Truyền thông thay đổi cách nhìn của xã hội với ngành dệt may
Niềm vui của những người gắn bó và tâm huyết với ngành dệt may không chỉ ở số lượng công nhân dệt may gia tăng theo mỗi năm, cũng không dừng ở lượng hồ sơ xin tuyển dụng vào ngành cao chất ngất, ở chỉ số tăng trưởng của ngành, mà còn ở sự thay đổi diện mạo kinh tế địa phương nơi có doanh nghiệp dệt may trú đóng. Và hơn hết thảy, dệt may không chỉ là nền tảng cho nền kinh tế quốc gia phát triển bền vững, mà còn là ngành kiến tạo một nét đặc thù văn hóa nghề nghiệp sâu sắc.
Lan tỏa nét văn hóa dệt may
Đơn cử, khi May 10 về tới Thái Bình, vùng quê lúa bao năm nay duy trì thói quen làm việc rề rà, không chú ý đến tác phong chuyên nghiệp và hiệu quả của người nông dân, đã làm nên thay đổi khá ấn tượng. Hình ảnh các cô gái làng, trước kia vào ngày nông nhàn, thường ngủ dậy muộn, rồi túm năm tụm ba “buôn dưa lê” giết thì giờ, thì nay trở thành những cô công nhân với tác phong công nghiệp, ngày nào cũng dậy sớm, thu xếp nhà cửa gọn gàng, vệ sinh, đi làm việc đúng giờ, biết cách tổ chức cuộc sống văn minh hơn, hiệu quả hơn. Như vậy, dệt may khi đi về các vùng nông thôn, đã không chỉ thay đổi hành vi của con người nơi đây, mà còn thay đổi cơ bản về ý thức, hình thành thói quen tốt, với văn hóa ứng xử là làm việc hết mình, chia sẻ khó khăn, đoàn kết, gắn bó, tình cảm, sẵn sàng gánh vác những việc khó, dám chấp nhận thách thức để vượt qua, thay đổi diện mạo kinh tế quê hương mình.
Và không chỉ có May 10 trong Tập đoàn Dệt May Việt
Ông Trần Quang Nghị - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam nhận xét, trong thời gian gần đây, nhờ sự đổi mới và nỗ lực hơn trong công tác thông tin truyền thông của Tập đoàn Dệt May Việt Nam mà cải thiện được toàn diện cách nhìn của xã hội đối với ngành dệt may. Đặc biệt là các vị Lãnh đạo Chính phủ cũng đã nhìn nhận, dệt may là ngành không cần sử dụng nguồn tài nguyên tiêu hao của đất nước như một số ngành khác, cũng không có lợi thế về vốn, nhưng với sự nỗ lực bền bỉ, và bàn tay, khối óc của mình, đã trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định vị trí quan trọng, đóng góp an sinh xã hội, với tiềm năng phát triển ổn định, bền vững, có thể phát triển cơ bản kinh tế vùng sâu, vùng xa, sức lan tỏa rộng khắp. Thu nhập người lao động, cũng như thời gian làm việc và môi trường làm việc được cải thiện nhiều. Dệt May chính là ngành đóng góp lớn trong việc cải thiện tình hình kinh tế quốc gia, kể cả trong thời kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng.
Truyền thông-một trong những giải pháp tăng giá trị gia tăng cho Tập đoàn
Sự nhìn nhận của xã hội về hình ảnh ngành dệt may đổi khác, nên đã có hiệu quả trông thấy ở việc tuyển dụng lao động. Nếu như trước kia, các doanh nghiệp dệt may thường vất vả cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trong việc tuyển lao động, và người lao động thường xếp công việc nghề dệt may cuối cùng trong lựa chọn việc làm của họ, thì nay các doanh nghiệp dệt may đã có nhiều cơ hội lựa chọn người lao động hơn. Với các dự án đầu tư mới của ngành, thì trung bình cần tuyển 500 lao động sẽ có tới 2500 hồ sơ đăng ký tuyển dụng.
Người lao động cũng nhìn thấy một điều quan trọng là, ngành dệt may còn dư địa phát triển tốt trong 3 đến 5 thập kỷ nữa, thu nhập cũng rất khá, đảm bảo được cho cuộc sống vậy nên họ đã yên tâm lựa chọn nghề này và gắn bó lâu dài. Ngay cả những lao động bậc cao như các kỹ sư dệt may đã được phần nhiều giới trẻ ưu tú quan tâm, và các trường Đại học, cao đẳng ngành dệt may đã liên tục phát triển số lượng tuyển sinh trong vòng 5 năm trở lại đây.
Một trong những giải pháp thông minh để truyền thông cho ngành dệt may được hiệu quả cao hơn, đó là việc sử dụng tối đa những công cụ truyền thông đa dạng, hiện đại, với đội ngũ làm công tác truyền thông ngày một chuyên nghiệp, năng động hơn, trong thời gian tới đây, khi cải thiện được khâu hợp tác, liên kết truyền thông giữa các đơn vị truyền thông của Bộ Công Thương, với Ban Thông tin - truyền thông của Tập đoàn Dệt May Việt Nam thì hiệu quả công tác truyền thông cho Tập đoàn và toàn ngành dệt may sẽ được nâng cao hơn.
Một sự kiện đáng mừng diễn ra đầu tháng 6/2013, khi Bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương – đã có ý kiến chỉ đạo sát sao và kịp thời ngay sau buổi làm việc giữa các đơn vị thông tin tuyên truyền của Bộ Công Thương với lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam về công tác thông tin tuyên truyền, theo đó 5 đơn vị báo chí, tuyên truyền thuộc Bộ Công Thương sẽ làm việc với Ban Thông tin-Truyền thông của Vinatex để thống nhất một lịch trình làm việc cụ thể về các vấn đề cần truyền thông với mục tiêu nâng cao hơn nữa hình ảnh của Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Về cách làm nên thực hiện theo chuỗi đồng loạt và chuỗi điểm các bài viết trên nhiều ấn phẩm báo chí sẽ tạo hiệu ứng cao hơn nhằm thay đổi toàn diện nhận thức của các Ban, Ngành, đối tác, của xã hội và người tiêu dùng về hình ảnh Tập đoàn.
Thay đổi cách thức truyền thông - đó cũng là một giải pháp tạo giá trị gia tăng cho Tập đoàn cũng như ngành Dệt May Việt Nam trong tiến trình bứt phá, hội nhập sâu và vững thị trường quốc tế để cải thiện vị trí của Dệt May Việt Nam trong bản đồ dệt may thế giới.
BH