ương cũng như địa phương, dẫn tới không có khả năng thực hiện hoặc dự án bị kéo dài quá lâu và lấy đó làm lý do xin áp dụng chỉ định thầu và yêu cầu nhà thầu ứng vốn thi công sai quy định của Luật Đấu thầu.

Mặt khác, công tác thanh tra, kiểm tra về đấu thầu chưa được quan tâm đúng mức. Số lượng các cuộc thanh tra về đấu thầu còn ít so với yêu cầu, chủ yếu mang tính hướng dẫn, đôn đốc nên hiệu lực, hiệu quả chưa cao.

Sai  vì đâu?

Thanh tra Chính phủ cho rằng, trách nhiệm để xảy ra những hạn chế trên thuộc về nhiều bộ, ngành, địa phương, trong đó trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ chưa thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho Bộ trưởng trong công tác quản lý nhà nước về đấu thầu theo thẩm quyền.

Theo đó, trong số 4 nguyên nhân được Thanh tra Chính phủ chỉ ra dẫn đến sai phạm, chỉ có một nguyên nhân do sự mâu thuẫn trong quy định pháp luật về đấu thầu với một số văn bản pháp luật khác là mang tính khách quan, còn có tới 3 nguyên nhân xuất phát từ yếu tố chủ quan. 

Đó là, sự thiếu kinh nghiệm trong quản lý nhà nước khi có đến hơn 60% lực lượng của Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) là cán bộ trẻ, với số lượng còn thiếu để đáp ứng khối lượng công việc, nhiệm vụ được giao.

Thêm vào đó, năng lực của một số chủ đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu phân cấp dẫn đến lúng túng, đùn đẩy trách nhiệm; tình trạng đấu thấu hình thức vẫn tiếp diễn; xu hướng muốn áp dụng hình thức chỉ định thầu vẫn diễn ra phổ biến; kéo theo là việc lựa chọn nhà thầu chưa đúng dẫn đến một số nhà thầu năng lực thi công, năng lực tài chính không đáp ứng được gói thầu dẫn đến tiến độ kéo dài, ảnh hưởng đến phát triển kinhh tế - xã hội của địa phương.

Việc lạm dụng đề nghị được chỉ thầu, Thanh tra Chính phủ cho rằng, do các bộ, ngành, địa phương chưa quán triệt đầy đủ những quy định của pháp luật về đấu thầu.

Từ những khuyết điểm, vi phạm trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, kiểm tra lại các gói thầu chuyển sang hình thức đấu thầu rộng rãi đối với các dự án xin được chỉ định thầu nhưng chưa tiến hành thủ tục hoặc chưa thi công. Đối với các gói thầu chậm tiến độ so với hợp đồng đã ký và chậm tiến độ so với cam kết khi được chỉ định thầu cần thiết, cho tiến hành thanh lý hợp đồng và chuyển sang hình thức khác cho phù hợp.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết, tới đây, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung kiểm tra trách nhiệm hoạt động thanh tra đối với các Bộ, ngành, địa phương để hệ thống vận hành hiệu quả. Cụ thể, trong năm 2013, sẽ quan tâm việc thực hiện sau thanh tra, chất lượng các kết luận thanh tra của các lực lượng này. Thanh tra Chính phủ cũng sẽ triển khai các đoàn tổng kiểm tra sau thanh tra để xác định kết luận thanh tra đi vào cuộc sống đến đâu. Công tác xử lý sau thanh tra sẽ được quan tâm thực hiện đồng bộ, nhằm đạt mục tiêu chung là nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra./.

Theo Dangcongsan.vn

.
.
.
.