.
.

Vụ cháy tòa nhà EVN: 15/27 bệnh nhân đã được xuất viện

Thứ Hai, 19/12/2011|17:05

 

Sau khi khám lâm sàng, không phát hiện những di chứng đáng kể nào từ vụ cháy, 15/27 bệnh nhân của vụ cháy tòa nhà EVN cấp cứu tại bệnh viện Xanh Pôn đã được xuất viện.

Bác sỹ Nguyễn Thống - Trưởng Khoa bỏng, bệnh viện Xanh Pôn cho biết: Đến thời điểm 18 giờ ngày 16 tháng 12, 15/27 bệnh nhân đã được xuất viện, 12 bệnh nhân còn lại có thể xuất viện vào tuần tới.

Bác sỹ Nguyễn Thống, Trưởng Khoa bỏng, bệnh viện Xanh Pôn trao đổi về tình hình sức khỏe các bệnh nhân (Ảnh: N.Tuấn)

Theo quan sát của PV, những bệnh nhân này đã tỉnh táo trở lại, đã đi lại và trò chuyện bình thường. Dù đang phải truyền nước nhưng bệnh nhân Trương Thị Xây (53 tuổi, quê Vĩnh Phúc), công nhân thu gom rác, một trong ba nạn nhân được đưa vào viện đầu tiên và cũng là nạn nhân nữ duy nhất trong sự cố tại tòa nhà EVN vẫn cố gượng dậy để cảm ơn các anh, chị trong Ban Quản lý đầu tư và kinh doanh tòa nhà EVN: “Khi tôi đang làm việc tại tầng 4, nghe thấy tiếng hô cháy, tôi chạy ngay xuống tầng dưới thì bị khói sộc thẳng vào mũi và miệng. Sau đó tôi được đưa đến bệnh viện. Tại đây, tôi đã được các bác sỹ tận tình chăm sóc cũng như sự động viên, quan tâm chu đáo của Ban quản lý tòa nhà. Đến giờ, sức khỏe của tôi đã tương đối ổn định. Tôi chỉ biết nói lời cảm ơn đến các anh chị” - Bà Xây nói.

Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Quản lý đầu tư và kinh doanh tòa nhà EVN - Bùi Lê Cường thăm hỏi và động viên tinh thần bà Trương Thị Xây. (Ảnh: N.Tuấn)

Ông Nguyễn Văn Lung (49 tuổi, quê Thanh Hóa), làm công nhân sơn tại tòa nhà bị cháy cho biết: Chúng tôi thấy mình rất may mắn khi được sự quan tâm chăm sóc kịp thời của các anh chị trong Ban quản lý tòa nhà EVN. Họ chăm sóc chúng tôi như chăm sóc chính người nhà của mình vậy. Tôi thấy sức khỏe đã ổn định, ngày mai nếu bác sĩ cho phép xuất viện thì tôi sẽ tiếp tục quay trở lại làm việc. Đối diện với giường của bệnh nhân Nguyễn Văn Lung, chúng tôi bắt gặp cảnh 2 người đàn ông đang trò chuyện hết sức say sưa, hỏi ra mới biết người đàn ông đứng tuổi là Trương Văn Tuynh (51 tuổi, quê Hưng Yên), bố của nạn nhân Trương Văn Nguyên (24 tuổi) không giấu nổi sự vui mừng khi thấy cậu con trai mình vẫn khỏe mạnh, ông hồ hởi: “Khi nhận được điện thoại của cháu, tôi vào ngay bệnh viện. Lúc đầu thì rất lo, nhưng khi biết cháu không bị nguy hiểm và được sự quan tâm chăm sóc của các bác sỹ và của Ban quản lý tòa nhà thì tôi đã yên tâm hơn. Từ tối qua đến giờ (17 giờ chiều ngày 16/12), đã có 3 đoàn đến động viên, an ủi hỗ trợ về tinh thần và vật chất như: Mua cơm cháo, sữa cho và hỗ trợ tiền cho các nạn nhân. Cách xử sự có tình người và trách nhiệm của ngành Điện như vậy cũng giúp gia đình các nạn nhân yên tâm hơn phần nào khi để con tiếp tục làm việc tại đây”.

Ban Quản lý đầu tư và kinh doanh tòa nhà EVN thăm hỏi và động viên tinh thần các bệnh nhân đang điều trị tại Khoa bỏng bệnh viện Xanh Pôn. (Ảnh: N.Tuấn)

Có mặt tại Khoa bỏng bệnh viện Xanh Pôn để thăm hỏi và động viên tinh thần các bệnh nhân, ông Bùi Lê Cường – Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Quản lý đầu tư và kinh doanh tòa nhà EVN (Ban QLĐT&KDTN EVN) cho biết, sau khi nhận được thông tin xảy ra cháy, Ban đã nhanh chóng thông báo tới lực lượng PCCC. Đến 20 giờ ngày 15/12, đám cháy đã được dập tắt. Đồng thời, Ban cũng đã huy động toàn bộ CBCNV trong Ban tham gia với lực lượng PCCC để cứu hộ cứu nạn, cắt cử người thường xuyên trong viện, cùng với bác sĩ theo dõi tình hình sức khỏe của các bệnh nhân. Trước mắt, Ban QLĐT&KDTN EVN cũng đã hỗ trợ cho mỗi bệnh nhân 500.000 đồng và sẽ thanh toán toàn bộ viện phí cho các bệnh nhân. Theo ông Cường, trong số 27 bệnh nhân phải nhập viện để điều trị, có 4 bệnh nhân là CBCNV của BanQLĐT&KDTN EVN.

Cháy có thể là do tia lửa hàn!

Nói về nguyên nhân cháy tòa nhà của EVN, Đại tá Nguyễn Đức Nghi - Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết:

“Tôi nghiêng về khả năng do hàn xì, vì khi tiếp xúc với một số công nhân, họ cho biết, lúc đó khu vực bắt nguồn đám cháy ở khu vực các công nhân vẫn đang hàn xì, xung quanh lại tập kết rất nhiều vật dễ bắt lửa như xốp, ống nhựa, dây điện... Những vật liệu đó khi cháy đã tạo ra khói nghi ngút bao trùm cả tòa nhà. Theo quy định, khi hàn xì, đơn vị thi công phải di chuyển những vật liệu này ra khỏi khu vực đó”, ông Nghi nói.

Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội (CS PCCC) đã phải huy động gần 300 chiến sĩ, 18 xe bồn, thang cuốn tới hiện trường.

* Ngoài ra, để hỗ trợ lực lượng cứu hỏa, Bộ Tư lệnh Thủ đô còn điều động thêm gần 100 chiến sĩ đặc công tới giải cứu các nạn nhân còn mắc kẹt, và hơn 200 cán bộ chiến sĩ cảnh sát giao thông, công an quận, phường, cảnh sát cơ động, kiểm soát quân sự… tới đảm bảo an ninh khu vực xung quanh.

Ngọc Tuấn – Xuân Tiến

.
.
.
.