Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí lần thứ 3 liên tiếp nhận giải thưởng Thương hiệu Quốc gia
Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) là đơn vị duy nhất trong ngành Dầu khí vinh dự nhận giải thưởng năm 2012 và PTSC đã có 3 lần liên tiếp đạt giải thưởng Thương hiệu Quốc gia.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trao giải thưởng cho Tổng giám đốc PTSC Nguyễn Hùng Dũng. |
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân dự và trao giải cho các doanh nghiệp.
Được biết, PTSC là một trong 54 doanh nghiệp nhận giải thưởng Thương hiệu Quốc gia 2012, trong số này có 37 doanh nghiệp đã đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2010 và có 25 doanh nghiệp 3 lần (2008, 2010, 2012) liên tiếp đạt giải thưởng này.
Năm 2012, PTSC đã nỗ lực phấn đấu thực hiện và hoàn thành xuất sắc, vượt mức các nhiệm vụ chỉ tiêu kế hoạch. Doanh thu đạt 28.000 tỉ đồng, đạt 112% kế hoạch năm; nộp ngân sách Nhà nước 2.187 tỉ đồng.
PTSC đề ra kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm 2013 với chỉ tiêu tổng doanh thu là 26.000 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế là 790 tỉ đồng và nộp ngân sách Nhà nước 1.800 tỉ đồng. PTSC đang vươn mình trở thành thương hiệu có tầm ở khu vực và từng bước vươn ra thế giới.
Tổng giám đốc PTSC Nguyễn Hùng Dũng cho biết: Giải thưởng là sự ghi nhận đánh giá của Cộng đồng doanh nghiệp, đối tác khách hàng đối với PTSC. Từ đây, PTSC sẽ có nhiều giải pháp đổi mới về công nghệ, hệ thống quản lý để đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chúc mừng các doanh nghiệp đã đạt danh hiệu Thương hiệu Quốc gia năm 2012 và đánh giá cao các doanh nghiệp đã giữ, duy trì thương hiệu, thị trường trong điều kiện kinh tế 2012 rất khó khăn.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương tập thể người lao động, lãnh đạo các doanh nghiệp đã đạt được danh hiệu này. Năm 2013 sẽ đầy thách thức và cùng với những giải pháp, mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra như tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục cải cách và giải quyết nợ xấu của các ngân hàng, tiếp tục hạ lãi suất... thì Chính phủ mong muốn các doanh nghiệp nỗ lực hơn nữa về nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, phải chiếm lĩnh thị trường trong nước. Và đặc biệt cùng với cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các doanh nghiệp phải nâng cao uy tín chất lượng sản phẩm và chứng minh tới người tiêu dùng sự tồn tại của doanh nghiệp. Phải lấy được lòng tin của người tiêu dùng thì doanh nghiệp mới tồn tại.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho rằng không có khoa học công nghệ thì doanh nghiệp sẽ không có thương hiệu, Chính phủ mong các doanh nghiệp tập trung nâng cao trình độ về khoa học công nghệ. Không có ngành nào là ngành công nghệ thấp mà chỉ có doanh nghiệp có công nghệ thấp, chính vì vậy mỗi ngành mỗi doanh nghiệp đều có cơ hội ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ. Chính phủ và các Bộ, ngành tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp và coi việc phát triển thương hiệu doanh nghiệp là trách nhiệm của Chính phủ và các Bộ, ngành, bởi đó là thương hiệu của cả đất nước, dân tộc.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Ngày 25/11/2003, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Thương mại, nay là Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai chương tình Thương hiệu Quốc gia Vietnam Value).
Chương trình nhằm mục đích: xây dựng và quảng bá hình ảnh Việt Nam là quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ đa dạng phong phú với chất lượng cao; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế; tăng cường nhận biết đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước với các sản phẩm Việt Nam; tăng thêm uy tín, niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần khuyến khích du lịch và đầu tư nước ngoài.
Trong thời gian vừa qua, Hội đồng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam gồm thành viên là lãnh đạo các bộ, các ngành đã tích cực chỉ đạo Ban thư ký của Hội đồng Thương hiệu Quốc gia tập trung triển khai mọi hoạt động để đạt được các mục tiêu: giúp các doanh nghiệp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong việc xây dựng và quảng bá, bảo vệ thương hiệu sản phẩm.
Khoảng 2500 doanh nghiệp tiêu biểu trên toàn quốc đã trực tiếp đăng ký tham gia chương trình. Sau khi tiến hành sàng lọc các hồ sơ đăng ký, ban thư ký đã kiểm tra doanh nghiệp thông qua các cơ quan chức năng như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Đo lường Chất lượng, Tổng cục Môi trường...
Trong số 54 doanh nghiệp được vinh danh chủ yếu thuộc lĩnh vực dệt may - da giày; điện - điện tử - công nghệ thông tin - viễn thông; đồ gỗ - gốm sứ - thủ công mỹ nghệ; nhựa - cao su - hóa chất; thực phẩm - đồ uống, dịch vụ kỹ thuật...
(Theo Petrotimes)