.
.

Cử tri với kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIII

Thứ Ba, 22/05/2012|14:26

 

 Bày tỏ ý kiến và nguyện vọng đến kỳ họp thứ ba Quốc hội khoá XIII, không ít cử tri còn băn khoăn, lo lắng về sự phát triển chưa vững chắc của kinh tế... nhất là mong muốn các đại biểu cần thực hiện tốt chương trình hành động đã báo cáo trước cử tri.

Quan tâm nhiều đến việc giữ ổn định nền kinh tế

Ông Lường Thế Anh, cán bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo

Đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ bên cạnh việc đưa ra các kết quả bước đầu khi thực hiện nhiệm vụ ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, còn chỉ rõ việc tăng trưởng kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp khó tiếp cận, hấp thụ vốn, tỷ lệ lao động thất nghiệp tăng…, ông Lường Thế Anh, cán bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn trong những tháng còn lại của năm 2012, Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất.

Theo ông Anh, Nghị quyết 13 Chính phủ vừa đưa ra chủ yếu là ưu tiên, hướng đến việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp có tiềm lực, còn đang hoạt động tương đối tốt, kinh doanh có hiệu quả... Trong khi đó, còn rất nhiều doanh nghiệp khác nhất là các doanh nghiệp đang đình đốn, hoạt động cầm chừng chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất thì các giải pháp và hỗ trợ của Chính phủ dường như còn bỏ ngỏ, chưa có các biện pháp hữu hiệu để giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn.

“Đây là vấn đề lớn cần được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, không chỉ đơn thuần là việc phá sản của các doanh nghiệp mà đó là một loạt các vấn đề có quan hệ chặt chẽ với nhau như giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, chính sách tiền lương, ổn định nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự xã hội... Bởi vậy, Quốc Hội cũng như Chính phủ cần có những quyết sách trong việc điều hành nền kinh tế vĩ mô, các chính sách ưu tiên về thuế, ưu tiên giãn nợ để giúp các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, có vốn kinh doanh”, ông Thế Anh nói.

Ông Nguyễn Văn Hợi, Giám đốc Công ty TNHH Bao bì Liên Hoàn Phát

Còn theo ông Hồ Văn Chuyên, cán bộ Bộ Ngoại giao thì hiện nay Chính phủ đã và đang điều hành đúng hướng các chính sách kinh tế, có chăng còn băn khoăn ở sự đo lường về khó khăn và sức chịu đựng của doanh nghiệp. “Có quan điểm cho rằng các giải pháp của Chính phủ vẫn còn chậm, để đến lúc các doanh nghiệp không thể gượng được nữa mới hỗ trợ thì cũng giống như bệnh nhân ốm quá không thể cố được nữa. Nhưng tôi nghĩ thị trường luôn có sự lựa chọn tự nhiên, sẽ có doanh nghiệp vẫn phát triển tốt và có doanh nghiệp phá sản. Với những ưu tiên vừa rồi Chính phủ đã đi đúng hướng. Và một điều hết sức quan trọng nữa là phải kích thích tiêu dùng khơi thông sức mua của thị trường, giảm được hàng tồn kho đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp thu về được một số vốn nhất định, đây có thể sẽ là nền tảng để các doanh nghiệp đứng lên”, ông Chuyên chia sẻ quan điểm.

Là một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vào thời kỳ nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, ông Nguyễn Văn Hợi, Giám đốc Công ty TNHH Bao bì Liên Hoàn Phát cho rằng kỳ họp lần này Quốc hội sẽ phải xem xét các quyết định quan trọng của đất nước với một khối lượng công việc rất lớn, trong đó đáng chú ý là Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.

Theo ông Hợi, vấn đề mấu chốt hiện nay là nền kinh tế đất nước vẫn đang trong tình trạng suy thoái, sự phá sản của hàng loạt doanh nghiệp, sự đóng băng của thị trường nhà đất, thị trường chứng khoán không mấy sáng sủa, ngân hàng khan tiền và ngoại tệ… hàng loạt những vấn đề cấp bách của đất nước, nhất là vấn đề khủng hoảng kinh tế đang là gánh nặng và trở ngại đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,3 % mà Quốc hội đề ra trong năm 2012. Do đó việc Quốc hội lựa chọn và ưu tiên tập trung cho ý kiến liên quan đến vấn đề kinh tế, các chính sách cũng như giải pháp của Chính phủ, bao giờ cũng được người dân, doanh nghiệp hưởng ứng, quan tâm.

Bà Lê Êlêna, cử tri quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội

Là cử tri thường xuyên theo dõi và quan tâm đến các hoạt động của Quốc hội, ông Lê Đình Nam, cán bộ Viện Địa chất và Địa vật lý biển (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng tái cơ cấu nền kinh tế là một Đề án lớn, ảnh hưởng sâu, rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp trong xã hội, do đó các đại biểu Quốc hội cần thảo luận thống nhất đưa ra những định hướng rõ ràng và khả thi nhằm hạn chế việc “làm thử sai rồi sẽ chữa” để tránh lãng phí và bất ổn xã hội. Có sự phân quyền, phân công trách nhiệm một cách rõ ràng đối với các Tập đoàn kinh tế của Nhà nước để làm thế nào nâng cao hiệu quả công việc, tạo lợi nhuận cao tránh thất thoát tài sản Nhà nước.

Đồng quan điểm này, bà Lê Êlêna, cử tri quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội mong muốn Chính phủ nghiên cứu, xây dựng nền kinh tế từ gốc, đầu tư tư duy trọng điểm và có chính sách rất cụ thể cho một số ngành như xây dựng, nông lâm nghiệp, dược liệu… cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu cùng với đó là chú trọng đầu tư cho công nghệ giống và công nghệ canh tác an toàn môi sinh… sản xuất, lắp ráp các sản phẩm công nghiệp nhẹ phục vụ đời sống, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, chế biến nông sản. Đặc biệt, có chính sách ưu đãi đầu tư cho nông nghiệp. Bà Êlêna mong muốn cơ quan chức năng định hướng rõ nét hơn về phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững và ổn định hơn, tránh tình trạng nông dân “tự bơi”, dẫn đến chỗ “được mùa mất giá” hoặc “được giá mất mùa”.

Bà Nguyễn Kim Oanh, cán bộ Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam mong muốn Đề án tái cơ cấu nền kinh tế lần này cần chú trọng đến việc phân loại các đơn vị doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào làm ăn kinh doanh có hiệu quả nên tiếp tục duy trì và từng bước cổ phần hóa. Không nên có quan điểm do tái cơ cấu nên phải nhập vào, đối với nền kinh tế không phải là làm bài toán phép cộng là xong. Bà Oanh cho rằng có thể có doanh nghiệp hiện nay với quy mô nhỏ đang làm ăn kinh doanh có hiệu quả, nhưng đến khi nhập vào với đơn vị khác tạo ra quy mô lớn hơn, nhưng chưa chắc kinh doanh có hiệu quả.

Theo ý kiến của ông Lê Hải Nam, cán bộ Bộ Công an, Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế mặc dù lâu nay đã được các Bộ, ngành, chuyên gia bàn thảo nhiều, dư luận cũng đã rất quan tâm bởi đây là việc nhất thiết phải làm, làm sớm, làm nhanh và quan trọng nhất là làm đúng. Do đó, ông Nam kỳ vọng các Đại biểu Quốc Hội sẽ phát huy tối đa trách nhiệm, kiến thức của mình để nghiên cứu thật kỹ đề án, đóng góp những ý kiến chất lượng, xứng tầm, tránh việc chỉ phát biểu các ý kiến dựa theo báo chí, dư luận nhằm để từ đó góp ý hoàn thiện đề án. “Cá nhân tôi cho rằng Chính phủ đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, do vậy nếu được các đại biểu Quốc hội xem xét một cách thấu đáo, chắc chắn đề án sẽ trở thành kim chỉ nam cho phát triển kinh tế đất nước trong những năm tới”, ông Nam nêu.

Bà Nguyễn Kim Oanh, cán bộ Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam

Đề xuất nhiều giải pháp đảm bảo an sinh

Một trong những vấn đề dư luận quan tâm trong thời gian qua là tình trạng vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo bà Nguyễn Kim Oanh, cán bộ Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam, công tác quản lý thị trường và an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian qua vẫn chưa thực sự chặt chẽ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc vẫn bày bán công khai gây hậu quả xấu cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng cũng chưa được hưởng một cơ chế bảo vệ hữu hiệu từ phía các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Nhiều vụ việc vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm còn diễn ra, đặc biệt là các khu công nghiệp, khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa...

Bà Oanh cho rằng, không chỉ cá nhân bà mà rất nhiều cử tri mong muốn qua kỳ họp lần này vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ được Quốc hội quan tâm bàn thảo kỹ lưỡng để từ đó có các biện pháp thiết thực tăng cường hơn nữa công tác giám sát đối với lĩnh vực rất quan trọng này.

Cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, bởi cho rằng vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, cuộc sống của hàng triệu người, ông Hồ Văn Chuyên, cán bộ Bộ Ngoại giao kiến nghị, Luật An toàn thực phẩm đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 nhưng các văn bản dưới Luật chưa có nên Luật chưa thể đi vào cuộc sống. Đây cũng có thể là một lý do khiến cho công tác quản lý Nhà nước về vấn đề này còn nhiều khâu chưa đồng bộ, chặt chẽ.

Ông Hồ Văn Chuyên, cán bộ Bộ Ngoại giao

Đối với vấn nạn tai nạn giao thông, nhiều cử tri cho rằng, dù tình hình có chuyển biến song diễn biến vẫn phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và của. Đặc biệt là trong những năm gần đây xảy nhiều vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng làm chết hàng chục người mỗi vụ. Để giảm bớt những thiệt hại này, theo ý kiến của ông Lê Duy Lâm, cử tri TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, rất cần sự chung tay và đồng bộ của nhiều ngành, nhiều cấp. Ông Lâm hy vọng, kỳ họp lần này, Quốc hội, Chính phủ sẽ đưa ra được giải pháp đồng bộ từ con người đên cơ sở vật chất, làm sao để bớt đi những cái chết oan uổng, những nỗi đau trong mỗi gia đình. Chính phủ cần nghiên cứu từng bước đầu tư vốn nâng cấp hệ thống đường giao thông vì thực tế hệ thống giao thông của ta đã quá tải, đường giao thông, các cơ sở hạ tầng giao thông liên tỉnh ngày càng trở nên chật hẹp và xuống cấp trong khi mật độ người và phương tiện tham gia giao thông ngày càng đông không đáp ứng được nhu cầu vận tải cũng như nhu cầu đi lại của nhân dân.

Theo đó, ông Lâm đề nghị Chính phủ nên đầu tư hệ thống kiểm soát giao thông bằng máy camera tự động thay cho việc thành lập các trạm kiểm tra, kiểm soát bằng lực lượng cảnh sát giao thông dày đặc trên các tuyến đường như hiện nay, đặc biệt nghiên cứu các chủ xe bắt buộc phải có tài khoản để áp dụng xử lý vi phạm bằng biện pháp tự động như ở các nước đã thực hiện tạo được hình ảnh đẹp của Quốc gia, vừa thuận lợi, giảm bớt thủ tục hành chính, vừa hạn chế tiêu cực và tạo được ý thức tuân thủ pháp luật.

Tình trạng ùn tắc giao thông tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là vấn đề được bà Lê Êlêna, cử tri quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội đề cập đến. Bà Êlêna cho rằng, các giải pháp của ngành giao thông và các địa phương thời gian qua vừa qua chưa căn bản, đồng bộ, hiệu quả lại không cao; có giải pháp dự kiến đưa ra chưa sát thực tiễn.

Bức xúc trước tình trạng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, xả chất thải ra môi trường không qua xử lý vẫn phổ biến và ngày càng tinh vi, ông Lê Đình Nam, cán bộ Viện Địa chất và Địa vật lý biển đề nghị ngành Tài nguyên và Môi trường tiến hành rà soát, phát hiện và xử lý thật nghiêm các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, bất kể đó là doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước hay nước ngoài, nếu cần thiết thì phải thu hồi giấy phép đầu tư.

Ông Lê Duy Lâm, cử tri TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

Mặt khác, ông Nam kiến nghị bổ sung quy định khi quy hoạch các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất cần tránh những nơi có đông dân cư sinh sống để hạn chế ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của nhân dân. Ngoài việc bắt buộc các đơn vị cố ý xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cần phải quy trách nhiệm hình sự đối với người đứng đầu đơn vị cố tình vi phạm.

Còn ông Lường Thế Anh, cán bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Quốc hội quan tâm đưa ra bàn thảo kỹ trong kỳ họp để đưa ra được chính sách đúng đắn, phù hợp thực tiễn như đầu tư xây dựng nhà máy cung cấp nước sạch phục vụ cho nhân dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Bởi, hiện nay người dân nơi đây còn nhiều khó khăn do chưa được cung cấp nước sạch còn phải sử dụng nguồn nước sông rạch để sinh hoạt hàng ngày, lâu dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.

“Nóng” hơn nữa là thực trạng quá tải, chất lượng phục vụ của ngành Y tế. Ông Nguyễn Ngọc Hứa, nguyên Chủ tịch xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ cho rằng ngành Y tế tuy đã có nhiều cải cách nhưng hiệu quả vẫn còn hạn chế, người dân vẫn chưa được hưởng những dịch vụ y tế tốt. Tình trạng đội ngũ y, bác sĩ khám chữa bệnh vẫn thiếu và phổ biến, nhất là ở các tuyến xã, vùng sâu, vùng xa. Ông Hứa đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa ngành Y tế, góp phần mang lại nhiều dịch vụ y tế tốt hơn cho người dân. Bên cạnh đó, cần tăng biên chế và kinh phí cho các bệnh viện, trạm y tế,…

Chọn vấn đề để chất vấn

Theo ông Lê Duy Lâm, cử tri TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hộ, như tăng số lượng các phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp... tuy nhiên, việc lựa chọn vấn đề để chất vấn là hết sức quan trọng. “Quốc hội cần chọn đúng vấn đề, đi vào trọng tâm, trọng điểm, không lan man sẽ giúp người dân nắm vấn đề chính xác, đầy đủ hơn”, ông Lâm mong muốn.

Ông Lê Hải Nam, cán bộ Bộ Công an

Ông Lê Hải Nam, cán bộ Bộ Công an chia sẻ: “Theo tôi cần đổi mới ngay trong mỗi phiên họp. Các báo cáo cần được rút gọn hơn nữa. Sau phiên khai mạc sáng nay, tôi đã thấy sự đổi mới này. Trong các phiên thảo luận, ông Nam cho rằng các đại biểu cần nói gọn hơn nữa, tập trung vào thẳng vấn đề. Tuy nhiên theo ông không nên giới hạn một cách cứng nhắc thời gian cho mỗi đại biểu mà nên có sự điều chỉnh linh hoạt, bởi thực tế có những đại biểu rất có hiểu biết về lĩnh vực đang thảo luận, do vậy ý kiến phát biểu của họ có hàm lượng thông tin lớn, tính chất phản biện sâu, góp ý kiến xác đáng. Với những trường hợp này, có thể có sự du di, hoặc quy định đại biểu được nói quá thêm bao nhiêu phút, hoặc với những nội dung chuyên sâu thì nên tăng cường thảo luận theo nhóm vấn đề.

“Tôi có xem nhiều phiên chất vấn Chính phủ của đại biểu Quốc hội. Nhiều chất vấn có chất lượng, nhưng cũng nhiều chất vấn có giá trị không cao, hỏi chỉ để bắt bí hơn là cùng hướng đến các giải pháp. Tôi mong các hoạt động của Quốc hội sẽ phát triển theo hướng cùng tìm giải pháp và hỗ trợ cho việc hành pháp”, ông Nguyễn Ngọc Hứa, nguyên Chủ tịch xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ nêu quan điểm.

Ông Hứa cũng cho rằng tại các phiên chất vấn nên chọn vấn đề nào dư luận quan tâm nhiều và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đại bộ phận nhân dân, chẳng hạn như vấn đề về công tác cán bộ, vấn đề phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính…

Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội. Cần đẩy mạnh hoạt động giám sát, nhất là giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân; giám sát công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí...

Cũng theo ông Hứa, vừa qua Chính phủ có nhiều nỗ lực trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đáng chú ý Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về khiếu nại, tố cáo hay việc Thủ tướng chỉ đạo đưa đầy đủ nội dung các vụ việc khiếu nại, tố cáo lên Cổng TTĐT Chính phủ được nhân dân hoan nghênh, tin tưởng…

Cổng Thông tin Chính Phủ

.
.
.
.