.
.

Những tin tức nổi bật trong ngày

Thứ Ba, 21/02/2012|22:04

        Trong ngày 20/02/2012, một số báo chí đã có bài phản ánh những sự kiện nổi bật của đất nước và những vấn đề liên quan đến hoạt động của Khối Doanh nghiệp Trung ương như sau:

I- MỘT SỐ SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC                 

          1. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết, chiều 20/2, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp thân mật Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Phong trào Cánh tả Thống nhất Cộng hòa Đô-mi-ni-ca-na (MIU) do đồng chí Hô-xê Mi-ghen Mê-hi-a, Tổng Bí thư, Bộ trưởng Chính phủ Cộng hòa Đô-mi-ni-ca-na dẫn đầu đang ở thăm Việt Nam.

          Tại buổi tiếp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt hoan nghênh đồng chí Hô-xê Mi-ghen Mê-hi-a thăm lại Việt Nam; cảm ơn những tình cảm đoàn kết và sự ủng hộ to lớn, vô tư, trong sáng mà Đảng MIU, nhân dân Cộng hòa Đô-mi-ni-ca-na và cá nhân đồng chí Tổng Bí thư dành cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay; chúc mừng những thắng lợi của Đảng MIU và phong trào cánh tả Mỹ La-tinh; bày tỏ tin tưởng trong thời gian tới, Đảng MIU và Liên minh Tiến bộ Đô-mi-ni-ca-na sẽ giành được nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa trong sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của mình, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định ủng hộ và bày tỏ quyết tâm củng cố, phát triển hơn nữa quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng và nhân dân hai nước Việt Nam - Cộng hòa Đô-mi-ni-ca-na.

          Đồng chí Hô-xê Mi-ghen Mê-hi-a khẳng định sự ngưỡng mộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam anh hùng; bày tỏ ấn tượng sâu sắc trước những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới ở Việt Nam; tin tưởng chắc chắn rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam sẽ thực hiện thành công mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đồng chí cho biết vừa qua đã thành lập Đảng bộ Hồ Chí Minh và xây dựng công viên Hồ Chí Minh tại Thủ đô Cộng hòa Đô-mi-ni-ca-na; thông báo với Tổng Bí thư một số nét lớn về tình hình Cộng hòa Đô-mi-ni-ca-na, Đảng MIU và phong trào cánh tả Mỹ La-tinh nói chung; bày tỏ mong muốn, đề xuất các giải pháp và khẳng định sẽ làm hết sức mình để thúc đẩy và tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng và nhân dân hai nước, nhất là quan hệ kinh tế, thương mại đầu tư, đưa quan hệ song phương ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn.

          2. Đài Tiếng nói Việt Nam phản ánh,  trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu, Thanh Hóa cần phát huy truyền thống anh hùng, làm tốt công tác xây dựng Đảng, đồng thời tập trung khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để sớm xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu như mong muốn của Bác Hồ.

          Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm Khu di tích lịch sử Lam Kinh nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân. Đây là nơi bắt đầu của thời kỳ hậu Lê trong lịch sử Việt Nam, gắn liền với bản anh hùng ca đánh đuổi giặc Minh, thu giang sơn về một mối, nơi thờ các vị vua và thái hậu nhà Lê. Tiếp đó, Chủ tịch nước tới thăm và tặng quà cán bộ, công nhân đang thi công trên công trường khu kinh tế Nghi Sơn. Đây là 1 trong 3 khu kinh tế lớn nhất của cả nước. Thăm Cảng Nghi Sơn, kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện dự án nhà máy Lọc hóa dầu và dự án Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 22.000 tỷ đồng, có công suất thiết kế 600 MW, cung cấp khoảng 3,6 tỷ kWh sản lượng điện mỗi năm. Dự án này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển sản xuất các ngành công nghiệp, nhất là lọc hóa dầu, xi măng, thép… tại Khu kinh tế tổng hợp Nghi Sơn, đồng thời phục vụ thiết thực tiến trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thanh Hóa nói riêng, khu vực Bắc Trung bộ nói chung, góp phần cung cấp đủ điện cho đất nước.

          Làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch nước lưu ý, cùng với thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, Thanh Hóa cần quan tâm xây dựng chính quyền các cấp trong sạch vững mạnh, quản lý có hiệu lực hiệu quả cao sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu như mong muốn của Bác Hồ khi về thăm Thanh Hóa.

          3. Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Nghị định 08/2012/NĐ-CP về Quy chế làm việc của Chính phủ, trong đó quy định nguyên tắc, chế độ trách nhiệm, lề lối làm việc, quan hệ công tác và trình tự giải quyết công việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

          Nguyên tắc làm việc của Chính phủ là Chính phủ làm việc theo chế độ kết hợp trách nhiệm của tập thể Chính phủ với việc đề cao trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng và của mỗi thành viên Chính phủ. Mọi hoạt động của Chính phủ, thành viên Chính phủ phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, tuân thủ các quy định của pháp luật và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân. Bên cạnh đó, đề cao trách nhiệm cá nhân, mỗi việc chỉ một người phụ trách và chịu trách nhiệm. Nếu công việc được giao cho cơ quan thì Thủ trưởng cơ quan phải chịu trách nhiệm chính.

          Nghị định nêu rõ, Chính phủ họp thường kỳ mỗi tháng một lần. Ngoài ra, Chính phủ họp bất thường theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc theo yêu cầu cầu của ít nhất 1/3 tổng số thành viên Chính phủ để giải quyết các công việc đột xuất hoặc theo chuyên đề. Việc chuẩn bị, triệu tập, tổ chức công việc liên quan đến phiên họp bất thường được thực hiện theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

          Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kiểm tra toàn diện việc thi hành các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và việc thực hiện các công việc đã giao cho các Bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ có trách nhiệm thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân về những vấn đề quan trọng thông qua các báo cáo trước Quốc hội, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, kiến nghị của cử tri, họp báo và ý kiến phát biểu với cơ quan thông tin đại chúng theo quy định tại khoản 9 Điều 20 Luật Tổ chức Chính phủ.

          Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức họp báo định kỳ hoặc đột xuất để thông tin cho các cơ quan báo chí và nhân dân về các chính sách và quyết định quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Khi được yêu cầu, các Bộ, cơ quan liên quan tham dự họp báo, trực tiếp phát biểu và chịu trách nhiệm về các nội dung thuộc phạm vi chuyên ngành của mình. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có nhiệm vụ thực hiện tốt quy định về chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tiếp cận các thông tin chính xác, kịp thời về các sự kiện xảy ra trong ngành, lĩnh vực, địa phương mình. Bên cạnh đó, tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân bằng các hình thức thích hợp; họp báo theo định kỳ, họp báo khi ban hành các văn bản quan trọng, khi triển khai các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, khi có các sự kiện đáng chú ý khác; thường xuyên điểm báo và trả lời báo chí theo quy định của pháp luật.

          4. Ngày 20/2, tại buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội về công tác đảm bảo an toàn giao thông và các giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ những giải pháp thành phố Hà Nội cần tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới, trong đó tập trung xây dựng các điểm đỗ xe cho người dân theo quy hoạch - Các báo ra trong ngày đưa tin.

          Đồng tình với các giải pháp thành phố đang tích cực thực hiện như cấm trông giữ phương tiện ở vỉa hè, lòng đường 262 tuyến phố; điều chỉnh giờ học tập, làm việc, kinh doanh; phân làn phương tiện; cấm taxi, xe tải lưu thông ở một số tuyến phố nội đô, góp phần giảm bớt tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn..., Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, thành phố Hà Nội cần tập trung xây dựng các điểm đỗ xe cho người dân theo quy hoạch; phải có chính sách ưu đãi trong đầu tư xây dựng bãi đỗ xe để đáp ứng kịp thời nhu cầu đỗ xe của người dân. Thành phố cần tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng, nhất là khu vực trung tâm, tuyến vành đai; đẩy nhanh tiến độ triển khai chủ trương di dời các trường học, bệnh viện, trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng công trình hạ tầng giao thông; tiếp tục phân làn phương tiện, cấm trông giữ phương tiện trên lòng đường, vỉa hè 262 tuyến phố.

          Phó Thủ tướng cũng đã cơ bản nhất trí với 7 kiến nghị của thành phố Hà Nội đưa ra. Đó là Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với thành phố để tổ chức nghiên cứu, sớm di dời và giãn các cơ sở đào tạo, trường đại học, bệnh viện và cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô, thực hiện trong giai đoạn 2012-2015; sớm xem xét, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách nhằm từng bước quản lý, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân; tăng mức phí giao thông đối với các phương tiện giao thông cá nhân để hạn chế phương tiện cá nhân, tạo nguồn thu đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đô thị.

          Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng và ban hành cơ chế xử phạt vi phạm hành chính đặc thù cho Thủ đô, nâng thẩm quyền xử phạt cho lực lượng thanh tra, cảnh sát giao thông và tăng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ..., trong đó yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính sớm nghiên cứu để trình Chính phủ ban hành về việc tăng mức thu phí giao thông cá nhân và mức xử phạt nhằm hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Đối với một số công trình giao thông trọng điểm, Chính phủ giao cho Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ định thầu và chỉ định nhà đầu tư để sớm đưa công trình vào hoạt động, giảm ùn tắc giao thông cho nội đô.

II- NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA KHỐI DNTW

          1. Trong bài viết “Nhìn lại 5 năm gia nhập WTO”, Báo Đại biểu nhân dân phản ánh: Việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã đem lại cho nước ta nhiều lợi ích như tăng kim ngạch xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thay đổi diện mạo ngành bán lẻ… Tuy nhiên, thực tiễn đang đòi hỏi nền kinh tế nước ta phải chuyển mình để thích ứng với những biến động của kinh tế thế giới, gia tăng sự cạnh tranh trên cả ba cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm.

          Trước thực tế này, GS, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại nhấn mạnh, để nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia khi bước vào sân chơi toàn cầu, cần có những giải pháp thiết thực thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, với ba giải pháp đột phá (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ). Để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm, các cơ quan quản lý sớm xây dựng hệ thống chính sách để hướng doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển, từ đó, tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, cần coi trọng hơn công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm, thương hiệu, hình ảnh của doanh nghiệp, đất nước, con người Việt Nam ở nước ngoài. Các hiệp hội ngành nghề cần được tạo điều kiện về quyền hạn trong việc tổ chức hợp tác, phân công doanh nghiệp từng ngành hàng.

          2. Một số báo đăng thông tin: Ngày 20/2, Ngân hàng HSBC đã công bố bản báo cáo nhận định về kinh tế vĩ mô và triển vọng thị trường Việt Nam. Theo báo cáo, lạm phát đang giảm dần và được dự báo sẽ về mức một con số vào cuối năm 2012; nhu cầu nhập khẩu giảm và tỷ giá hối đoái suy giảm trong kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước nhằm giúp ổn định đồng Việt Nam. Tăng trưởng trong năm 2012 cũng sẽ chậm lại do chi tiêu thận trong hơn và xuất khẩu giảm.

          HSBC tin rằng trái ngược năm 2011 với đồng tiền suy giảm mạnh, lạm phát cao và việc Nhà nước áp dụng nhiều công cụ thắt chặt chính sách, năm 2012 sẽ là một năm tương đối ổn định hơn. Một số yếu tố góp phần tạo nên xu hướng này là lạm phát tăng chậm, chính sách quản lý kinh tế vĩ mô tốt hơn do Thống đốc mới của Ngân hàng Nhà nước đề ra, vị thế thương mại và tài chính đã được cải thiện.

          Theo HSBC, đồng Việt Nam đã ổn định trong vài tháng gần đây. Trong lịch sử, đồng Việt Nam thường chịu nhiều áp lực lớn trong dịp Tết Nguyên đán vì nhu cầu đồng USD thường cao. Tuy nhiên điều này đã không diễn ra trong năm 2011 vì những lý do như nhập khẩu tăng chậm hơn xuất khẩu, lượng kiều hối mạnh; Ngân hàng Nhà nước đã từng bước tăng tỷ giá tham chiếu hàng ngày, cho phép đồng Việt Nam từ từ trượt giá cũng như can thiệp khi biên độ chênh lệch giá mở rộng. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh tốc độ thanh toán những khoản vay bằng USD; nhu cầu đồng nội tệ tăng lên trong dịp Tết do những yếu tố thời vụ và do hệ quả của việc hợp nhất ba ngân hàng nhỏ.

          3. Báo Quân đội nhân dân dẫn thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giá trị xuất khẩu nông, lâm và thủy sản tháng 1-2012 ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Còn theo báo cáo của Bộ Công thương, so với cùng kỳ năm 2011, xuất  khẩu đầu năm 2012 giảm mạnh về lượng, trong khi giá xuất khẩu lại giữ nguyên so với cùng kỳ, dẫn tới kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản đều giảm. Giảm mạnh nhất là cà phê giảm tới gần 40%, gạo giảm 53,4%, sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 42,2%. Chỉ riêng mặt hàng hạt tiêu có kim ngạch tăng trưởng tương đương tháng 1-2011 nguyên nhân là giá hạt tiêu đầu năng tăng hơn 50,6%.

          Lý giải về sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu nói chung của tháng 1, Bộ Công thương cho rằng do nghỉ Tết dương lịch và Tết Nguyên đán kéo dài. Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp, còn có lý do khác là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đang gặp khó khăn về thị trường và giá có xu hướng giảm.

          Bài báo phân tích, sang năm 2012, Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn trong việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vì lợi thế cạnh tranh về giá đang giảm dần do tốc độ tăng trưởng cao ở Việt Nam đã làm gia tăng áp lực lạm phát và làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, dẫn đến giá xuất khẩu cũng bị đẩy cao. Bên cạnh đó, sự bất ổn ở khu vực Trung Đông đang đẩy giá dầu, giá nhiên liệu và giá thực phẩm nói chung tăng cao. Khủng hoảng nợ ở châu Âu - một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, cũng khiến tình hình xấu đi.

          Cụ thể, lúa gạo đang đối mặt với việc thiếu đơn hàng trầm trọng cũng như sự cạnh tranh gay gắt về giá cả từ các nước xuất khẩu gạo khác. Đối với mặt hàng cà phê, tháng qua đã có những biến động bất thường về giá, hồi đầu tháng sau khi tăng nhẹ, giá lại bất ngờ giảm mạnh. Bên cạnh đó người dân trồng cà phê của Việt Nam cũng đang rất lo lắng về sản lượng có thể giảm trong năm nay, do hoa đã nở bung sớm dễ gây ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch. Tuy nhiên, theo tổ chức cà phê thế giới ICO thì sản lượng giảm nhưng nhu cầu thì không hề giảm, đặc biệt là vào dịp diễn ra Euro 2012, cà phê vốn là thức uống truyền thống của các nước châu Âu. Nên trong dài hạn xu hướng giá cà phê là vẫn tăng. Mặt hàng cao su cũng sụt giảm đáng kể cả về lượng và giá trị xuất khẩu do các doanh nghiệp Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu. Xuất khẩu cao su ước đạt 60.000 tấn, giảm hơn 19% về lượng và tới gần 39% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

          Mới đây, Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) cũng lưu ý, tình hình chính trị tại một số quốc gia Trung Đông đang trong tình trạng hết sức căng thẳng. Mỹ, EU đã áp đặt lệnh cấm vận với Iran và đang vận động, gây sức ép các nước chấm dứt giao dịch với Iran. Chính phủ Iran đang ngày càng bị cô lập. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam khi kinh doanh với thị trường này phải hết sức lưu ý, cần thường xuyên cập nhật thông tin thị trường cũng như tình hình chính trị thông qua các phương tiện báo chí truyền thông trong nước.

          Còn Bộ Nông nghiệp & PTNT lưu ý, để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản khi lợi thể cạnh tranh về giá không còn được đề cao, doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động khai thác lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới, hướng mạnh vào phát triển sản phẩm sạch, giá trị tăng cao, có sức cạnh tranh và vượt được rào cản thương mại của các nước nhập khẩu. Người dân cần được tuyên truyền, phổ biến về đảm bảo an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật trong sản xuất và xuất khẩu rau quả.

          4. Báo điện tử Vietnamplus đưa tin, Dự án nhà máy luyện cán thép chất lượng cao tại tỉnh Ninh Bình công suất 1 triệu tấn phôi thép vuông/năm và 500.000 tấn thép cán hợp kim dự ứng lực/năm do Công ty Trách nhiệm hữu hạn cán thép Tam Điệp làm chủ đầu tư có tổng số vốn lên tới 218 triệu USD (tương đương 4.578 tỷ đồng) sẽ được khởi công trong tháng 3 tại khu công nghiệp Khánh Phú (huyện Yên Khánh). Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm. Đại diện bên phía Việt Nam là Công ty Trách nhiệm hữu hạn cán thép Tam Điệp góp 30% vốn. Phía đối tác nước ngoài là Tập đoàn thép Kyoei (Nhật Bản) góp 70% vốn. Nhà máy luyện cán thép chất lượng cao tại tỉnh Ninh Bình được xây dựng với công nghệ tự động hóa tiên tiến nhất khu vực Đông Nam Á, tiết kiệm điện, thân thiện với môi trường sinh thái.

          Hiện nay, phôi thép sản xuất trong nước vẫn chưa đủ và thép cán hợp kim dự ứng lực dùng trong xây dựng vẫn còn thiếu so với nhu cầu. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ nâng tổng công suất phôi thép trong cả nước từ 6 triệu tấn lên 7 triệu tấn phôi thép/năm, góp phần giảm nhập khẩu nguyên liệu hàng tháng phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và đặc biệt là sẽ giảm nhập siêu đối với ngành thép.

          5. Theo thông tin trên Báo điện tử Vietnamnet, Luật quản lý Thuế sửa đổi sẽ được bổ sung quy định nộp dần tiền thuế đối với trường hợp người nộp thuế không có khả năng nộp đủ tiền thuế một lần. Thông báo một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ dung Luật quản lý Thuế, Tổng cục thuế (Bộ Tài chính) cho biết thực tiễn có nhiều trường hợp doanh nghiệp có số tiền nợ thuế lớn hoặc bị truy thu thuế với số tiền lớn vượt quá khả năng doanh nghiệp có thể thanh toán một lần khi có khó khăn về tài chính trong ngắn hạn. Áp dụng kinh nghiệm quốc tế, dự thảo luật cho phép nộp dần tiền thuế nợ trong 12 tháng, tính lãi chậm nộp 0,05% một ngày trên cơ sở cam kết của người nộp thuế và bảo lãnh của ngân hàng thương mại.

          Dự thảo luật cũng mở rộng phạm vi gia hạn nộp thuế và xoá nợ thuế. Theo đó, những doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan từ chính sách của nhà nước, ví dụ phải di dời cơ sở sản xuất kinh doanh theo yêu cầu của nhà nước, hoặc nợ thuế do ngân sách nhà nước chậm giải ngân, sẽ được xem xét gia hạn nộp thuế. Ngoài trường hợp người nộp thuế phá sản, chết, mất tích..., các khoản nợ khó có khả năng thu hồi sau khi đã áp dụng đầy đủ các biện pháp cưỡng chế trong 10 năm cũng có thể được xem xét xoá nợ.

          Cũng để đảm bảo chống thất thu thuế trong bối cảnh ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, dự thảo luật bổ sung cơ chế Thoả thuận trước về phương pháp xác định giá (APA) để phòng chống gian lận thuế bằng chuyển giá.

          6. Báo Sài gòn giải phóng cho biết, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) và Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa ký kết hợp đồng liên doanh hợp tác đầu tư dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn trị giá 4,5 tỷ USD với các đối tác gồm Tập đoàn Siam Cement (SCG) của Thái Lan, Công ty TNHH Nhựa và Hóa chất Thái Lan (TPC), Qatar Petroleum International (QPI, thuộc Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Qatar).

          Với vị trí đặt tại Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách TPHCM khoảng 100km về phía Đông Nam, dự án này được xem là tổ hợp hóa dầu đầu tiên tại Việt Nam đóng góp vào việc giảm tỷ lệ các sản phẩm nhập khẩu, nâng cao giá trị các ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam. Theo dự kiến, tổ hợp hóa dầu có khả năng sản xuất 1,4 triệu tấn olefin với công nghệ nghiền linh hoạt từ các nguyên liệu như ê-than, prô-ban, napta. Dự án cũng bao gồm các công trình phụ trợ khác như cảng, cầu tàu, các kho chứa hàng, nhà máy điện...Ngoài ra, với công nghệ nghiền tích hợp, nhà máy còn có thể sản xuất thêm các sản phẩm đa dạng như polyethylene (PE), polypropylene (PP) và vinyl chloride monomer (VCM)… Dự án tổ hợp hóa dầu dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong vòng 4 năm tới, góp phần cung ứng cho nhu cầu ngày càng tăng của Việt Nam và ASEAN.

                                                                                                               Thanh Tùng (tổng hợp)

 

         

 

.
.
.
.