Những tin tức nổi bật ngày 10/2
Trong ngày 10/02/2012, một số báo chí đã có bài phản ánh những sự kiện nổi bật của đất nước và những vấn đề liên quan đến hoạt động của Khối Doanh nghiệp Trung ương như sau:
I- MỘT SỐ SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC
1. Các báo ra trong ngày phản ánh: Sáng 10/2, tiếp tục chuyến thăm CHDCND Lào, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng phu nhân và đoàn cấp cao nước ta đã đến thăm tỉnh Chăm Pa Sắc và dự Lễ khánh thành Đài chuyển tiếp phát thanh truyền hình, đến thăm Công ty cổ phần Cao su Việt Lào. Với tình cảm thắm thiết Việt-Lào, chính quyền và nhân dân tỉnh Chăm Pa Sắc đã dành cho Chủ tịch nước cùng phu nhân và đoàn cấp cao nước ta sự đón tiếp trọng thị. Ngay sau khi rời sân bay, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm Nhà máy chế biến mủ cao su 27/2 thuộc Công ty Cổ phần Cao su Việt-Lào. Đây là công ty đầu tiên của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Việc khánh thành nhà máy chế biến mủ cao su đầu tiên với công suất 24.000 tấn/năm sẽ chủ động chế biến tại chỗ sản phẩm khai thác từ dự án trồng mới, chăm sóc 10.000ha cao su của công ty.
Sau khi tham quan nhà máy và trực tiếp cạo mủ với công nhân để mở đầu cho mùa khai thác mủ cao su mới, Chủ tịch nước đánh giá cao nỗ lực của công ty trong việc đầu tư sang nước bạn Lào. Thông qua hoạt động của mình công ty không chỉ có thêm doanh thu mà còn góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động Lào, đồng thời góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng dự án.
Tiếp đó, Chủ tịch nước đã đến dự Lễ khánh thành Đài chuyển tiếp phát thanh-phát hình Paksong, một trong những dự án xây dựng bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Việt Nam dành cho các khu vực vùng sâu, vùng xa của Lào. Sự kiện khánh thành giai đoạn 1 của công trình góp phần đắc lực trong việc đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước Lào đến với bà con nhằm nâng cao hơn nữa đời sống tinh thần của nhân dân các tỉnh Nam Lào. Sự kiện này biểu hiện sinh động của tình hữu nghị, đoàn kết giữa 2 nước và cũng là một trong hoạt động quan trọng chào mừng kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt-Lào.
2. Các báo cũng đồng loạt đăng tin, chiều 10/2 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp để giải quyết vụ việc tại Tiên Lãng với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng. Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết Thủ tướng đã yêu cầu UBND, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng báo cáo chính thức về một số nội dung quan trọng của vụ việc.
Cụ thể, việc giao đất, thu hồi đất đối với gia đình Đoàn Văn Vươn đúng, sai ở điểm nào, trách nhiệm thuộc cá nhân nào? Việc tổ chức cưỡng chế có đúng quy định của pháp luật không, cách thức tiến hành cưỡng chế có đúng không, sai ở điểm nào, nếu sai thì ai chịu trách nhiệm? Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu làm rõ việc các tài sản như nhà, ao cá của ông Đoàn Văn Vươn đã bị phá hủy thì do ai có chủ trương, ai thực hiện và hướng xử lý việc này.
Ngay chiều 10/2, một cuộc họp báo chính thức đã được tổ chức để thông báo các nội dung của cuộc họp quan trọng này.
3. Báo Đại biểu nhân dân phản ánh: Sáng 10/2, Hội đồng Lý luận Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đã ký kết Quy chế phối hợp xuất bản sách lý luận chính trị.
Với quy chế này, công tác phối hợp xuất bản, phát hành sách lý luận chính trị giữa hai cơ quan có nhiều điểm mới như: Tăng cường phối hợp trong việc tư vấn xây dựng kế hoạch đề tài hằng năm; thẩm định nội dung sách; giới thiệu, tuyên truyền, phổ biến các sách, tài liệu về công tác nghiên cứu lý luận trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng đó là trao đổi kinh nghiệm về công tác nghiên cứu lý luận của Đảng; sưu tầm, biên soạn, xuất bản, phát hành sách, tài liệu lý luận chính trị; đề xuất với Ban Bí thư và các cơ quan chức năng có liên quan trong việc dự trù kinh phí, xin trợ giá sách lý luận chính trị theo quy định của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, hai cơ quan sẽ tăng cường phối hợp trong công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo đội ngũ cán bộ biên tập, xuất bản sách lý luận chính trị. Để cụ thể hóa nội dung, hai cơ quan nhất trí sẽ xây dựng kế hoạch phối hợp cụ thể từng năm và thường xuyên trao đổi, thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện.
Trong những năm qua, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật đã phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Lý luận Trung ương trong việc xuất bản, phát hành nhiều công trình nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn có giá trị, góp phần phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Các nhà khoa học trong Hội đồng Lý luận Trung ương đều là cộng tác viên chiến lược của Nhà Xuất bản...
4. Theo Đài Tiếng nói Việt Nam: Năm 2011, khoảng 208 công ty Nhật đã đầu tư vào Việt Nam, con số cao kỷ lục. Họ có kế hoạch rót khoảng 1,8 tỷ USD vào Việt Nam. Năm 2010, khoảng 114 công ty Nhật đến Việt Nam và cam kết đầu tư 2 tỷ USD. Dù Nhật đứng sau Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore xét về vốn đăng ký đầu tư tại Việt Nam, nhưng Nhật đứng đầu về tỷ lệ vốn được đầu tư thực tế (theo số liệu của cơ quan xúc tiến thương mại Nhật tại Việt Nam – Jetro).
Ông Tony Foster, CEO của công ty luật Freshfields Bruckhaus Deringer tại Việt Nam, khẳng định, các công ty Nhật đã nhiệt tình đầu tư hơn từ sau trận động đất và sóng thần tác động xấu đến Nhật vào tháng 3/2011. Ông Fosster, người tư vấn cho Mizuho trong thương vụ Vietcombank, khẳng định: Các công ty Nhật đang nhận ra họ sẽ không tồn tại nếu chỉ ở Nhật. Chính phủ Nhật hỗ trợ doanh nghiệp vào Việt Nam vì nhiều lý do.” Một số công ty chuyên sản xuất hàng xuất khẩu như Bridgestone, hãng sản xuất lốp xe lớn nhất thế giới, và tập đoàn sản xuất hàng điện tử Panasonic đang mở nhà máy tại Việt Nam để tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ. Thực tế, sử dụng lao động phổ thông tại Việt Nam, các doanh nghiệp chỉ phải trả mức lương bằng 1/3 hoặc 1/2 so với con số 300 USD mà lao động khu vực miền Nam Trung Quốc đòi hỏi.
Một giám đốc điều hành công ty lớn của Nhật tại Việt Nam khẳng định, công ty Nhật đánh giá cao sự ổn định chính trị tại Việt Nam. Dù căng thẳng xã hội và lương tăng khá cao tại Việt Nam, nhưng nhiều công ty như Tamron, sản xuất thấu kính cho nhiều thương hiệu máy ảnh hàng đầu thế giới, không nản lòng. Tamron có kế hoạch đầu tư khoảng 13 triệu USD xây một nhà máy gần Hà Nội với tổng số lao động khoảng 2.000 người.Giới điều hành của nhiều công ty Nhật cho biết họ dám chịu nhiều thách thức hơn các công ty phương Tây để tham gia thị trường lâu dài.
II- NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA KHỐI DNTW
1. TTXVN phản ánh: Sáng 10/2, tại Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đại diện Chính phủ Việt Nam và ông Stephen P.Groff - Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã ký hiệp định vay đầu tiên trị giá gần 121 triệu USD cho Chương trình đầu tư lưới điện truyền tải có tổng trị giá 730 triệu USD. Dự án này nhằm nâng cấp lưới truyền tải điện quốc gia, cải thiện việc cung cấp và đáp ứng nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất công nghiệp.
Khoản vay 1 được thực hiện trong 3 năm và bắt đầu từ năm 2012. Bộ Công Thương là cơ quản chủ quản và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đảm nhận vai trò điều phối, giám sát; Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) là chủ đầu tư. Khoản vay này sẽ hỗ trợ xây dựng gần 648 km đường dây 500kV và hơn 100km đường dây 220kV tại các tiểu dự án: Đường dây 500/220kV Bắc Ninh 2-Phố Nối; Trạm biến áp 500/220kV Phố Nối và các đường dây đấu nối; Đường dây 220kV Sông Mây-Uyên Hưng; Trạm biến áp 220kV Khu công nghiệp Phú Mỹ 2 và đầu nối.
Phát biểu tại lễ ký kết, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: Dự án nhằm đầu tư xây dựng các đường dây, trạm biến áp 500kV và 220kV tại nhiều địa phương trong cả nước giúp giải phóng nguồn của những nhà máy điện mới; nâng cao độ tin cậy, chống quá tải, đảm bảo khả năng truyền tải thông suốt của hệ thống truyền tải điện quốc gia. Bên cạnh đó, dự án còn góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho NPT trong các hoạt động hoạch định đầu tư, tài chính hiệu quả và bền vững.
Theo chương trình khoản vay, số vốn 730 triệu USD của ADB dự kiến cho vay sẽ phân kỳ giải ngân thành 4 đợt và khoản vay đầu tiên từ nguồn vốn thông thường có thời hạn 25 năm. Chương trình này sẽ giúp tháo gỡ những bế tắc và giảm thất thoát trong truyền tải; đảm bảo an toàn và chất lượng cung cấp điện; duy trì động lực phát triển của nền kinh tế nhằm giảm hơn nữa tỷ lệ hộ nghèo.
2. Theo Báo điện tử Vietnamplus, được khởi công từ tháng 12/2007, Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong đang hoàn tất các bước sau cùng của giai đoạn 1, có thể đón chuyến tàu nhập dầu đầu tiên vào tháng Tư tới. Kho có tổng mức đầu tư 125 triệu USD, công suất bể chứa 1.000.000m3. Giai đoạn 1, hệ thống bể chứa xăng dầu có dung tích 505.000m3 và các công trình phụ trợ, như 4 cầu cảng, tuyến ống... được xây dựng với mục tiêu trở thành trung tâm trung chuyển, phân phối các sản phẩm xăng dầu vào thị trường Việt Nam và các thị trường khác.
Theo chủ đầu tư - Công ty liên doanh trách nhiệm hữu hạn kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong, thời điểm này, các đơn vị thi công bố trí mỗi ngày từ 600-800 công nhân làm việc trên công trường, hoàn thiện hệ thống đường ống trên cầu cảng, lắp đặt tổ hợp các thiết bị điện, thiết bị điều khiển tự động hóa quy trình tiếp nhận và cấp xăng dầu.
Dự án này đã chậm tiến độ khi được dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào giữa năm 2011, do thời tiết không thuận lợi và ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới.
3. Báo điện tử VOVNews thông tin: Theo báo cáo bước đầu của các nhà nghiên cứu tại Viện cơ khí động lực, Đại học Bách khoa Hà Nội, có 4 nguyên nhân chính gây cháy xe là: chất lượng xăng dầu, chất lượng phụ tùng, chế độ bảo trì không phù hợp và điều kiện vận hành. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện tưởng Viện cơ khí động lực-Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng: “Về chất lượng phụ tùng của các nhà máy cũng như trạm bảo dưỡng, chúng ta cần phải kiểm soát và phải có đơn vị kiểm soát. Phải quản lý tốt chất lượng xăng dầu. Hiện nay cần có tiếp thu và điều chỉnh về hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn nguyên liệu đạt sự thống nhất giữa tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam. Phân cấp quản lý chịu trách nhiệm về xăng dầu cho nhà phân phối chính. Tôi đề nghị nên để cho nhà phân phối chính chịu trách nhiệm hơn là để các cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm cũng như các hãng phải để ý đến uy tín của mình”. Còn ông Lê Bạch Trúc- Trung tâm an toàn hóa chất Bảo vệ môi trường khẳng định, không có yếu tố nào một mình nó gây cháy mà phải kết hợp đồng thời các yếu tố. Trong đó, đa số các nhà nghiên cứu, khoa học cho rằng, yếu tố chính là nhiên liệu mà cụ thể ở đây là xăng, đặc biệt là xăng pha các phụ gia như metanol làm tăng nguy cháy nổ ô tô, xe máy.
Ông Hoàng Mạnh Hùng–Nguyên Viện phó Viện khoa học kỹ thuật hình sự - Bộ Công an cho rằng: “Nhiều hãng ô tô lớn trên thế giới đã khuyến cáo không được dùng phụ gia như metanol hay etanol pha vào xăng do tính chất ăn mòn đối với cao su, polime tổng hợp cũng như sự hút nước của metanol, etanol, aceton nên sản phẩm xăng dầu không được phép dùng”.
Một số lưu ý nhằm giảm hoặc phòng tránh cháy xe là quản lý tốt chất lượng phụ tùng xe, nhất là đối với hệ thống điện; quản lý tốt chất lượng xăng dầu theo đúng tiêu chuẩn Việt Nam, cải thiện môi trường giao thông giảm tắc đường, quản lý và quy chuẩn hóa các trạm bảo trì, bảo dưỡng phương tiện; chủ xe nên bảo trì, bảo dưỡng định kỳ.
4. Theo Báo Sài gòn Giải phóng: Thực hiện chủ trương của Chính phủ về bình ổn giá cả thị trường gas để kiềm chế lạm phát và hưởng ứng lời kêu gọi của Hiệp hội Gas VN, chiều 9-2, hai thương hiệu gas chiếm thị phần chi phối trên thị trường là Petrovietnam Gas và Saigonpetro Gas đã chấp nhận giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, quyết định giảm giá bán gas kể từ 7 giờ 30 ngày 10-2-2012 với mức giảm từ 10-12 ngàn đồng/bình 12 kg. Lãnh đạo Saigonpetro cho biết: Mặc dù giá gas nhập về với mức cao, nhưng thực hiện chỉ đạo của Thành ủy TPHCM và lời kêu gọi của Hiệp hội Gas VN, Saigonpetro chấp nhận giảm lợi nhuận, chập nhận lỗ chút ít để cùng chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.
Đề cập vai trò và trách nhiệm của mình, Thanh tra Sở Tài chính TPHCM và Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cũng cho biết, họ đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát sát sao hoạt động kinh doanh các mặt hàng xăng dầu, gas trên địa bàn. Nếu doanh nghiệp nào vi phạm về giá bán sẽ có biện pháp xử lý thích đáng. Về phía người tiêu dùng cũng cần phải biết cách tự bảo vệ mình, nếu phát hiện cửa hàng, đại lý gas nào đó bán cao hơn giá công bố thì nhanh chóng báo cho lực lượng quản lý thị trường biết để lập biên bản xử lý. Có như thế chúng ta mới có thể khắc phục được tình trạng các cửa hàng, đại lý tùy tiện tăng giá bán gas, gây hỗn loại thị trường và gây thiệt thòi cho người tiêu dùng như hiện nay.
Thanh Tùng (tổng hợp)