.
.

Tập đoàn CN Than-Khoáng sản Việt Nam: Sản xuất sạch hơn

Thứ Hai, 02/07/2012|15:53

Nhằm đảm bảo khai thác Than - Khoáng sản theo hướng sản xuất sạch hơn, thân thiện với môi trường, trong những năm qua, Tập đoàn CN Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã chủ động đầu tư xây lắp nhiều công trình bảo vệ môi trường với công nghệ hiện đại, giá trị hàng trăm tỷ đồng.

Hệ thống xử lý nước thải hầm lò tại Xí nghiệp than Cao Thắng (Công ty than Hòn Gai)
Hệ thống xử lý nước thải hầm lò tại Xí nghiệp than Cao Thắng (Công ty than Hòn Gai)

Nhiều công trình bảo vệ môi trường được thực hiện trong năm 2012

Trong năm 2012, Tập đoàn giao Công ty TNHH MTV Môi trường  Vinacomin khởi công xây dựng mới 18 trạm xử lý nước thải mỏ, trong đó có 4 trạm xử lý nước thải mỏ lộ thiên và 14 trạm xử lý nước thải hầm lò; hệ thống rửa ô tô tuyến Núi Béo - cảng Nam Cầu Trắng; hệ thống rửa toa xe tuyến Cẩm Phả - Cửa Ông (Công ty Tuyển than Cửa Ông); cải tạo phục hồi môi trường bãi thải Công ty 35 (Tổng Công ty Đông Bắc), bãi thải vỉa 7, vỉa 8 Công ty Cổ phần than Hà Tu… Hiện các dự án này đang được tích cực thi công đảm bảo tiến độ. Đối với việc cải tạo, phục hồi môi trường các bãi thải mỏ, Vinacomin cũng đã và đang đầu tư thực hiện các dự án rất lớn như cải tạo bãi thải Ngã Hai - Dương Huy với tổng mức đầu tư 105 tỷ đồng, bãi thải vỉa 7, 8 Hà Tu với tổng mức đầu tư 58 tỷ đồng. Công trình cải tạo môi trường 4 hồ Đông Triều với tổng mức đầu tư 141 tỷ đồng đang được thực hiện. Ngoài ra, Vinacomin vẫn tiếp tục đầu tư vào các hệ thống kè, đập chống trôi lấp đất đá như kè mức +75 bãi thải Chính Bắc, kè chắn Giáp Khẩu bảo vệ khu dân cư Hà Khánh (T.P Hạ Long)…

Chi phí bảo vệ môi trường (BVMT) của Vinacomin khoảng trên 700 tỷ đồng một năm. Trong đó 60-70% là dành cho các dự án sử dụng nguồn Quỹ Môi trường tập trung, phần còn lại là dành cho các công việc bảo vệ thường xuyên và các dự án BVMT của các công ty con, được hạch toán thẳng vào chi phí sản xuất của đơn vị. Tính đến nay, đã có 28 trạm xử lý nước thải mỏ được đầu tư xây dựng, trong đó đã đưa vào vận hành 23 trạm. Nhiều công trình môi trường đi vào hoạt động đã và đang phát huy hiệu quả tích cực như: Trạm xử lý nước thải mỏ giếng -97,5 Mông Dương công suất 300m3/giờ; trạm xử lý nước thải +260 khu Đông Vàng Danh; Trạm xử lý nước thải Xí nghiệp than 917 công suất 80m3/giờ... Các tuyến đường vận chuyển than chuyên dùng tiếp tục được quan tâm đầu tư như tuyến đường mỏ Mạo Khê ra cảng Bến Cân, Đồng Vông - Tân Dân, mỏ Cọc Sáu - QL18A. Như vậy có thể thấy rằng Vinacomin luôn quan tâm và không ngại chi phí để đầu tư vào các công trình BVMT tại vùng than Quảng Ninh nhằm đạt được mục tiêu là đến năm 2020 sẽ cải thiện cơ bản môi trường vùng than Quảng Ninh.

Ứng dụng công nghệ mới trong bảo vệ môi trường

Trong bảo vệ môi trường, Tập đoàn Vinacomin đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hai lĩnh vực chính là cải tạo, phục hồi các bãi thải mỏ than và xử lý nước thải mỏ. Trước đây, hầu hết các mỏ than lộ thiên trong Vinacomin sử dụng hệ thống bãi thải ngoài với công nghệ đổ thải bãi thải cao nên thường gây ra các hiện tượng không ổn định. Để ổn định bãi thải, Vinacomin đã thay đổi công nghệ đổ thải, trong đó các bãi thải mới sẽ phải được thiết kế theo dạng bãi thải phân tầng, các bãi thải chưa đảm bảo sẽ được cải tạo, san cắt tầng. Công nghệ này đã được ứng dụng cho cải tạo các bãi thải như bãi thải V.7, 8 Hà Tu, lộ vỉa 14 Hà Tu (cũ), Ngã Hai, Chính Bắc - Núi Béo, Nam Lộ Phong - Hà Tu, Khe Rè - Cọc Sáu. Bên cạnh đó nhằm ổn định sườn bãi thải, chống sạt lở đất đá, giải pháp sử dụng cỏ vetiver đã được áp dụng thử nghiệm từ năm 2007 tại sườn phía Tây bãi thải Chính Bắc - Công ty CP Than Núi Béo. Sau thời gian trồng hơn 1 năm, bộ rễ cỏ có chiều dài 1,2m-1,4m, hệ rễ chùm, tạo thành bộ lưới sinh học giữ cho đất đá trên sườn bãi thải không bị sạt lở.

Trong lĩnh vực xử lý nước thải mỏ, việc ứng dụng công nghệ hoá - lý để xử lý nước thải mỏ được áp dụng thay thế cho phương pháp xử lý đơn giản, kém hiệu quả bằng các giải pháp hố lắng trước đây. Các công nghệ xử lý nước thải được áp dụng có sự thay đổi lớn theo hướng ngày càng tiến bộ và hiện đại, từ hố lắng kết hợp sữa vôi đến phương pháp hoá - lý và lọc cơ học có áp lực. Các trạm xử lý nước thải thuộc thế hệ đầu tiên được áp dụng công nghệ bể lắng ngang, lọc áp lực như Hà Ráng, Hà Khánh, +260 và +320 Đồng Vông, +41 Lộ Trí, +131 Tràng Khê, Khe Chàm... Các trạm xử lý thế hệ thứ hai như Cọc Sáu, Vàng Danh, Mạo Khê đã được áp dụng công nghệ tấm lắng nghiêng nhằm tăng tốc độ lắng, đồng thời hạn chế diện tích bể lắng sử dụng so với công nghệ bể lắng ngang. Các trạm xử lý được thiết kế ngày càng hợp lý về bố trí mặt bằng, gọn, đồng thời ngày càng mang dáng dấp công nghiệp như các trạm xử lý nước thải Cái Đá, Hoành Bồ…

P.V

.
.
.
.