Đà Nẵng: Ấn tượng sau 37 năm được giải phóng
Với TP Đà Nẵng, 37 năm sau ngày được giải phóng (29/3/1975-29/3/2012) tuy là quãng thời gian không dài lắm nhưng cũng đủ để nhìn lại, đánh giá một chặng đường đã đi qua. Từ những nhìn nhận, đánh giá đó sẽ là cơ sở để Đà Nẵng tiếp tục vươn lên, tiếp tục khẳng định mình...Dư luận hay nhắc đến Đà Nẵng, là bởi thành phố này có khát vọng chứ không phải là tham vọng. Chính là khát vọng đã thúc đẩy con người nơi đây luôn đi tìm giá trị mới của cuộc sống với ý nghĩa mang lại môi trường nhân văn nhất mà con người được quyền hưởng thụ.
Lễ hội pháo hoa bên bờ sông Hàn Đà Nẵng (Ảnh Đình Tăng) |
Cũng như các tỉnh, thành phía Nam của đất nước, 37 năm sau ngày giải phóng, Đà Nẵng đã không ngừng nỗ lực để vươn lên. Trong khoảng thời gian ấy, dấu ấn của chặng đường để phát triển khá rõ nét, được quy định bởi điều kiện lịch sử, kinh tế- xã hội chung của đất nước. Trong đó, chặng đường phát triển đầu trải qua hơn 20 năm (từ năm 1975 đến năm 1997), Đà Nẵng là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng; từ mùa xuân 1997 đến 2012, Đà Nẵng trở thành TP trực thuộc Trung ương.
Tuy nhiên, nói đến Đà Nẵng, “Hiện tượng Đà Nẵng” thì mọi nhiều người đều biết rằng đó là khoảng thời gian sau này, tức là từ ngày Đà Nẵng chính thức thức tham gia vào "câu lạc bộ" các đô thị trực thuộc Trung ương (ngày 1/1/1997). Ấn tượng lớn đầu tiên của chặng đường phát triển này là Đảng bộ TP đặt mục tiêu phấn đấu từ năm 1997 đến năm 2000, GDP bình quân đầu người là khoảng 700 USD. Đến Đại hội lần thứ XX của Đảng bộ TP (nhiệm kỳ 2010-2015), số liệu tổng kết GDP đầu người của TP năm 2010 đạt 2.015 USD, tăng 2, 8 lần so với năm 2000.
Một ấn tượng lớn nữa là trong năm đầu mới chia tách từ tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng có hệ thống cơ sở hạ tầng còn khá khiêm tốn. Ngoài các khu dân cư trong nội ô với vài tuyến đường lớn, một số cây cầu bắt qua sông Hài đã cũ… thì hệ thống sân bay, bến cảng, đường sắt, đường bộ mới chỉ đáp ứng cơ bản một phần yêu cầu đi lại, giao thương trong nội địa là chủ yếu. Tuy nhiên, chỉ sau một năm trở thành TP trực thuộc Trung ương, hàng loạt các khu nhà ổ chuột, xập xệ đã được thay thế bằng các khu nhà ở kiên cố, khang trang, hiện đại. Cùng với đó, nhiều khu đô thị mới, nhiều công trình trọng điểm do TP quản lý đã được hình thành như: Khu đô thị mới Bạch Đằng Đông, cầu Cẩm Lệ, cầu Thuận Phước, đường kiểu mẫu Điện Biên Phủ, Trung tâm Hội chợ triển lãm, Nhà hát Trưng Vương; cải tạo, nâng cấp đường Nguyễn Tri Phương, Trần Cao Vân, Lê Duẫn…. Đặc biệt, ngày 29/3/2000 đúng vào dịp kỷ niệm 25 năm kỷ niệm Ngày giải phóng TP Đà Nẵng, cầu Sông Hàn- cây cầu quay duy nhất của Việt Nam và Đông Nam Á được khánh thành, đưa vào sử dụng; trở thành một biểu tượng kiến trúc độc đáo của Đà Nẵng nhiều năm qua.
Gần đậy, từ định hướng của Đại hội lần XX Đảng bộ TP (nhiệm kỳ 2010-2015), hàng loạt các công trình kết cấu hạ tầng then chốt, theo hướng hiện đại được đầu tư như: Nhà ga sân bay quốc tế và hệ thống đường băng; Nhà gia xe lửa; Cảng Tiên Sa, Cảng Liên Chiểu; đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, đường Hồ Chí Minh đoạn Túy Loan đi Nam Đông; khai thông tuyến đầu Hành lang kinh tế Đông- Tây từ Cảng Đà Nẵng đến của khẩu Nam Giang; xây mới cầu Rồng, cầu Nguyễn Văn Trỗi; đưa vào sử dụng Cung Thế theo Tuyên Sơn… Cùng với đó, các khu đô thị mới cũng được xây dựng, hình thành ở khu vực Tây Bắc, Đa Phước, Nam Cẩm Lệ; khu đô thị sinh thái Hòa Xuân gắn với khu liên hợp thể thao; quần thể du lịch sinh thái Bà Nà- Suối Mơ; khu Trung tâm hành chính; dự án Khu phức hợp thương mại- dịch vụ cao tầng tại Sân Vận động Chi Lăng…
Không chỉ ấn trượng bởi các công trình hạ tầng đô thị được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại mà gắn liền với đó, Đà Nẵng rất coi trọng khâu quy hoạch, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng của phát triển. Đặc biệt, hiện nay Đà Nẵng đang nỗ lực để hướng tới một thành phố văn minh, thành phố môi trường. Trong khi đó, nhiều năm qua để trở thành thành phố động lực, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính - viễn thông và tài chính - ngân hàng; một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị, Đà Nẵng đã tập trung nhiều nguồn lực, nỗ lực vượt bậc để tự khẳng định vị trí của mình. Trong những nỗ lực ấy, có một thành quả khá ấn tượng mà bạn bè trong nước, quốc tế đều biết tới; đó là từ năm 2005, liên tục trong 3 năm liền Đà Nẵng đứng thứ nhì và 3 năm tiếp theo (2008, 2009, 2010) đã vươn lên dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Về mặt xã hội, với mục tiêu hướng đến sự bền vững, chất lượng trong cuộc sống của người dân, 37 năm qua, đặc biệt là trong 15 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng cũng đã ban hành nhiều chính sách, đưa ra nhiều cách làm của riêng mình rất hiệu quả. Từ những hiệu quả đó đã góp phần tạo nên diện mạo riêng của mình- cái mà nhiều người vẫn hay gọi là “Hiện tượng Đà Nẵng”.
Sân bay Đà Nẵng sau khi xây dựng mới Nhà ga |
Về điều này, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng- Nguyễn Bá Thanh trong buổi nói chuyện với hơn 4.000 cán bộ cấp dưới mới đây đã khẳng định: “Dư luận hay nhắc đến Đà Nẵng, là bởi thành phố này có khát vọng chứ không phải là tham vọng. Chính là khát vọng đã thúc đẩy con người nơi đây luôn đi tìm giá trị mới của cuộc sống với ý nghĩa mang lại môi trường nhân văn nhất mà con người được quyền hưởng thụ…”.
Thật vậy, có thể điểm qua một số chính sách theo kiểu “Riêng Đà Nẵng” sẽ thấy tại sao người đứng đầu TP này lại khẳng định như thế. Đầu tiên phải kể đến là việc Đà Nẵng là địa phương duy nhất trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế hằng năm nhằm tạo sự kiện văn hóa đặc trưng để thu hút du khách, đồng thời góp phần xây dựng Đà Nẵng thành TP sự kiện của quốc gia. Trong khi đó, từ nhiều năm qua, Chương trình “Thành phố năm không” (không có người đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng và không có cướp của giết người), “Thành phố ba có” (có văn hóa văn minh đô thị, có nhà ở và có việc làm) cũng đã được xã hội ghi nhận bởi những thành công mà nó mang lại.
Không chỉ có vậy, tại Đà Nẵng hiện nay, ở tất cả các bệnh viện lớn nhỏ, người ra vào đều được gửi xe miễn phí. Để đảm bảo cho việc làm này, TP đã bỏ ngân sách chi trả khoản này. Hoặc một việc khác cũng chỉ duy nhất ở Đà Nẵng mới có: Đó là TP xây dựng bệnh viện ung thư và bệnh viện phụ nữ bằng nguồn vốn huy động của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đóng góp theo sự vận động của lãnh đạo TP; Bệnh viện phụ nữ là nơi khám chữa bệnh đầu tiên trên cả nước duy nhất chỉ dành cho phụ nữ, nơi chị em bị ung thư sẽ được chữa trị miễn phí. Ngoài ra, kể từ năm 2012 người trên 80 tuổi không có lương hưu sẽ được nhận trợ cấp hằng tháng; TP cũng đã đưa ra giải pháp “dưỡng liêm” với mức hỗ trợ cho mỗi cảnh sát giao thông 5 triệu đồng/tháng để yêu cầu lực lượng này thật sự trong sạch; thành lập Quỹ vay vốn làm ăn dành cho đối tượng hình sự hết hạn cải tạo đã làm giảm tỉ lệ người tái phạm; đang vận động Quỹ vay vốn dành cho phụ nữ nghèo để chị em có điều kiện vươn lên; từ nay đến tháng 6/2012, thành phố Đà Nẵng sẽ rà soát và bố trí cho thuê căn hộ chung cư đối với toàn bộ phụ nữ nghèo, đơn thân.…
Vẫn còn nhiều ví dụ nữa để kể ra, cho thấy những chuyển biến trên nhiều mặt mà Đà Nẵng đã có được sau 37 năm giải phóng. Tuy nhiên, với người dân Đà Nẵng, những gì đã làm và đạt được cũng mới chỉ là “bước đầu”. Tương lai vẫn tiếp tục đi tới với những cách làm mới, đột phá mới, đó là mong muốn và cũng sẽ là hành động chung của các tầng lớp nhân dân Đà Nẵng dưới sự khởi xướng và điều hành của Đảng bộ, chính quyền TP.
Theo DCSVN