.
.

Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam: Tái cấu trúc là yêu cầu bức thiết

Chủ Nhật, 08/07/2012|10:36

Trao đổi với phóng viên về vấn đề tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, Tiến sỹ Trần Xuân Hoà, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết, Vinacomin xác định tập trung vào 5 lĩnh vực kinh doanh chính đó là: than, khoáng sản, điện, vật liệu nổ và cơ khí sửa chữa chế tạo.

TS Trần Xuân Hoà, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinacomin - Ảnh: VGP/Quỳnh Hoa
TS Trần Xuân Hoà, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinacomin - Ảnh: VGP/Quỳnh Hoa

Tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước là một trong những trọng tâm cấp bách trong quá trình tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế nước ta đã được xác định rõ tại Hội nghị TW 3 khoá XI. Mục tiêu của tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp, tăng cường vai trò dẫn dắt nền kinh tế của khối doanh nghiệp này đồng thời hình thành các doanh nghiệp nhà nước vững mạnh, đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh  hội nhập quốc tế  ngày càng sâu rộng.

Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Trần Xuân Hoà, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) về vấn đề này.

Thưa ông, tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước, với trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang là vấn đề được quan tâm, Vinacomin nhận thức vấn đề này thế nào và nhiệm vụ này được tập đoàn đặt trong thứ tự ưu tiên nào trong hoạt động hiện nay?

TS Trần Xuân Hoà: Tính cấp bách của vấn đề tái cấu trúc hiện nay đã được phân tích rõ tại Hội nghị TW3 và trong thực tế của nền kinh tế nói chung và của Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản nói riêng. 1/4 thế kỷ qua, chúng ta phát triển chỉ dựa vào mở rộng sản xuất, chưa chú trọng về chiều sâu như năng suất lao động, khoa học công nghệ, kỹ thuật, mặc dù năng suất lao động của ta đã tăng nhưng so với khu vực, so với thế giới còn thua rất xa.

Đối với Vinacomin, áp dụng khoa học công nghệ chế biến mới dừng ở các mỏ khai thác lộ thiên còn ở khai thác hầm lò hàm lượng công nghệ vào rất thấp.

Tôi cho rằng, tái cấu trúc là một yêu cầu bức bách, bởi đó là sự tồn tại.

Đến nay, khủng hoảng tài chính- kinh tế toàn cầu đã chỉ rõ, doanh nghiệp không còn tiềm năng để phát triển bề rộng nữa, mà cần phải phát triển chiều sâu.

Mới đây, ngày 2/7 thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về tình hình sản xuất kinh doanh và tái cấu trúc Tập đoàn Vinacomin cho biết, trong thời gian tới Vinacomin phải tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, bảo đảm đủ than cho nhu cầu của đất nước. Thực hiện chỉ đạo trên, việc tái cấu trúc của Vinacomin đang được thực hiện như thế nào?

TS Trần Xuân Hoà: Ngay sau khi có Nghị quyết Trung ương 3  và  Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ,  Hội đồng thành viên, Đảng uỷ Tập đoàn cũng đã có Nghị quyết quán triệt tinh thần chỉ đạo. Chúng tôi đang hoàn thành Đề án tái cơ cấu  và dự kiến cuối tháng 7 sẽ trình Chính phủ.

Vinacomin xác định tập trung vào 5 lĩnh vực kinh doanh chính đó là: than, khoáng sản, điện, vật liệu nổ và cơ  khí sửa chữa chế tạo.

Đối với các lĩnh vực khác ngoài ngành nghề kinh doanh chính như bảo hiểm, bất động sản ...từ nay đến 2015 sẽ thoái vốn, thậm chí có lĩnh vực sẽ rút hết vốn.

Một trong những mục tiêu của tái cấu trúc doanh nghiệp đặt ra đối với các Tập đoàn, Tổng công ty là phải bảo đảm vốn nhà nước. Với trên 6.000 tỷ đồng đầu tư ngoài ngành (chiếm 2% vốn điều lệ) làm thế nào Vinacomin vẫn đảm bảo được mục tiêu rút vốn khỏi lĩnh vực này và vẫn bảo toàn được nguồn vốn như yêu cầu đặt ra?

TS Trần Xuân Hoà: Đây là bài toán không đơn giản trong bối cảnh thị trường hiện nay, như tôi đã nói, đối với các lĩnh vực khác ngoài ngành nghề kinh doanh chính bao gồm bảo hiểm, bất động sản..., tập đoàn  xác định từ nay đến 2015 sẽ thoái vốn và thực hiện quyết liệt.

Giá than bán cho một số hộ chưa theo kịp giá thị trường, theo ông liệu điều này có tác động hạn chế nào đến quá trình tái cơ cấu của Tập đoàn?

TS Trần Xuân Hoà: Nếu việc này cứ tiếp tục sẽ rất khó khăn cho Tập đoàn trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển ngành Than đã được Thủ tướng phê duyệt cũng như tái cấu trúc lại của Vinacomin. Theo quy hoạch này, nhu cầu đầu tư mỗi năm của Vinacomin là 36.000-39.000 tỷ đồng.

Giá than bán cho hộ điện chưa theo kịp thị trường là một khó khăn trong quá trình tái cấu trúc lại của chúng tôi, Vinacomin không thể đầu tư phát triển nếu mỗi năm phải có 8.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 20%) để làm vốn vay đối ứng đầu tư.  

Trong khi lượng than xuất khẩu giảm, giá bán than cho một số hộ vẫn thấp như hiện nay thực sự là khó khăn cho Tập đoàn.

Đơn cử với giá  than bán cho hộ điện 13,5 triệu tấn trong năm 2012 bằng 50% giá thành, riêng năm 2012, Vinacomin đã phải bù lỗ để bằng giá thành đối với hộ này là 8.500 tỷ đồng, nếu so với giá xuất khẩu thì con số này trên dưới 900 triệu USD.

Tuy nhiên, tháo gỡ khó khăn này, tại cuộc họp mới đây với Tập đoàn, Thủ tướng cũng đã giao Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cùng các bộ, ngành, nghiên cứu hình thành một quỹ để chấm dứt tình trạng vừa lỗ bên điện vừa lỗ bên than.

Mục đích của quỹ này, bù đúng đối tượng không bù tràn lan.

Thay vì than phải bù cho điện, thì than vẫn bán theo giá thị trường, còn vấn đề bù cho ai sẽ được quỹ này xử lý.

Như ông đã nói năng suất lao động là yếu tố cạnh tranh và nó thể hiện sự sống còn cuả doanh nghiệp, Vinacomin sẽ tái cấu trúc vấn đề này như thế nào trong thời gian tới?

TS Trần Xuân Hoà: Vừa qua chúng tôi cũng đã thử nghiệm xã hội hoá trong đầu tư các tuyến băng tải, đấu  thầu cho tư nhân làm thay vì để Tập đoàn làm như trước đây, đó là tuyến Mạo Khê. Quan điểm tới đây Tập đoàn sẽ xã hội hoá hết các phần phụ trợ bao gồm vận chuyển, bốc xúc. Tới đây, hai tuyến băng tải lớn với suất đầu tư trên dưới 2.000 tỷ đồng/ dây chuyền của Công  than ty Cao Sơn và Công ty Than Đèo Nai cũng sẽ được đấu thầu xã hội hoá.

Với việc cơ cấu lại như vậy, theo tính toán của chúng tôi, Tập đoàn tiết kiệm được khoảng 15%.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Theo Chinhphu.vn

.
.
.
.