Những tin tức nổi bật trong ngày
Trong ngày 16/02/2012, một số báo chí đã có bài phản ánh những sự kiện nổi bật của đất nước và những vấn đề liên quan đến hoạt động của Khối Doanh nghiệp Trung ương như sau:
I- MỘT SỐ SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC
1. TTXVN phản ánh: Sáng 16/2, Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 3 khu vực Tiểu vùng sông Mekong về phòng, chống mua bán người (IMM3) đã chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. IMM3 có sự tham dự của các Bộ trưởng đại diện Chính phủ 5 nước (Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar) và đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội. Thượng tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an đại diện cho nước chủ nhà Việt Nam dự hội nghị. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống mua bán người đã tới dự và phát biểu khai mạc.
Nhấn mạnh Việt Nam luôn tích cực cùng với các nước, các tổ chức quốc tế, hợp tác xây dựng những khuôn khổ pháp lý chung về đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người…, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đến nay, Việt Nam đã tham gia Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Phê chuẩn Công ước về quyền Trẻ em, Công ước chống bạo lực đối với phụ nữ, Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối với phụ nữ... và ký nhiều Hiệp định tương trợ tư pháp, hợp tác về hình sự, dẫn độ trong đó có phòng, chống tội phạm mua bán người.
Đánh giá cao nỗ lực của các nước thành viên, sự điều phối tích cực của Ban thư ký và sự hỗ trợ nhiệt tình của các tổ chức quốc tế trong hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trong phạm vi Tiểu vùng sông Mekong, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ thực hiện đầy đủ nội dung Tuyên bố chung được ký tại Hội nghị IMM3 và tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động tại Việt Nam cũng như tham gia các hoạt động cấp vùng và cấp khu vực.
2. Đài Tiếng nói Việt Nam dẫn thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định phê duyệt chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2011- 2020, định hướng đến 2030.
Mục tiêu tổng quát của chiến lược là tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đến năm 2020 tăng gấp 3 lần năm 2010, bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD. Định hướng phát triển xuất khẩu đưa ra 4 nhóm ngành cụ thể:
Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản, sẽ có lộ trình giảm dần xuất khẩu khoáng sản thô; đầu tư công nghệ để tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, tận dụng cơ hội thuận lợi về thị trường và giá cả để tăng giá trị xuất khẩu. Định hướng tỷ trọng nhóm hàng này trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu từ 11,2% năm 2010 xuống còn 4,4% vào năm 2020.
Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản (là nhóm hàng có lợi thế và năng lực cạnh tranh dài hạn nhưng giá trị gia tăng còn thấp), cần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu hướng mạnh vào chế biến sâu, phát triển sản phẩm xuất khẩu có ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo (là nhóm hàng có tiềm năng phát triển và thị trường thế giới có nhu cầu) phát triển sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, phát triển công nghiệm hỗ trợ… định hướng tỷ trọng nhóm hàng này trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu từ 40,1% năm 2010 lên 62,9% vào năm 2020.
Nhóm hàng mới (nằm trong nhóm hàng hoá khác), sẽ rà soát các mặt hàng mới có kim ngạch hiện nay còn thấp nhưng có tiềm năng tăng trưởng cao trong thời gian tới để có các chính sách khuyến khích phát triển, tạo sự đột phá trong xuất khẩu.
Định hướng nhập khẩu, chủ động điều chỉnh nhịp độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa, đồng thời phát triển sản xuất nguyên, nhiên, phụ liệu phục vụ các ngành hàng xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu trong nước và phát triển công nghiệp hỗ trợ, kiểm soát chặt việc nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu, góp phần giảm nhập siêu trong dài hạn.
Để đạt được các mục tiêu, chiến lược đã đưa ra các giải pháp cụ thể về phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển thị trường, chính sách tài chính, tín dụng và đầu tư phát triển sản xuất hàng xuất khẩu, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giao nhận kho vận, đào tạo phát triển nguồn nhân lực…
Ngoài ra, chiến lược giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội ngành hàng xây dựng Chương trình hành động để thực hiện chiến lược trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào quý I năm 2012. Bên cạnh đó, giao Bộ Công Thương hướng dẫn các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương xây dựng Chương trình hành động thực hiện chiến lược theo chức năng, thẩm quyền.
3. Các báo đưa tin, sáng 16/2, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn thể lần thứ 20, tổng kết công tác năm 2011 và đề ra kế hoạch công tác năm 2012. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tới dự.
Bài báo cho biết, năm 2012 là năm diễn ra Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp và Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam sẽ tập trung thực hiện tốt một số công tác trọng tâm như phối hợp với Bộ Nội vụ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các bộ, ngành liên quan tham mưu triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; tiếp tục củng cố, kiện toàn các bộ phận giúp việc, nâng cao chất lượng hoạt động của Ủy ban và từng thành viên Ủy ban… Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến về kế hoạch công tác năm 2012 của Ủy ban, kế hoạch kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên và công tác thanh niên 2012, hoạt động đối ngoại thanh niên năm 2012.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những hoạt động của Ủy ban trong thời gian vừa qua và nhất trí phương hướng hoạt động năm 2012 của Ủy ban. Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban cần phát huy hơn nữa vị trí của mình, phối hợp chặt chẽ với các các bộ, ngành, địa phương để làm tốt chức năng là cơ quan tư vấn của Chính phủ về công tác thanh niên. Phó thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung kiểm tra, đánh giá và tham mưu hoàn thiện chính sách thanh niên tình nguyện, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên, tăng cường các hoạt động sinh hoạt văn hóa tinh thần cho thanh niên; bên cạnh đó cũng cần phải giao nhiệm vụ cụ thể cho thanh niên bộ, ngành, địa phương mình.
4. Theo Báo Sài gòn Giải phóng, sáng 16-2, tại Hà Nội, Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH-CN) đã công bố kết quả Giải thưởng Chất lượng Quốc gia 2011. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định tặng 11 giải vàng và 85 giải bạc Chất lượng Quốc gia năm 2011 cho 96 doanh nghiệp. Theo đó, Giải vàng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia 2011 được trao cho 11 doanh nghiệp gồm: 5 doanh nghiệp sản xuất lớn: Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long (TPHCM); Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên (Đắk Lắk); Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Hải Phòng); Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hóa chất 21 (Phú Thọ); Công ty Cổ phần Thép POMINA (Bình Dương); 4 doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa, 1 doanh nghiệp dịch vụ lớn và 1 doanh nghiệp dịch vụ nhỏ. Cùng giải thưởng Chất lượng Quốc gia, 11 doanh nghiệp này còn được nhận Bằng khen của Thủ tướng.
Trong số 85 doanh nghiệp nhận giải bạc Chất lượng Quốc gia có 34 doanh nghiệp sản xuất lớn, 37 doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ, 4 doanh nghiệp dịch vụ lớn, 10 doanh nghiệp dịch vụ vừa và nhỏ. Bộ KH-CN cũng công bố, năm 2011, có 2 doanh nghiệp Việt Nam được Tổ chức chất lượng châu Á-Thái Bình Dương trao tặng Giải thưởng Chất lượng quốc tế châu Á-Thái Bình Duơng.
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là một hình thức tôn vinh, khen thưởng hàng năm ở cấp quốc gia của Thủ tướng Chính phủ cho các tổ chức, doanh nghiệp đạt thành tích xuất sắc về chất lượng trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; nâng cao vị thế các sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam. Giải thưởng cũng giúp các doanh nghiệp tăng cường năng lực, khả năng cạnh tranh và hội nhập trên thị trường trong nước và quốc tế; xây dựng văn hóa, phong trào năng suất, chất lượng trong tổ chức, doanh nghiệp nhằm đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, xã hội của đất nước.
5. Trong bài viết “Huỷ quyết định và bản án sai trái của hai cấp toà”, Báo Lao Động cho biết, hai ngày sau khi Chánh án TANDTC có quyết định kháng nghị, chiều 15/2, Hội đồng xét xử tái thẩm Tòa Hành chính - TAND Tối cao đã tiến hành phiên xử và quyết định chấp thuận toàn bộ kháng nghị của Chánh án TAND Tối cao; quyết định xử hủy quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm số 02/2010/HCPT-QĐ ngày 22.4.2010 của TAND TP.Hải Phòng và hủy toàn bộ bản án hành chính sơ thẩm số 01/2010/HCST ngày 27.1.2010 của TAND huyện Tiên Lãng (vụ ông Đoàn Văn Vươn kiện quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng). Tòa Hành chính - TANDTC cũng quyết định giao toàn bộ hồ sơ vụ án này cho TAND cấp sơ thẩm xem xét giải quyết lại từ đầu.
Tại kháng nghị tái thẩm, Chánh án TAND Tối cao đã chỉ ra hàng loạt các sai phạm của hai cấp xét xử ở Hải Phòng. Trong đó, cấp sơ thẩm - TAND huyện Tiên Lãng đã ra một bản án vô căn cứ và trái thẩm quyền, bảo vệ quyết định thu hồi đất sai trái của UBND huyện Tiên Lãng. Còn cấp phúc thẩm thì vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Bài báo dẫn lời ông Đặng Quang Phương - Phó Chánh án TAND Tối cao cho biết: TAND Tối cao đã có công văn yêu cầu TAND TP.Hải Phòng tổ chức kiểm điểm tập thể và cá nhân có liên quan. Công văn này cũng nêu rõ, trong thời gian chờ làm kiểm điểm, không được phân công công việc cho những cán bộ có liên quan đến vụ việc này.
II- NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA KHỐI DNTW
1. Báo Đại biểu nhân dân thông tin, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã kiến nghị danh mục 53 công trình dự kiến được Hội đồng kiểm tra và nghiệm thu trong năm 2012. Trong tổng số 53 công trình trên có 4 công trình mới được kiến nghị đưa vào danh mục gồm Nhiệt điện Quảng Trạch, Nhiệt điện Duyên Hải III, Thủy điện Trung Sơn và Thủy điện Đồng Nai 5. Ngoài ra còn 49 công trình chuyển tiếp từ năm 2011, trong đó có 15 công trình sắp hoàn thành sẽ được nghiệm thu và đưa vào sử dụng trong năm 2012 như Thủy điện Sơn La, Đại lộ Đông - Tây, Thủy điện Đắk My 4, Tòa nhà Hanoi Landmark Tower...
Trước đó, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã có Báo cáo về tình hình chất lượng và công tác quản lý chất lượng các công trình được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước tổ chức kiểm tra, nghiệm thu năm 2011.
2. Một số báo dẫn nguồn tin từ Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, với lộ trình điều chỉnh giá than bằng 72 - 80% giá thành tiêu thụ than năm 2010, thì giá than bán cho điện trong năm 2012 có thể sẽ tăng khoảng 26%. Hiện giá than bán cho các hộ tiêu dùng lớn như giấy, phân bón, xi măng…đã được thực hiện theo nguyên tắc thị trường và bằng 90% giá than xuất khẩu cùng loại. Chỉ còn giá than bán cho điện bằng khoảng 57 - 63% giá thành tiêu thụ than năm 2010. Việc để giá thấp như vậy ảnh hưởng đến cân đối tài chính của ngành than và sinh ra những tiêu cực khác liên quan đến khai thác, buôn lậu than.
3. Báo điện tử Chính phủ cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt các điều kiện chính sách của Chương trình hỗ trợ phát triển chính sách cải cách ngành điện giai đoạn 2 (DPL2) vay vốn của Ngân hàng Thế giới (WB). Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiến hành đàm phán Hiệp định vay với WB cho Chương trình trên. Thủ tướng giao Bộ Công Thương ký Thư chính sách phát triển ngành điện gửi WB; phê duyệt nội dung chi tiết của Chương trình DPL2 và tổ chức thực hiện Chương trình theo quy định hiện hành.
4. Báo Hànộimới đưa tin, từ nay đến cuối năm, thanh tra Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiến hành thanh tra công tác quản lý và thực hiện đầu tư của 15 dự án giao thông lớn. 15 công trình này đều là những công trình đã thi công được ít nhất 50% kế hoạch đề ra.
Một số dự án lớn nằm trong danh sách thanh tra của Bộ Giao thông Vận tải trong năm nay là: Dự án đường vành đai III giai đoạn II (Hà Nội); Dự án cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (km 244+155-km 262+353); Dự án Đài kiểm soát không lưu cảng Hàng không quốc tế Nội Bài; Dự án QL 1A đoạn Dốc Xây – Thành phố Thanh Hóa; Dự án đường Hồ Chí Minh (đoạn Pác Bó - Cao Bằng); Dự án QL49A - Thừa Thiên Huế; Dự án cầu Bến Thủy II; Dự án QL3B (Xuất Hóa - Pò Mã, Bắc Kạn); Dự án điều chỉnh tuyến QL32C đoạn qua thành phố Việt Trì và Dự án QL32A đoạn tránh huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ); Dự án QL 37 Tuyên Quang-Đèo Khế…
Ngoài việc thanh tra các dự án, từ tháng 3/2012, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục thanh tra trên diện rộng hoạt động kinh doanh vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải hành khách, hàng hóa bằng ôtô; công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ và công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ
5. Tại hội thảo quốc tế với chủ đề “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam” do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 15/2 tại Hà Nội, ông Phạm Viết Muôn, Phó trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho rằng: Quá trình đổi mới, sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước hiện nay đang chậm trễ và khó về đích theo kế hoạch – Thời báo Kinh tế Việt Nam đưa tin.
Theo kế hoạch, trong quý 1/2012 sẽ phải hoàn tất việc sắp xếp 21 tổng công ty nhà nước, tức là từ nay đến đó bình quân hai ngày phải sắp xếp xong một tổng công ty, và đây là việc làm khó khả thi. Tuy nhiên, ông Muôn cho biết Ban chỉ đạo đã giao các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khẩn trương xây dựng đề án tái cơ cấu doanh nghiệp của mình để trình Thủ tướng trong quý 1 và thực hiện ngay trong năm 2012. Được biết, cơ quan này đang chuẩn bị đề án về tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực của doanh nghiệp nhà nước để trình hội nghị Trung ương cuối năm nay. Vị chuyên gia giàu kinh nghiệm về cổ phần hóa này cho hay, với cơ chế hiện nay thì cổ phần hóa một doanh nghiệp phải mất một năm. Chẳng hạn, kiểm toán một doanh nghiệp có vốn trên 500 tỷ đồng mất vài tháng mới xong. Sau đó, nhiều trường hợp khi chào bán cổ phần lại không có người mua, phải hạ giá nhưng vẫn không bán được, sau đó phải tìm cách khác rất mất thời gian.
Theo tổng kết của Vụ Đổi mới phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2001-2011, đã sắp xếp được 4.757 doanh nghiệp; trong đó cổ phần hóa 3.388 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp. Đến cuối năm 2011, cả nước vẫn còn 1.309 doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước thuộc mọi ngành nghề.
Thanh Tùng (tổng hợp)