Một tuần sôi nổi hoạt động nghị trường
Nhiều vấn đề lớn đã được báo cáo, giải trình và thảo luận; những vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm cũng đã được đại biểu Quốc hội đưa tới Hội trường…
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 13 chính thức khai mạc sáng 21/5. Theo chương trình được Quốc hội thông qua tại phiên họp trù bị, tính đến thời điểm này (chiều 26/5), nhiều nội dung quan trọng đã được giải trình và thảo luận trong tuần làm việc đầu tiên.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng kỳ họp, hoàn thành tốt chương trình đã đề ra, trong quá trình chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện một số cải tiến, đổi mới và tổ chức phục vụ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Toàn cảnh kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII |
Nhìn lại hoạt động nơi nghị trường tuần qua, có thể thấy, các đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, trí tuệ, tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, góp phần hoàn thiện nhiều dự thảo luật cũng như một số vấn đề quan trọng của đất nước.
Theo đó, Quốc hội đã nghe Ủy ban thường vụ giải trình tiếp thu ý kiến và thảo luận về các dự án luật: Luật bảo hiểm tiền gửi; Luật phòng, chống rửa tiền; Luật giáo dục đại học; Bộ luật lao động (sửa đổi); Luật công đoàn (sửa đổi); Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Quốc hội cũng đã nghe báo cáo Báo cáo của Chính phủ “Bổ sung tình hình kinh tế-xã hội năm 2011, tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2012 và những giải pháp chủ yếu tập trung chỉ đạo, điều hành trong những tháng còn lại của năm 2012”; Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; Tờ trình quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010; Bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015; Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và các báo cáo thẩm tra liên quan, và đặc biệt là Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.
Ngoài ra, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cũng được Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày trước Quốc hội.
Trong những nội dung trên, vấn đề kinh tế- xã hội nhận được sự quan tâm đặc biệt, bởi lẽ, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cho dù chưa bị cuốn vào vòng xoáy khủng hoảng do nhiều yếu tố, song những ảnh hưởng tiêu cực đã thể hiện rõ thời gian qua.
Các ý kiến của đại biểu cũng đã phân tích, mổ xẻ nhiều góc độ và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cùng cả hệ thống chính trị cần phát huy trách nhiệm, nội lực để có giải pháp và bước đi phù hợp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị.
Những tồn tại đã được nhìn nhận thẳng thắn, một số yếu kém cũng được chỉ rõ, nguyên nhân khách quan, chủ quan cũng được thảo luận dưới sự theo dõi của cử tri và nhân dân cả nước qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Từ những báo cáo, giải trình, ý kiến thảo luận về các mặt còn hạn chế, yếu kém của nền kinh tế, người dân và các đại biểu bày tỏ, Quốc hội, Chính phủ thể hiện được trí tuệ, vai trò, trách nhiệm của mình trong việc hoàn thiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế (đã được thảo luận ở tổ).
Về lập pháp, tuần qua, nhiều dự thảo luật đã được giải trình, thảo luận. Cùng với việc khẳng định sự cần thiết phải có các dự án luật, các ý kiến đều đánh giá cao sự chuẩn bị, tiếp thu, bổ sung của ban soạn thảo và cơ quan liên quan trước khi trình Quốc hội cho ý kiến.
Về nội dung dự thảo luật, nếu như những vấn đề về lương, tuổi nghỉ hưu, chế độ đối với lao động nữ, đình công… được quy định chặt chẽ, hợp lý hơn trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) thì Luật Giáo dục Đại học với các quy định về giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phân tầng cơ sở giáo dục đại học hay chính sách Nhà nước về giáo dục đại học… được đánh giá là hợp xu thế, phù hợp với mục tiêu mà chúng ta đang hướng đến.
Hay như dự án Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá; Luật Phòng, chống rửa tiền… cũng được đại biểu và người dân đồng tình ủng hộ, mặc dù vẫn còn một số hạn chế.
Chuẩn bị tốt, nắm chắc vấn đề và lập luận nhiều chiều, các đại biểu Quốc hội đã đưa được những tâm tư, nguyện vọng của cử tri tới nghị trường. Từ câu chuyện lạm phát đến giảm phát, lãi suất cao khiến doanh nghiệp lao đao, giá cả tăng trong khi lương thấp ảnh hưởng đến đời sống người dân đến một số nguy cơ gây bất ổn xã hội… đã làm “nóng” không khí nơi Hội trường cũng như ở thảo luận tổ.
Nhiều vấn đề đang gây bức xúc, khiến dư luận quan tâm đặc biệt cũng đã được các đại biểu đề cập đến trong và bên lề kỳ họp, như: Vụ việc ở Vinalines thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng, giá xăng tăng nhiều giảm ít, một số vụ khiếu khiện, tố cáo thời gian qua…
Liên quan công tác nhân sự, trong ngày cuối cùng của tuần làm việc đầu tiên, tức hôm nay (26/5), Quốc hội cũng đã bỏ phiếu và chính thức thông qua việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến (đoàn Long An) sau khi thảo luận và tiến hành các thủ tục theo đúng trình tự pháp luật.
Lý do bà Đặng Thị Hoàng Yến bị bãi nhiệm là không trung thực trong việc khai lý lịch ứng cử đại biểu Quốc hội, làm cho cử tri và tổ chức hiểu không đúng về tiểu sử, quá trình hoạt động của bản thân khi bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII.
6 ngày trong tổng số 25 ngày làm việc chính thức của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII thực sự là những ngày sôi nổi cả trong và ngoài Hội trường. Song vẫn còn rất nhiều nội dung quan trọng, nhiều vấn đề lớn của đất nước mà Quốc hội sẽ phải xem xét, quyết định trong những tuần làm việc tiếp theo./.
Ngọc Thành/VOV online