.
.

Những tin tức nổi bật trong ngày

Thứ Hai, 27/02/2012|08:58

          Trong các ngày 25 - 26/02/2012, một số báo chí đã có bài phản ánh những sự kiện nổi bật của đất nước và những vấn đề liên quan đến hoạt động của Khối Doanh nghiệp Trung ương như sau:

I- MỘT SỐ SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC

          1. Các báo đưa tin, nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, từ ngày 23- 26/2, Thủ tướng Chính phủ Lào Thongsing Thammavong cùng đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào thăm tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Bình Định.

          Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt hoan nghênh chuyến thăm khảo sát thực tế tại 3 tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Bình Định của Thủ tướng Thongsing Thammavong  cùng đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Lào; đây là chuyến thăm mang ý nghĩa đặc biệt trong quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt - Lào, biểu hiện sinh động, thiết thực trong “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào 2012”. Thủ tướng đánh giá cao những thành tựu to lớn mà Chính phủ và nhân dân Lào anh em đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong cảm ơn sự đón tiếp trọng thị và thân tình của Chính phủ Việt Nam, lãnh đạo, nhân dân các địa phương đến thăm, thể hiện tình cảm sâu đậm, thân tình, đoàn kết đặc biệt hiếm có giữa hai Đảng, hai Chính phủ và nhân dân hai nước.

          Bày tỏ vui mừng được trực tiếp chứng kiến sự phát triển cả về kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của các địa phương đến thăm, nhất là đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng nâng cao, Thủ tướng Thongsing Thammavong khẳng định: Sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp, sự tham gia đồng bộ của các ngành, đoàn thể cùng với cộng đồng doanh nghiệp và người dân cùng chung sức đồng lòng thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam là kinh nghiệm quý đối với Chính phủ Lào. Cùng với tăng cường hợp tác toàn diện về kinh tế, an ninh, quốc phòng, Thủ tướng Lào đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đầu tư sang Lào, mong muốn các địa phương Việt Nam trao đổi kinh nghiệm với các địa phương Lào trong quản lý phát triển kinh tế xã hội cũng như hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực…Thủ tướng Thongsing Thammavong khẳng định: Chính phủ Lào đang tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

          2. Báo Người đại biểu nhân dân cho biết, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội vừa phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hiệp quốc tổ chức Hội nghị Đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về dự trữ quốc gia – đề xuất, kiến nghị. Các đại biểu dự Hội nghị nhất trí cho rằng, cần sớm ban hành Luật Dự trữ quốc gia để khắc phục những tồn tại, hạn chế của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trong lĩnh vực này. Nhà nước cần quan tâm xây dựng và bảo đảm lực lượng dự trữ quốc gia ngày càng mạnh để có thể góp phần điều tiết, khắc phục những mặt trái của kinh tế thị trường, cũng như ứng phó kịp thời với những tình huống phát sinh về an ninh, quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững của đất nước. Mặt khác, do nước ta đang hội nhập sâu với thế giới và khu vực nên việc xây dựng luật về dự trữ cũng cần thiết kế các điều, khoản riêng về hội nhập, hợp tác quốc tế. Thực tế, khu vực các nước Đông Nam Á cũng đã thành lập quỹ dự trữ lương thực khu vực để bảo đảm an ninh lương thực chung. Cơ quan dự trữ quốc gia cũng tham gia hợp tác, trao đổi công nghệ kho, thiết bị bảo quản, cũng như đào tạo cán bộ với các nước trong khu vực, trên thế giới.

           3. Theo phản ánh trên Báo Nhân dân, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt dự án Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng thuộc Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020". Dự án đặt mục tiêu đến năm 2015 phải xây dựng mô hình điểm về áp dụng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế và các công cụ cải tiến năng suất và chất lượng (NS-CL) tại 500 doanh nghiệp (DN). Ðồng thời hướng dẫn, hỗ trợ nhân rộng mô hình điểm tại 4.000 DN. Phấn đấu đến năm 2015, phổ biến, nâng cao kiến thức về NS-CL cho 10 nghìn cán bộ quản lý, chuyên môn tại các bộ, ngành, địa phương và DN. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về NS-CL tới người lao động và người tiêu dùng thông qua truyền hình, báo chí, trang thông tin điện tử và tài liệu. Ðào tạo 1.000 chuyên gia, cán bộ đào tạo, tư vấn về NS-CL tại các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, DN. Hướng dẫn, hỗ trợ nhân rộng mô hình điểm về áp dụng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế và các công cụ cải tiến NS-CL cho 6.000 DN...

II- NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA KHỐI DNTW

          1. Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin, sáng 26/2, tại Hà Nội, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ trao giải thưởng Chất lượng quốc gia và giải thưởng Chất lượng quốc tế Châu Á -Thái Bình Dương năm 2011 cho 98 doanh nghiệp. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân dự và trao giải cho các doanh nghiệp. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thay mặt Nhà nước và Chính phủ Việt Nam chúc mừng 98 doanh nghiệp xuất sắc đạt giải lần này và khẳng định: “Giải thưởng Chất lượng Quốc gia rất có ý nghĩa trong việc nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam, đặc biệt trong xuất khẩu. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp đạt giải thưởng quảng bá thương hiệu sản phẩm, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế”. Phó Thủ tướng chỉ đạo, Giải thưởng chất lượng Quốc gia cần phải đổi mới phương thức để khuyến khích ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia và trở thành phong trào rộng khắp cả nước, góp phần nâng cao thương hiệu sản phẩm hàng hoá Việt Nam trên trường quốc tế.

          Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là một hình thức tôn vinh, khen thưởng hàng năm ở cấp quốc gia của Thủ tướng Chính phủ cho các tổ chức, doanh nghiệp đạt thành tích xuất sắc về chất lượng trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Đây là cơ hội giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao vị thế các sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ, tăng cường năng lực, khả năng cạnh tranh và hội nhập trên thị trường trong nước và quốc tế. Từ năm 1996 đến 2011 đã có 1.399 lượt doanh nghiệp được trao tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, trong đó có 73 doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 26 doanh nghiệp được trao giải GPEA.         

          2. Theo TTXVN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản toàn ngành 2 tháng đầu năm ước đạt 3,6 tỷ USD, xấp xỉ so với cùng kỳ năm trước 2011. Theo Bộ Nông nghiệp, do xu hướng giảm giá xuất hiện từ cuối năm 2011 nên giá trị xuất khẩu của nhiều mặt hàng có sự giảm sút. Các mặt hàng nông sản chính cũng không còn duy trì được đà tăng trưởng khi kim ngạch xuất khẩu 2 tháng chỉ đạt gần 2 tỷ USD, giảm 13,2% so với năm trước.

          Ngoài một số mặt hàng như tiêu, hạt điều, chè tăng về giá trị thì các mặt hàng nông sản khác như: gạo, càphê, cao su đều sụt giảm đáng kể về giá trị xuất khẩu. Cụ thể, gạo xuất khẩu trong 2 tháng ước đạt 756.000 tấn, kim ngạch đạt 437 triệu USD, so cùng kì năm trước giảm 26,6% về lượng và 16,1% về giá trị. Hoạt động xuất khẩu gạo đầu năm chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực, các doanh nghiệp chưa ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu. Đối với càphê, ước xuất khẩu 2 tháng đạt 312.000 tấn thu về 632 triệu USD, so cùng kỳ năm trước giảm 13% về lượng và 11,8% về giá trị. Tình hình tiêu thụ càphê của các thị trường lớn cũng không mấy khả quan, phần lớn là giảm sút, đáng chú ý là Italy giảm gần một nửa, Bỉ chỉ bằng 1/3 năm trước. Tương tự là mặt hàng cao su, do kinh tế thế giới vẫn khó khăn nên tiêu thụ cao su cũng giảm ở hầu hết thị trường lớn. Xuất khẩu mặt hàng này ước đạt 80.000 tấn, thu về 220 triệu USD, giảm tới 23,6% giá trị…

          3. Báo Tuổi trẻ phản ánh, đề cập các vụ cháy nổ xe máy, ôtô xảy ra thời gian qua, ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex), cho rằng, trách nhiệm về chất lượng xăng dầu cần được quy định cụ thể đến tận đại lý cung ứng. Theo quy định, một đại lý chỉ được ký hợp đồng phân phối với một doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối. Nhưng thực tế không ai có thể kiểm tra được việc này. Chuyện một đại lý phân phối có mua hàng của nhiều đơn vị khác nhau là rất phổ biến. Ông Dũng cũng cho biết, xăng dầu được Petrolimex chở đến tận bể của các đại lý. Nếu sản phẩm xăng dầu đó không bị chủ các cửa hàng gian lận, pha trộn mà không đủ tiêu chuẩn thì doanh nghiệp đầu mối phải chịu trách nhiệm. Còn khi hàng đã vào cửa hàng của đại lý, cửa hàng đó phải chịu trách nhiệm quản lý hàng. Nếu xăng dầu bị cửa hàng đại lý pha trộn, doanh nghiệp đầu mối không thể chịu trách nhiệm hành vi gian lận này. Bởi vậy, biện pháp hiệu quả nhất là Nhà nước nên mạnh tay với trường hợp nào vi phạm. Tùy từng mức độ sẽ chế tài xử lý, nặng nhất là cho đóng cửa, rút giấy phép vĩnh viễn. Ông Dũng khẳng định, Petrolimex đặt chất lượng xăng dầu lên hàng đầu. Trong tình hình hiện nay, công tác kiểm tra kiểm soát chất lượng xăng dầu đã được đơn vị nâng thêm một bước, đảm bảo tất cả sản phẩm xăng dầu đơn vị cung cấp ra thị trường là những sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng của VN.

          4. Theo Thời báo kinh tế Việt Nam, dự báo dòng vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ có những thay đổi rất tích cực trong tháng 2 của Cục Đầu tư nước ngoài đã được kiểm chứng bằng những số liệu lạc quan hơn. Theo dữ liệu tính đến ngày 20/2, phát đi từ Cục Đầu tư nước ngoài có loại trừ kết quả tháng 1, trong tháng này đã có thêm 40 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt trên 881 triệu USD. Phía các dự án tăng vốn, thêm 20 nhà đầu tư đã đăng ký mở rộng dự án với tổng vốn đăng ký tăng thêm hơn 312 triệu USD.

          Như vậy, riêng trong tháng này đã có gần 1,2 tỷ USD vốn đăng ký cả cấp mới và tăng vốn vào Việt Nam, khác biệt hoàn toàn so với tổng vốn đăng ký dưới 40 triệu USD trong tháng đầu năm nay. Cập nhật các diễn biến mới, tính đến tháng này số vốn FDI cả cấp mới và tăng thêm đã đạt 1,23 tỷ USD. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái thì dòng vốn đăng ký vào Việt Nam chỉ bằng 45%. Liên quan đến các lĩnh vực quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, công nghiệp chế biến, chế tạo đã hút về gần 81% tổng vốn đăng ký trong 2 tháng qua, tương ứng với khoảng 994 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn khối doanh nghiệp FDI trong hai tháng qua ước đạt 9,61 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ 2011, nếu không kể dầu thô đạt kim ngạch gần 8,6 tỷ USD, tăng 49%. Kim ngạch nhập khẩu toàn khối ước đạt 8,2 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ.

         5. Báo Nhân dân đưa tin, tại Khu kinh tế (KKT) Dung Quất (Quảng Ngãi), vừa qua Ban quản lý KKT Dung Quất, Quảng Ngãi (DEZA) và Khu công nghiệp Hàn Quốc - Chi nhánh Un-san - Hàn Quốc (Kicox) ký bản ghi nhớ hợp tác, đầu tư phát triển kinh tế. Ðây là sự kiện có ý nghĩa nhằm mở rộng KKT Dung Quất, thu hút đầu tư và góp phần phát triển kinh tế bền vững tại tỉnh Quảng Ngãi. Qua bản ghi nhớ hợp tác này, DEZA tập trung đền bù, tạo quỹ đất sạch ở KCN phía đông - KKT Dung Quất (gần Nhà máy Doosan Vina) với diện tích 50 ha để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp nặng và công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp nặng. DEZA sẽ ưu tiên địa điểm và giá thuê đất ưu đãi cho các nhà đầu tư Kicox. Ðối với Kicox cung cấp rộng rãi các thông tin về KKT Dung Quất để các doanh nghiệp vùng Un-san và nhà đầu tư Hàn Quốc đến khảo sát, thực hiện đầu tư tại Dung Quất trong thời gian tới.

          Hiện nay, tại KKT Dung Quất có hơn 20 doanh nghiệp đang sản xuất có hiệu quả, trong đó có các dự án lớn đã đi vào hoạt động như: Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Công ty Doosan Vina - Hàn Quốc, Nhà máy đóng tàu Dung Quất và cảng nước sâu Dung Quất. KKT Dung Quất hiện nay được coi là một trong 15 khu kinh tế biển Việt Nam đã hoạt động, phát triển thành công.

                                                                                                                Thanh Tùng (tổng hợp)

 

.
.
.
.