Ðạm Cà Mau chung tay chăm lo an sinh xã hội
Về Ðất Mũi những ngày này chúng tôi mới cảm nhận được sự thay đổi lớn lao, trong đó có phần đóng góp quan trọng của Cụm dự án khí-điện-đạm Cà Mau mang lại. Chỉ cách đây chưa lâu, vùng đất U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau còn là vùng đất đầy gian khó và thật khó tưởng tượng nơi đây lại mọc lên một khu công nghiệp khang trang, hiện đại, bề thế; góp phần làm ngời sáng niềm tin trên quê hương đất mũi.
Giám đốc công ty Lê Mạnh Hùng trao học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi |
Tự hào về một công trình
Trải qua một thời gian dài nghiên cứu, Cụm khí-điện-đạm Cà Mau được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai tại Quyết định số 776/QÐ-TTg ngày 26-6-2001 và giao Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, nay là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam làm chủ đầu tư. Ðịa điểm được lựa chọn là xã An Khánh, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau với diện tích quy hoạch hơn 1.200 ha. Các hạng mục chính được xây dựng gồm: Công trình đường ống dẫn khí PM3; Nhà máy điện Cà Mau, Nhà máy đạm Cà Mau và hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình phụ trợ. Nói cách khác, Cụm dự án khí-điện-đạm là một tổ hợp liên hoàn, khép kín và có sự bổ trợ, tương hỗ giữa các "tiểu dự án" với nhau để sản xuất các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho đất nước và nhân dân.
Sau khi hoàn thành xây dựng Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2, ngày 26-7-2008, Nhà máy đạm Cà Mau chính thức khởi công với tổng mức đầu tư hơn 900 triệu USD; là hạng mục cuối cùng đánh dấu quá trình hoàn tất cả cụm công nghiệp, đóng góp vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng ÐBSCL và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Xác định là cụm công nghiệp có ý nghĩa chiến lược, nên ngay từ những ngày đầu thi công, nhà máy đạm đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Tập đoàn và các bộ, ngành liên quan; Ban QLDA khí-điện-đạm Cà Mau cùng tập thể CBCNV phấn đấu hoàn thành nhà máy với yêu cầu tốt nhất về chất lượng, bảo đảm tiến độ thi công và phù hợp nguồn ngân sách được phê duyệt.
Trên công trường xây dựng nhà máy, những giai đoạn cao điểm có đến hơn 10 nghìn cán bộ, chuyên gia, kỹ sư, công nhân làm việc. Tầm vóc của một công trình được thể hiện qua con số đầy ấn tượng: 10.500 bản vẽ kỹ thuật đã được các kỹ sư hoàn thành; 744 chủng loại thiết bị với khối lượng khoảng 122 nghìn tấn thiết bị đã được lắp đặt tuyệt đối an toàn; 680 nghìn m3 cát; 620 nghìn m3 bê-tông; hàng nghìn tấn sắt thép, kết cấu được lắp đặt. Số lượng cáp điều khiển và cáp điện được sử dụng với tổng chiều dài hơn 700 km; 11 nghìn cọc bê-tông cốt thép với tổng chiều dài 330 km... đã tạo nên nền móng, hình dáng bề thế của Nhà máy đạm Cà Mau. Trong quá trình sản xuất, đặc biệt là phân bón, công nghệ có vai trò quyết định tới sự thành bại của dự án. Thực tế cho thấy, một dự án, dù có bảo đảm yếu tố về tiến độ, kinh phí nhưng về dài hạn, nếu công nghệ không phù hợp sẽ làm cho sản phẩm khó có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Nhận thức rõ điều đó, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Ban QLDA tập trung công sức nghiên cứu, tìm hiểu, trao đổi, tiếp nhận tư vấn từ các nhà khoa học lựa chọn công nghệ bảo đảm tiên tiến, hiện đại và độc đáo của các hãng chế tạo Snamprogetty (I-ta-li-a); Haldor Topsoe (Ðan Mạch), và TEC (Nhật Bản). Ðây là những công nghệ hiện đại, an toàn và được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng, chiếm tỷ lệ khoảng 40% tổng số dự án có sử dụng các công nghệ này.
Trải qua 43 tháng thi công, lắp đặt thiết bị, cuối tháng 1-2012, Nhà máy đạm Cà Mau đã cho ra lò dòng sản phẩm thương mại đầu tiên và kết quả đáng mừng là đạm hạt đục do nhà máy sản xuất hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành với chất lượng cao. Sau khi làm tốt công tác "Tổng chỉ huy" về quản lý, điều hành hoàn thành xây dựng các công trình với quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, tháng 4-2012, Ban QLDA chính thức bàn giao tài sản của dự án và chuyển giao công tác sản xuất, vận hành cho Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) tiếp nhận. Trước đây, mỗi năm Nhà nước phải tốn hàng trăm triệu USD để nhập khẩu phân bón từ nước ngoài phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước, ước từ 2 đến 2,2 triệu tấn u-rê/năm, lệ thuộc vào thị trường phân bón nước ngoài, đặc biệt là khó kiểm soát giá cả; nhất là nạn nhập khẩu phân bón kém chất lượng qua đường tiểu ngạch gây ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng lúa, cây trồng của bà con nông dân. Nhà máy đạm Cà Mau với công suất 800 nghìn tấn/năm đi vào hoạt động đã góp phần đáng kể trong việc đáp ứng 40% nhu cầu u-rê của thị trường, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Sản xuất gắn với bảo đảm an sinh xã hội
Ngoài việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, PVCFC rất chú trọng tới hoạt động kinh doanh, phân phối sản phẩm: chỉ đạo các đơn vị, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai công tác bán hàng một cách hợp lý, khoa học theo hướng "xã hội hóa", phù hợp chủ trương của Tập đoàn. Với đội ngũ kinh doanh tinh gọn, PVCFC tranh thủ mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thâm nhập vào các thị trường mục tiêu ở ÐBSCL, Ðông Nam Bộ và Tây Nguyên. PVCFC không chủ trương xây dựng mới hệ thống phân phối mà tận dụng tối đa lợi thế từ hệ thống bán hàng hiện hữu, đa dạng trên thị trường, hệ thống mà tất cả các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón trong và ngoài nước đang cùng phân phối, tiêu thụ tại Việt Nam. Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ, bền vững với những mắt xích đại lý quan trọng để hợp tác phân phối nhằm đưa sản phẩm của công ty tới tay bà con nông dân một cách nhanh nhất với chi phí thấp nhất. Tại ÐBSCL, vựa lúa lớn nhất cả nước, hệ thống giao thông đường thủy thuận tiện, sản phẩm đạm hạt đục của nhà máy được bà con nông dân ưa chuộng với nhiều tính năng nổi trội, giá cả hợp lý. Vì vậy sản phẩm mang thương hiệu đạm Cà Mau được thị trường tín nhiệm và đánh giá cao.
Ngoài hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón, PVCFC luôn gắn bó và quan hệ mật thiết với nông dân; tham gia tích cực công tác an sinh xã hội, các chương trình hành động vì sự phát triển cộng đồng với tổng số tiền hàng tỷ đồng. Nhiều ngôi nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết được trao cho các gia đình thương binh, gia đình liệt sĩ; thăm hỏi, tặng quà các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; quyên góp học bổng cho các quỹ khuyến học;
HSSV có thành tích học tập xuất sắc, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống; hỗ trợ các trường lớp, cơ sở y tế đồ dùng, trang thiết bị cần thiết... Bằng những việc làm thiết thực, PVCFC đã khẳng định tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp với mong muốn cống hiến nhiều hơn góp phần chung tay chăm lo về an sinh xã hội cho cộng đồng.
Lan Anh (Theo Nhân dân)