.
.

Những tin tức nổi bật trong ngày

Thứ Hai, 27/02/2012|23:14

          Trong ngày 27/02/2012, một số báo chí đã có bài phản ánh những sự kiện nổi bật của đất nước và những vấn đề liên quan đến hoạt động của Khối Doanh nghiệp Trung ương như sau:

I- MỘT SỐ SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC

          1. Các báo đồng loạt phản ánh, sáng 27/2, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình- Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, chỉ đạo và trực tiếp truyền đạt, quán triệt Nghị quyết. Dự và chỉ đạo Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tham dự hội nghị còn có hơn 1.000 đại biểu.

          Tại phiên khai mạc, Hội nghị đã nghe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị phổ biến, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Tổng Bí thư nêu rõ: Trong mọi giai đoạn, Đảng ta rất quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, đã ban hành nhiều Nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về xây dựng Đảng. Các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận đã tác động, tạo nên những chuyên biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên, so với mục tiêu, yêu cầu, những kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao năng hơn nữa lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, phương thức lãnh đạo. Chính vì vậy ngay sau khi ban hành, Nghị quyết đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đón nhận, đồng tình, nhất trí cao, cho rằng Nghị quyết đã lựa chọn đúng vấn đề, đánh giá đúng thực trạng và đề ra đúng các giải pháp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

          Nhấn mạnh một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đồng chí đại biểu tham dự Hội nghị cùng toàn thể cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, tập trung nghiên cứu, thảo luận, góp ý kiến để tạo thống nhất cao trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

          Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 sẽ làm việc đến ngày 29/2.

          2. Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin, ngày 27/2, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 242 về việc tăng cường biện pháp phòng cháy, chữa cháy. Công điện nêu rõ: Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp phòng cháy, chữa cháy; các cấp, các ngành, các cơ sở cũng đã tích cực tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác phòng cháy, chữa cháy chưa đáp ứng yêu cầu, tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp.

          Để chủ động phòng ngừa, hạn chế các vụ cháy, nổ, nhất là các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, góp phần đảm bảo an ninh và trật tự an toàn xã hội; Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai thực hiện một số việc cấp bách như thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành; tăng cường tuyên truyền phổ biến những quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, các biện pháp, giải pháp thoát nạn, cứu người; tăng cường chỉ đạo điều tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, đẩy mạnh xã hội hóa, quan tâm đầu tư công tác phòng cháy, chữa cháy, nhất là ở các địa bàn, cơ sở trọng điểm về cháy, nổ.

          3. TTXVN dẫn nguồn tin từ Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, ngày 27/2 đã tổ chức đấu thầu Trái phiếu Chính phủ tại Ngân hàng Nhà nước phiên 3/2012. Trái phiếu Chính phủ được đấu thầu với tên gọi Tín phiếu Kho bạc, phát hành bằng VND theo hình thức ghi sổ. Tổng khối lượng tín phiếu gọi thầu đợt này là 1.000 tỷ đồng có kỳ hạn 364 ngày. Sau phiên đấu thầu tín phiếu, ngày 29/2 tới sẽ phát hành/thanh toán tín phiếu và ngày đến hạn thanh toán là ngày 27/2/2013.

          Trước đó, ngày 13/2 và 20/2 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu giá Trái phiếu Chính phủ phiên 1 và 2 của năm nay với khối lượng tín phiếu gọi thầu mỗi đợt là 1.000 tỷ đồng. Số Trái phiếu Chính phủ được đấu giá cũng có hình thức tương tự và đều cùng kỳ hạn 364 ngày. Như vậy, trong tháng Hai này, số lượng tín phiếu gọi thầu qua 3 đợt đấu thầu Trái phiếu Chính phủ tại Ngân hàng Nhà nước đã lên tới 3.000 tỷ đồng.     

          4. Theo Báo điện tử Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 2.550 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ 2 tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình để cứu đói nhân dân trong thời gian giáp hạt năm 2012. Số gạo trên được phân bổ như sau: Tỉnh Quảng Trị 1.300 tấn gạo; tỉnh Quảng Bình 1.250 tấn gạo. Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh sử dụng số gạo được cấp nêu trên hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng cho nhân dân cứu đói. Trường hợp vẫn còn khó khăn, UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định bổ sung gạo hỗ trợ cho nhân dân.

          Trước đó, tháng 1 và đầu tháng 2, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo hỗ trợ hơn 26.392 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 15 địa phương gồm: Yên Bái, Lai Châu, Kon Tum, Bình Định, Thanh Hóa, Quảng Nam, Phú Yên, Đắk Lắk, Cao Bằng, Nghệ An, Quảng Ngãi, Lào Cai, Hà Tĩnh, Lạng Sơn và Điện Biên để cứu đói nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt năm 2012.

  II- NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA KHỐI DNTW

          1. Liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ, Báo Đại biểu nhân dân dẫn lời Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho rằng: Việc tiết giảm chi phí cần được xác định rõ trước hết là vì chính doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải nâng cao hiệu quả, nâng cao lợi nhuận, trên cơ sở đó nâng cao đời sống cán bộ nhân viên, nhưng cũng góp phần vào hạ giá thành giảm giá bán, nâng cao sức cạnh tranh và góp phần vào bình ổn chung của toàn nền kinh tế. Đây là công việc làm thường xuyên, thể hiện bằng các chỉ tiêu mang tính pháp lệnh kế hoạch cụ thể và bằng các biện pháp, giải pháp cụ thể... Thực hiện Nghị quyết 01, Bộ Tài chính đã có công văn hướng dẫn, theo đó đến 31/3/2012 là hạn cuối cùng các đơn vị phải đăng ký. Bộ sẽ tiến hành giám sát ngay việc đăng ký xem đã chuẩn xác, thể hiện đúng tinh thần của nghị quyết chưa. Sau đó sẽ báo cáo với Chính phủ chính thức chỉ tiêu mà các đơn vị phải phấn đấu... và cuối năm khi đánh giá kết quả hoạt động của các tập đoàn, các tổng công ty thì đấy cũng là một chỉ tiêu để đánh giá hoạt động của họ. Trong quá trình như vậy thì tất nhiên, trước hết là phải bằng nội lực, bằng cố gắng thực tại với những biện pháp, chương trình hành động cụ thể của từng doanh nghiệp, từng người lao động. Nhưng các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Tài chính phải thường xuyên theo dõi giám sát, vừa là giúp, vừa là yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng những cam kết cũng như chính sách, chế độ.      

          2. Theo Báo Đầu tư, thị trường vận tải biển năm nay vẫn tiềm ẩn rất nhiều khó khăn đối với các hãng tàu nội do kinh tế thế giới bất ổn và hiện tượng thừa cung trọng tải. Theo phân tích của Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, thị trường vận tải container vẫn đang nằm trong xu hướng giảm giá. Thương mại thế giới giảm sút khiến nhiều chủ tàu phải rút tàu ra khỏi tuyến khiến tình trạng dư thừa trọng tải ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt đối với những tàu có trọng tải lớn. Hiện tổng số tàu container nằm chờ hàng đã lên đến khoảng 700, trong đó có nhiều tàu trọng tải trên 3.000 TEU.

          Trên thực tế, khi Việt Nam chưa có các cảng nước sâu, các tàu container làm nhiệm vụ gom hàng từ các cảng Việt Nam đến các cảng chuyển tải (Hồng Kông, Singapore) cho các tàu mẹ. Từ khi Việt Nam có cảng nước sâu, các tàu mẹ vào cảng Việt Nam nhận hàng trực tiếp, các tàu container Việt Nam chỉ có thể vận tải nội địa hoặc cho nước ngoài thuê định hạn với giá thấp (vì nhu cầu thuê tàu cỡ này không nhiều). Thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, trong tổng số 1.633 tàu treo cờ Việt Nam, hiện có tới 1.013 tàu với tổng trọng tải gần 3 triệu DWT chuyên chạy tuyến nội địa, đại bộ phận là tàu chở hàng khô rời có trọng tải dưới 5.000 DWT. Có 38 tàu chở container, nhưng chỉ có 2 tàu có sức chở trên 1.000 TEUs, số còn lại chỉ có sức chở dưới 1.000 TEUs.“Chúng ta đang dư thừa trọng tải tàu đối với các tàu có trọng tải nhỏ chở hàng khô rời kể cả các tàu chở container, trong khi lại thiếu các loại tàu chuyên dùng và tàu có trọng tải lớn”, ông Nguyễn Ngọc Huệ, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết. Trong khi đó, ông Nguyễn Cảnh Việt, Tổng giám đốc Vinalines nhận định rằng, vận tải biển chỉ có thể sôi động trở lại sau năm 2012 khi kinh tế thế giới cơ bản phục hồi. Để đón cơ hội này, cùng với việc thanh lý những tàu già, hết khấu hao, hoạt động không hiệu quả để tạo nguồn vốn đối ứng đầu tư tàu trẻ và hiện đại hơn, Vinalines đang cân nhắc đầu tư mua các tàu đang khai thác với tổng trọng tải đầu tư khoảng 150.000 - 200.000 DWT trong nửa cuối quý II/2012.

          3. Báo Hànộimới phản ánh, ngày 27/2, tại Hà Nội, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tổ chức Hội nghị thu hút doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ Nhật Bản vào các khu công nghiệp (KCN) Việt Nam, với sự tham gia của một số DN bạn. Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, đến nay Việt Nam vẫn là địa chỉ hấp dẫn đối với các nhà tư quốc tế nói chung và nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng. Kết quả điều tra mới đây của Thời báo kinh tế Nhật Bản Nikkei cho biết, Việt Nam được lựa chọn là nơi đầu tư hàng đầu để đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, đứng trên cả Ấn Độ và Thái Lan; Việt Nam chỉ đứng sau Ấn Độ và Indonesia về sức hấp dẫn của thị trường nhờ sức mua khá và có khả năng tăng trưởng liên tục.

          Đến nay, Nhật Bản đứng thứ 4/92 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư ở Việt Nam, với 1.667 dự án còn hiệu lực thông qua tổng số vốn 23,6 tỷ USD. Tuy nhiên, mức độ đầu tư của các DN vừa và nhỏ của Nhật Bản vào KCN Việt Nam còn chưa xứng với tiềm năng, cần được khuyến khích và gia tăng nhanh chóng trong thời gian tới. Các DN vừa và nhỏ của Nhật được đánh giá là có tính năng động, dễ ứng phó với các biến động và khả năng quản trị rất tốt. Thực tế này phù hợp với yêu cầu phát triển các KCN của kinh tế Việt Nam, đáp ứng mục tiêu phát triển công nghiệp “xanh”, thân thiện với môi trường gắn kết với sự hình thành ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam. Một khi DN Nhật triển khai trong các KCN sẽ tận dụng được một số cơ hội, lợi thế như: tiết kiệm chi phí xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào, tăng cường khả năng liên kết-giao thương giữa các đơn vị cùng hoạt độ trong KCN, dễ dàng nhận được sự hỗ trợ từ Ban quản lý KCN hoặc chính quyền địa phương, có điều kiện được trao đổi thông tin, cung cấp những dịch vụ hoặc sử dụng chung hạ tầng trong KCN…

          Thời gian tới, dự báo số dự án đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tăng dưới tác động từ hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước kết hợp với trào lưu dịch chuyển địa bàn đầu tư của DN vừa và nhỏ Nhật Bản trong trung và dài hạn.

                                                                                               Thanh Tùng (tổng hợp)

.
.
.
.