Khoa học - Công nghệ PVN: Luôn phải đổi mới
Ngày 16/1, Hội đồng Khoa học - Công nghệ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã tổ chức kỳ họp thứ IV, nhiệm kỳ 2011 - 2013.
Đoàn chủ tịch chủ trì kỳ họp |
Tham dự kỳ họp có TSKH Phùng Đình Thực, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); TS Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn; TS Nguyễn Xuân Thắng, Thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn; các đồng chí Thành viên HĐTV PVN; Ban Tổng giám đốc PVN và hơn 50 ủy viên Hội đồng Khoa học Công nghệ (KHCN) Tập đoàn.
Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Tiến Dũng, Nguyễn Quốc Thập và Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam Phan Ngọc Trung chủ trì kỳ họp.
Thành công trong gia tăng trữ lượng
Tại phiên họp buổi sáng, Hội đồng KHCN Tập đoàn đã báo cáo tình hình tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí của Tập đoàn trong năm 2012.
Mục tiêu gia tăng trữ lượng dầu khí giai đoạn 2011 - 2015 là 35 - 40 triệu tấn quy dầu/năm. Cụ thể, 2 năm 2011 và 2012, Tập đoàn đã tiến hành khoan thăm dò 22 giếng với tỉ lệ thành công đạt 27% (5 phát hiện dầu, 1 phát hiện khí). Tập đoàn thẩm lượng 24 giếng khoan với 14 giếng cho kết quả khả quan (đạt 58%). Nếu giai đoạn 2006 - 2010, trung bình mỗi năm, Tập đoàn gia tăng trữ lượng đạt 33,44 triệu tấn quy dầu thì giai đoạn 2011 - 2012, gia tăng trữ lượng đã đạt trung bình 35,26 triệu tấn quy dầu. Đây là một tín hiệu lạc quan đánh dấu những bước tiến bộ vượt bậc trong công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí.
Gia tăng trữ lượng ở nước ngoài trong năm 2012 là 12,29 triệu tấn, chủ yếu ở mỏ Nagumanov (Nga) và lô 67 và 39 (Peru). Tổng trữ lượng ở nước ngoài khoảng 170 triệu tấn quy dầu.
Ông Phan Tiến Viễn, Trưởng ban Tìm kiếm Thăm dò Tập đoàn nhận định: Ở ngoài nước, số lượng dự án, giếng khoan thăm dò, thẩm lượng thấp hơn nhiều so với kế hoạch; tiềm năng dầu khí ngày càng trở nên hạn hẹp, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty dầu khí quốc tế; giá dịch vụ tăng cao, môi trường khắt khe về chính sách, thuế.
Từ những kết quả trên, Hội đồng KHCN Tập đoàn đề ra giải pháp thực hiện giai đoạn 2013 - 2015 là kiểm soát chặt chẽ tiến độ triển khai thực hiện các công tác tìm kiếm, thăm dò, đặc biệt là công tác khảo sát địa chấn và khoan thăm dò, thẩm lượng. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, Chính phủ trong triển khai các hoạt động ở vùng phức tạp, nhạy cảm. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu; thu hút, kêu gọi đầu tư, đa dạng hóa phương thức tiếp cận cơ hội tài sản dầu khí, ưu tiên mua; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đột phá trong công tác tìm kiếm mới ở nước ngoài.
Đẩy mạnh tìm kiếm thăm dò dầu khí, gia tăng trữ lượng, phấn đấu đạt 35 - 40 triệu tấn quy dầu/năm. Phấn đấu đến năm 2015, tổng trữ lượng dầu khí đã phát hiện có thể khai thác khoảng 1.380 - 1.510 triệu tấn quy dầu; đến năm 2025 là 1.760 - 1.950 triệu tấn quy dầu.
Ông Trần Đức Chính, Trưởng ban Quản lý hợp đồng tại nước ngoài phân tích: Tập đoàn cần tập trung phát triển mỏ nhỏ và vươn ra vùng nước sâu. Ông Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cũng cho rằng: Quy chế và quy định về tìm kiếm, thăm dò dầu khí cần được hoàn thiện trong giai đoạn 2013 - 2015.
Tìm giải pháp đột phá trong đầu tư
Trong công tác đầu tư của Tập đoàn, ông Vũ Văn Nghiêm, Trưởng ban Đầu tư Phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tập trung chỉ ra những hạn chế trong công tác đầu tư như: Công tác lập và thẩm định báo cáo đầu tư chưa chú trọng đánh giá tính khả thi của các tiêu chí đầu tư của dự án; công tác dự báo, đánh giá vĩ mô môi trường đầu tư chưa được coi trọng đúng mức.
Công tác quản lý dự án còn nhiều hạn chế. Kinh nghiệm cán bộ quản lý đầu tư, năng lực nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu; trong quá trình thực hiện phát sinh nhiều vấn đề ngoài kế hoạch.
Công tác giám sát đầu tư, xúc tiến đầu tư chưa có biện pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả; các quy định, quy chế về quản lý đầu tư chưa được triển khai nghiêm túc ở nhiều cấp.
Chưa có các biện pháp phù hợp để đánh giá trách nhiệm, năng lực cán bộ quản lý đầu tư, nhà thầu tham gia dự án; việc theo dõi thực hiện hợp đồng của nhà thầu chưa sát sao; chưa thực hiện nghiêm túc các chế tài của hợp đồng khi nhà thầu vi phạm; vai trò người đại diện phần vốn tại các đơn vị chưa được đánh giá đúng mức để điều chỉnh phù hợp.
Công tác phối hợp giữa các đơn vị trong Tập đoàn, giữa chủ đầu tư và nhà thầu còn nhiều vướng mắc.
Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh, trong công tác đầu tư có 2 vấn đề lớn mà lãnh đạo Tập đoàn đề nghị Hội đồng KHCN Tập đoàn chỉ rõ là: Có điều chỉnh kế hoạch đầu tư 5 năm tới hay không, nếu điều chỉnh thì điều chỉnh cái gì và điều chỉnh như thế nào? Và giải pháp đột phá trong đầu tư của PVN?
Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Tiến Dũng đề nghị Hội đồng Khoa học Tập đoàn sắp tới tổ chức hội thảo về 2 đề nghị này của lãnh đạo Tập đoàn.
Chung tay tiêu thụ xăng E5
Hội nghị dành trọn buổi chiều bàn thảo về nhiên liệu sinh học. Ba vấn đề lớn nhất với các Nhà máy nhiên liệu sinh học là nguồn nguyên liệu, tiêu thụ và xử lý nước thải.
Trao đổi cùng Petrotimes, TS Nguyễn Hữu Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chế biến Dầu khí (PVPro - VPI) cho hay, trên thế giới có khoảng 60 quốc gia đang sử dụng phổ biến các loại xăng sinh học E5, E10 và cũng có các chương trình bắt buộc sử dụng xăng sinh học.
“Khúc mắc lớn nhất của các nhà máy cồn sinh học, ngoài những vấn đề đang nóng như đầu vào, đầu ra, còn có thể kể ra chi phí sản xuất. Nếu 100% lượng Ethanol được phục vụ sản xuất xăng E5 thì không có gì đáng nói, còn nếu đến tháng 12/2014, những nhà phân phối xăng dầu ngoài PVN, bằng cách nào đấy không sử dụng (nhập khẩu hoặc được giãn, dừng) ethanol phối trộn thì chúng ta cũng phải tính trước cho mình. Nhưng dù có sử dụng nguồn ethanol dư thừa sản xuất hóa dầu như Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đề xuất, hay làm nhiên liệu thay thế LPG như phương án của PV Oil, hay phục vụ xăng E5, E10 thì yếu tố kinh tế cũng cần được đặt lên hàng đầu" - TS Nguyễn Hữu Lương chia sẻ.
Trong nỗ lực đa dạng hóa nguyên liệu, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) đã có những nghiên cứu về vấn đề đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, tránh việc quá phụ thuộc vào nguồn sắn lát tại chỗ.
Bài tham luận từ PV Oil cho thấy, lợi ích to lớn của sắn tươi là hàng của tư thương đổ ngay chân dây chuyền nhà máy, nguyên liệu tiêu thụ dứt điểm từng ngày và giảm nhiều chi phí về kho bãi, bảo vệ, kiểm kê. Tuy nhiên, trong phần phản biện của VPI và các Ban chuyên môn Tập đoàn, các vấn đề xử lý nước thải và chi phí vận tải (sắn tươi nặng gấp 3 lần sắn lát) là rất lớn. Trong khi đó, công nghệ dây chuyền cũng là điều cần được tính đến nghiêm túc. PV Oil cũng thừa nhận, việc đưa nhiều nhà máy cồn nhiên liệu cùng hoạt động khiến Tổng công ty gặp nhiều lúng túng trong tiêu thụ.
Theo lộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đối với loại xăng E5, từ ngày 1/12/2014, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ ngày 1/12/2015 xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc.
Đối với xăng E10, từ ngày 1/12/2016, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ 1/12/2017 xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc là xăng E10. Trong thời gian chưa thực hiện áp dụng tỷ lệ phối trộn theo Lộ trình, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, phối chế và kinh doanh xăng E5, E10 và diezen B5 và B10.
Phát biểu tại kỳ họp, Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu chia sẻ, mong muốn lớn nhất của lãnh đạo Tập đoàn là Hội đồng KHCN tập trung hơn nữa vào những vấn đề cốt lõi của ngành.
“Tôi đề nghị Hội đồng chia nhỏ từng vấn đề, từng mảng công việc một để lần lượt giải quyết từng khúc mắc theo mức độ quan trọng" - Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu nhấn mạnh.
Tổng giám đốc thừa nhận, ngành Dầu khí đang mong mỏi sự phụ giúp thiết thực hơn nữa từ Hội đồng Khoa học – Công nghệ, nơi được coi là nơi tập trung trí tuệ Dầu khí. Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu đề xuất năm 2013, nhiệm vụ của toàn ngành trước Đảng, Chính phủ và nhân dân là hết sức nặng nề, bởi vậy Hội đồng có thể xem xét tổ chức hội nghị, trao đổi chuyên đề với mật độ dày hơn, mở rộng lĩnh vực chuyên môn, đồng thời huy động tối đa lực lượng các nhà khoa học ở các đơn vị thành viên.
Chủ tịch Hội đồng, Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Quốc Thập khẳng định, trong thời gian tới Hội đồng sẽ tập trung cao hơn vào những gợi ý của Hội đồng Thành viên và lãnh đạo Tập đoàn, đồng thời tăng cường đối thoại, thông tin giữa các ủy viên với nhau, giữa Hội đồng cấp trên với Hội đồng Khoa học các đơn vị thành viên, để làm sao đưa khoa học công nghệ đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, thiết thực hơn nữa với ngành.
Bên cạnh đó, chính sách, tư duy về đầu tư, tài chính, kể cả việc giao kế hoạch, đặt hàng, khoán sản phẩm... tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức làm công tác nghiên cứu, triển khai ứng dụng KHCN, hình thành các doanh nghiệp làm KHCN phù hợp với kinh tế thị trường; đổi mới công tác quản lý, phát huy nguồn nhân lực, khuyến khích, trọng dụng người tài, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển KHCN. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ KHCN, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn, trọng điểm; tăng cường phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng hơn giữa các đơn vị liên quan.
Đức Chính - Hữu Tùng (Theo Petrotimes)