.
Đơn vị trực thuộc
.

Vinacomin đàm phán bán alumina từ Tân Rai cho đối tác Trung, Nhật

Thứ Năm, 16/02/2012|21:42

Hãng tin Bloomberg (Mỹ) vừa phát tin cho hay, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) hiện đang đàm phán với đối tác Aluminum Corp. of China (Trung Quốc) và Marubeni (Nhật Bản) cho thương vụ bán alumina từ dự án khai thác nhôm đầu tiên của Việt Nam.

Công trường dự án Tân Rai, Lâm Đồng (ảnh minh họa).
Công trường dự án Tân Rai, Lâm Đồng (ảnh minh họa).

Phó Tổng Giám đốc Vinacomin, ông Nguyễn Văn Biên trong một cuộc trả lời báo giới, cho hay, công ty này sẽ bắt đầu sản xuất tại nhà máy alumina Tân Rai, Lâm Đồng vào đầu quý II năm nay. Mỏ bauxite Tân Rai là một trong hai mỏ đang được công ty khai thác.

Marubeni đã giúp Vinacomin vay 300 triệu USD hợp vốn từ các ngân hàng ở nước ngoài và một thỏa thuận cho vay sẽ được ký kết vào đầu năm nay. Aluminum Corp. of China (hay còn gọi là Chalco), là công ty cung cấp kỹ thuật và nhà thầu xây dựng cho dự án.

Trước đó, từ hồi năm ngoái, hai công ty nước ngoài này đã bắt đầu đàm phán mua alumina với Vinacomin tuy nhiên hợp đồng mua bán chưa được ký kết. Một thỏa thuận có thể đã có mối liên hệ với quá trình xây dựng nhà máy, ông Biên cho biết.

Trong khi Vinacomin tính toán dựa trên nhu cầu dài hạn và có thể sản xuất nhôm sau năm 2015 thì Alcoa, Rio Tinto và các đối thủ trên thế giới đang cắt giảm sản lượng do giá nhôm lao dốc, ảnh hưởng đến lợi nhuận công ty. Alcoa, nhà sản xuất lớn nhất nước Mỹ, cho biết, Trung Quốc có thể chỉ dùng đến 70% công suất trong năm 2012.

Tình hình giá nhôm

Giá nhôm giao trong ba tháng đã sụt giảm 30% xuống còn 1.962 USD/tấn vào giữa tháng 12 năm ngoái sau khi chạm đỉnh 2.797 USD/tấn hồi tháng 5 trên sàn giao dịch kim loại London. Hôm qua (15/2), giá nhôm được giao dịch tại mức giá 2.200 USD, giảm 0,68%.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Biên, thì giá nhôm giảm chỉ là tạm thời. Theo đó, “khoáng sản là tài nguyên không tái tạo được nên tinh chế bauxite và alumina có ý nghĩa trong dài hạn”.

Sản lượng alumina tại nhà máy Tân Rai dự kiến đạt 300.000 tấn trong năm nay và sẽ tăng lên 520.000 tấn vào năm tới, trước khi đạt được công suất tối đa 650.000 tấn vào năm 2014.

Dự án thứ hai tại Nhân Cơ, tỉnh Đăk Nông đang được xây dựng sẽ bắt đầu với sản xuất với sản lượng 300.000 tấn vào năm 2014 và nâng lên 650.000 tấn vào năm 2016.

Ông Biên cho biết, đây là hai dự án thí điểm, vì thế càng sớm hoàn thành thì việc đánh giá ngành công nghiệp nhôm tại Việt Nam càng nhanh hơn. Điều này giúp công ty có hướng đi rõ ràng hơn và tạo tiền đề cho những quyết định về các dự án trong tương lai.

Khoản đầu tư hàng năm

Theo lãnh đạo Vinacomin, tập đoàn hiện cần khoảng 30.000 - 40.000 tỷ đồng hàng năm cho kế hoạch đầu tư đến 2015.

Chuẩn bị cho nguồn vốn này, Vinacomin đang có kế hoạch bán ít nhất 1.500 tỷ đồng trái phiếu trong nước vào nửa đầu năm nay. Vốn đầu tư sẽ được tập trung vào than, khoáng sản và năng lượng.

Trong phiên họp Quốc hội hồi cuối năm 2010, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng từng khẳng định: “kết quả tính toán và thẩm định hiệu quả kinh tế dự án nhà máy alumina Nhân Cơ cho thấy dự án có hiệu quả kinh tế, mức độ rủi ro thấp”.

Theo lời Bộ trưởng, hiệu quả kinh tế của dự án Nhân Cơ đã được Bộ Công thương thẩm định, đạt công suất 650.000 tấn alumina/năm. Với cơ chế chính sách hiện hành về cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay 70/30, phí môi trường 30.000 đồng/ tấn quặng nguyên khai, thuế suất thuế xuất khẩu alumina 20%... thì dự án vẫn đảm bảo tính khả thi (với NPV > 0, IRR: 8,24%).

Bộ Công thương tính toán, việc tăng vốn đầu tư ảnh hưởng không nhiều đến hiệu quả kinh tế. Nếu tăng vốn đầu tư 25% thì IRR vẫn đạt 7,12%.  Nếu tăng 1% chi phí sản xuất thì IRR còn 8%, nếu thuế suất thuế xuất khẩu giảm xuống ở mức 10% thì IRR là 12,3%.

“Thời gian thu hồi vốn của dự án alumina Nhân Cơ là 12,4 năm/30 năm tồn tại”.

*Bauxite được tinh chế thành alumina, sau đó được nấu chảy thành kim loại nhôm.

Bích Diệp
Theo Bloomberg/ Dân Trí
.
Chia sẻ
.
Giá vàng
.
.
.
Ngoại tệ
.
.
.
.
.