.
.

Những tin tức nổi bật trong ngày

Thứ Sáu, 02/03/2012|12:47

Trong ngày 1/3/2012, một số báo chí đã có bài phản ánh những sự kiện nổi bật của đất nước và những vấn đề liên quan đến hoạt động của Khối Doanh nghiệp Trung ương như sau:

I- MỘT SỐ SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC

1. Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin, chiều 1/3, tại Trụ sở Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Chủ tịch Thượng viện Chile Guido Girardi Lavin đã cùng ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Thượng viện Cộng hòa Chile. Phát biểu tại Lễ ký, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Thượng viện Chile là kết quả có ý nghĩa đặc biệt của cuộc hội đàm giữa lãnh đạo Cấp cao hai bên; thể hiện quyết tâm, sự tích cực và tinh thần trách nhiệm, khẩn trương của các chuyên gia và cán bộ của hai bên.

Theo nội dung thỏa thuận, hai bên cam kết sẽ tăng cường hợp tác và trao đổi kinh nghiệm trên nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, quyền tự quyết của mỗi dân tộc và có đi có lại. Hai bên cũng khuyến khích trao đổi các đoàn thăm chính thức và các đoàn thăm- làm việc nhằm củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, tin học và các lĩnh vực khác hai bên cùng quan tâm.

Sau Thỏa thuận này, hai bên sẽ thành lập Nhóm Nghị sỹ hữu nghị và tiến hành trao đổi thường xuyên trong khuôn khổ các quy định hiện hành của hai bên.

2. Theo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, sáng 1/3, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình công tác năm 2012. Phát biểu tại Hội nghị, Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên nêu rõ: Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã ban hành Chương trình công tác năm 2012, đề ra 12 chuyên đề cần tập trung chỉ đạo thực hiện. Trong đó, một số nội dung cần bàn giải pháp triển khai như: xây dựng cơ chế chính sách đặc thù về thu hút đầu tư để tạo điều kiện cho các tỉnh Tây Nguyên có những đột phá phát triển; tổ chức kiểm kê thực trạng hạ tầng nông thôn, đánh giá tình hình sử dụng đất, sản xuất, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và dân di cư tự do, kiến nghị những vấn đề cần tháo gỡ; đánh giá công tác đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cấp xã, buôn làng, đề xuất các giải pháp quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ cơ sở, cán bộ người dân tộc thiểu số; công tác phát triển Đảng và xây dựng cơ sở Đảng; các giải pháp giữ vững ổn định chính trị, xã hội khu vực Tây Nguyên;…

Tại Hội nghị, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đại diện các bộ, ban, ngành liên quan, các tỉnh Tây Nguyên đã tập trung trao đổi thảo luận các nội dung, mục tiêu, yêu cầu, tiến độ tổ chức thực hiện 12 chuyên đề công tác năm 2012. Các đại biểu đã bàn và đề xuất xây dựng các cơ chế phối hợp giữa Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương vùng Tây Nguyên, nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong phát triển kinh tế- xã hội và giữ vững ổn định khu vực Tây Nguyên.

3. Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết, chiều 1/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tổng thể tình hình thực hiện danh mục các dự án vay vốn WB, đồng thời yêu cầu các cơ quan chủ quản một số dự án chậm trễ báo cáo về các vấn đề vướng mắc, giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy dự án.

Tính đến cuối tháng 2/2012, danh mục các dự án WB hiện đang triển khai là 46 dự án và 5 khoản vay từ nguồn GEF, CFC và Quỹ tín thác. Tổng số vốn cam kết đạt trên 7,4 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều dự án đang trong tình trạng giải ngân thấp, trong đó một số dự án thực hiện trên 3 năm nhưng giải ngân chưa được 50%, gặp nhiều vướng mắc dẫn tới tiến độ triển khai rất chậm như Dự án phát triển hệ thống cấp nước ở nhiều địa phương, Dự án phát triển công nghệ thông tin, Dự án cạnh tranh nông nghiệp, Dự án giao thông đô thị Hà Nội, Dự án đảm bảo chất lượng giáo dục trường học, Dự án hiện đại hoá hệ thống quản lý thuế…

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã cùng các cơ quan liên quan đánh giá tổng thể các nguyên nhân dẫn đến chậm triển khai, giải ngân ở các dự án, thảo luận các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến các cơ quan chủ quản, quy trình quản lý các dự án. Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm liên hệ làm việc với WB tại Việt Nam xem xét, có biện pháp tháo gỡ, khắc phục những tồn tại ở các dự án, xây dựng phương án hợp lý để triển khai trong thời gian tới. Các cơ quan chủ quản, các địa phương liên quan rà soát, đưa ra giải pháp cụ thể và có báo cáo sớm và thường xuyên về các vấn đề của dự án. Phó Thủ tướng cũng sẽ thường xuyên trực tiếp kiểm tra, giao ban xử lý gỡ vướng các dự án đặc biệt khó khăn.

4. Báo Nhân Dân đưa tin, chiều 1-3, tại Hà Nội, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Ðài Truyền hình Việt Nam tổ chức tổng kết chương trình phối hợp tuyên truyền giai đoạn 2008-2011; báo cáo kết quả thực hiện chương trình "Nối vòng tay lớn" năm 2011 và định hướng kế hoạch tổ chức chương trình năm 2012.

Theo đó, trong nhiệm kỳ qua, hai bên đã thực hiện tốt những nội dung thông tin tuyên truyền, định hướng tốt về nhận thức, tư tưởng và hành động cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ðáng chú ý, Chương trình "Nối vòng tay lớn" do hai cơ quan vừa tổ chức đã bước đầu vận động được hơn 6.606 tỷ đồng; trong đó, ủng hộ Quỹ vì người nghèo các cấp hơn 1.000 tỷ đồng và hơn 5.600 tỷ đồng ủng hộ các chương trình an sinh xã hội.

II- NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA KHỐI DNTW

1. Theo Báo điện tử VOVNews, Ban công tác liên bộ Tài chính-Ngân hàng sẽ được thành lập nhằm tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp trong việc điều hành các chính sách tiền tệ, tài khóa thông suốt và nhịp nhàng. Đây là một trong những nội dung quan trọng của Quy chế phối hợp và trao đổi thông tin được ký kết chiều 29/2, tại Hà Nội, giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính. Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc thành lập Ban công tác với định kỳ 6 tháng một lần nhóm họp cũng như đột xuất nhằm xử lý các vướng mắc và trao đổi thông tin giữa hai cơ quan phụ trách hai lĩnh vực vốn rất gắn bó mật thiết với nhau sẽ giúp tham mưu cho chính phủ điều hành ổn định nền kinh tế vĩ mô.

Với đồng trưởng ban là một Thứ trưởng và Phó Thống đốc phụ trách cùng với các đơn vị đầu mối, Ban công tác sẽ giúp cho việc phối hợp hiệu quả trong xây dựng và điều hành chính sách tài khóa cũng như chính sách tiền tệ; quản lý ngân quỹ chính phủ và phát triển nhanh hệ thống thanh toán; quản lý nợ quốc gia và quản lý vốn ODA. Liên Bộ cũng sẽ phối hợp trong việc thanh tra, giám sát thị trường tài chính; quản lý thu thuế và hải quan qua hệ thống ngân hàng; hoạt động xuất nhập khẩu vàng bạc, đá quý và công tác phòng chống buôn lậu, rửa tiền...

Phát biểu chỉ đạo tại lễ ký kết quy chế, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh mong hai Bộ nêu cao tinh thần chủ động phối hợp công tác, phát huy vai trò, trách nhiệm của các bên để đảm bảo cho việc điều hành chính sách tài chính-tiền tệ được minh bạch và hiệu quả.

2. TTXVN dẫn lời Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết Thủ tướng sẽ nghe Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) báo cáo Đề án tái cấu trúc trước ngày 31/3. Theo Thứ trưởng, với mục tiêu tái cấu trúc nhằm giúp Tập đoàn hoạt động hiệu quả hơn, có sự phát triển xứng tầm quốc tế và khu vực với sức cạnh tranh cao, hy vọng đầu tiên trong Đề án tái cấu trúc tập đoàn, tổng công ty Nhà nước mà Bộ Tài chính chủ trì xây dựng được đặt vào PVN, bởi đây là Tập đoàn chủ lực có đóng góp lớn nhất vào nền kinh tế, có khối tài sản chiếm khoảng 30%, sử dụng vốn chiếm khoảng 37% trong khối doanh nghiệp Nhà nước.

Vì vậy, trong đề án tái cấu trúc Tập đoàn, PVN cần tập trung sắp xếp lại chiến lược kinh doanh ở trong nước và nước ngoài; trên cơ sở đó cơ cấu lại ngành, nghề. Trên thế giới, hầu hết các tập đoàn kinh tế đều kinh doanh đa ngành, đa nghề nhưng với thực tiễn phát triển mô hình tập đoàn thí điểm thời gian qua, tại thời điểm hiện nay, quan điểm “tập đoàn chỉ nên tập trung vào ngành nghề sản xuất kinh doanh chính và những ngành nghề trực tiếp phục vụ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chính” cần được quán triệt. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện tái cấu trúc, PVN phải rà soát lại vấn đề quản trị doanh nghiệp, nhất là quản trị nội bộ từ Công ty mẹ đến từng đơn vị thành viên. Về mặt tài chính, PVN cần rà soát lại các dự án đầu tư, thực hiện thoái vốn theo lộ trình cụ thể với các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản. Trong điều kiện thị trường chứng khoán như hiện nay, việc thoái vốn này sẽ không dễ nhưng PVN cần tìm ra lộ trình hợp lý để tái cấu trúc tài chính trước năm 2015.

Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Phùng Đình Thực, lãnh đạo PVN đang làm việc với các đơn vị từ ngày để hoàn thiện chính thức Phương án tái cấu trúc Tập đoàn giai đoạn 2012-2015 báo cáo Thường vụ Đảng ủy-Hội đồng thành viên thông qua, trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ tài chính, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan trước ngày 25/3 tới.

3. Báo Sài Gòn giải phóng đưa tin, theo Ban Cải cách hiện đại hóa (Tổng cục Thuế), trong những năm gần đây, hiện tượng các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kê khai lỗ khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước, trong đó nhiều doanh nghiệp (DN) kê khai lỗ liên tục trong 3 năm. Điển hình tại một địa phương như Bình Dương, số doanh nghiệp FDI kê khai lỗ năm 2010 là 754/1.490 DN (chiếm tỷ trọng 50,6%, trong đó có tới 200 DN lỗ quá vốn chủ sở hữu); tại TPHCM và Đồng Nai, tỷ lệ số DN FDI kê khai lỗ lần lượt là 60% và 52,2%. Đáng lo ngại, theo ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó trưởng Ban Cải cách hiện đại hóa, hành vi chuyển giá nhằm tối thiểu nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) không chỉ diễn ra tại các DN FDI, mà còn diễn ra giữa các bên liên kết trong nội địa Việt Nam do các tập đoàn kinh tế trong nước lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước, thành lập một số công ty con hoạt động trong những lĩnh vực và địa bàn khác nhau, trong đó có những lĩnh vực, địa bàn được ưu đãi thuế TNDN, từ đó tìm cách chuyển lợi nhuận trước thuế từ DN không được ưu đãi thuế sang DN liên kết được ưu đãi thuế. Hoặc chuyển lợi nhuận trước thuế từ DN có lãi sang DN bị lỗ thông qua giá chuyển giao sản phẩm và cung cấp dịch vụ giữa các bên để giảm thiểu nghĩa vụ thuế tổng hợp của cả tập đoàn. Trong năm 2011, ngành thuế đã tổ chức thanh tra đã thực hiện thanh tra tại 921 DN lỗ, DN có dấu hiệu chuyển giá, xử lý giảm lỗ 6.617 tỷ đồng (tăng 3,5 lần so với năm trước), truy thu thuế và phạt 1.669 tỷ đồng (tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm trước).

Trước những khó khăn của công tác này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, cho biết, tới đây sẽ thành lập bộ phận chuyên trách quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá tại cơ quan thuế, nhất là tại một số đơn vị quản lý nhiều DN có giao dịch liên kết. Đồng thời rà soát cơ chế, chính sách, bổ sung nhân lực, đầu tư công nghệ, tăng cường thanh tra, kiểm tra… Ông Tuấn cũng khẳng định, nếu phát hiện có hoạt động chuyển giá tại các tập đoàn, tổng công ty thì người đứng đầu các DN này phải chịu trách nhiệm.

Liên quan đến vấn đề nợ đọng thuế, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, năm 2011 tình hình nợ thuế tiếp tục tăng 29,5% so với năm 2010 (năm 2010 tăng 17,9% so với 2009). Nguyên nhân do tình hình kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng sản xuất, kinh doanh thua lỗ. Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh việc giao chỉ tiêu thu nợ thuế cho các cục thuế, Tổng cục Thuế cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách trong lĩnh vực quản lý nợ (dự án Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung); sửa đổi, bổ sung thủ tục hồ sơ đối với trường hợp xóa nợ thuế đối với người nộp thuế thuộc trường hợp xóa nợ theo diện phá sản DN quy định tại Luật Quản lý thuế để phù hợp với thực tế; bổ sung quy định cho phép cơ quan quản lý thuế cho phép người nộp thuế được phép nộp dần tiền nợ thuế và chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với trường hợp này...

4. Thời báo Kinh tế Việt Nam phản ánh, từ 1/3, Phó tổng giám đốc của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), ông Lê Hồng Hà, sẽ chính thức điều hành Công ty Cổ phần Hàng không Jetstar Pacific Airlines (Jetstar Pacific) với vị trí Tổng giám đốc.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Hồng Hà cho biết: Jetstar Pacific là doanh nghiệp cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trong đó, Vietnam Airlines tiếp nhận quyền đại diện phần vốn nhà nước, kế thừa quyền và nghĩa vụ của cổ đông nhà nước với vai trò là cổ đông chiếm 69,93% cổ phần. Như vậy, hiện Jetstar Pacific có hai cổ đông lớn là Vietnam Airlines và hãng hàng không quốc gia Australia (thuộc tập đoàn Qantas).

Theo tân Tổng giám đốc Jetstar Pacific, hãng này sẽ tiếp tục đi theo mô hình hàng không giá rẻ. Các cổ đông của công ty cũng đã thống nhất các giải pháp cần thiết để giúp Jetstar Pacific phát triển hiệu quả, bền vững. Các cổ đông của hãng cũng đã phê duyệt gói đầu tư ban đầu 25 triệu USD để chuyển đổi đội máy bay Boeing 737 hiện đang khai thác sang đồng nhất một loại máy bay Airbus A320 - 180 ghế, và tăng đội máy bay lên 15 chiếc Airbus A320 trong những năm tới.

Jetstar Pacific là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên tại Việt Nam, hiện đang khai thác đội máy bay phản lực tầm trung 7 chiếc gồm Airbus A320 và Boeing 737 - 400, thực hiện khoảng 250 chuyến bay/tuần đến Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Vinh và Hải Phòng.

Thanh Tùng (Tổng hợp)

.
.
.
.