.
.

Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ ngày 27-2 đến 4-3-2012)

Thứ Hai, 05/03/2012|22:43

Phát biểu tại Hội nghị Cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định quyết tâm cao độ trong tổ chức thực hiện Nghị quyết, đồng thời nhấn mạnh phải thực hiện từng bước vững chắc, làm quyết liệt có hiệu quả. Tổng Bí thư kêu gọi các cấp ủy đảng, toàn thể cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Chỉ thị của Bộ Chính trị, tạo chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc trong công tác xây dựng Đảng.

1. Phát hành Niên giám Quốc hội – Chính phủ khóa XIII và hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân nhiệm kỳ 2011 – 2016 

Ngày 27-2, Trung tâm phát hành Việt Nam Vietbooks cho biết đã chính thức phát hành 5.000 cuốn sách “Niêm giám Quốc hội – Chính phủ khóa XIII và hội đồng nhân dân, ủyy ban nhân dân nhiệm kỳ 2011 – 2016” trên toàn quốc. Sách do Bộ Nội vụ, Tạp chí Tổ chức nhà nước phối hợp với Nhà xuất bản Thông tấn (Thông tấn xã Việt Nam) xuất bản, in ấn và phát hành. Niên giám được cập nhật thông tin đến tháng 9-2011, giới thiệu họ tên, chức vụ, địa chỉ nơi làm việc, điện thoại cơ quan, điện thoại nhà riêng (hoặc di động)… của các vị lãnh đạo và các tổ chức trong bộ máy Nhà nước Việt Nam, từ Quốc hội, Chính phủ đến chính quyền địa phương các cấp. Cuốn sách dày hơn 1.700 trang, trọng lượng trên 4 kg, được đóng bìa cứng bóng đẹp, có giá trị sử dụng trong thời gian dài của nhiệm kỳ 2011 – 2016 với giá phát hành là 860.000 đồng/cuốn. Đặc biệt, trong lần xuất bản này, Ban biên soạn kết hợp với các đơn vị bảo trợ phát hành 1.000 cuốn niên giám để dành tặng cho các xã nghèo ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo để người dân các vùng miền này được xã hội hóa và cập nhật thông tin về bộ máy tổ chức, hành chính Nhà nước Việt Nam. Dự kiến, cuốn niên giám sẽ tái bản và cập nhật thông tin trong năm 2014. Cuốn niên giám mới sẽ được phát hành tiếp tục vào năm 2016. 

2. Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng 

Từ ngày 27 đến 29-2, Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đã khai mạc tại Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì, phát biểu chỉ đạo và truyền đạt nội dung Nghị quyết. Các đại biểu đã nghe phổ biến và thảo luận, đóng góp ý kiến vào các Dự thảo: Kế hoạch của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); Hướng dẫn kế hoạch kiểm điểm, tự phê bình, phê bình; Hướng dẫn thực hiện “Quy định về những điều đảng viên không được làm”; Hướng dẫn Kế hoạch công tác tư tưởng và Kế hoạch tiếp tục triển khai Chỉ thị 03-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.” Hội nghị cũng đã nghe phổ biến và góp ý kiến vào các dự thảo Kế hoạch của Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giải đáp, phân tích, nhấn mạnh một số vấn đề cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc để triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. 

Thứ nhất, công tác tuyên truyền, quán triệt tinh thần, nội dung của Nghị quyết, cần được tiến hành nghiêm túc, quyết liệt; mặt khác, phải hết sức bình tĩnh, khách quan, không nóng vội, làm từng bước vững chắc. Căn cứ ý kiến thảo luận, đóng góp của các đồng chí đại biểu dự Hội nghị, Bộ Chính trị sẽ xem xét, điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch, xác định phương pháp và tiến độ triển khai phù hợp. 

Thứ hai, kiểm điểm, tự phê bình và phê bình là khâu mở đầu, mấu chốt, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Do vậy, trong triển khai, cần chuẩn bị thật tốt, hướng dẫn cụ thể về mục tiêu, quy trình, nội dung, bước đi, trong đó tập trung giải quyết cơ bản ba nội dung trọng tâm nêu trong Nghị quyết. Tổng Bí thư nhấn mạnh tính gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý trong tự phê bình và phê bình, khẳng định: quy trình thực hiện tự phê bình và phê bình tiến hành từ trên xuống dưới, không cắt khúc, cần phải làm thường xuyên. Tổng Bí thư cũng phân tích, chỉ rõ một số vấn đề trong công tác tư tưởng, tuyên truyền tổ chức thực hiện Nghị quyết của Trung ương và Chỉ thị của Bộ Chính trị. 

Thứ ba, Đảng, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến công tác cán bộ. Phải có cơ chế lựa chọn thật khách quan, khoa học để chọn được đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, cần có chính sách cán bộ hợp lý để cán bộ yên tâm công tác, tận tụy cống hiến, phụng sự đất nước. Trong thời gian tới, đồng thời với quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, các cơ quan Đảng, Nhà nước cần tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng chính trị; thực hiện chế độ cung cấp thông tin để cán bộ nhận thức đúng tình hình, giữ vững lập trường chính trị, trung thành với lý tưởng của Đảng và con đường đi lên của dân tộc. Đảng cần quan tâm hơn nữa đến công tác xây dựng tổ chức đảng cơ sở. 

Thứ tư, Tổng Bí thư phân tích, làm rõ một số nội dung, khái niệm được nêu ra trong quá trình thảo luận. 

Thứ năm, về các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan liên quan, căn cứ ý kiến góp ý của các đại biểu dự Hội nghị, sẽ xem xét, điều chỉnh để đảm bảo tính khoa học, tính thực tiễn. 

Thứ sáu, Tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo và gương mẫu thực hiện Nghị quyết. Bộ Chính trị sẽ phân công một số đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Nghị quyết. Các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, căn cứ sự chỉ đạo của Trung ương, bám sát tình hình, nhiệm vụ của đơn vị mình để triển khai thực hiện Nghị quyết. 

3. Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường biện pháp phòng cháy, chữa cháy 

Ngày 27-2, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 242/CĐ-TTg về việc tăng cường biện pháp phòng cháy, chữa cháy. Để chủ động phòng ngừa, hạn chế các vụ cháy, nổ, nhất là các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, góp phần đảm bảo an ninh và trật tự an toàn xã hội; Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai thực hiện một số việc cấp bách như sau: Thành lập các đoàn liên ngành do lãnh đạo bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp tiến hành đợt tổng kiểm tra, phúc tra toàn diện công tác phòng cháy, chữa cháy tại các đơn vị, cơ sở để phát hiện và khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy có thể dẫn đến cháy, nổ; Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng, tăng cường tuyên truyền phổ biến những quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, các biện pháp, giải pháp thoát nạn, cứu người và việc đảm bảo quy định an toàn về phòng cháy, chữa cháy; Bộ Công an chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành và ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo điều tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy thì phải tạm thời đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động; Tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, đẩy mạnh xã hội hóa, quan tâm đầu tư công tác phòng cháy, chữa cháy, nhất là ở các địa bàn, cơ sở trọng điểm về cháy, nổ. 

4. Các địa phương tích cực thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) 

Thái Nguyên:
 Ngày 27-2, Chi cục Thú y tỉnh Thái Nguyên cho biết: trên địa bàn tỉnh tiếp tục xuất hiện thêm ổ dịch cúm gia cầm mới. Lực lượng thú y đã tiến hành tiêu huỷ toàn bộ số gia cầm mắc bệnh ốm chết. 

Quảng Nam: Ngày 27-2, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã công bố dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Quảng Nam công bố dịch cúm gia cầm H5N1 tại xã Điện Phương, huyện Điện Bàn và xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã giao Chủ tịch huyện Điện Bàn và huyện Đại Lộc chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp cấp bách, quyết liệt để dập dịch, khống chế dịch; khẩn trương triển khai công tác chốt chặn đến từng xã, thị trấn; thông báo đến toàn dân, cấm tất cả việc vận chuyển, mua bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, các sản phẩm của gia cầm ra, vào địa bàn xã có dịch; tiêu hủy gia cầm bệnh theo hướng dẫn của ngành Thú y; vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng nuôi thường xuyên và triệt để, nhằm nhanh chóng ổn định tình hình dịch bệnh trên địa bàn xã Điện Phương, huyện Điện Bàn và xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về số lượng gia cầm tiêu hủy do mắc dịch cúm gia cầm H5N1 hoặc nghi mắc dịch cúm gia cầm H5N1 trên địa bàn. 

Tuyên Quang: Mặc dù chưa xuất hiện dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) trên địa bàn, nhưng để chủ động phòng chống dịch bùng phát và lây lan, UBND tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện các biện pháp cấp bách chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1). 

5. Hội nghị tổng kết công tác quản lý nhà nước về tôn giáo năm 2011, tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 01/2005/CT-TTg về một số công tác đối với đạo Tin lành và sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 1940/CT-TTg về nhà, đất liên quan đến tôn giáo. 

Ngày 28-2, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác quản lý nhà nước về tôn giáo năm 2011, tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 01/2005/CT-TTg về một số công tác đối với đạo Tin lành và sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 1940/CT-TTg về nhà, đất liên quan đến tôn giáo. Theo đánh giá của Ban Tôn giáo Chính phủ, năm 2011, ngành quản lý nhà nước về tôn giáo đã hướng dẫn, giúp đỡ và quản lý hoạt động tôn giáo đảm bảo tuân thủ pháp luật; giải quyết kịp thời một số vụ việc phức tạp không để phát sinh thành điểm nóng về tôn giáo; thực hiện công tác đối ngoại tôn giáo và đấu tranh chống các hoạt động lợi dụng tôn giáo, đấu tranh nhân quyền; chủ động phối hợp, nắm tình hình, kịp thời phát hiện tham mưu và giải quyết các nhu cầu của các tôn giáo đúng chính sách, pháp luật, tạo được sự đồng thuận trong chức sắc, tín đồ các tôn giáo đối với chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Theo Phó Thủ tướng, trong bối cảnh hiện nay, phải chú trọng công tác dự báo tình hình, cán bộ làm công tác tôn giáo phải tham gia tham mưu cho các cấp ủy đảng và thông tin cho đồng bào có đạo về tình hình kinh tế của địa phương, nhất là vấn đề về nhà đất, phải gặp gỡ, lắng nghe, không để xảy ra tình trạng bị động. Nhiệm vụ của công tác tôn giáo rất lớn, Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan đến tôn giáo thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, để có những đóng góp vào ổn định và phát triển của đất nước. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, giao lưu quốc tế, củng cố quan hệ đối ngoại nhà nước về công tác tôn giáo với các nước; tập trung đào tạo đội ngũ làm công tác tôn giáo, nâng vị trí của tôn giáo trong hệ thống chính trị hiện nay. Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ chính quyền các cấp, ban dân vận, các ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên cần tạo điều kiện quan tâm đến cán bộ làm công tác tôn giáo, thực hiện cơ chế Phó Giám đốc các Sở được báo cáo trực tiếp đồng chí Bí thư mỗi khi có vụ việc xảy ra. 

6. Cuộc họp Vòng III Nhóm Công tác Hỗn Hợp Việt Nam – Vatican 

Từ ngày 27 đến 28-2, Cuộc họp Vòng III nhóm Công tác Hỗn hợp Việt Nam – Vatican đã diễn ra tại Hà Nội. Hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi bên, rà soát, đánh giá về tình hình và những tiến bộ trong quan hệ Việt Nam - Vatican kể từ sau Cuộc họp Vòng II nhóm Công tác Hỗn hợp Việt Nam – Vatican; thảo luận các vấn đề liên quan tới Giáo hội Công giáo tại Việt Nam và trao đổi các vấn đề quốc tế cùng quan tâm. Đoàn Việt Nam nhấn mạnh, Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện nhất quán và không ngừng hoàn thiện chính sách tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của người dân; luôn khuyến khích Giáo hội Công giáo Việt Nam tham gia tích cực và thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước. Về phần mình, Phái đoàn Vatican ghi nhận những nỗ lực này và bày tỏ trân trọng sự quan tâm mà chính quyền các cấp đã dành cho hoạt động của Giáo hội Công giáo Việt Nam, đặc biệt là trong khuôn khổ Năm Thánh 2010, cũng như đối với các chuyến thăm mục vụ của Đặc phái viên không thường trú Vatican, Tổng Giám mục Lê-ô-pôn-đô Gi-rê-li (Leopoldo Girelli). Hai bên thống nhất tạo điều kiện cho Đặc phái viên không thường trú thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình. Đồng thời, hai bên đã nhắc lại những lời giáo huấn của Giáo hoàng Bê-nê-đích XVI với tinh thần sống Phúc âm giữa lòng dân tộc, những răn dạy “giáo dân tốt là công dân tốt”, nhấn mạnh cần tiếp tục sự hợp tác giữa Giáo hội Công giáo và chính quyền các cấp nhằm thực hiện những giáo huấn trên một cách cụ thể và thiết thực trong mọi hoạt động của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. 

7. Năm nước tiểu vùng sông Mê Kông tăng cường hợp tác chống ô nhiễm khói mù 

Ngày 29-2, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị lần thứ 2 của Ban chỉ đạo cấp Bộ trưởng tiểu khu vực về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới tiểu vùng sông Mê Kông, với sự tham dự của đại diện 5 nước: Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar, Việt Nam, cùng đại diện Ban thư ký ASEAN. Hội nghị lần này do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam đăng cai tổ chức. Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, xã hội hóa công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Nhờ vậy, diện tích rừng tăng lên đáng kể, số vụ cháy đất cháy rừng giảm, tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 40% đã góp phần giảm ô nhiễm khói mù. Trong những năm tới, Việt Nam sẽ cải cách thể chế cơ chế chính sách cũng như tăng cường nguồn nhân lực trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, kiểm soát các vụ cháy rừng, cháy đất, phấn đấu đưa độ che phủ rừng đạt 45%. Các quốc gia trong khu vực này còn tăng cường phối hợp trong quản lý khói mù và lửa, chia sẻ các thông tin để tiến hành xây dựng hệ thống cảnh báo cháy rừng cho khu vực, cũng như phân loại mức độ nguy hiểm của lửa. Nhờ vậy, các mục tiêu về kiểm soát lửa và khói mù tại tiểu vùng sông Mê Kông đã cơ bản hoàn thành. Các điểm nóng về cháy rừng đã giảm từ 87.000 điểm vào năm 2009 xuống còn 78.321 vào năm 2011. 

8. Cuộc họp Quan chức Cao cấp ASEAN - Trung Quốc lần thứ 18 

Từ ngày 1 đến 2-3, tại Thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Cuộc họp Quan chức Cao cấp ASEAN - Trung Quốc lần thứ 18. Cuộc họp do Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Doanh đồng chủ trì. Đây là cuộc họp thường niên trong khuôn khổ quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc nhằm kiểm điểm và bàn biện pháp tăng cường hơn nữa quan hệ đối thoại, hợp tác ASEAN - Trung Quốc. Tại cuộc họp, hai bên đánh giá tích cực những kết quả đạt được trên nhiều lĩnh vực hợp tác như kinh tế, chính trị - an ninh, văn hóa - giáo dục… Cụ thể, Kế hoạch Hành động giai đoạn 2011-2015 thực hiện Tuyên bố chung Quan hệ đối tác ASEAN-Trung Quốc vì Hòa bình và Thịnh vượng đang được triển khai tích cực và hiệu quả. Đến nay, đã có 86 trong tổng số 175 dự án hợp tác giai đoạn 2011-2012 được hoàn tất. Với Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc được hình thành từ năm 2010, kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN và Trung Quốc đạt trên 350 tỉ USD năm 2011. Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, chiếm 11,6% kim ngạch thương mại của ASEAN với bên ngoài, trong khi đó ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc, chiếm gần 10% kim ngạch thương mại của Trung Quốc. Hai bên phấn đấu đạt được kim ngạch thương mại hai chiều bằng 500 tỉ USD vào năm 2015. 

Tại cuộc họp, các nước ASEAN và Trung Quốc khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Cách Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC); duy trì đối thoại ở các cấp và tích cực phối hợp để triển khai bản Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC được thông qua tháng 7-2011; hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển LHQ 1982 vì mục đích thúc đẩy an ninh, hòa bình và ổn định ở khu vực. 

9. Giải thể thao người khuyết tật năm 2012 

Từ ngày 3 đến 4-3, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ khai mạc Giải thể thao người khuyết tật năm 2012 nhằm khuyến khích phong trào thể thao cho người thiểu năng và người khuyết tật, đồng thời lựa chọn các vận động viên xuất sắc tham dự các giải toàn quốc và quốc tế. Trước đó, lễ xin lửa và Rước đuốc đã diễn ra trang trọng tại Bến Nhà Rồng với sự tham gia của các vận động viên tiêu biểu, tình nguyện viên…  Đặc biệt, giải năm nay được tổ chức một cách quy mô, bài bản với sự tư vấn, giám sát của tổ chức SPECIAL OLYMPIC. Đây là một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận được thành lập nhằm chăm lo, tăng cường thể chất cho trẻ em, người bị thiểu năng trí tuệ thông qua các hoạt động thể dục thể thao. Hiện SPECIAL OLYMPIC có cơ sở trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. 

10. Phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015” 

Ngày 3-3, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015", với mục tiêu cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống các tổ chức tín dụng để đến năm 2020 phát triển được hệ thống các tổ chức tín dụng đa năng. Đề án nêu rõ, nâng cao vai trò, vị trí chi phối của các ngân hàng thương mại nhà nước; bảo đảm các ngân hàng thương mại nhà nước thật sự là lực lượng chủ lực, chủ đạo của hệ thống các tổ chức tín dụng, có quy mô lớn, hoạt động an toàn, hiệu quả và có năng lực quản trị tiên tiến, khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế. Phấn đấu đến năm 2015 hình thành được 1- 2 ngân hàng thương mại nhà nước đạt trình độ khu vực về quy mô, quản trị, công nghệ và khả năng cạnh tranh. Tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước, trong đó Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam được thực hiện cổ phần hóa vào thời điểm thích hợp và đảm bảo Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối tại các ngân hàng thương mại nhà nước sau cổ phần hóa. Phấn đấu đạt tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại nhà nước dưới 3% theo tiêu chuẩn phân loại nợ và chuẩn mực kế toán của Việt Nam . Bên cạnh đó, đa dạng hóa các phương thức huy động vốn; kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp với nguồn vốn về quy mô và cơ cấu kỳ hạn; từng bước giảm tỷ lệ dư nợ tín dụng so với vốn huy động về mức không quá 90% đến năm 2015./.

TCCSĐT
.
.
.
.