Nhân lực chất lượng cao tạo lực đẩy cho Petrovietnam phát triển
Sáng 25/5, phát biểu tại Hội nghị "Công tác tổ chức nhân sự và đào tạo năm 2012" của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Chủ tịch HĐTV PVN Phùng Đình Thực cho rằng: Nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ tạo lực đẩy cho PVN phát triển nhanh và bền vững.
Bên cạnh các giải pháp đột phá về quản lý và khoa học - công nghệ thì giải pháp về con người được xác định là giải pháp then chốt cho sự phát triển của Tập đoàn |
Chủ trì Hội nghị gồm các đồng chí Phùng Đình Thực, Chủ tịch HĐTV; đồng chí Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc và đồng chí Lê Minh Hồng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Thành viên trong HĐTV, Ban Tổng giám đốc, các phòng ban Tập đoàn, lãnh đạo các đơn vị thuộc Tập đoàn, Hội nghị đã có những thảo luận chuyên sâu về tình hình nhân sự hiện nay trong ngành Dầu khí, từ đó đưa ra những giải pháp căn cơ nhằm nâng cao nguồn nhân lực cho ngành kinh tế trọng điểm quốc gia.
Trong báo cáo đánh giá kết quả thực hiện năm 2011, kế hoạch triển khai nhiệm vụ công tác tổ chức nhân sự và đào tạo năm 2012 của Tập đoàn, Phó Tổng giám đốc Lê Minh Hồng cho biết: tính đến hết năm 2011, PVN có hơn 60.000 lao động; trong đó lao động quản lý chiếm 8,16%, lao động chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ chiếm 41,99%, lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh chiếm 49,85%.
Năm 2011, căn cứ kế hoạch đào tạo được HĐTV phê duyệt và theo yêu cầu thực tế của hoạt động sản xuất kinh doanh, Tập đoàn đã tổ chức chương trình đào tạo chuyên sâu, đào tạo về quản lý, đào tạo sau đại học… cho 3.314 lượt người (Công ty Mẹ) và hơn 67 nghìn lượt người (33 đơn vị trực thuộc Tập đoàn). Có thể thấy, Tập đoàn đã xây dựng, kiện toàn, củng cố và hình thành một hệ thống tư vấn, quản lý và tổ chức công tác đào tạo bao gồm Hội đồng đào tạo, bộ phận chuyên trách về công tác đào tạo và phát triển nhân lực.
Hệ thống các cơ sở đào tạo của PVN cũng đã đáp ứng được một phần nhân lực chất lượng cao ngành Dầu khí. Trường Đại học Dầu khí Việt Nam thành lập năm 2010 và trong năm 2011 đã hoàn thành tuyển sinh sinh viên khóa đầu tiên (2011 – 2016) với 145 sinh viên cho 4 chuyên ngành: Địa chất dầu khí, Địa vật lý dầu khí, Khoan khai thác, Lọc hóa dầu.
Nhân lực cho các dự án trọng điểm cũng được Tập đoàn hết sức quan tâm và chỉ đạo quyết liệt. Trong giai đoạn 1998 – 2012, Tập đoàn đã chỉ đạo triển khai tổ chức tuyển dụng và đào tạo đội ngũ nhân lực vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa cho 15 dự án, công trình trọng điểm của Nhà nước, của Tập đoàn và một số đơn vị thành viên. Tổng số nhân lực đã tuyển dụng để phục vụ cho các dự án là 3.795 người; trong đó có 1.408 kỹ sư và 2.387 công nhân các chuyên ngành kỹ thuật.
Thực tế làm việc cho thấy, đội ngũ nhân lực vận hành và bảo dưỡng ngày càng trưởng thành, đã dần thạo nghề và tiến tới thay thế hoàn toàn chuyên gia nước ngoài. Một số công trình, đơn vị mà người Việt Nam đang thay thế dần chuyên gia nước ngoài như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Liên doanh Việt – Nga (Vietsovpetro)…
Tuy nhiên, so với ngành Dầu khí ở các nước phát triển thường có tỷ lệ người lao động qua đào tạo đạt 100%, số lượng lao động trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học đạt từ 72% trở lên thì ở Tập đoàn con số này còn tương đối thấp, 53%.
Trong phần thảo luận của các đơn vị thành viên, Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) hiện tại có 19 hợp đồng dầu khí đang hoạt động tại nước ngoài, Tổng giám đốc Đỗ Văn Khạnh cho rằng nguồn nhân lực của PVEP đang vận hành hiệu quả các dự án ở nước ngoài. Tuy nhiên, để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu gia tăng sản lượng khai thác, mỗi năm PVEP cần hàng chục chuyên gia Việt giỏi để làm việc tại các khu vực có dự án của PVEP đang hoạt động.
Chủ tịch HĐTV PV Power Đỗ Chí Thanh cho biết hiện nay PV Power đang áp dụng tuyển đầu vào là 100% ứng viên phải thi tuyển để chọn lọc người lao động có chuyên môn tốt nhất. Đồng thời trả lương, trả thưởng phù hợp với thực tế, xem xét nâng lương theo chức danh, phù hợp với vị trí, khả năng, công việc, không cào bằng.
Một đơn vị có tầm quan trọng đặc biệt với Tập đoàn là Vietsovpetro hiện nay có đội ngũ lao động tương đối hoàn chỉnh và trình độ khá cao. Tỷ lệ đại học trở lên chiếm 43,8% trong tổng số 7.420 cán bộ công nhân viên. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Vietsovpetro đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng Khoa học trực thuộc Vietsovpetro; khuyến khích cán bộ giỏi, giàu kinh nghiệm tham gia công tác đào tạo, kể cả mời các chuyên gia đã nghỉ hưu.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch HĐTV Phùng Đình Thực cho rằng, chiến lược tăng tốc phát triển của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện; trong đó có những giải pháp mang tính đột phá. Bên cạnh các giải pháp đột phá về quản lý và khoa học – công nghệ thì giải pháp về con người được xác định là giải pháp then chốt cho sự phát triển của Tập đoàn. “Chúng ta có hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2012 và các năm tiếp theo hay không là phụ thuộc vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân kỹ thuật. Tập đoàn cần quán triệt sâu rộng chương trình hành động gồm 18 điểm về công tác tổ chức nhân sự và đào tạo năm 2012″ – Chủ tịch Phùng Đình Thực kết luận.
Đức Chính (Theo Petrotimes)