.
.

Những sự kiện nổi bật ngày 09/02

Thứ Năm, 09/02/2012|21:11

Trong ngày 09/02/2012, một số báo chí đã có bài phản ánh những sự kiện nổi bật của đất nước và những vấn đề liên quan đến hoạt động của Khối Doanh nghiệp Trung ương như sau:

I- MỘT SỐ SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC

1. Theo TTXVN, chào đón chuyến thăm chính thức Lào của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, tất cả các báo của Lào ngày 9/2 đều đăng trang trọng trên trang nhất ảnh chân dung và tiểu sử của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Các báo đều có bài viết nêu rõ chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh nhân dân các dân tộc Lào đang tổ chức triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và nhiều sự kiện quan trọng như Năm đoàn kết hữu nghị Lào-Việt Nam, Kỷ niệm 35 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào-Việt Nam, Kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Lào-Việt Nam, nhân dân các dân tộc Lào trong cả nước phấn khởi và tự hào được đón tiếp Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang cùng phu nhân và những người bạn thân thiết đã đem lại cho nhân dân các dân tộc Lào tình hữu nghị vĩ đại và tình đoàn kết thương yêu đặc biệt của nhân dân Việt Nam anh em. Quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào-Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong gây dựng và dày công vun đắp, trải qua nhiều thử thách đến nay đã trở thành di sản quý giá, quy luật tồn tại và phát triển của hai dân tộc. Mối quan hệ này cũng là nhân tố quyết định thắng lợi của mỗi nước và đang không ngừng được tăng cường, phát triển và đơm hoa kết trái trong mọi lĩnh vực cả về chiều rộng và chiều sâu, đem lại lợi ích thực sự cho nhân dân hai nước. Sự hợp tác giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực đã có sự thay đổi tích cực với nhiều hình thức và nội dung phong phú, ngày càng đi vào chiều sâu, phủ hợp với thực tế và có hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, các báo ra cùng ngày còn đăng nhiều bài viết giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam cũng như sự phát triển của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

2. Báo điện tử Chính phủ phản ánh, ngày 9/2, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương họp phiên thứ 45 nhằm đánh giá kết quả công tác năm 2011 và đề ra những nhiệm vụ trọng tâm năm 2012. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương chủ trì phiên họp. Báo cáo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà cho biết, năm 2011, phong trào thi đua của các Bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và các địa phương đã có những tiến bộ, từng bước khắc phục tính hình thức trong thi đua. Các phong trào thi đua được phát động với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, gắn với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Năm 2011, Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ và đề nghị Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng 13 Huân chương Sao vàng, 30 Huân chương Hồ Chí Minh, 7.776 Huân chương các loại, trên 228.630 huy chương các loại; phong tặng 163 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 26 Anh hùng Lao động, 11 Anh hùng Lực lượng vũ trang;…

Trong năm 2012, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương xác định một số nhiệm vụ chủ yếu như đẩy mạnh các phong trào thi đua ngay từ những tháng đầu năm; hoàn thiện, trình Bộ Chính trị Đề án “Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, tiến hành triển khai thực hiện các nội dung khi Đề án được thông qua.

Đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng kết đánh giá 8 năm thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng, trên cơ sở đó đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Tổ chức lễ trao tặng các hình thức khen thưởng bậc cao của Nhà nước và tổ chức biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến toàn quốc” vào dịp 11/6 hàng năm và Đề án phát động phong trào thi đua “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.

Hội đồng cũng sẽ phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong “Thực hiện làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

3. Theo Đài Tiếng nói Việt Nam, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất giải pháp và lộ trình phù hợp thực hiện điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu. Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp phát triển mạnh thị trường trong nước, tăng sức mua của người dân, đưa hàng hóa, dịch vụ về nông thôn, phát triển các hình thức tín dụng tiêu dùng, đổi mới các kênh mua, bán, phân phối hàng hóa dịch vụ; chống đầu cơ, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao tập trung chỉ đạo, phát huy tối đa lợi thế của sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, duy trì và nâng cao tỷ trọng đóng góp trong tăng trưởng kinh tế. Trước mắt, Chính phủ yêu cầu Bộ tập trung chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân đạt và vượt kế hoạch đề ra; đẩy mạnh công tác phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài và dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, cần xây dựng và phát triển các cụm liên hoàn kết nối sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc hỗ trợ gạo thường xuyên cho học sinh dân tộc thiểu số tại các trường bán trú khu vực miền núi và vùng đặc biệt khó khăn.

4. Báo Lao Động cho biết, Cơ quan CSĐT - Công an TP.Hải Phòng đã ra quyết định khởi tố vụ án huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 Bộ luật Hình sự để điều tra.

Ngay sau khi có quyết định khởi tố vụ án, các điều tra viên của Cơ quan CSĐT - CA TP.Hải Phòng đã xuống hiện trường, tiến hành thu thập chứng cứ, xác định thiệt hại; đồng thời, tiến hành triệu tập các cá nhân có liên quan lên để lấy lời khai. Theo nhận định của các chuyên gia pháp luật, với những thông tin khá rõ ràng như vậy, việc khởi tố bị can chỉ là vấn đề thời gian.

Trong một diễn biến khác, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan công tố đã tiến hành xem xét lại bản án sơ thẩm đối với quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng đã được TAND huyện Tiên Lãng đưa ra xét xử; quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của TAND TP.Hải Phòng để xác định tính đúng đắn trong việc áp dụng pháp luật, cơ quan tiến hành tố tụng có vi phạm thủ tục tố tụng hay không để báo cáo Thủ tướng.

Cùng ngày, các luật sư của Cty luật Dragon và Cty luật hợp danh Hồng Bách và cộng sự đã tiếp xúc và làm việc với gia đình các ông Vươn, Quý cùng Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng để thu thập thông tin nhằm bảo vệ quyền lợi cho thân chủ.

5. Các báo đồng loạt đưa tin: Vào khoảng 5 giờ sáng 9/2, chợ trung tâm thành phố Quảng Ngãi đã bị cháy lớn. Thiệt hại ước tính lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Đại diện lãnh đạo UBND thành phố Quảng Ngãi cho biết, chợ Quảng Ngãi là chợ lớn nhất tỉnh có hơn 500 hộ tiểu thương kinh doanh mua bán đủ các loại mặt hàng. Ngay khi có vụ cháy xảy ra, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các lãnh đạo của thành phố Quảng Ngãi, lãnh đạo Công an tỉnh đều có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác chữa cháy. Tuy nhiên, do chợ Quảng Ngãi hiện nay đang trong quá trình xây dựng phía sau chợ chính nên hàng trăm hộ kinh doanh được đưa ra buôn bán dưới lán trại trên các trục đường chính xung quanh chợ làm cho các xe cứu hỏa không tiếp cận được sát hiện trường, ảnh hưởng lớn đến việc chữa cháy.

Số thiệt hại cụ thể và nguyên nhân vụ cháy đang được các cơ quan chức năng của tỉnh và thành phố Quảng Ngãi làm rõ.

II- NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA KHỐI DNTW

1.– Báo điện tử VOVNews phản ánh, tại Nghị quyết số 03 về phiên họp thường kỳ tháng 1/2012, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải có phương án giải quyết vấn đề thanh khoản của hệ thống ngay trong quý 1/2012. Chính phủ cũng yêu cầu cơ quan này chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức tín dụng ưu tiên vốn tín dụng cho các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động. Đồng thời, theo dõi sát tình hình để có phương án giảm lãi suất tín dụng ở mức hợp lý vào thời điểm phù hợp.

2. Trong bài viết “Thách thức đối với hoạt động sản xuất công nghiệp - thương mại”, báo Đại biểu nhân dân dẫn lời các chuyên gia kinh tế đánh giá: 2012 sẽ là một năm đầy khó khăn và thách thức đối với tất cả các nền kinh tế thế giới. Điều này tác động đến công cuộc phát triển kinh tế của nước ta trong năm nay và trong thời gian tới.

 Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải: tháng 1/2012, sản xuất công nghiệp trong nước đã có những khó khăn lớn: Tình hình thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân, sức mua giảm đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất công nghiệp trong nước. Số ngày nghỉ tết kéo dài hơn so với năm trước nên tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp giảm 12,9% so với tháng 12 năm 2011.

Trong điều kiện đó, ngành dầu khí ngay từ tháng đầu năm đã ổn định công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, chủ động thực hiện các giải pháp bảo đảm ổn định sản xuất và tiến độ đầu tư các dự án, cung ứng đủ và kịp thời các sản phẩm thường xuyên cho thị trường  trong trong nước dịp Tết Nhâm Thìn và dầu thô phục vụ xuất khẩu. Theo thống kê cho thấy: tổng sản lượng khai thác quy dầu ước đạt 2, 12 triệu tấn, trong đó, sản lượng khai thác dầu thô ước đạt 1,41 triệu tấn, tăng 11,6% so với cùng kỳ… Trong tháng, ngành dầu khí tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ vận hành an toàn các hệ thống vận chuyển khí, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các kênh phân phối, các đại lý, các điểm bán hàng đối với các sản phẩm xăng dầu, LPG, đồng thời, đôn đốc các nhà thầu dầu khí bảo đảm kế hoạch tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí tháng 2 theo đúng kế hoạch đề ra.

Ngành công nghiệp nặng trong tháng cũng có những biến chuyển nhất định.  Hoạt động khai thác khoáng sản tiếp tục ổn định nên duy trì được mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ: quặng apatit tăng 9,1%,  khai thác đồng tấm tăng 22,6; khai thác quặng sắt tăng 1,3 lần… Ngành thép trong tháng 1 sản lượng tăng 1,4% so với cùng kỳ. Đây là tháng đầu năm và cũng là tháng có sự tăng trưởng sau 5 tháng liên tiếp giảm so với cùng kỳ. Trước tình hình thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu xây dựng chưa có những tín hiệu khả quan, do đó nhu cầu thép không tăng nhưng lượng nhập khẩu thép xây dựng và thép thương mại bằng cùng kỳ, giá đầu vào hàng tồn kho cao. Theo đánh giá của các chuyên gia thì giá thép trong nước thời gian tới vẫn chưa có xu hướng giảm.

Bên cạnh đó, ngành hoá chất sản xuất phân bón các loại trong tháng giảm nhiều so với cùng kỳ, nhất là phân NPK. Thị trường phân bón trong nước không có nhiều biến động như những năm trước do nhu cầu phân bón cho vụ đông xuân tại khu vực phía Nam ổn định và nhiều địa phương khu vực phía Bắc đã xuống giống. Mặt khác, thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp có nguồn cung và nguồn dự trữ khá dồi dào. Tuy nhiên, việc chi phí đầu vào tăng do giá khí dầu mỏ hoá lỏng LPG được điều chỉnh do thuế nhập khẩu tăng từ 2% lên 5%. Đây sẽ là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến giá phân bón trong nước trong năm 2012.

Hiện nay, ngành giấy đang gặp phải những khó khăn khi đứng trước tình trạng cạnh tranh gay gắt về nguyên liệu  và sản phẩm giấy nhập khẩu đã làm phần lớn các doanh nghiệp mất thế chủ động về sản xuất bột giấy và phụ thuộc vào nguyên liệu bột giấy nhập khẩu trong khi giá bột giấy thế giới luôn biến động… Nhìn chung, các ngành công nghiệp khác có tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong tháng đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Trước tình hình đó, Bộ Công thương đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ và các Sở Công thương tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11/NQ- CP: khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước để đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất hàng hoá, cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Tập trung kiềm chế lạm phát, theo dõi sát diễn biến cung cầu giá cả các mặt hàng thiết yếu để chủ động linh hoạt trong điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường sau tết. Có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận và nhân dân trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội…

3. Theo Báo điện tử Chính phủ, tối 8/2/2012, buổi lễ chào mừng sự kiện khai trương chi nhánh Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã được tổ chức tại thủ đô Viên Chăn, Lào. Tới dự buổi lễ có ông Somsavat Lengsavat - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào, Chủ tịch Phân ban hợp tác Lào – Việt Nam; ông Somphanh Phengkhammy - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHDCND Lào; ông Somphao-Phaysith - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lào cùng nhiều Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Thứ trưởng, lãnh đạo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương;  lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, đoàn thể nước CHDCND Lào. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đặng Thanh Bình; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Lào Tạ Minh Châu cùng một số đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành của Việt Nam đã tham dự buổi lễ.

Về phía VietinBank có ông Phạm Huy Hùng – Ủy viên BCH Đảng bộ khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị; ông Nguyễn Văn Thắng - Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc cùng nhiều vị trong Ban lãnh đạo, Ban điều hành; lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp, doanh nhân, bạn hàng đến từ hai nước Lào và Việt Nam.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Chủ tịch HĐQT VietinBank Phạm Huy Hùng khẳng định, chi nhánh VietinBank tại Lào sẽ hoạt động chất lượng, an toàn, hiệu quả, phát triển bền vững, công khai, minh bạch, phát triển mạnh mẽ, đưa VietinBank trở thành ngân hàng thương mại lớn chủ lực trên đất Lào, góp phần xây dựng kinh tế xã hội của đất nước Lào ngày càng giàu đẹp.

Vui mừng chào đón VietinBank gia nhập vào gia đình ngân hàng thương mại tại Lào, tại buổi lễ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lào Somphao-Phaysith nhấn mạnh, sự kiện VietinBank khai trương Chi nhánh tại Lào có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đúng vào thời điểm mà Đảng và nhân dân hai nước đang tưng bừng tổ chức kỷ niệm mối quan hệ ngoại giao vừa tròn 50 năm và hiệp định hữu nghị và hợp tác Lào – Việt vừa tròn 35 năm.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đặng Thanh Bình đánh giá cao những nỗ lực của VietinBank trong việc chủ động, tích cực tăng cường hội nhập quốc tế, từng bước vươn ra thị trường khu vực và thế giới. Việc VietinBank lựa chọn CHDCND Lào để mở chi nhánh là một quyết định đúng đắn, có tính chiến lược. Lào là một thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Sự kiện VietinBank khai trương chi nhánh tại Lào góp phần ghi dấu mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Lào.

Nhân dịp này, VietinBank đã tài trợ 30.000 USD cho Tổng hội người Việt Nam tại Lào.

 4. Báo Giao thông vận tải đưa tin, tại buổi làm việc với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) về việc sắp xếp, đổi mới Tổng công ty diễn ra ngày 8/2/2012 tại Hà Nội, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng chỉ đạo, tái cơ cấu toàn diện, triệt để đối với Vinalines.

Tổng giám đốc Vinalines Nguyễn Cảnh Việt cho biết sau khi hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới, Vinalines sẽ thu gọn đáng kể các đầu mối doanh nghiệp, từ 88 đầu mối xuống còn 61, gồm 7 đơn vị hạch toán phụ thuộc, 34 Công ty con, 15 công ty liên kết và 4 doanh nghiệp có vốn góp. Vinalines sẽ tiến hành thoái vốn tại các công ty có ngành nghề kinh doanh bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản và các đơn vị có tỷ lệ vốn góp thấp, ít hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính của Tổng công ty. Vinalines cũng sẽ tiến hành xây dựng đề án rà soát tổng thể để có phương án chuyển nhượng, bán thanh lý một số con tàu hoạt động không hiệu quả để cơ cấu lại đội tàu biển theo hướng trẻ hóa và chuyển đổi loại tàu, tải trọng để phù hợp với nhu cầu vận chuyển hiện tại cũng như tương lai. Đối với việc cơ cấu lại các khoản nợ, Vinalines sẽ lập danh mục các khoản nợ phải trả, phân loại từng đối tượng cho vay, thời hạn vay song song với việc tích cực đàm phán với các tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài để thực hiện cơ cấu lại. Dự kiến, Tổng công ty sẽ cần khoảng hơn 6.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án trọng điểm được giao trong giai đoạn đến năm 2015 gồm Dự án cảng quốc tế Vân Phong, cảng cửa ngõ Lạch Huyện, chương trình 32 tàu, 20 tàu. Ông Việt cho rằng, với các giải pháp trên, Vinalines sẽ chủ động được nguồn vốn kinh doanh đội tàu cũng như đảm bảo một phần vốn tự có để làm vốn đối ứng cho các dự án trọng điểm quốc gia trong giai đoạn từ nay đến năm 2015.

Ông Nguyễn Chiến Thắng – Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp, Bộ GTVT cho biết về sắp xếp, đổi mới lại Vinalines, Ban đổi mới doanh nghiệp tập trung chủ yếu vào việc tái cơ cấu, sắp xếp các đơn vị không thuộc mảng kinh doanh chính, trước hết là giảm 27 đầu mối.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, Vinalines phải tập trung phát triển các ngành nghề kinh doanh chính là vận tải biển (đẩy mạnh vận tải viễn dương, làm chủ vận tải nội địa), đầu tư và khai thác cảng biển. Thứ trưởng khẳng định Vinalines đã đầu tư nhiều cảng lớn, nhưng đầu tư trong nước chưa nhiều, vừa khởi động thì đã rơi vào khủng hoảng như Vân Phong, Lạch Huyện, Ba Ngòi, Cái Cui. Các cảng liên doanh thì lỗ. Do vậy, Thứ trưởng lưu ý về đầu tư, Vinalines phải làm ra tấm ra món. Ngoài Cái Mép Thị Vải, thì tập trung vào Hải Phòng, Cái Lân, Vân Phong. Đối với các đơn vị của Vinashin chuyển sang, Thứ trưởng cho rằng Vinalines cần xây dựng đề án riêng, gắn với Vinashin, từ đó xin cơ chế riêng, có quá trình thực hiện trong vòng từ 3 – 5 năm.

5. Theo thông tin trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, trong tháng 1/2012, Việt Nam đã xuất khẩu 279.266 tấn gạo, đạt trị giá 153,650 triệu USD. Các thị trường chính của gạo Việt Nam trong tháng 1 chủ yếu tập trung ở châu Á với 228.263 tấn (chiếm 81,74%), tiếp theo là châu Mỹ với 27.225 tấn (chiếm 9,75%), các thị trường còn lại như châu Phi, châu Úc, Trung Đông, châu Âu, lượng gạo nhập không đáng kể.

Theo dự báo của VFA, trong tháng đầu năm, xuất khẩu gạo từ Ấn Độ và Pakistan vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh; các nước xuất khẩu gạo còn lại như Thái Lan, Việt Nam, Mỹ đều gặp khó khăn.

Hiện giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường giao động từ 5.600-5750 đồng/kg, lúa dài khoảng 5750-5.900 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.450-7600 đồng/kg; giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 8.750-8950 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, hầu hết các mặt hàng nông sản tăng giá trở lại trong các phiên giao dịch gần đây nhờ tín hiệu lạc quan về cuộc đàm phán giải quyết nợ công của Hy Lạp và đặc biệt là từ hiệu ứng đồng USD giảm giá mạnh so với các loại ngoại tệ chủ chốt khác trên thị trường.

6. Theo báo Thanh niên, Bộ LĐ-TB-XH cho biết sẽ họp báo thông tin về kết quả kiểm tra việc thực hiện pháp luật về tiền lương và thu nhập của Tập đoàn điện lực VN (EVN) vào ngày 10/2.

Được biết, Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Công thương đã làm việc về kết quả kiểm tra. Bộ Công thương hoàn toàn đồng ý với kết quả kiểm tra do thanh tra Bộ LĐ-TB-XH tiến hành từ 12/12/2011 đến 14/1/2012 về tình hình thực hiện pháp luật lao động về tiền lương, thu nhập tại 25 đơn vị của EVN, trong đó có công ty mẹ EVN, các tổng công ty, công ty truyền tải và phân phối điện...

Theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, thu nhập bình quân của cán bộ toàn công ty mẹ EVN trong năm 2010 là 13,7 triệu đồng/tháng. Trong đó, thu nhập bình quân khối truyền tải điện là 10,8 triệu đồng/người/tháng, còn khối phân phối điện khoảng 7,9 triệu đồng.

                   Thanh Tùng (tổng hợp)

 

.
.
.
.