Lò giếng đứng - kỳ vọng của ngành than
Lần đầu tiên các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) tự thiết kế và thi công đào lò giếng đứng mỏ hầm lò Núi Béo. Đây là dự án có quy mô lớn, trọng điểm của ngành than, tổng mức đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng, được ngành than kỳ vọng là tiền đề xây dựng hàng loạt các mỏ hầm lò giếng đứng trong thời gian tới.
Chuyên gia Ukraina và các kỹ sư, công nhân Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 1 lắp đặt tháp giếng đứng mỏ Núi Béo |
Đầu tư, ứng dụng công nghệ mới
Dự án mỏ Núi Béo được chính thức khởi công ngày 3-2-2012, công suất thiết kế hai triệu tấn than nguyên khai/năm, khai thông mở vỉa bằng cặp giếng đứng xuống đến mức âm 410 m, chủ yếu áp dụng cơ giới hóa trong khai thác.
Viện Khoa học Công nghệ Mỏ được Vinacomin giao làm tổng thầu tư vấn thiết kế, Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 1 (Vinacomin) làm tổng thầu thi công.
Phó giám đốc Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 1 Lê Trung Toán cho biết: Chỉ một tháng sau khi khởi công, đơn vị đã đổ mẻ bê-tông đầu tiên bằng thiết bị phun vữa tạo thành giếng, hiện tại đã hoàn thành công đoạn đầu tiên đào hai giếng đứng sâu 57 m. Ngày 2-5 vừa qua, sau quá trình chuyển giao công nghệ, thiết bị, công ty đã khoan nổ mìn lắp đặt cốt-pha, và ngày 10-5 tiếp tục triển khai đào lò đứng, đào đến đâu sẽ đổ bê-tông đến đó, phấn đấu hoàn thành 625 m trong năm nay.
Thời điểm hiện tại, công ty đã lắp đặt xong hai tháp, mỗi tháp nặng khoảng 170 tấn, cao 22 m. Mỗi giếng sử dụng 22 tời để thả sàn công tác (pu-li) diện tích 8x8 m, nặng 23 tấn. Việc lắp đặt tời hết sức phức tạp, sai số bốn góc với nhau chỉ được phép một nửa mm. Để đưa sàn pu-li lên đỉnh tháp, các kỹ sư, công nhân của công ty đã sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, lắp đặt luôn dưới mặt đất, đưa lên bằng cẩu 220 tấn, bảo đảm độ chính xác tuyệt đối, được các chuyên gia Ukraina đánh giá rất cao. Thời điểm khó khăn nhất đã qua, công việc hiện tại rất trôi chảy - Ông Toán cho biết thêm.
Tỏ vẻ thán phục, chuyên gia Vladimia Valodia người Ukraina cho biết: Các kỹ sư, công nhân Việt Nam thông minh lắm, tuy kỹ thuật đào lò giếng đứng còn mới mẻ nhưng nhiều người nắm bắt kỹ thuật rất nhanh. Điều cản trở lớn nhất là hai bên bất đồng ngôn ngữ, các ý tưởng đều phải nhờ phiên dịch cho nên đôi lúc không hiểu nhau.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ, các công đoạn sản xuất của mỏ Núi Béo sẽ được cơ giới hóa đến mức cao nhất, sử dụng giàn chống Vinaalta và máy khấu, giá khung di động, cột thủy lực đơn, máy đào lò com-bai, xe khoan tam-rốc; vận tải than liên tục bằng băng tải, máng cào,…
Với dự án này, ngành than kỳ vọng sẽ là tiền đề nâng cao trình độ quản lý của cán bộ, công nghệ chế tạo thiết bị của các đơn vị cơ khí và nâng cao tay nghề công nhân đào lò, từ đó làm cơ sở cho việc sau này tự triển khai các dự án than hầm lò trọng điểm khác.
Đây là dự án trọng điểm của Tập đoàn, giao cho Công ty CP Than Núi Béo làm chủ đầu tư, là dự án hầm lò khai thông bằng giếng đứng đầu tiên do Vinacomin tự tổ chức thiết kế và thi công.
“Mở lối” cho các mỏ hầm lò
Công ty CP than Núi Béo đang khai thác lộ thiên tại khu vực thuộc phường Hà Tu, TP Hạ Long (Quảng Ninh), sản lượng lên đến gần sáu triệu tấn/năm, ở mức cao nhất Tập đoàn.
Theo quy hoạch ngành than đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sau năm 2015, sẽ dừng khai thác lộ thiên ở Núi Béo và chuyển sang khai thác hầm lò. Do vậy, để duy trì sản lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, việc xây mới mỏ hầm lò Núi Béo là nhiệm vụ quan trọng được lãnh đạo Vinacomin đặc biệt quan tâm, đẩy nhanh tiến độ để kịp gối đầu, duy trì sản lượng của công ty trong những năm tới.
Tiếp xúc với một số công nhân, cán bộ kỹ thuật của Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 1, chúng tôi thấy họ rất tự tin với nhiệm vụ mới mẻ này. Với việc chuẩn bị khá kỹ càng, bài bản, những phần việc khó khăn nhất đã qua, họ tin rằng “đầu xuôi, đuôi lọt”, việc hoàn thành hơn 600 m lò trong năm nay sẽ vượt qua dễ dàng. Thậm chí, nếu áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật, đào giếng đứng có thể nhanh tiếp cận xuống sâu hơn.
Theo chủ trương, ngành than sẽ chuyển hướng từ tăng trưởng nóng sang tăng trưởng xanh, phát triển theo chiều sâu, các mỏ lộ thiên vùng Quảng Ninh sẽ chuyển sang khai thác hầm lò. Ðể duy trì sản xuất và phát triển theo hướng hiện đại, các đơn vị trong Tập đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng công nghệ mới trong khai thác tại những khu vực có điều kiện phù hợp.
Trang Ly (Theo Nhân Dân)