Những tin tức nổi bật trong ngày
Trong ngày 15/02/2012, một số báo chí đã có bài phản ánh những sự kiện nổi bật của đất nước và những vấn đề liên quan đến hoạt động của Khối Doanh nghiệp Trung ương như sau:
I- MỘT SỐ SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC
1. TTXVN đưa tin, sáng 15/2, tại quảng trường Nguyễn Tất Thành, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Tuyên Quang long trọng tổ chức Lễ khởi công xây dựng tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang”. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bí thư Trung ương Đảng Hà Thị Khiết-Trưởng Ban Dân vận trung ương; Bí thư Trung ương Đảng - Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đại diện lãnh đạo các ban ngành Trung ương, các tỉnh lân cận và đông đảo bà con các dân tộc tinh Tuyên Quang tới dự.
Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, đây là công trình lịch sử đặc biệt quan trọng thể hiện sự tôn kính, tình cảm sâu nặng vô bờ bến của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Chủ tịch nước nêu rõ, quá trình xây dựng tượng đài, các cấp chính quyền, đơn vị thi công cần chỉ đạo hết sức chặt chẽ, bảo đảm chất lượng, mỹ thuật, tiến độ thi công cho công trình để khi hoàn thành sẽ là nơi ghi nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có ý nghĩa chính trị to lớn trong việc giáo dục truyền thống cách mạng, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, cổ vũ động viên Đảng bộ các nhân dân tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần cùng cả nước xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch nước tin tưởng, trong thời kỳ phát triển mới, Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, học tập và làm theo tấm gương đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh, với tinh thần đoàn kết, nhất trí, năng động, sáng tạo, nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn, phát huy tốt tiềm năng lợi thế, nguồn lực của tỉnh, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, sớm đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
2. Theo thông tin từ VTV, chiều 15/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Phó Tổng thống CH Angola Fernando Dias Dos Santos đang ở thăm chính thức nước ta. Đánh giá cao kết quả hội đàm giữa Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Phó Tổng thống Angola Fernando Dias Dos Santos, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Việt Nam mong muốn và sẽ làm hết mình cùng với Angola tiếp tục đưa quan hệ hợp tác giữa 2 nước trên các lĩnh vực ngày càng sâu rộng và hiệu quả. Thủ tướng đề nghị 2 bên phối hợp lập trường, ủng hộ nhau trên các diễn đàn đa phương; thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao, các Bộ, ngành, doanh nghiệp, nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau; đẩy mạnh hơn nữa thương mại 2 chiều, nhất là những mặt hàng hai bên có nhu cầu lớn và được coi là thế mạnh của nhau. Thủ tướng cũng đề nghị phía Angola ủng hộ, hỗ trợ và tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập, đầu tư vào Anglola, đặc biệt trong lĩnh nông nghiệp, viễn thông, dầu khí, xây dựng…đồng thời mong muốn Angola tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ cộng đồng người Việt đang sinh sống ở Angola.
Đồng tình với các ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Tổng thống Fernando Dias Dos Santos cho biết: Angola luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam. Angola sẽ phối hợp chặt chẽ với với các Bộ, ngành chức năng Việt Nam triển khai các thỏa thuận hợp tác mà 2 bên đã thống nhất; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp của Việt Nam thâm nhập, đầu tư và làm ăn hiệu quả tại Agola. Phó Tổng thống Angola mong muốn hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trong các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục…đồng thời đánh giá cao cộng đồng người Việt Nam tại Angola đã có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Angola cũng như đóng góp thiết thực trong vai trò cầu nối hữu nghị Việt Nam – Angola.
Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp thân mật Phó Tổng thống Angola.
3. Báo Quân đội nhân dân phản ánh, sáng 15/2, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết nhiệm kỳ (Khóa X) của Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin Đối ngoại. Các đồng chí: Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phạm Gia Khiêm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin đối ngoại nhiệm kỳ 2006-2010, chủ trì hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh nhấn mạnh, thông tin đối ngoại là một bộ phận quan trọng của công tác đối ngoại và công tác tư tưởng của Đảng và Nhà nước. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, công tác thông tin đối ngoại có vai trò rất quan trọng trong việc giúp thế giới hiểu rõ và hiểu đúng về Việt Nam, qua đó tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng chí Lê Hồng Anh cũng chỉ ra những hạn chế trong công tác chỉ đạo, cơ chế phối hợp giữa các ban, bộ, ngành đối với hoạt động TTĐN hiện nay, trong đó có một số điểm chậm được khắc phục. Đồng chí nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu sắc như ngày nay, tình hình thế giới và khu vực đang có những diễn biến phức tạp, khó lường, tác động mạnh đến môi trường an ninh và phát triển của nước ta, công tác TTĐN đang đứng trước những cơ hội và thách thức đan xen. Trong bối cảnh đó, cần nhanh chóng triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động TTĐN trên cơ sở của “Chiến lược phát triển công tác TTĐN giai đoạn 2011-2020”, tận dụng tối đa các cơ hội nhằm tích cực xử lý và hóa giải các thách thức mới, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới.
Nhân dịp này, Ban chỉ đạo nhiệm kỳ khóa XI đã ra mắt, bao gồm 21 đồng chí đại diện cho các ban, bộ, ngành cơ quan liên quan trực tiếp đến các mặt hoạt động của công tác TTĐN. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, là Trưởng ban Chỉ đạo công tác TTĐN trong nhiệm kỳ mới.
4. Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin, sáng 15/2, tại Hà Nội, Uỷ ban Văn hoá Giáo dục, thanh - thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức phiên họp mở rộng, nghe Chính phủ giải trình việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2008-2010. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là sự nghiệp to lớn, là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân mà trực tiếp là các gia đình. Đây cũng là sự nghiệp có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bảo đảm cho sự phát triển của dân tộc.
Tại phiên họp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ – TB &XH báo cáo giải trình một số nhận định, đánh giá của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh - thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội như: Công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em còn nhiều yếu kém; Công tác truyền thông, giáo dục còn chưa hiệu quả; Hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em còn nhiều hạn chế cả về số lượng và chất lượng; Việc xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em còn nhiều khó khăn và chưa đồng bộ...
Đại diện các Bộ: GD&ĐT, VH – TT&DL, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư cũng trả lời và làm rõ câu hỏi của các thành viên Ủy ban về trách nhiệm thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; bộ máy tổ chức công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; chính sách, cơ chế tài chính, nguồn nhân lực và việc xã hội hoá công tác này.
II- NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA KHỐI DNTW
1. TTXVN phản ánh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, trên cơ sở phân loại 4 nhóm tổ chức tín dụng, sau 6 tháng, Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá lại toàn bộ quá trình thực hiện, những đơn vị nào hoạt động tốt, sẽ điều chỉnh tổ chức tín dụng từ nhóm này sang nhóm khác và thay đổi mức tăng tín dụng đối với từng đơn vị. Ở phạm vi rộng hơn, nếu các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét khả năng nới lỏng các biện pháp kiểm soát tín dụng và ngược lại.
Phát biểu tại cuộc họp báo của Ngân hàng Nhà nước vào chiều ngày 14/2 công bố về việc triển khai Nghị quyết 01 của chính phủ và Chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nước về chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2012, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến nhấn mạnh: Khi Ngân hàng Nhà nước đặt vấn đề kiểm soát tín dụng đã có nhiều ý kiến nói rằng không nên cào bằng cho mọi tổ chức tín dụng mà nên căn cứ vào năng lực tài chính, khả năng kiểm soát, chất lượng hoạt động của từng đơn vị. Chính vì vậy, tại Chỉ thị 01 đã được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 13/2, cơ quan này đã "phân định" các tổ chức tín dụng thành 4 nhóm để áp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng một cách chặt chẽ. Tiêu chí để phân chia các nhóm bao dựa trên quy mô vốn,năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro, những sai sót sai phạm trong tuân thủ chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, nhóm 1 tương đối, an toàn lành mạnh ổn định sẽ được tăng trưởng ở mức cao nhất 17%; nhóm 2 ở mức thấp hơn thì tỷ lệ là 15%; nhóm 3 tối đa 8% và nhóm 4 thuộc diện đang phải cơ cấu lại có vì nguy cơ mất an toàn nên không được tăng trưởng tín dụng.
Theo Phó thống đốc, những tổ chức tín dụng không tăng tín dụng, lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, đang trong quá trình tái cơ cấu, thì phải thu hồi các khoản nợ cũ và cho vay khoản mới có hiệu quả, cơ cấu lại danh mục tài sản chất lượng an toàn hơn. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ áp dụng các công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo thanh khoản cho toàn hệ thống. Bài báo cho biết thêm, theo ông Nguyễn Đăng Hồng, Phó Chánh thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục duy trì thanh kiểm tra và duy trì đường dây nóng. Nếu phát hiện thấy tổ chức tín dụng nào có biểu hiện lách trần lãi suất huy động sẽ thực hiện nghiêm minh, thậm chí xử lý cá nhân ở mức cao nhất buộc thôi việc hoặc thực hiện theo pháp luật, hạn chế mở phòng giao dịch, ATM.
2. Báo điện tử Vietnamplus nêu nhận xét của Chủ tịch chi nhánh Đông Nam Á của hãng sản xuất máy bay Boeing (Mỹ) cho rằng Đông Nam Á sẽ đồng hành với khu vực châu Á-Thái Bình Dương dẫn đầu thế giới về mua sắm các máy bay mới trong hai thập niên tới. Theo đó, Indonesia, Singapore, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia sẽ là những khách hàng lớn mua nhiều máy bay mới để phục vụ nhu cầu của hành khách. Trong đó Indonesia có tiềm năng trở thành thị trường mua nhiều máy bay Boeing nhất khu vực vì có thị trường rộng lớn. Còn Singapore có lịch sử phát triển vững mạnh và luôn đổi mới đội bay, trong khi Việt Nam Airlines sẽ trở thành hãng hàng không lớn thứ hai ở Đông Nam Á trong tương lai không xa.
Boeing dự đoán các hãng hàng không châu Á-Thái Bình Dương sẽ đặt mua số máy bay ước lên tới 1.500 tỷ USD trong 20 năm tới. Nhu cầu đi lại bằng đường không đang tăng lên là nhờ kinh tế khu vực tăng trưởng ít nhất 5-6%, sự xuất hiện của các hãng hàng không giá rẻ và tầng lớp trung lưu gia tăng.
Hãng Boeing nhận định đội bay của các nước trên thế giới sẽ tăng từ 19.410 chiếc máy bay năm 2010 lên trên 39.500 chiếc vào năm 2030.
3. Báo Tiền phong dẫn lời Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái cho biết, trong năm 2012 cùng với việc kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty, Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung vào các nội dung lớn như quản lý, khai thác và kinh doanh tài nguyên, khoáng sản. Theo đó, kiểm toán sẽ thực hiện các chuyên đề chuyên sâu như công tác quản lý sử dụng đất đai tại các dự án phát triển nhà và đô thị của địa phương, công tác phê duyệt dự án, cấp phép đầu tư, định giá đất, cam kết của nhà đầu tư, giá bán tài sản sau đầu tư...Bên cạnh đó, sẽ thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán vốn đầu tư của nhiều dự án lớn liên quan đến bất động
Liên quan đến vấn đề này, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Mai Xuân Hùng cũng cho biết, đầu tư bất động sản, khai thác tài nguyên khoáng sản là những vấn đề gây nhiều bức xúc trong dư luận thời gian qua và có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế đất nước. Vì vậy trong năm 2012 Ủy ban Kinh tế Quốc hội sẽ tăng cường phối hợp hơn nữa với Kiểm toán Nhà nước để kiểm tra, kiểm soát vấn đề này một cách chặt chẽ để thị trường tài chính nói chung và thị trường bất động sản nói riêng được minh bạch và lành mạnh.
4. Theo thông tin trên báo Đầu tư, trước thực trạng lượng xi măng tồn kho lớn, tiêu thụ kém, ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ này sẽ làm việc với một số chủ đầu tư dự án xi măng đề nghị tạm hoãn, giãn tiến độ các dự án đầu tư mới. Bài báo nêu ví dụ cụ thể, dù chưa tuyên bố phá sản nhưng năm 2011, Nhà máy Xi măng Thanh Liêm (Hà Nam) đã phải dừng hoạt động sản xuất do tình hình tài chính xấu, nợ lương công nhân… Nguồn cung từ một số dây chuyền xi măng lò đứng cũ cũng đã giảm từ 3,7 triệu tấn xuống còn 2 triệu tấn. Thực tế này cho thấy, nhiều dây chuyền xi măng lò đứng đã không thể duy trì được sản xuất. Nhiều doanh nghiệp hoạt động không có lãi do chi phí tài chính quá cao, do phải vay đến 80% tổng nguồn vốn đầu tư, ngốn hết lợi nhuận. Ông Lê Văn Tới cho rằng, năm 2012, nếu không cầm cự được, thì danh sách doanh nghiệp xi măng phải dừng hoạt động sẽ tăng lên.
Thanh Tùng (tổng hợp)