Doanh nghiệp Pháp tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam
Pháp đầu tư vào Việt Nam bắt đầu từ năm 1988, hiện đứng thứ 15/92 quốc gia vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đoàn doanh nghiệp của Pháp gồm các nhà đầu tư thuộc lĩnh vực ngân hàng, bất động sản đang cho chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam nhằm tìm hiểu thông tin cũng như cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp đoàn doanh nghiệp Pháp ngày 15/10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho biết, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu kinh tế với ba lĩnh vực trọng tâm là tái đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp và tái cơ cấu ngân hàng. Việt Nam đang thu hẹp dần đầu tư của nhà nước, tập trung đẩy mạnh đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và các loại hình đầu tư khác. Về cải cách hệ thống ngân hàng, tập trung vào các ngân hàng thương mại nhằm đảm bảo “sức khỏe” hệ thống ngân hàng, giải quyết các vấn đề liên quan đến nợ xấu. Cải cách lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước nhằm tăng cường cổ phần hóa, tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Giải đáp những băn khoăn của doanh nghiệp Pháp về đào tạo nhân lực, Thứ trưởng Đào Quang Thu cho biết, Việt Nam đã có Đề án phát triển nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Thứ trưởng hy vọng rằng, với sự hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm, Pháp sẽ giúp đỡ Việt Nam phát triển lĩnh vực này trong tương lai. Đặc biệt là đào tạo nhân lực tay nghề cao cho các Khu kinh tế, Khu công nghiệp.
Về vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, Thứ trưởng Đào Quang Thu cho biết, Việt Nam đã thực hiện các biện pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ Việt Nam đang đẩy nhanh công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thông qua việc ban hành và thực hiện Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 (Đề án 30), và ban hành các văn bản hương dẫn, giải quyết những vướng mắc về thủ tục hành chính. Từ đó, đưa ra hệ thống pháp luật đầy đủ hơn, trật tự hơn và phải đưa ra đúng trình tự nhất định
Với các điều kiện sẵn có cùng với các chính sách mới, cải cách thể chế, Thứ trưởng Đào Quang Thu khẳng định, kinh tế Việt Nam sẽ phát triển bền vững hơn, môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Pháp đầu tư vào Việt Nam bắt đầu từ năm 1988, hiện đứng thứ 15/92 quốc gia vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 340 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 3 tỷ USD, là bạn hàng châu Âu lớn thứ 3 của Việt Nam sau Đức và Anh.
Tính đến nay, có nhiều doanh nghiệp Pháp hoạt động tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư ngày càng tăng. Các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Pháp chủ yếu là giày dép, dệt may, đồ da dụng, thủy sản và máy móc thiết bị, linh kiện điện tử. Các nhà đầu tư Pháp chủ yếu tham gia vào các lĩnh vực công nghiệp hóa chất - dược, công nghiệp xây dựng, ngân hàng, bất động sản.
Tùng Linh (Theo VOV)