Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần
Kiểm đếm tàu thuyền, chống ngập úng, sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm
Để chủ động ứng phó với bão số 8, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban nghiêm túc; rà soát, kiểm tra công trình đê điều, hồ đập, công trình thi công dở dang, chủ động bố trí vật tư dự trữ, lực lượng, phương tiện để kịp thời xử lý các sự cố có thể xảy ra; chủ động tiêu nước đệm, triển khai thực hiện các biện pháp tiêu úng bảo vệ sản xuất vụ Đông, chống ngập úng tại các thành phố khi xảy ra mưa lớn.
Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban nghiêm túc; rà soát, kiểm tra công trình đê điều, hồ đập, công trình thi công dở dang... |
UBND các tỉnh, thành phố ven biển tiếp tục chỉ đạo kiểm đếm, nắm chắc số lượng, thông tin về tàu thuyền đang hoạt động trên biển (kể cả tàu thuyền đang di chuyển vào bờ để tránh lũ), hướng dẫn di chuyển để không đi vào hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh, trú bão an toàn; tổ chức neo đậu cho tàu thuyền trong các khu tránh trú bão trước khi bão đổ bộ vào.
Các tỉnh từ Thái Bình đến Thừa Thiên Huế căn cứ diễn biến của bão, mưa lũ và tình hình cụ thể ở địa phương để quyết định cấm tàu thuyền ra khơi; chỉ đạo, hướng dẫn chằng, chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, trụ sở cơ quan, cắt tỉa cành cây; sơ tán dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm (vùng thấp trũng ven biển, cửa sông, vùng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét); kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền, trên các lồng bè, chòi canh, nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ vào; tổ chức lực lượng canh gác đảm bảo an ninh trật tự ở những khu vực phải di dời dân đi.
Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chỉ đạo các trung tâm cứu nạn và các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của các Bộ, ngành và địa phương nằm trong khu vực ảnh hưởng của bão, mưa lũ chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng thực hiện việc cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố xảy ra.
Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu phấn đấu hàng năm giảm 5 - 10% số người chết do tai nạn giao thông đường bộ; giảm ùn tắc giao thông tại Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn...
Để đạt được mục tiêu trên, trước mắt sẽ tập trung cải tạo các đoạn tuyến quốc lộ theo các giải pháp đề xuất của chương trình đánh giá an toàn giao thông đường bộ quốc tế; cải tạo nâng cao các điều kiện an toàn giao thông của mạng lưới giao thông nông thôn.
Đầu tư xây dựng các tuyến đường trên cao, hướng tâm, vành đai tại các thành phố lớn như Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ưu tiên các nguồn lực đẩy nhanh phát triển hệ thống vận tải công cộng nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, từng bước hạn chế phương tiện cá nhân.
Đối với Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tăng cường phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và ưu tiên đầu tư phát triển phương tiện vận tải đô thị khối lượng lớn; tổ chức làn đường dành riêng cho xe mô tô, xe gắn máy; xây dựng hệ thống cầu vượt nhẹ bằng thép cho xe mô tô, xe gắn máy và xe ô tô có tải trọng nhẹ;...
Bên cạnh đó, quy định niên hạn sử dụng đối với tất cả các loại phương tiện cơ giới đường bộ. Tiếp tục thực hiện Đề án "Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông", trong đó chú trọng nghiên cứu xây dựng các giáo trình đào tạo phù hợp với đồng bào vùng sâu, vùng xa và người khuyết tật.
Chiến lược cũng đề ra một số nhiệm vụ mang tính đột phá trong giai đoạn 2013 - 2015 như tăng cường xử phạt thông qua hình ảnh; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, chống tiêu cực trong các lực lượng thi hành công vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; xây dựng và triển khai Đề án kiểm soát sử dụng ma túy và chất có cồn đối với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông;...
Khuyến khích hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho hộ cận nghèo
Thủ tướng Chính phủ khuyến khích UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương huy động các nguồn lực tiết kiệm từ ngân sách địa phương, dự án hỗ trợ chính sách y tế và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để nâng mức hỗ trợ hoặc đóng 30% mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) còn lại cho người thuộc hộ cận nghèo.
Hiện nay, theo Luật BHYT, hộ cận nghèo là đối tượng tham gia BHYT.
Để hỗ trợ hộ cận nghèo tham gia BHYT, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 797/QĐ-TTg nâng mức hỗ trợ tối thiểu đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo từ 50% lên mức 70%, áp dụng từ 1/1/2012.
Khai hải quan điện tử 24 giờ/ngày
Theo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật hải quan về thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại, người khai hải quan điện tử được ưu tiên thực hiện trước so với trường hợp đăng ký hồ sơ hải quan bằng giấy khi cơ quan Hải quan xác định phải kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa.
Người khai hải quan điện tử được thực hiện khai hải quan điện tử 24 giờ trong ngày, 7 ngày trong tuần và nhận thông tin phản hồi của cơ quan Hải quan trực tiếp qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.
Kiểm tra về đo lường thường xuyên hoặc đột xuất
Theo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đo lường, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất để xem xét, đánh giá sự phù hợp của chuẩn đo lường, phương tiện đo, phép đo, lượng của hàng đóng gói sẵn, hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường với yêu cầu quy định.
Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường trong phạm vi cả nước.
UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm kiểm tra nhà nước về đo lường trong phạm vi địa phương.
UBND cấp huyện chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện kiểm tra tại các chợ, trung tâm thương mại, điểm bán buôn, bán lẻ khác trên địa bàn đối với phép đo, phương tiện đo, lượng của hàng đóng gói sẵn.
Trường hợp phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính về đo lường, Thanh tra viên khoa học và công nghệ là thành viên đoàn kiểm tra hoặc Trưởng đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý hoặc chuyển cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
4 trường hợp trả lại Chứng chỉ hành nghề dược
Theo Nghị định 89/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 79/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật dược, có 4 trường hợp trả lại Chứng chỉ hành nghề dược.
Quy định trả lại Chứng chỉ hành nghề dược trước đây chưa quy định tại Nghị định 79/2006/NĐ-CP thì nay tại Nghị định 89/2012/NĐ-CP đã được bổ sung và quy định cụ thể.
Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước nhận hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc trả lại Chứng chỉ hành nghề dược cho cá nhân đăng ký hành nghề dược trong 4 trường hợp: 1- Cơ sở kinh doanh thuốc thay đổi người quản lý chuyên môn về dược; 2- Cơ sở kinh doanh thuốc chấm dứt hoạt động kinh doanh; 3- Cơ sở nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc nhưng nhận được văn bản trở lời không cấp của cơ quan tiếp nhận hồ sơ: 4- Cá nhân xin cấp lại Chứng chỉ hành nghề dược (đối với các Chứng chỉ hành nghề đã cấp có thời hạn 5 năm).
Quy hoạch thủy lợi khu vực miền Trung
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch thủy lợi khu vực miền Trung giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Phạm vi quy hoạch tại 12 tỉnh, thành phố, gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa với diện tích tự nhiên 84.726 km2, dân số khoảng 18 triệu người.
Phương án tổng thể được đưa ra là tập trung sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước để đảm bảo an toàn, nhất là các hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ; củng cố, nâng cấp công trình đầu mối, kiên cố hóa, từng bước hiện đại hóa các hệ thống hiện có; xây dựng và hoàn thiện các công trình lớn, liên vùng phục vụ đa mục tiêu, cấp nước cho các khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, củng cố các hệ thống đê sông, đê biển; phòng, chống ngập úng cho các đô thị, khu dân cư tập trung; đối với vùng Nam Trung Bộ chủ động phòng tránh và thích nghi với lũ chính vụ, ngăn lũ sớm và lũ cuối vụ đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân và Hè thu.
Tiếp tục xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông trong cả mùa lũ và mùa kiệt, phục vụ đa mục tiêu.
Hỗ trợ 175 tỷ đồng khắc phục hậu quả mưa lũ tại 5 tỉnh
Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ 175 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2012 để hỗ trợ 5 địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương, Điện Biên khắc phục hậu quả mưa lũ.
Cụ thể, hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa 80 tỷ đồng (ngoài thực hiện cứu trợ đột xuất, ưu tiên bố trí kinh phí khắc phục khẩn cấp các sự cố trên tuyến đê sông Chu); tỉnh Nghệ An 50 tỷ đồng; tỉnh Hà Tĩnh 20 tỷ đồng; tỉnh Hải Dương 15 tỷ đồng và tỉnh Điện Biên 10 tỷ đồng.
Số tiền trên nhằm thực hiện cứu trợ đột xuất gia đình có người chết, người bị thương, nhà đổ, sập, trôi; khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu: Trường học, trạm y tế, công trình thủy lợi, giao thông.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính tạm ứng 29 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa 13 tỷ đồng và tỉnh Nghệ An 16 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương năm 2012 để thực hiện hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản khôi phục sản xuất vùng bị thiên tai theo quy định tại Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009.
Lập phương án đấu tranh với buôn lậu, gian lận thương mại cuối năm
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Ban Chỉ đạo 127 Trung ương lập phương án đấu tranh có hiệu quả đối với tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Tỵ.
Trong đó tập trung vào các mặt hàng pháo, thuốc nổ, xăng dầu, rượu, bia, thuốc lá, gia cầm, thực phẩm, điện thoại, máy tính bảng tại các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, hàng không, đường biển trên các tuyến, địa bàn trọng điểm: Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Quảng Trị, thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh; báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ để có chỉ đạo kịp thời.
Tiến tới họp trực tuyến từ Trung ương đến xã, phường
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đồng ý về nguyên tắc việc triển khai xây dựng Hệ thống họp trực tuyến từ Trung ương đến tận cấp xã, phường.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn chỉnh Đề án "Tổ chức họp trực tuyến từ Trung ương đến tận cấp xã, phường", dự thảo Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Với đề án này, khi họp trực tuyến giữa Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tất cả các quận, huyện và xã có thể theo dõi thời gian thực hình ảnh của điểm cầu Hà Nội cũng như hội nghị có thể trao đổi với một huyện, xã trong cả nước.
Theo Chinhphu.vn