Những tin tức nổi bật trong ngày
Trong ngày 17/02/2012, một số báo chí đã có bài phản ánh những sự kiện nổi bật của đất nước và những vấn đề liên quan đến hoạt động của Khối Doanh nghiệp Trung ương như sau:
I- MỘT SỐ SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC
1. Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, chiều 17/2, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp thân mật Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Cách mạng Cuba Carlos Rafael Miranda Martínez đang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt hoan nghênh đồng chí Carlos Rafael Miranda Martínez và Đoàn đại biểu cấp cao Ủy ban Bảo vệ Cách mạng Cuba sang thăm Việt Nam; chúc mừng và đánh giá cao kết quả Đại hội VI và Hội nghị Toàn quốc Đảng Cộng sản Cuba. Tổng Bí thư bày tỏ tin tưởng Đảng Cộng sản và nhân dân Cuba anh hùng sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Hội nghị, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, lãnh đạo thành công công cuộc cập nhật hóa mô hình phát triển mà Đại hội VI đề ra.
Đồng chí Carlos Rafael Miranda Martínez đã báo cáo với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về kết quả cuộc Hội đàm giữa Ủy ban Bảo vệ Cách mạng Cuba và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đánh giá cao vai trò và kinh nghiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cho rằng đó là những kinh nghiệm quý mà Cuba có thể tham khảo trong bối cảnh chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đang tăng cường chống phá cách mạng Cuba. Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Cách mạng Cuba cũng thông báo với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về hoạt động và thành tựu Ủy ban Bảo vệ Cách mạng Cuba trong những năm qua và những chuyển biến tích cực của tình hình kinh tế-xã hội Cuba sau gần một năm triển khai Nghị quyết Đại hội VI, kết quả Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Cuba tháng 1 vừa qua và bày tỏ mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ giữa hai Đảng, hai nước và hai tổ chức Ủy ban Bảo vệ Cách mạng Cuba và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
2. Các báo đưa tin: Nhận lời mời của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, thăm và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 14-20/2. Chiều 16/2, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh, hội kiến với đồng chí Tô Huy Rứa và Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Lý Trường Xuân, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai Đảng, hai nước Trung Quốc và Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với công cuộc xây dựng đất nước của mỗi nước; đối với hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc luôn coi trọng phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc – Việt Nam.
Đánh giá cao những thành tựu to lớn mà nhân dân Trung Quốc anh em dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giành được trong sự nghiệp cải cách mở cửa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng chí Tô Huy Rứa nhấn mạnh, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Trung Quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đích thân xây dựng, được các bậc lãnh đạo tiền bối hai nước dày công vun đắp là tài sản chung quý báu của hai Đảng và nhân dân hai nước, cần được giữ gìn, phát triển và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau. Ông Tô Huy Rứa khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam mong muốn cùng với phía Trung Quốc thúc đẩy giao lưu, hợp tác trên mọi lĩnh vực giữa các bộ ngành, địa phương hai nước, giải quyết thỏa đáng những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ hai nước, không ngừng thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt – Trung phát triển ổn định và lành mạnh, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
3. Theo Báo điện tử Vietnamplus, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, báo cáo cuối cùng nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn đã được VEC và tư vấn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trình bày với Bộ Giao thông Vận tải thông qua vào ngày 17/2, tại Hà Nội. Tuyến đường có chiều dài khoảng 158km đi qua các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang và thành phố Hà Nội. Quy mô tuyến đường từ 4-6 làn xe với vận tốc thiết kế 80-120 km/giờ và được chia làm 2 giai đoạn xây dựng; trong đó, giai đoạn I xây dựng 4 làn đường, giai đoạn II mở rộng thành 6 làn. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.400 triệu USD; trong đó, ADB tài trợ cho giai đoạn đầu khoảng 500 triệu USD, vốn đối ứng Chính phủ khoảng 180 triệu USD, phần còn lại sẽ được tìm kiếm từ nguồn vốn đồng tài trợ hoặc tài trợ ADB theo phân kỳ.
Theo VEC, việc đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn, nhằm giải quyết nhu cầu giao thông đường bộ từ Hà Nội đi lên các tỉnh phía Bắc và giao thương kinh tế Việt Nam-Trung Quốc, tạo đà cho quá trình phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Đông Bắc bộ bao gồm các tỉnh, thành phố là Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn nối liền với đường cao tốc Nam Hữu của Trung Quốc ở phía Bắc để liên kết với mạng lưới đường bộ trong nước và khu vực
4. Theo Báo Người đại biểu nhân dân, sáng 17/2, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế tại Việt Nam. Vấn đề nhà ở cho công nhân, mối quan hệ giữa nhà đầu tư và người dân địa phương… là những vấn đề được các địa phương nêu ra tại Hội nghị.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có 267 KCN, KCX, đóng góp khoảng 40% tổng vốn FDI, trên 30% giá trị xuất khẩu hàng năm và thu hút trên 1,6 triệu lao động trực tiếp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các Khu công nghiệp, Khu kinh tế còn bộc lộ một số mặt hạn chế như: Chất lượng quy hoạch chưa tốt, hiệu quả sử dụng đất chưa cao, ô nhiễm môi trường, đời sống vật chất và tinh thần của công nhân chưa được đảm bảo ...
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho rằng, sự phát triển của Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế thời gian qua vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng tích tụ đất đai, vốn cũng như chưa đáp ứng được các mục tiêu đề ra. Vì vậy, các định hướng và giải pháp trong thời gian tới cần tập trung vào 3 trọng tâm đột phá gồm: Đầu tư kết cấu hạ tầng, đào tạo lao động và hoàn thiện thể chế luật pháp để thực hiện mục tiêu đã đề ra: Thu hút thêm 3 tỷ USD cho hạ tầng Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế; nâng tỷ lệ lấp đầy lên khoảng 70% và đạt tỷ lệ đóng góp giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 50% vào năm 2015; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở và các hạ tầng xã hội thiết yếu cho người lao động và hoàn chỉnh các công trình kết cấu hạ tầng vào năm 2020....
5. Báo Đầu tư phản ánh: Từ ngày 13- 17/2, đoàn cấp cao Việt Nam gồm nhiều lãnh đạo các bộ, ngành, do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh dẫn đầu, đã tham dự Chương trình Lãnh đạo Quản lý Cao cấp Việt Nam (VELP) tại trường Đại học Harvard thuộc bang Massachusetts, Mỹ. Chương trình VELP năm nay gồm các chủ đề như Kinh tế toàn cầu ngày nay, Tái cơ cấu kiến trúc tài chính toàn cầu, Định hướng chính sách vĩ mô, Một số mô hình tăng trưởng trên thế giới hiện nay, Biến đổi khí hậu - thách thức và cơ hội cho Việt Nam... Ngoài các buổi thuyết trình, đoàn đã có buổi tham quan và trao đổi với Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại thành phố Boston, bang Massachusetts.
Trong thời gian tham dự chương trình, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có buổi nói chuyện với các sinh viên, cựu sinh viên Việt Nam đang học tập và làm việc tại khu vực Boston mở rộng, vào đúng dịp thành lập Hội thanh niên, sinh viên Việt Nam tại khu vực này. Phó Thủ tướng đã cung cấp những thông tin mới nhất về tình hình trong nước và quốc tế liên quan đến Việt Nam, những thành tựu cũng như khó khăn và chính sách của Việt Nam. Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam đang rất cần nhân lực chất lượng cao và những người được đào tạo và từng làm việc ở nước ngoài khi về nước đều có được vị trí xứng đáng.
VELP là chương trình trao đổi hàng năm do trường Đại học Harvard tổ chức với sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc . Chương trình gồm các buổi thảo luận giữa các nhà lãnh đạo của Việt Nam với các nhà nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về nhiều chủ đề khác nhau liên quan đến quản lý và phát triển.
II- NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA KHỐI DNTW
1. Theo TTXVN, sáng 17/2, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất thuộc Công ty cổ phần Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung đã xuất bán lô sản phẩm Ethanol thương mại đầu tiên 10m3 cho Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) để phối trộn ra xăng sinh học E5 tiêu thụ tại các tỉnh trong khu vực miền Trung.
Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất xây dựng tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi có quy mô đầu tư lớn, công nghệ hiện đại với tổng mức đầu tư khoảng 80 triệu USD, công suất 100.000m3 ethanol/năm. Hiện nay, nhà máy đã xây dựng cơ bản hoàn thành và trong giai đoạn vận hành chạy thử, sử dụng nguyên liệu sắn lát để sản xuất ethanol, sau khi cho ra mẻ sản phẩm đầu tiên ngày 3/2 vừa qua, đến nay nhà máy đã sản xuất hơn 800m3 Ethanol, đạt độ cồn 99,8% và sản xuất gần 200 tấn thức ăn gia súc, đang thu hồi lô sản phẩm khí CO2 đầu tiên.
Ông Hồ Sĩ Long, Giám đốc Công ty cổ phần Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung cho biết với công suất 100.000 m3/năm, nhà máy bán trong nước sử dụng 5.000m3, chiếm 5%, còn 95% sản phẩm của nhà máy phục vụ xuất khẩu sang thị trường các nước, chủ yếu là Philippines. Dự kiến đến cuối tháng Ba tới đây nhà máy sẽ được bàn giao từ nhà thầu chính và ngày 19/5 sắp tới sẽ chính thức khánh thành đưa nhà máy vào hoạt động.
2. Thời báo Kinh tế Việt Nam phản ánh, một số ngân hàng lớn đã phát đi tín hiệu giảm lãi suất cho vay nhưng trên thực tế nhiều doanh nghiệp chưa thể tiếp cận được mức lãi suất ưu đãi này. Cụ thể, Vietcombank vừa chính thức phát đi tín hiệu giảm lãi suất cho vay đối với một số đối tượng doanh nghiệp. Theo đó, lãi suất cho vay VND với đối tượng khách hàng doanh nghiệp từ 19%/năm giảm xuống còn 17%/năm, một số lĩnh vực, lãi suất sẽ hạ xuống 16,5%, 16%/năm. Đặc biệt, ở một số lĩnh vực và những doanh nghiệp có độ rủi ro thấp, Vietcombank sẽ cho vay ra với mức lãi suất 15 - 15,5%/năm.
Như vậy, sau BIDV hạ lãi suất vào cuối năm 2011, Vietcombank là “đại gia” thứ hai thực hiện hạ lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế, mở đầu cho chủ trương giảm lãi suất năm nay. Trên thực tế, Agribank và VietinBank cũng đã áp dụng lãi suất cho vay 14%-15%/năm với một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, rất hiếm doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp cận vốn với mức lãi suất này. Để vay được mức lãi suất đó, các đối tượng khách hàng này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về thủ tục theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Ví dụ, đối với doanh nghiệp vay mục đích xuất khẩu phải có đủ chứng từ chứng minh đầu vào, đầu ra trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giấy phép xuất hàng ra nước ngoài…Do vậy, không ít khách hàng nằm trong đối tượng được vay lãi suất thấp vẫn phải vay lãi suất cao. Và thực tế quy định mức vay vốn do Ngân hàng Nhà nước công bố nhưng lãi suất cho vay ở mức nào lại thực sự nằm trong tay các ngân hàng.
Trước thông tin lãi suất có thể giảm trong thời gian tới, một số doanh nghiệp đã dừng luôn việc vay vốn mới từ ngân hàng, chờ đợi thời cơ. Vì theo các doanh nghiệp này, mức giảm dù ít dù nhiều, 1-2% thôi thì “câu chuyện đã hoàn toàn khác”.
3. Theo Báo Nhân Dân, Mấy tuần nay, giá cà-phê nhân ở Ðác Lắc, nơi được suy tôn là "Vườn cà-phê của thế giới", liên tục giảm, đến thời điểm này chỉ còn khoảng 39 nghìn đồng/kg. Trong khi trước đây không lâu, mức giá thường dao động trong khoảng 45-50 nghìn đồng/kg. Ðối phó với thực tế bất lợi nêu trên, số đông các hộ trồng cà-phê đã cất trữ hàng (sau khi phơi khô hoặc sơ chế), chỉ bán ra với số lượng tương ứng nhu cầu chi tiêu gia đình và chăm sóc cho vụ tiếp theo. Hệ quả là các doanh nghiệp xuất khẩu cà-phê lớn không mua được nguyên liệu. Trước thông tin này, nhiều ý kiến cho rằng, vui nhiều hơn buồn, bởi vì nó thể hiện bước tiến mới cả về tư duy, ý chí và thực lực của nông dân ta.
Trên thế giới, những quốc gia, những tập đoàn kinh tế mạnh, thậm chí cá nhân một vài nhà tỷ phú, khi nắm được khoảng 30% một loại hàng nào đó (như vàng, kim loại, dầu mỏ, gạo...), là họ đủ khả năng "phát huy vai trò" thao túng giá thị trường toàn cầu. Nền kinh tế nhiều nước, trong đó có nước ta luôn là nạn nhân của sự thao túng đó. Ngay cả đối với những mặt hàng nông sản mà chúng ta đã chiếm thị phần xuất khẩu hàng đầu thế giới, như cà-phê, hạt tiêu, gạo, cao-su, hạt điều, vẫn bị họ thao túng, thu lợi nhuận quá lớn, do chúng ta vừa thiếu kinh nghiệm, vừa thiếu nguồn lực tài chính...
Như vậy, sự tiến bộ trong ứng xử với giá thị trường của người trồng cà-phê ở Ðác Lắc đang thật sự là tín hiệu vui. Chúng ta không ỷ vào thế mình là nguồn cung cà-phê lớn nhất để thao túng giá cà-phê thế giới nhưng chúng ta cũng không để họ mua rẻ, bán đắt, làm giàu trên lưng nông dân. Vấn đề quan trọng là, tiếp tục phát huy vai trò các ngành, các cấp (như ngân hàng, hiệp hội, hệ thống chính quyền...) để tạo nên sức mạnh tổng lực nhằm không chỉ giúp ngành cà-phê mà các ngành khác như: lúa gạo, hạt tiêu, thủy sản, cao-su, v.v. ngày càng có vị trị xứng đáng trên thị trường quốc tế.
4. Cũng theo Báo Nhân Dân, sau nhiều năm phát triển sôi động, năm 2011, thị trường viễn thông Việt Nam đã bước vào giai đoạn phát triển bão hòa. Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành, năm 2012 sẽ là năm đầy khó khăn, thách thức với các doanh nghiệp (DN) viễn thông khi doanh thu khó có khả năng tăng đột biến, tăng trưởng thuê bao không nhiều...Theo Tổng cục Thống kê, năm 2011, số thuê bao điện thoại phát triển mới của cả nước đạt 11,8 triệu thuê bao, giảm 12,9% so năm 2010. Trong đó có 49,6 nghìn thuê bao điện thoại cố định, giảm 76,1% và 11,8 triệu thuê bao di động, giảm 11,9%. Con số này đủ cho thấy, tăng trưởng thuê bao điện thoại đã giảm đáng kể, không còn phát triển nóng như những năm trước đây. Mặc dù việc phát triển thuê bao gặp nhiều khó khăn nhưng doanh thu của một số DN viễn thông vẫn tăng trưởng. Ðiển hình như Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) năm 2011 đạt doanh thu hơn 120 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 20% so năm 2010; Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) đạt hơn 117 nghìn tỷ đồng, tăng 28%...
Nhìn nhận sự phát triển của thị trường viễn thông trong nước thời gian qua, TS Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, thị trường viễn thông Việt Nam đã trải qua ba giai đoạn phát triển. Giai đoạn thứ nhất là chuyển sang số hóa. Giai đoạn thứ hai là chuyển từ độc quyền sang cạnh tranh nên thị trường phát triển sôi động và đến nay, thị trường bước vào giai đoạn phát triển bão hòa. Hai năm gần đây, thị trường này bắt đầu bộc lộ yếu tố của sự phát triển không bền vững. Nếu không kịp thời điều chỉnh, có thể gây sụp đổ từng bộ phận của thị trường, gây thiệt thòi cho người tiêu dùng. Nhiều DN viễn thông nhỏ, mới tham gia thị trường hoạt động khó khăn, đơn cử như EVN Telecom, nếu không sáp nhập vào Viettel thì sẽ bị phá sản. Theo TS Mai Liêm Trực, Việt Nam hiện có quá nhiều DN viễn thông nên việc sử dụng tài nguyên tần số, kho số gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, chỉ nên có ít nhất từ 3 đến 4 DN tham gia thị trường để cạnh tranh hiệu quả hơn. Muốn làm được điều này Nhà nước phải "vững tay" sắp xếp lại các DN.
5. Báo điện tử VOVNews dẫn thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã thực hiện cho Vinashin vay 292 tỷ đồng với lãi suất 0% và thời hạn tối đa là 12 tháng.
Cụ thể, thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), căn cứ đề xuất của tập đoàn này để bảo đảm quyền lợi cho người lao động trong quá trình tái cơ cấu sản xuất và kinh doanh, xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ trưởng Bộ Tài chính, ngày 24/12/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 87/2010/QĐ-TTg về việc cho doanh nghiệp, người lao động thuộcVinashin và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vay để chi trả nợ tiền lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc, tạo việc làm, học nghề.
Theo Quyết định này, các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thuộc Vinashin và các doanh nghiệp thuộc Vinalines được chuyển giao từ Vinashin theo Quyết định số 926/QĐ-TTg ngày 18/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu Vinashin, đang nợ tiền lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động có nhu cầu tính đến hết ngày 31/10/2010 và thời kỳ tiếp theo đến hết ngày 31/12/2011, được vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam; lãi suất cho vay bằng 0% với thời hạn cho vay tối đa là 12 tháng.
6. Trả lời phỏng vấn của Báo Đầu tư, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Đồng Tiến cho biết, hiện có 10 ngân hàng yếu kém thuộc nhóm IV, không được tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, các ngân hàng này vẫn được huy động và cho vay. Nhóm này cần được tổ chức lại, cơ cấu lại tài sản, cơ cấu lại các khoản nợ theo hướng tích cực hơn, tập trung thu hồi nợ cũ, nợ xấu, cho vay các khoản nợ mới theo hướng hiệu quả hơn. Vì vậy, tổng tín dụng của các TCTD này không tăng, nhưng thực chất họ vẫn được huy động và cho vay theo hướng an toàn hơn. Theo ông Tiến, việc phân loại nhóm tín dụng với các ngân hàng dựa trên nhiều tiêu chí, bao gồm quy mô vốn, năng lực quản trị điều hành, quản lý rủi ro, chất lượng tài sản nợ, tài sản có, những sai phạm trong tuân thủ chính sách của NHNN…Các ngân hàng thuộc nhóm I hoạt động tương đối an toàn, ổn định, lành mạnh được tăng trưởng tín dụng tối đa 17% trong năm nay. Nhóm II là các ngân hàng yếu hơn một chút, được tăng trưởng tín dụng tối đa 15%. Các ngân hàng nhóm III được tăng trưởng tín dụng tối đa 8% và ngân hàng nhóm IV có nguy cơ mất an toàn, biểu hiện mất an toàn, thuộc diện phải cơ cấu lại, sẽ không tăng trưởng tín dụng.
NHNN sẽ không công bố danh sách phân nhóm này, mà sẽ thông báo đến từng TCTD. Thực tế còn một nhóm nữa là các ngân hàng nước ngoài mới tăng vốn điều lệ năm 2011, nhóm này sẽ được tăng trưởng tín dụng tối đa bằng vốn điều lệ. Dự kiến, với cách phân loại này, tăng trưởng tín dụng cả nước sẽ đạt 15-17%. Sau 6 tháng, NHNN sẽ đánh giá lại, trên cơ sở đó sẽ điều chỉnh từ nhóm này sang nhóm khác hoặc tăng trưởng tín dụng ở mức phù hợp.
Về những biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường chứng khoán, bất động sản, Phó Thống đốc trao đổi, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 01/CT- NHNN tập trung vào thực hiện những giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, ưu tiên vốn cho những lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, không ưu tiên vốn cho lĩnh vực phi sản xuất. Do đó, kinh doanh chứng khoán, bất động sản vẫn tiếp tục là những lĩnh vực mà Chính phủ và NHNN không ưu tiên vốn trong năm 2012. Tuy nhiên, NHNN sẽ có những điều chỉnh thích hợp cho lĩnh vực này. Năm 2012, tín dụng phi sản xuất được phép tăng tối đa là 16%.
Thanh Tùng (tổng hợp)