.
.

Những tin tức nổi bật ngày 14/2

Thứ Tư, 15/02/2012|16:06

Trong ngày 14/02/2012, một số báo chí đã có bài phản ánh những sự kiện nổi bật của đất nước và những vấn đề liên quan đến hoạt động của Khối Doanh nghiệp Trung ương như sau:

I- MỘT SỐ SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC

          1. Theo Báo điện tử Vietnamplus, ngày 14/2, nhân dịp kỷ niệm 61 năm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (2/1951), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác Trung ương đã thăm xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang - nơi ghi dấu ấn lịch sử của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2, hiện được tỉnh Tuyên Quang chọn thí điểm xây dựng chương trình nông thôn mới.

          Tại Khu di tích lịch sử Kim Bình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ, thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong những ngày diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần 2. Tại địa danh lịch sử này, tháng 2/1951, Đại hội đã thảo luận, đưa quyết định quan trọng đối với cách mạng Việt Nam: đưa Đảng ra hoạt động công khai và đổi tên Đảng Cộng sản Đông Dương thành Đảng Lao động Việt Nam. Xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa cũng là địa điểm tổ chức Đại hội thống nhất Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên Việt thành Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam và Hội nghị liên minh nhân dân 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia; Đại hội chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc trong giai đoạn 1951-1952.

          Làm việc với Đảng bộ, chính quyền và nhân xã Kim Bình về tình hình phát triển kinh tế-xã hội và kết quả bước đầu thực hiện thí điểm chương trình xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch nước đánh giá cao đóng góp của bà con các dân tộc xã Kim Bình đã giúp đỡ, đùm bọc các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong những ngày kháng chiến. Ghi nhận công lao của Đảng bộ, chính quyền xã, Đảng, Nhà nước đã phong tặng Kim Bình danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Chủ tịch nước lưu ý, mặc dù đạt được một số kết quả, nhưng tăng trưởng bền vững và tiến tới sản xuất hàng hóa, chính quyền và người dân cần tập trung thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch nước căn dặn, các cấp chính quyền tỉnh Tuyên Quang cần tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho Kim Bình cùng các khu căn cứ địa cách mạng phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện tốt chế độ chính sách với người có công cách mạng.

          Chủ tịch nước tin tưởng với truyền thống cách mạng, Kim Bình sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ xã đã đề ra và xây dựng thành công chương trình nông thôn mới, trở thành xã kiểu mẫu của tỉnh Tuyên Quang. Nhân dịp về thăm xã, Chủ tịch nước đã tặng 10 phần quà cho các hộ gia đình chính sách tại địa phương

          2. Báo điện tử Chính phủ phản ánh, tới thăm và làm việc tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu công nghệ cao quan trọng này của đất nước. Làm việc với lãnh đạo các Bộ, ngành chức năng và Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng như xây dựng Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh là chủ trương hết sức đúng đắn nhằm phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

          Thủ tướng đánh giá, trong hơn 10 năm xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc, chúng ta đã đạt những kết quả bước đầu, trong đó có kết quả về công tác giải phóng mặt bằng; đầu tư xây dựng hạ tầng về giao thông, cấp thoát nước, điện; bước đầu đã thu hút được các dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, tiến độ xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc quá chậm. Do đó, các Bộ, ngành chức năng cần tập trung sức lực, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, kiên định thực hiện chủ trương xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Về thu hút đầu tư, Thủ tướng nhấn mạnh đây là khu công nghệ cao, vì vậy các dự án đầu tư phải thực sự là những dự án công nghệ cao, phải xác định được rõ các tiêu chí để lựa chọn các dự án vào khu công nghệ cao này;… Rà soát lại các dự án đã đăng ký, nếu dự án nào không đáp ứng được các tiêu chí đã đề ra phải dứt khoát thu hồi giấy phép đầu tư.

          Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các Bộ, ngành chức năng xây dựng, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút các chuyên gia, nguồn lao động có chất lượng cao cũng như cán bộ, người lao động làm việc tại đây.

          Tính đến thời điểm hiện tại, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã cấp phép cho 61 dự án với tổng mức vốn đạt trên 31.000 tỷ đồng với diện tích gần 218 ha. Trong số 61 dự án đã cấp phép, có 29 dự án đã triển khai, trong đó có 17 dự án đã đi vào sản xuất.

          3. Theo Đài Tiếng nói Việt Nam, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo số 707, truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh về việc đồng ý với Bộ Y tế điều chỉnh giá của hơn 400 dịch vụ y tế.

          Nội dung thông báo nêu rõ: Trong khoảng thời gian cuối tháng 2, đầu tháng 3 tới, Bộ Y tế làm việc với các bộ liên quan để ban hành điều chỉnh giá các dịch vụ y tế. Bộ Y tế tính toán, bàn kỹ với Bộ Tài chính để đảm bảo cân đối Quỹ bảo hiểm y tế. Đối với đối tượng nghèo, diện gia đình chính sách vẫn duy trì đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để kiểm tra, kiểm soát, tránh lợi dụng Quỹ bảo hiểm y tế. Trong trường hợp mức đồng chi trả lớn, cần nghiên cứu để có biện pháp hỗ trợ của Nhà nước, giúp các đối tượng vừa nêu giảm bớt khó khăn. Có thể cấp lại một khoản kinh phí trong mức cùng chi trả 5% phí khám bệnh bảo hiểm y tế nhưng không miễn để kiểm tra, kiểm soát.

          Trước đó, Bộ Y tế đã trình Chính phủ điều chỉnh giá hơn 400 danh mục dịch vụ, kỹ thuật y tế theo hướng tăng giá nhằm thực hiện nguyên tắc tính đúng, tính đủ sau 17 năm không thay đổi giá các dịch vụ y tế

           4. Báo Đại biểu nhân dân phản ánh: Ngày 13/2, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia người cao tuổi Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi làm việc với các bộ, ngành và Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam. Cho ý kiến về một số yêu cầu cấp bách về chế độ chính sách đối với người cao tuổi, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giao Bộ Xây dựng nghiên cứu đề án thí điểm về xây dựng nhà ở cho người cao tuổi thuộc diện khó khăn, neo đơn. Phấn đấu năm 2013 bắt đầu triển khai thực hiện thí điểm. Bộ VH, TT và DL có hướng dẫn và hỗ trợ người cao tuổi trong lĩnh vực đời sống tinh thần, văn hóa; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam dành thời lượng thích hợp để tuyên truyền về người cao tuổi đạt hiệu quả cao hơn. Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế tổ chức khám bệnh cho người cao tuổi tối thiểu 1 lần/năm. Trong tháng 3/2012, Bộ Nội vụ cần có hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức bố trí cán bộ chuyên trách  hoặc bán chuyên trách ở cấp tỉnh để thực hiện các công tác liên quan đến người cao tuổi.

          Theo Bộ LĐ, TB và XH, người cao tuổi nước ta đã được hưởng chính sách bảo trợ xã hội tăng cả về số lượng và mức hỗ trợ. Tính đến ngày 10/2, cả nước hiện có 1.071.032 người cao tuổi (trên 80 tuổi) đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng với mức thấp nhất là 180.000 đồng/tháng. Số người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng là 948.111 người. Tuy nhiên, công tác chăm sóc người cao tuổi vẫn còn nhiều hạn chế, vẫn còn việc người già có hoàn cảnh khó khăn nhưng chưa được hưởng trợ cấp xã hội. Theo điều tra gần đây chỉ có 9% người cao tuổi là khỏe mạnh, không bệnh tật. 70% người cao tuổi Việt Nam đang phải sống trong nhà tạm. Người cao tuổi nghèo ở các vùng khó khăn rất khó tiếp cận các dịch vụ y tế, giao thông, văn hoá tinh thần, không ít người cao tuổi nghèo còn sống trong nhà tạm hoặc sống lang thang, không nhà ở…

II- NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA KHỐI DNTW

          1. Theo phản ánh của Đài Tiếng nói Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết: Bộ Tài chính đang cân nhắc đến đề xuất giảm thuế nhập khẩu gas (LPG). Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét việc giảm thuế nhập khẩu gas theo đề xuất của Hiệp hội gas, từ 5% xuống 2%. Trong thời gian giá gas tăng, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu Sở Tài chính các tỉnh, thành phố kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật Nhà nước về quản lý giá. Trong đó, các Sở Tài chính sẽ kiểm tra về việc đăng ký, kê khai, niêm yết giá và công khai thông tin về giá đã đăng ký.

          2. Thông tin trên Báo Thanh niên, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Chỉ thị 01 yêu cầu các đơn vị trực thuộc NHNN và các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chính sách tiền tệ và biện pháp đảm bảo hoạt động NH an toàn, hiệu quả năm 2012. Theo đó, kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán khoảng 14 - 16% và tín dụng 15 - 17%, giảm mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt... Trên cơ sở tình hình hoạt động và khả năng tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng, giao chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tín dụng, số dư mua trái phiếu doanh nghiệp (trừ trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành) và dư nợ cho vay bằng nguồn vốn ủy thác (bao gồm cả yếu, tốt, điều chỉnh tỷ giá) đối với 4 nhóm tổ chức tín dụng: nhóm 1 tăng trưởng tối đa 17%, nhóm 2 tăng trưởng tối đa 15%, nhóm 3 tăng trưởng tối đa 8% và nhóm 4 không được tăng trưởng. Sau 6 tháng thực hiện, NHNN xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức, phù hợp diễn biến thị trường tiền tệ, tín dụng, hoạt động NH, đảm bảo đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ.

          NHNN cũng yêu cầu kiểm soát tỷ trọng dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích so với tổng dư nợ cho vay không quá 16% , thực hiện các biện pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ phù hợp...

          3. TTXVN phản ánh, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ tổ chức đại hội cổ đông lần thứ nhất tại Hà Nội vào ngày 8/3/2012. Theo lịch trình, cổ đông sẽ thông qua điều lệ tổ chức và hoạt động của BIDV, bầu thành viên Hội đồng Quản trị, thành viên ban kiểm soát nhiệm kỳ 2012-2017, thông qua định hướng chiến lược 5 năm giai đoạn 2012-2017 và kế hoạch kinh doanh năm 2012, thông qua việc lựa chọn tổ chức kiểm toán cho năm 2012. BIDV cũng sẽ trình cổ đông kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán, thông qua việc lựa chọn và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược...

          Cuối năm 2011, BIDV đã IPO thành công hơn 84,7 triệu cổ phần (3% vốn điều lệ) với giá trung bình là 18.583 đồng/cổ phiếu. Nằm trong kế hoạch cổ phần hóa, BIDV cũng đã xây dựng kế hoạch 5 năm (2012-2015). Cụ thể, năm 2012 BIDV đặt mục tiêu đạt tổng tài sản 506.567 tỷ đồng, tăng vốn chủ sở hữu lên 29.641 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến đạt lợi nhuận sau thuế năm 2012 đạt 4.529 tỷ đồng (tăng 33,21% so với dự kiến năm 2011), các năm tiếp theo tăng trưởng lợi nhuận bình quân 20-22%/năm. Tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm dần qua các năm, đến 2015 chỉ còn 2,2%.

          4. Trong bài viết nhan đề "Tập đoàn dầu khí TNK-BP Tìm cơ hội đầu tư mới", Báo Đầu tư cho biết, TNK-BP, tập đoàn dầu khí lớn thứ ba ở Nga, đã không giấu tham vọng mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam, sau khi nhận chuyển giao tài sản từ Tập đoàn BP (Anh) tại Việt Nam hồi năm ngoái. Bài báo dẫn thông tin Phó chủ tịch Tập đoàn TNK-BP vừa có chuyến thăm Việt Nam trong tuần trước, để xem xét các hoạt động của TNK Việt Nam sau khi nhận chuyển giao tài sản từ Tập đoàn BP, mặt khác, để tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới ở Việt Nam. Trong chuyến công tác của mình, vị Phó chủ tịch này cũng đã chia sẻ mong muốn của TNK-BP trong việc mở rộng hơn nữa các hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Hiện tại, TNK-BP đã tham gia vào vòng đấu thầu các lô ngoài khơi Việt Nam mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam) tiến hành vào cuối năm 2011. Bên cạnh đó, TNK-BP cũng đã tham gia đấu giá tài sản của ConocoPhillips (Mỹ) ở Viêt Nam, tập đoàn đang nắm 23,3% cổ phần trong một cụm gồm 5 mỏ dầu thuộc lô 15-1; 36% cổ phần của mỏ Rạng Đông trong lô 15-2 tại khu vực bể Cửu Long và 16,3% trong đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn. Tài sản của ConocoPhillips tại Việt Nam ước tính lên tới khoảng 1,5 tỷ USD và tập đoàn này, hồi giữa năm ngoái, đã tuyên bố rút khỏi Việt Nam, muốn bán các tài sản hiện có. “Kết quả của các lần đấu thầu này có thể sẽ được công bố trong một vài tháng tới”, đại diện của TNK-BP Việt Nam cho biết. Nếu TNK-BP thắng thầu, tập đoàn này có thể thực hiện kế hoạch tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam. Theo vị này, mặc dù trữ lượng từ Việt Nam không phải là con số đáng kể trong tổng trữ lượng mà TNK-BP đang thăm dò, khai thác trên toàn thế giới, nhưng việc tiếp nhận các dự án tại Việt Nam lại là bước đầu tiên quan trọng để giúp TNK-BP mở rộng hoạt động sang các nước khác. Hiện nay, TNK Việt Nam đang triển khai phát triển Dự án mỏ Lan Đỏ thuộc lô 06.1. Chương trình khoan khai thác mỏ này đang tiến triển rất tốt và dự kiến dòng khí đầu tiên sẽ được đưa vào bờ vào quý IV năm nay. Việc khai thác khí từ mỏ Lan Đỏ giúp TNK thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng mua bán khí với Chính phủ Việt Nam, được kỳ vọng sẽ đóng góp 2 tỷ m3 khí/năm để duy trì sản lượng 4.7 tỷ m3 khí/năm hiện đang khai thác từ Lô 06.1.

         5. Cũng theo thông tin trên Báo Đầu tư, dù hợp đồng thương mại xuất khẩu gạo đang thiếu trầm trọng, song ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) khẳng định, Việt Nam sẽ không hạ giá để chạy đua xuất khẩu gạo giá thấp, mà hướng vào xuất khẩu gạo cao cấp.

          Hiện tại, hợp đồng xuất khẩu gạo năm nay vẫn còn 1,25 triệu tấn, tương đương mức cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, đây là lượng hợp đồng tập trung, được chuyển giao từ cuối năm 2011, thời hạn thực hiện giao hàng trong quý III/2012, trong khi các hợp đồng giao hàng trong quý I và quý II lại rất thiếu, nhất là các hợp đồng thương mại. Tháng 1/2012, xuất khẩu gạo chỉ đạt 280.000 tấn, giảm hơn 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Khó khăn này xuất phát từ nhu cầu thị trường yếu, hợp đồng giao hàng hạn chế. Thêm vào đó, cạnh tranh xuất khẩu gạo cũng rất gay gắt. Thời gian gần đây, Ấn Độ, Pakistan xuất khẩu gạo với giá thấp, trong khi gạo nước ta vẫn duy trì ở mức cao. Trong khi đó, sản lượng lúa gạo trong nước dự báo rất dồi dào, bởi tồn kho 5 năm gần đây tăng liên tiếp. Do đó, dự báo tiêu thụ lúa gạo vụ Đông - Xuân sắp tới sẽ gặp nhiều khó khăn.

          Trước thực trạng đó, Hiệp hội đã họp bàn và đưa ra một số giải pháp. Trước hết, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ hỗ trợ lãi suất để mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo cho vụ Đông - Xuân sắp tới (từ ngày 15/3 đến 15/4). Giải pháp thứ hai là nâng cao khả năng cạnh tranh để đẩy mạnh xuất khẩu. Muốn vậy, phải chấp nhận cạnh tranh với Ấn Độ, Pakistan để giành lại thị trường truyền thống, cũng như đẩy mạnh các thị trường khác. Vừa qua, VFA đã họp bàn và thống nhất giá sàn xuất khẩu gạo là 420 USD/tấn. Mục đích của việc này là định hướng cho doanh nghiệp không chạy đua cạnh tranh gạo phẩm cấp thấp, mà tăng cường xuất khẩu gạo chất lượng cao (5-10% tấm), trong bối cảnh Thái Lan hạn chế xuất khẩu gạo. Bài báo cho biết thêm, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phía Trung Quốc trước đây đề nghị Việt Nam cung cấp khoảng 500.000 tấn gạo/năm, nhưng các doanh nghiệp lương thực Việt Nam chưa quan tâm lắm, do phụ thuộc nhiều vào hợp đồng Chính phủ.

                                                                                                                    Thanh Tùng (tổng hợp)

.
.
.
.