.
.

Những sự kiện nổi bật trong ngày 08/02

Thứ Năm, 09/02/2012|09:05
Trong ngày 08/02/2012, một số báo chí đã có bài phản ánh những sự kiện nổi bật của đất nước và những vấn đề liên quan đến hoạt động của Khối Doanh nghiệp Trung ương như sau:
 
I- MỘT SỐ SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC
 
1. Theo Đài Tiếng nói Việt Nam, nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước CHDCND Lào Chummaly Sayasone, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Trương Tấn Sang và phu nhân sẽ thăm hữu nghị chính thức Lào từ ngày 9 - 11/2/2012.
Đây là chuyến thăm Lào đầu tiên của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trên cương vị Chủ tịch nước và là sự kiện mở đầu cho các hoạt động chào mừng “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào 2012”. Bài báo cho biết, trong những năm qua, Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 về đầu tư vào Lào. Tính đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam có 224 dự án đầu tư tại Lào với tổng giá trị đầu tư 3,57 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực khai khoáng, điện, nông nghiệp, dịch vụ...
Về thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt – Lào tăng trưởng tương đối tốt, 11 tháng của năm 2011 đạt 636 triệu USD, tăng 48% so với cùng năm 2010; trong đó, Việt Nam xuất khẩu 239 triệu USD, tăng gần 32% so với cùng kỳ năm 2010. Hai nước đang phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 1 tỷ USD trong năm nay và đạt 2 tỷ USD năm 2015.
Chuyến thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhằm củng cố và tăng cường hơn nữa sự tin cậy, gắn bó giữa các lãnh đạo cấp cao hai nước; khẳng định Việt Nam hết sức chú trọng tăng cường quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với Lào; trao đổi phương hướng đưa quan hệ Việt – Lào lên tầm cao mới.
 
2. Báo Quân đội nhân dân đăng tin, nhân dịp kỷ niệm 105 năm Ngày sinh đồng chí Trường Chinh (9-2-1907/9-2-2012), nguyên Tổng bí thư, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 7-2, tại Hà Nội, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Trường Chinh - nhà văn hóa lớn”.
Các ý kiến tại buổi tọa đàm thêm một lần nữa khẳng định đồng chí Trường Chinh là “người cộng sản kiên cường, mẫu mực, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, nhà văn hóa và nhà báo lớn”, “học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến”, “được nhân dân ta và bè bạn trên thế giới tin yêu, kính trọng”.
Kỷ niệm 105 năm ngày sinh đồng chí Trường Chinh, buổi tọa đàm là dịp để mọi người cùng tưởng nhớ về một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, đồng thời là một nhà văn hóa lớn. Tên tuổi, sự nghiệp của đồng chí Trường Chinh mãi mãi được ghi vào lịch sử vẻ vang của Đảng, của dân tộc và sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam.
 
3. Ngày 8/2, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Thường trực Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã họp phiên toàn thể thứ ba, nghe và đóng góp ý kiến vào báo cáo một số vấn đề về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp - TTXVN cho biết. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, thời gian qua, Ban biên tập đã khẩn trương hoàn thành dự thảo báo cáo việc thực thi Hiến pháp 1992 và những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung. Trong tháng 3, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ báo cáo Quốc hội.
Thường trực Ban biên tập nhìn nhận Hiến pháp năm 1992 cần được sửa đổi đồng bộ cả những nội dung về cơ sở hạ tầng kinh tế và những nội dung liên quan đến thiết chế nhà nước, thiết chế của kiến trúc thượng tầng, những nội dung về văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ cũng như quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân để phù hợp với chủ trương của Đảng là tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nhiệm vụ của một bản Hiến pháp trong tình hình mới là tạo cơ sở pháp lý ổn định, vững chắc, tạo động lực mới cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhiều vấn đề cần xem xét, sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp 1992 đã được Ban Biên tập đưa ra, trong đó nhấn mạnh sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo động lực mới cho sự phát triển đất nước; thể chế hóa đầy đủ hơn tư tưởng về dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, chủ quyền nhân dân. Sửa đổi để khẳng định và bảo đảm thực hiện đại đoàn kết dân tộc; tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; phát huy tối đa nhân tố con người, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tăng cường đồng thuận xã hội, phòng ngừa xung đột xã hội.
Đồng thời, sửa đổi Hiến pháp cũng nhằm mục tiêu tiếp tục xây và hoàn thiện nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tiếp tục cải cách và hoàn thiện thể chế; bảo đảm hội nhập quốc tế đầy đủ và vững chắc; bảo đảm hiệu lực, tính ổn định và phát triển của Hiến pháp. 
 
4. Báo Hà Nội mới cho biết: Cùng với 16 dự án quan trọng, tỉnh Quảng Ninh đang dốc sức kêu gọi vốn cho hai công trình trọng điểm là khu liên hợp du lịch - casino và sân bay quốc tế tại Vân Đồn với tổng giá trị gọi thầu hơn 5 tỷ đôla Mỹ.
Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh - Nguyễn Văn Thành cho biết khu liên hợp giải trí là một phần trong tổng thể quy hoạch Khu kinh tế Vân Đồn đã được Thủ tướng chấp thuận.
Theo đó, không chỉ dừng lại ở casino, dự án sẽ bao gồm một khu liên hợp du lịch, nghỉ dưỡng, thể thao vui chơi giải trí được xây dựng trên diện tích 2.000 ha tại xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, hướng tới mục tiêu sẽ trở thành một thành phố du lịch mang tầm quốc tế.
Cũng theo ông Thành, số vốn được các nhà đầu tư chuẩn bị cho dự án nêu trên đã lên tới hơn 4 tỷ USD. Kế hoạch chi tiết cho dự án đang được tỉnh và Bộ Kế hoạch & Đầu tư gấp rút chuẩn bị để báo cáo Thủ tướng trong phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ.
Song song với dự án casino, Quảng Ninh cũng đang gọi vốn cho dự án Sân bay quốc tế Vân Đồn với quy mô dự kiến khoảng một tỷ USD - lớn nhất trong các dự án đầu tư sân bay tại Việt Nam từ trước đến nay. Theo Phó chủ tịch Nguyễn Văn Thành, lợi thế chính của Sân bay Vân Đồn khi hoàn thành chính là vị trí địa lý thuận lợi, có thể bay tới hầu hết các nước trong khu vực Đông Á trong khoảng thời gian chưa đầy 2 giờ đồng hồ.
Cùng với 2 dự án trọng điểm nói trên, tỉnh Quảng Ninh cũng đang kêu gọi đầu tư cho 16 dự án khác. Các công trình này dự kiến sẽ được quảng bá tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư được tổ chức vào trong ngày 23,24/2 tới tại Hạ Long.
Theo lãnh đạo tỉnh, đây là cơ hội lớn để Quảng Ninh thúc đẩy hoạt động đầu tư nước ngoài tại địa phương, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn và thắt chắt đầu tư công trong nước hiện nay. Trong số 18 dự án đang gọi vốn, ngoài các ưu đãi thông thường, tỉnh sẵn sàng ứng 100% vốn giải phóng mặt bằng cho 12 trường hợp phát triển dự án cơ sở hạ tầng. Với 6 dự án còn lại, tỉnh sẽ ứng 30% đồng thời đảm bảo hạ tầng kỹ thuật đến “chân hàng rào dự án”.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tính từ năm 1989 đến nay, Quảng Ninh thu hút được 3,729 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho 89 lượt dự án. Tuy nhiên, vốn giải ngân chỉ đạt khoảng 735 triệu USD, chiếm tỷ lệ khoảng 19%. Tốc độ tăng giải ngân đạt trung bình khoảng 12% mỗi năm.
 
II- NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA KHỐI DNTW
 
1. Theo phản ánh của TTXVN, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đang chỉ đạo quyết liệt và có giải pháp đồng bộ để tăng tốc độ đào lò, đảm bảo tiến độ đưa các mỏ vào hoạt động nhằm đạt 55 triệu tấn than sạch vào năm 2015. 
Theo đó, Tập đoàn giao các Công ty Hầm lò 1 và Hầm lò 2 chủ trì thi công xây dựng các mỏ mới có sự hợp tác, chuyển giao công nghệ của đối tác nước ngoài, đầu tư thiết bị xây dựng mới đồng bộ, phù hợp; nâng cao chất lượng tư vấn, thiết kế của các đơn vị trong Tập đoàn như Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư mỏ&công nghiệp, Viện Khoa học công nghệ mỏ.... Đối với những dự án lớn, phức tạp, cần thiết tập đoàn sẽ thuê tư vấn trong và ngoài nước nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng các dự án. Tập đoàn cũng sẽ hợp tác, thuê các đơn vị trong nước, ngoài nước xây dựng mỏ mới theo hình thức xây dựng, chuyển giao. 
Tập đoàn cũng yêu cầu các công ty than phải chủ động xây dựng chương trình hành động cụ thể, đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư, bao gồm công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, kế hoạch tự làm, thuê ngoài, kế hoạch huy động vốn... Việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng mỏ còn khiến Vinacomin chú trọng triển khai các dự án khai thác than đồng bằng sông Hồng, hợp tác khai thác than ở nước ngoài và nhập khẩu than nhằm từng bước thiết lập mạng lưới bán hàng, xây dựng các cảng trung chuyển than tại miền Nam, phục vụ nhu cầu than trong nước tăng cao vào năm 2015. 
Vinacomin cho biết nhờ tập trung công tác phát triển mỏ nên ngay trong tháng 1 vừa qua, khối lượng bóc đất đá đã đạt 21,1 triệu m3, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do sản lượng khai thác than nguyên khai giảm 24,3% so với cùng kỳ, nên ảnh hưởng đến sản lượng than sạch của toàn ngành, giảm 21,5%. Tiêu thụ than cũng đạt gần 2,8 triệu tấn, giảm 10,6% so với cùng kỳ, chủ yếu do lượng than xuất khẩu giảm 19,3% và cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện giảm 9,9%./.  
 
2. Trong bài viết Dệt may đang thiếu đơn hàng, Báo điện tử VOV News phản ánh, hiện chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp lớn có đơn hàng đến quý III và IV. Theo Bộ Công thương, ngành Dệt may sản xuất nguyên liệu vải gần đây có xu hướng giảm dần do ảnh hưởng của việc đơn hàng xuất khẩu giảm và tiêu dùng trong nước giảm. Hiện chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp lớn có đơn hàng đến quý III và IV (trong khi cùng kỳ năm trước thì hầu hết các doanh nghiệp dệt may đã kín đơn hàng đến quý II). Vì vậy nên vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo trong tháng giảm 22,0% so với cùng kỳ, quần áo may sẵn cho người lớn phục vụ nhu cầu xuất khẩu cũng giảm 10,9%.
Nếu xét theo thời gian làm việc của tháng Tết Nguyên đán, so với tháng 2/2011, sản lượng vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tăng 1,0% và quần áo may sẵn cho người lớn tăng 2,1%.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải cho biết: “Những yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến sản xuất trong tháng của ngành là giá nhân công và chi phí đầu vào tăng do không chủ động được nguồn nguyên liệu; xuất khẩu chịu tác động mạnh từ các chính sách tài chính của Châu Âu và từ tiết kiệm tiêu dùng tại Nhật Bản”.
 
3. Theo TTXVN, Bộ Thương mại Thái Lan đang có kế hoạch hợp tác cùng có lợi với Việt Nam và một số nước láng giềng trong buôn bán các nông sản trên thị trường thế giới. Theo đó, Bộ trưởng Thương mại nước này dự định sẽ dẫn đầu một phái đoàn Thái Lan đến thăm Việt Nam vào tháng tới, để tìm kiếm sự hợp tác gần gũi hơn nữa giữa hai chính phủ trong thương mại thóc gạo. Theo Bộ trưởng Thương mại Thái Lan, là hai nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, Thái Lan và Việt Nam cần tăng cường hợp tác nhằm nâng cao khả năng mặc cả và giữ giá ở mức cao.
 
4. Cũng trên báo điện tử VOV News phản ánh, sau Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp ở Hải Phòng đã phải ngừng hoạt động do khó khăn về vốn, thiếu vật tư, trang thiết bị cho phục vụ sản xuất. Điển hình là các đơn vị, Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Tam Bạc, Công ty Công nghiệp tàu thủy Thành Long, Công ty Cổ phần Cơ khí đóng tàu Hạ Long.
Bà Phạm Thị Thu Nga, Trưởng Phòng Pháp Chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Hải Phòng cho biết: "Các doanh nghiệp đóng tàu gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn, thiếu vật tư, thiếu thiết bị sản xuất. Bên cạnh đó, còn có các doanh nghiệp ngành sản xuất thép cũng đang gặp nhiều khó khăn do thị trường xây dựng trầm lắng, hàng tồn kho nhiều”.
 
5. Theo đánh giá từ Bộ Công thương, ngay từ tháng đầu năm, ngành dầu khí đã ổn định công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, chủ động thực hiện các giải pháp đảm bảo sản xuất và tiến độ đầu tư các dự án, cung ứng đủ và kịp thời các sản phẩm chủ yếu như xăng dầu, LPG… cho thị trường trong nước dịp Tết Nhâm Thìn và dầu thô phục vụ xuất khẩu – Thông tin trên Báo Hà Nội mới.
Bài báo cho biết, tháng 1/2012, tổng sản lượng khai thác quy dầu ước đạt 2,12 triệu tấn, trong đó: sản lượng khai thác dầu thô ước đạt 1,41 triệu tấn, tăng 11,6% so với cùng kỳ (do khai thác mỏ ở nước ngoài tăng); sản lượng LPG ước đạt 65,2 nghìn tấn, tăng 26,3% so với cùng kỳ; xăng dầu các loại ước đạt 567,2 nghìn tấn, tăng 11,2% so với cùng kỳ; sản lượng khai thác khí ước đạt 0,71 tỷ m3, giảm 10,2% so với cùng kỳ. 
Nếu xét theo thời gian làm việc của tháng Tết Nguyên đán, so với tháng 2/2011, sản lượng khai thác dầu thô tăng 23,7%; sản lượng LPG tăng 27,8%; xăng dầu các loại tăng 11,8%; sản lượng khai thác khí tăng 6,0%. 
Trong tháng 2/2012, ngành dầu khí tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ vận hành an toàn các hệ thống vận chuyển khí, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các kênh phân phối, các đại lý, các điểm bán hàng đối với các sản phẩm xăng dầu, LPG, đồng thời, đôn đốc các nhà thầu dầu khí đảm bảo kế hoạch tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí tháng 2 theo đúng kế hoạch đề ra.
 
6. Báo Đại biểu nhân dân cho biết, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) thông báo hoàn thành kế hoạch phục vụ giai đoạn cao điểm Tết Nhâm Thìn 2012.
Theo đó, từ ngày 7 - 30/1/2012, Vietnam Airlines đã vận chuyển an toàn trên 1 triệu lượt khách, tăng 7% so với cùng kỳ; trong đó, nội địa đạt 646.565 khách, tăng 6,8%; quốc tế đạt 365.791 khách, tăng 7,3%. Sản lượng hàng hóa, bưu kiện vận chuyển đạt trên 11.200 tấn.Tổng số chuyến bay Vietnam Airlines điều hành trong dịp Tết 2012 là 8.423 chuyến với mức bình quân 385 chuyến/ngày, tăng 13% so với Tết 2011. Trong điều kiện số lượng chuyến bay hàng ngày tăng rất cao nhưng Vietnam Airlines không để xảy ra bất kỳ vụ việc liên quan đến công tác an ninh, an toàn trong toàn bộ cao điểm Tết.
Năm nay, Vietnam Airlines đã đưa hàng loạt giải pháp hiệu quả dựa trên cơ sở cân đối, phát huy nội lực, xây dựng phương án tăng chuyến, tăng tải phù hợp, đảm bảo an toàn, tiết kiệm. Ngay sau giai đoạn cao điểm Tết, hãng đã sẵn sàng khai thác những giai đoạn tiếp theo trong năm 2012; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, triển khai các chương trình khuyến mại…
                                                                                                                           
     Thanh Tùng (tổng hợp)
 
.
.
.
.