Tương lai của Petrovietnam là khoa học công nghệ
Đến dự buổi họp này có TSKH Phùng Đình Thực – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn, TS Đỗ Văn Hậu – Tổng giám đốc Tập đoàn cùng các Thành viên trong Hội đồng Thành viên, Ban tổng giám đốc, các ban thuộc Tập đoàn và hơn 100 đại biểu là những nhà khoa học, những cán bộ nghiên cứu đến từ các tổng công ty của Tập đoàn.
Toàn cảnh kỳ họp thứ II, Hội đồng Khoa học – Công nghệ của Tập đoàn.
TS Phạm Thị Thanh Tuyền – Phó viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam đã có bản báo cáo chi tiết về “Các tiềm ẩn rủi ro không thực hiện được một số mục tiêu chiến lược trong kế hoạch 2011 – 2015 và giải pháp”. Mục tiêu của chiến lược tăng tốc giai đoạn 2011 – 2015 là đẩy mạnh đầu tư tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí trong nước, đặc biệt tại những vùng nước sâu, xa bờ. Tích cực tận thăm dò, tăng cường và nâng cao hệ số thu hồi dầu. Mở rộng hoạt động dầu khí ở nước ngoài, kết hợp giữa mua tài sản và hợp đồng tìm kiếm, thăm dò. Gia tăng trữ lượng từ 38 – 44 triệu tấn qui dầu/năm, trong đó sản lượng ở trong nước đạt khoảng 26 – 28 triệu tấn/năm, nước ngoài khoảng 12 – 16 triệu tấn/năm.
TS Phạm Thị Thanh Tuyền – Phó viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam phát biểu tham luận.
Trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật sẽ tăng trưởng khoảng 25%, doanh thu đạt 30 – 35% tổng doanh thu của PVN và đáp ứng 50 – 55% nhu cầu trong nước.
Phân tích về khả năng thực hiện mục tiêu, TS Phạm Thị Thanh Tuyền đánh giá nhiều mục tiêu của PVN đưa ra là đúng mức và khả thi. Tuy nhiên, một vài lĩnh vực như sản xuất nhiên liệu sinh học sẽ gặp khó khăn do cơ chế chưa rõ ràng, thị trường phân phối còn bó hẹp. Công nghiệp khí có cơ chế về giá chưa được tháo gỡ nên việc đưa thêm mỏ khí mới vào khai thác sẽ gặp trở ngại. Trong quy hoạch phát triển 5 nhà máy nhiệt điện than cũng gặp khó khăn về vốn, nguồn nguyên liệu chưa chủ động. Hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí sẽ gặp khó khăn do suy giảm trữ lượng.
Trong đề xuất của mình, TS Phạm Thị Thanh Tuyền cho rằng PVN cần tập trung đầu tư vào hoạt động cốt lõi; dừng hoặc dãn tiến độ đầu tư vào các dự án không thuộc lĩnh vực chính của PVN; ưu tiên mua tài sản hoặc mỏ đang phát triển, khai thác ở nước ngoài. Đặc biệt, TS Phạm Thị Thanh Tuyền đề cập sâu hơn về giải pháp cho nhiên liệu sinh học. TS Tuyền cho rằng PVN cần kiến nghị Chính Phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhiên liệu sinh học như: ưu đãi thuế, qui định về lộ trình bắt buộc sử dụng xăng sinh học trên toàn quốc…
GS.TS Hồ Sĩ Thoảng đóng góp nhiều ý kiến hay trong kỳ họp này.
Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu phát biểu chỉ đạo
TSKH Lâm Quang Chiến – Phó tổng giám đốc Vietsovpetro nói về công nghệ và công trình dầu khí và đưa ra nhận định công nghệ của ngành Dầu khí hiện nay đang phụ thuộc vào các hãng cung cấp máy móc, thiết bị của nước ngoài. Để PVN phát triển bền vững, mục tiêu trong tương lai PVN phải tự chủ một phần về công nghệ dầu khí. Ngoài ra, các tham luận khác của các nhà chuyên môn cũng đề xuất việc ổn định nguyên liệu là dầu thô cho các nhà máy lọc dầu đã và đang xây dựng. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hiện nay đã chạy ổn định. Đến năm 2015, hai nhà máy lọc dầu khác là Nghi Sơn và Long Sơn sẽ cơ bản được xây dựng. Theo tính toán của TS Nguyễn Anh Đức – Phó viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam, khi NMLD Nghi Sơn hoạt động sẽ cần nhập 10 triệu tấn dầu/năm và cần khoảng 6 tỉ USD để nhập số dầu thô trên. Đây là bài toán thu xếp ngoại tệ cho PVN trong việc nhập khẩu dầu thô cung cấp cho 2 nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Long Sơn.
GS.TS Hồ Sĩ Thoảng – nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) nêu quan điểm PVN cần tập trung toàn lực vào lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí. GS.TS Hồ Sĩ Thoảng đặt ra câu hỏi trong lĩnh vực điện: “Chúng ta nên xem lại việc tự làm điện hay là PVN bán khí cho ngành điện?”. Ông dẫn giải, nếu bán khí cho ngành điện sẽ có lãi hơn việc dùng khí để chạy các nhà máy điện. Ở lĩnh vực khác, GS.TS Hồ Sĩ Thoảng đề xuất nghiên cứu thật kỹ qui trình thu mua, phân phối, quy hoạch của ngành mía để áp dụng vào việc phát triển vùng nguyên liệu sắn, phục vụ sản xuất nhiên liệu sinh học.