Xi măng Vinacomin - tân binh trong làng xi măng
Với mục tiêu “kinh doanh đa ngành trên nền sản xuất than”, Xi măng Vinacomin - tân binh trong làng xi măng, sản phẩm của Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc (thuộc Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam) đang có nhiều lợi thế so với các thương hiệu khác.
Xi măng Vinacomin |
Xi măng Vinacomin có công suất thiết kế đạt 3 triệu tấn/năm, là sự hợp nhất của 3 nhà máy La Hiên, Quán Triều (Thái Nguyên) và Tân Quang (Tuyên Quang). Trong khi Xi măng La Hiên đã được đưa vào sản xuất từ năm 1995 với một dây chuyền xi măng lò đứng công suất 300.000 tấn/năm, thì Tân Quang và Quán Triều mới bắt đầu hoạt động từ quý I/2011.
Dù đã hợp nhất trong thương hiệu Vinacomin, nhưng cái tên này vẫn quá “chìm” so với các thương hiệu xi măng khác. Tuy nhiên, dù không có ưu thế về thương hiệu, nhưng Xi măng Vinacomin lại có nhiều điểm mà các thương hiệu lớn mơ ước.
Trong khi các nhà máy khác phải gồng mình để trả nợ đầu tư do nguồn vốn vay, chủ yếu là vay ngoại tệ, thì Xi măng Vinacomin chủ yếu dùng vốn tự có, khoản vay không đáng kể và chỉ vay bằng VND. Do đó, Xi măng Vinacomin không bị áp lực trả nợ, cũng không lo đến vấn đề trượt giá ngoại tệ. Hơn nữa, suất đầu tư cho mỗi dây chuyền của Xi măng Vinacomin thấp hơn so với mặt bằng đầu tư chung. Với mỗi dây chuyền có công suất 1 triệu tấn/năm thì Xi măng Tân Quang có tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng, Xi măng Quán Triều là 1.300 tỷ đồng. Trong khi đó, suất đầu tư bình quân cho các loại dây chuyền tương tự vào khoảng từ 1.700 - 2.500 tỷ đồng.
Lợi thế nữa của Xi măng Vinacomin là nguyên, nhiên liệu đầu vào của Xi măng Quán Triều. Nhà máy sử dụng nguồn nguyên liệu đá vôi tận thu trong quá trình khai thác than tại vỉa 16 của mỏ than Khánh Hòa (Thái Nguyên), nên chi phí khai thác, vận chuyển nguyên liệu được tiết kiệm ở mức tối đa. Theo tính toán, giá thành cho mỗi tấn đá nguyên liệu đầu vào chỉ bằng 1/4 giá mua thông thường. Chưa kể đến việc Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc không mất chi phí xử lý chất thải rắn trong quá trình khai thác than. Như vậy, lợi ích kép từ nguồn đá vôi tận thu đã giúp Nhà máy giảm giá thành sản phẩm. Thêm vào đó, các nhà sản xuất khác luôn thường trực nỗi lo thiếu than, than không đúng chất lượng, thì nguồn than của Xi măng Vinacomin lại thuộc loại “của nhà trồng được”.
Trong năm 2011, giá than bình quân tăng khoảng 80% và sắp tới giá than có thể tiếp tục được điểu chỉnh tăng thêm, đây chính là nỗi lo thường trực của các nhà máy xi măng, tuy nhiên, với Xi măng Vinacomin, việc giá than tăng không ảnh hưởng nhiều đến giá bán của thương hiệu này. Trong năm 2011, Xi măng Vinacomin tiêu thụ hơn 1,4 triệu tấn, với doanh thu đạt 1.226 tỷ đồng, tương đương giá bán 870.000 đồng/tấn, thấp hơn thị trường từ 230.000 - 530.000 đồng/tấn (mức giá bình quân trên thị trường từ 1,1 - 1,4 triệu đồng/tấn). Việc Xi măng Vinacomin bán giá thấp là điều dễ hiểu vì sản phẩm mới ra đời, đang trong quá trình tìm kiếm thị trường.
Một lợi thế nữa của Xi măng Vinacomin là thương hiệu này xác định chiến lược mở rộng và phát triển thị trường khá hợp lý. Thay vì việc bán hàng qua nhà phân phối chính, Vinacomin triển khai hàng trăm đại lý lớn nhỏ tùy thuộc theo nhu cầu và địa bàn. Hệ thống này không chỉ triển khai việc bán hàng rộng khắp mà còn quảng bá thương hiệu, mở rộng lượng tiêu thụ trong khối dân sinh. Đây chính là một chiến lược hiệu quả trong thời điểm thị trường khó khăn như hiện nay.
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, thị trường tiêu thụ xi măng rơi vào tình trạng ảm đạm, vì vậy, với lợi thế và chiến lược hợp lý của mình, Xi măng Vinacomin có dư điều kiện để bước vào sân chơi của ngành xi măng một cách sòng phẳng.