Ngành than cần quan tâm đầu tư toàn diện để chuyển đổi căn bản
Ngành than đang đứng trước giai đoạn chuyển đổi mang tính căn bản, liên quan trực tiếp đến giá bán và chất lượng của than xuất khẩu. Vì vậy nhiệm vụ tái cơ cấu sản xuất, công nghệ, tư duy, nhận thức phải được quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, công nhân ngành than |
Tiếp theo chương trình công tác tại Quảng Ninh, chiều 23/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm công nhân đang trực tiếp khai thác than tại mỏ than Núi Béo-Hòn Gai và làm việc với cán bộ chủ chốt của Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Cùng làm việc với TKV có Nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt và lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh.
Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc TKV, cho biết toàn Tập đoàn hiện có 125.260 CBCNVC, trong đó 91.439 người sản xuất than, chiếm 73%, thợ hầm lò 36.744 người chiếm 37%; tỷ lệ lao động gián tiếp đã giảm nhưng vẫn còn cao so với yêu cầu.
An toàn lao động, an toàn về môi trường ngày càng đòi hỏi cấp bách, nhất là khai thác xuống sâu từ -300 đến -500 mét. Tiến độ đầu tư các dự án chậm, đặc biệt các dự án mỏ (nguyên nhân chủ yếu do cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư, cấp phép, nguồn vốn cho đầu tư phát triển còn hạn chế).
Người đứng đầu Tập đoàn TKV cho biết trong năm 2013 vẫn còn nhiều sự cố, tai nạn lao động, mặc dù TKV đã có nhiều giải pháp quyết liệt, tích cực. Năng suất lao động tuy đã tăng nhiều so với trước khi thành lập Tổng Công ty than Việt Nam (sản lượng tăng 7 lần trong khi lao động chỉ tăng 1,7 lần) nhưng so với các nước phát triển thì vẫn còn hạn chế. Tình trạng khai thác, vận chuyển, kinh doanh than trái phép tuy có giảm hơn so với cùng kỳ 2013, song vẫn còn tiểm ẩn khả năng tái phát.
Vấn đề lớn nổi lên của toàn ngành than hiện nay là sức thu hút lao động của ngành mỏ ngày càng thấp so với các ngành khác, nguồn nhân lực trực tiếp sản xuất, nhất là thợ lò, không ổn định và ngày càng khó khăn, thợ lò bỏ việc khá nhiều, năm sau cao hơn năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, tiền lương và các chế độ còn hạn chế cho dù TKV đã dành nhiều quan tâm, hỗ trợ như tăng lương, đào tạo, ăn cơm tự chọn đảm bảo dinh dưỡng tại hầm mỏ, giặt là quần áo, đưa đón công nhân bằng xe ô tô điều hòa nhiệt độ…
Đánh giá cao nỗ lực của tập thể 120.000 CBCNV ngành than, khoáng, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh ngành công nghiệp năng lượng của nước ta có vai trò rất quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa đất nước.
“Ngành than đang đứng trước giai đoạn chuyển đổi mang tính căn bản, liên quan trực tiếp đến giá bán và chất lượng của than xuất khẩu. Vì vậy nhiệm vụ tái cơ cấu sản xuất, công nghệ, tư duy, nhận thức phải được quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân lưu ý.
Chủ tịch MTTQ Việt Nam đề nghị TKV tổ chức rà soát, đánh giá và xây dựng Đề án đảm bảo nhân lực cho ngành than tầm nhìn đến 2030. Đồng thời nghiên cứu sâu sắc về giảm chi phí sản xuất, trên cơ sở tái cơ cấu đội ngũ lao động rất lớn của Tập đoàn hiện nay.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, trên cơ sở chức năng giám sát của MTTQ, những khó khăn của TKV trong quá trình sản xuất sẽ được MTTQ Việt Nam xem xét và kiến nghị đến Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Sau 7 tháng đầu năm 2014, doanh thu toàn Tập đoàn TKV ước đạt 60.300 tỷ đồng, đạt 57% kế hoạch năm và bằng 113% so với cùng kỳ 2013 (doanh thu tại Quảng Ninh đạt 45.225 tỷ đồng), trong đó: Doanh thu than 31.153 tỷ đồng, đạt 59% kế hoạch năm, bằng 106% so với cùng kỳ; sản xuất, tiêu thụ khoáng sản: 3.500 tỷ đồng, đạt 52,3 % kế hoạch năm và bằng 164,3% so với cùng kỳ; sản xuất, tiêu thụ điện: 7.131 tỷ đồng, đạt 69% kế hoạch năm và bằng 125% so với cùng kỳ; sản xuất cơ khí: 1.699 tỷ đồng, bằng 58% kế hoạch năm và bằng 109% so với cùng kỳ; sản xuất, cung ứng Vật liệu nổ công nghiệp: 2.062 tỷ đồng, đạt 59,7% kế hoạch năm và bằng 97 % so với cùng kỳ. |
Từ Lương (Theo Chinhphu.vn)