.
.

Thảm họa kép tại Nhật Bản và mối ân tình từ Việt Nam

Chủ Nhật, 11/03/2012|22:21

Kỷ niệm một năm ngày Nhật Bản gánh chịu thảm họa kép động đất – sóng thần, ngài Tanidaki Iasuaki, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã có bài viết hết sức xúc động về mối ân tình từ Việt Nam.

Lúc 12 giờ 46 phút (giờ Việt Nam) ngày 11 tháng 3 năm 2011, miền Đông Nhật Bản mà trước tiên là khu vực Đông Bắc đã hứng chịu một trận động đất với quy mô lớn nhất lịch sử quan trắc.

Trận động đất bất ngờ này và trận sóng thần ngay sau đó là một thảm họa thiên tai lớn chưa từng có, gây thiệt hại trên một phạm vi rộng, cướp đi rất nhiều sinh mạng và ảnh hưởng đáng kể tới cuộc sống của người dân Nhật. Đã gần một năm trôi qua từ sau thảm họa đó.

“Mối ân tình” từ Việt Nam

Đối với người Nhật, đây là một thảm kịch đau lòng và khó khăn để vượt qua, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để Nhật Bản cảm nhận được “mối ân tình” gắn kết chặt chẽ chúng tôi với Việt Nam và thế giới.

Ngay sau thảm họa, chúng tôi đã nhận được rất nhiều những lời thăm hỏi, động viên, những bức tranh, bức ảnh, bức thư gửi tới người dân Nhật thông qua Đại sứ quán,số tiền ủng hộ quá lớn khiến chúng tôi rất bất ngờ, rồi những chuyến thăm vùng bị thiên tai của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng...

Bằng những hành động thiết thực đó, các tầng lớp người Việt Nam từcấp lãnh đạo đến người già, trẻ em, từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh thành... đã gửi tới người dân Nhật một thông điệp sẻ chia mạnh mẽ. Quả thực “gian nan mới biết bạn hiền” - người Nhật hết sức cảm kích trước tình cảm của người Việt Nam. Một lần nữa cho tôi gửi tới các bạn lời cảm ơn chân thành nhất.

Số tiền ủng hộ của các bạn đang được sử dụng hiệu quả để giúp đỡ những người bị nạn. Sau khi tiếp nhận tiền ủng hộ, Đại sứ quán đã chuyển cho Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản để từ đó chuyển tới các địa phương bị thiên tai, rồi thông qua chính quyền cơ sở chuyển tới tận tay người bị nạn.

Trong số 346 tỷ 600 triệu yên tiền ủng hộ từ trong và ngoài nước Nhật, 80% đã được chuyển tới những người bị nạn. Ngoài ra, số tiền ủng hộ chuyển qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã được Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản sử dụng làm tiền cứu trợ dành cho các chương trình hỗ trợ tái thiết như hỗ trợ y tế, giáo dục, hỗ trợ người dân sống trong các trung tâm sơ tán, khu nhà tạm...

Tái thiết Nhật Bản

Biết ơn sự giúp đỡ nhiệt tình của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, Nhật Bản đang từng bước tiến hành công cuộc tái thiết một cách vững chắc và mạnh mẽ. Tàu cao tốc, đường cao tốc và sân bay đã được khôi phục 100%. Các doanh nghiệp đã lấy lại được tinh thần, trong đó nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại đã phục hồi hoạt động theo tiêu chuẩn trước thảm họa.

Theo thống kê mới nhất (ngày 22/2/2012), Nhật Bản hiện đứng đầu danh sách các nước có số vốn đầu tư đăng ký tại Việt Nam. Về mặt sinh hoạt, ngoài một số vùng còn hạn chế thì cuộc sống thường ngày đã trở lại tại hầu hết các khu vực. Các bạn hãy nắm lấy cơ hội, yên tâm đến Nhật làm việc, du lịch, du học... và cảm nhận trực tiếp “sức sống Nhật Bản” khác hẳn với những hình ảnh trên báo hay tivi sau thảm họa. Đến với Nhật Bản - đó là đóng góp lớn nhất của các bạn đối với công cuộc tái thiết đất nước chúng tôi.

Chúng tôi không chỉ đơn thuần đưa Nhật Bản trở lại trạng thái trước thảm họa mà sẽ biến khủng hoảng thành cơ hội để tạo ra một Nhật Bản hoàn toàn mới với mục tiêu đóng góp nhiều hơn nữa cho cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam.

Cụ thể, Nhật Bản sẽ chia sẻ với thế giới những kinh nghiệm và bài học từ thảm họa động đất sóng thần, sự cố nhà máy điện hạt nhân... đồng thời sẽ đi trước thế giới trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, phòng chống thiên tai, liên kết kinh tế ở cấp độ cao... với quyết tâm cho cả thế giới thấy một mô hình xã hội mới. Nhật Bản cũng sẽ tiếp tục có những đóng góp quốc tế tích cực, thông qua viện trợ ODA... nhằm củng cố hơn nữa “mối ân tình” với cộng đồng quốc tế.

Quan hệ Nhật-Việt hướng tới tương lai

Sang năm, năm 2013 là tròn 40 năm Nhật Bản và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao, được lãnh đạo hai nước nhất trí lấy làm “Năm hữu nghị Nhật-Việt”. Chúng tôi đang lên kế hoạch thực hiện các chương trình hữu nghị tại Việt Nam để kỷ niệm năm đặc biệt này. “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” - không chỉ người Nhật, cũng không chỉ các lãnh đạo Việt Nam, để có một Năm hữu nghị thật sôi động thì không thể thiếu tình cảm của từng người dân Việt Nam.

Tôi mong các bạn sẽ giữ mãi “mối ân tình” với Nhật Bản và tiếp tục đóng góp tích cực để khai nhụy những bông hoa hữu nghị trong Năm hữu nghị này./.

Tanizaki Yasuaki - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam

(“Hoa Anh đào lại nở trên đất nước Mặt trời mọc” - VietnamPlus ngày 11/3

.
.
.
.