Trên 600.000 tỷ đồng đầu tư cho giai đoạn 2013-2015
Các địa phương và các ngành sẽ chủ động hơn trong việc lên kế hoạch đầu tư cho các dự án trọng điểm |
Tại phiên họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, chiều nay (30/10), Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu về đầu tư công, nợ đọng trong xây dựng cơ bản…
Theo Bộ trưởng, đầu tư công dàn trải, kém hiệu quả là vấn đề đã được nói trong nhiều năm. Thời gian qua, Bộ Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT) và Chính phủ, bộ, ngành liên quan đã cố gắng khắc phục tình trạng này, làm sao đầu tư tập trung hơn, hiệu quả hơn.
Trước hết, Quốc hội đã quyết định tại kỳ họp trước, trong phân bổ trái phiếu Chính phủ, rà soát lại vốn từ năm 2012 đến 2015. Đến nay toàn bộ danh mục và tiền của trái phiếu chính phủ được phân bổ cho từng danh mục. Các địa phương nắm rất rõ ràng danh mục nào được đầu tư và không được đầu tư, công trình nào được hoàn thành và công trình nào phải dùng nguồn khác bù đắp.
Ngoài ra, báo cáo của Ủy ban Kinh tế cho rằng vì vốn đã phân bổ cho từng danh mục nên để cho cuốn chiếu làm nhanh hiệu quả có thể tính toán phát hành thêm 60 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ để bổ sung cho các danh mục đã bố trí trong 2013. “Đây là vấn đề rất tốt, đề nghị đại biểu Quốc hội cho ý kiến” – Bộ trưởng nói.
Năm 2013 nhu cầu đầu tư của các địa phương và bộ ngành rất lớn, trong khi nguồn lực đáp ứng thấp so với nhu cầu. Năm nay, Chính phủ đề xuất 180.000 tỷ, mặc dù thấp so với nhu cầu nhưng là mức rất cố gắng của ngân sách Nhà nước, nếu xem xét tiếp tục tăng lương thì con số này còn giảm đi nữa.
Bộ trưởng cũng phân tích rõ hơn, trong 180.000 tỷ này, có 39.000 tỷ là tiền thu từ đất của địa phương, nếu trong tình hình bất động sản còn khó khăn, các địa phương không thu được thì con số thực tế chỉ khoảng 140.000 tỷ. “Và tôi chắc rằng con số 39.000 tỷ này rất khó thực hiện trong 2013” – ông Vinh lo ngại.
Nói thêm về con số 180.000 tỷ này, đề xuất của Chính phủ là cân đối trong ngân sách địa phương là 93.100 tỷ, chiếm trên 50% tổng số vốn. Ngoài 93.100 tỷ cân đối cho địa phương, trừ chi chung của Nhà nước (khoảng 20.000 tỷ) thì số thực tế của ngân sách trung ương khoảng 66.000 tỷ và lại tiếp tục hỗ trợ các chương trình mục tiêu của địa phương 39.000 tỷ thì địa phương chiếm tới 73% tổng vốn, trung ương chỉ có 27.000 tỷ. Như vậy, nguồn cân đối cho địa phương rất lớn.
Theo Bộ trưởng Vinh, sau khi Bộ KH-ĐT đi kiểm tra theo tinh thần Chỉ thị 1792 thì việc đầu tư được siết chặt, giảm rất nhiều đầu tư dàn trải, tập trung cho công trình dở dang và hoàn thành. “Đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội của các địa phương giám sát việc bố trí vốn của các UBND ở địa phương mình. Hiện nay, Chính phủ đã giao toàn bộ tiền đó cho UBND địa phương tự bố trí danh mục công trình và hoàn toàn tự quyết định; tự bố trí hỗ trợ mục tiêu nhưng để trung ương thẩm định” – Bộ trưởng nói.
Về nợ đọng xây dựng cơ bản, trong báo cáo của Bộ Tài chính thống kê khoảng 91.000 tỷ đồng, trong đó có 26.000 tỷ đồng là nợ các công trình đã hoàn thành. Còn lại là nợ các công trình đang chuyển tiếp. Còn theo số liệu thống kê của Bộ KH – ĐT đến 31/12 thì con số này chỉ là 85.000 tỷ, trong đó nợ của các công trình xây dựng cơ bản chưa hoàn thành chưa thanh toán là trên 15.000 tỷ, còn lại là các cấp chuyển tiếp đang thanh toán.
Trước thực tế nợ đọng xây dựng cơ bản, Bộ Tài chính và KH-ĐT đã tham mưu cho Chính phủ ra Nghị quyết về nợ đọng xây dựng cơ bản, trong đó qui định Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh mà bố trí vốn, quyết định công trình đầu tư mà không có đủ vốn để thi công, để nợ đọng thì phải tự chịu trách nhiệm.
“Chúng tôi đề nghị, trong ngân sách năm 2013 – 2015 đã đề xuất Chính phủ, Quốc hội là cho phép xây dựng kế hoạch trung hạn 3 năm 2013-2015 tương tự như làm với trái phiếu Chính phủ. Và như vậy, các địa phương sẽ biết được đến 2015 địa phương mình có được bao nhiêu vốn và cộng với nguồn thu của địa phương nữa để chủ động ra quyết định đầu tư. Trong các thứ tự ưu tiên thì thanh toán nợ xây dựng cơ bản trước rồi mới được bố trí các công trình chuyển tiếp, sau đó mới là khởi công mới” – Bộ trưởng nói về giải pháp.
Theo dự kiến đầu tư cho năm 2013 là 180.000 tỷ, 2014 là 220.000 và 2015 tối đa không quá 244.000 tỷ đồng (cộng lại cả 3 năm không quá 600.000 tỷ đồng), trừ đi 10% dự phòng rủi ro không thu đủ, còn lại chỉ còn 90%./.
Theo VOV