.
.

Dệt may Việt Nam hướng tới phương thức sản xuất hiện đại

Thứ Ba, 28/10/2014|10:18

Để doanh nghiệp dệt may tận dụng hiệu quả cao nhất từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Việt Nam tiếp tục giữ vị trí là cường quốc dệt may, theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ngành dệt may cần phải vượt qua thách thức về năng suất lao động.

Cùng với đó, ngành dệt may Việt Nam cần hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ thiết kế-nguyên phụ liệu-may-phân phối và có sự liên kết hữu cơ giữa các khâu từ gia tăng năng lực cạnh tranh đến xây dựng chiến lược phát triển bền vững.

Nhiều tín hiệu vui

Ông Lê Tiến Trường nhận định với cơ sở nhiều năm làm hàng gia công, doanh nghiệp đã tích lũy được kinh nghiệm trong sản xuất, quản lý, xây dựng được đội ngũ lao động có chất lượng đáp ứng được đơn hàng khó, tạo nền tảng tốt cho các doanh nghiệp chuyển sang sản xuất hàng FOB (cung ứng thêm nguyên liệu), ODM (từ thiết kế gốc phát triển thành sản phẩm).

Tuy nhiên, tiến tới các phương thức sản xuất cao hơn nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm là xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm Việt Nam sắp ký hàng loạt các hiệp định thương mại. Do vậy, các doanh nghiệp cần lượng sức và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn nhân lực.

Với các doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu cần lưu ý nghiên cứu thị trường, sản xuất theo nhu cầu.

Thống kê của Bộ Công Thương, tính đến hết tháng Chín, ngành dệt may Việt Nam đã xuất khẩu được khoảng 18 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái , trong khi đó chỉ nhập khẩu 11 tỷ USD nguyên phụ liệu, như vậy ngành đã xuất siêu 6,2 tỷ USD.

Riêng Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chín tháng qua kim ngạch xuất khẩu đạt 2,36 tỷ USD, tăng trưởng 16%, tăng 19% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do giá nguyên phụ liệu thấp, khiến giá đơn hàng bị kéo xuống và tăng trưởng xuất khẩu từ đầu năm tới nay chủ yếu là tăng về lượng.

Mặc dù đã đi hết 3/4 chặng đường nhưng ngành dệt may đã giữ được mức tăng trưởng mạnh mẽ trên các thị trường truyền thống. Cụ thể, thị trường Mỹ tăng khoảng 15%; EU tăng 19%; Nhật Bản tăng 14%; Hàn Quôc tăng 32%. Do đó, có thể khẳng định rằng khả năng ngành dệt may Việt Nam về đích từ 24,5-25 tỷ USD giá trị.

So với chỉ tiêu đã đăng ký với Chính phủ, ngành dệt may Việt Nam sẽ vượt kế hoạch từ 0,5-1 tỷ USD, tăng trưởng 15-16%. Đặc biệt, dù chưa sang năm mới nhưng nhiều dấu hiệu khả quan cho thấy lượng đơn hàng trong quý 1/2015 sẽ về nhiều hơn nữa.

Tuy nhiên, theo bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) dù có kim ngạch xuất khẩu cao nhưng giá trị gia tăng của ngành vẫn khá khiêm tốn.

Nguyên do là ngành phải nhập quá nhiều nguyên phụ liệu cho sản xuất khi chỉ chủ động được 1% nhu cầu bông, 20,2% nhu cầu vải. Riêng với nguyên liệu sợi, ngành dệt may có năng lực sản xuất 6 triệu cọc sợi mỗi năm nhưng do chất lượng không đạt yêu cầu nên chỉ 30% sản lượng sợi được sử dụng cho sản xuất.

Cùng với đó, ngành dệt may Việt Nam cũng tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu một cách bị động, sản xuất gia công là chủ yếu, thiếu đội ngũ thiết kế mẫu mã sản phẩm. Bản thân các doanh nghiệp sản xuất hàng gia công cũng rất thụ động trong việc tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường.

Có thể thấy, ngành dệt may Việt Nam đang tồn tại một khoảng cách lớn giữa giá trị xuất khẩu và giá trị gia tăng. Dưới áp lực của các hiệp định thương mại sắp được ký kết, ngành đang nỗ lực tìm mọi cách phát triển nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước, thay đổi phương thức sản xuất. Đây cũng chính là giải pháp nâng cao chất lượng cho sản phẩm dệt may xuất khẩu.

Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp ngành dệt may cũng đang nỗ lực đổi mới phương thức sản xuất, hướng dần tới những phương thức sản xuất hiện đại hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn.

Phát triển đồng bộ hạ tầng

Nhận định về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng xu hướng phát triển dệt may trên thế giới là phát triển chuỗi cung ứng trọn gói, giao dịch thương mại điện tử. Đây chính là một thách thức buộc ngành Dệt May Việt Nam phải có sự thay đổi trong thời gian tới. Do đó, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may đã được Bộ Công Thương phê duyệt tháng 4/2014 tại Quyết định số 3218/QĐ-BCT đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, mục tiêu tổng quát là xây dựng ngành công nghiệp Dệt may trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, hướng về xuất khẩu và có khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng cao; tạo nhiều việc làm xã hội; nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập vững chắc vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Cũng theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, nhiều năm qua ngành dệt may không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và các chính sách ưu đãi, mở rộng hợp tác, thu hút nguồn vốn đầu tư và chuyển dịch sản xuất từ các nước và vùng lãnh thổ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong.

Ngoài ra, việc tiếp cận thị trường sâu rộng hơn khi các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang đàm phán được ký kết, như Hiệp định TPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, Hiệp định thương mại tư do với Liên minh hải quan Nga-Belarut-Kazakhstan là cơ hội rất lớn đối với ngành dệt may Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty may Hưng Yên chia sẻ trong bảy năm trở lại đây, việc đầu tư mở rộng của các doanh nghiệp dệt may đã được chuyển về các địa phương ở cấp thị xã, cấp huyện.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trong thời gian tới để đảm bảo cân đối nguồn lực lao động, nguồn lực sản xuất ở các địa phương đòi hỏi cần sự hỗ trợ, phát triển nhân lực, chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm chủ lực, đặc biệt trong hạ tầng nhằm đáp ứng được sự kết nối giữa các trung tâm sản xuất với nhau.

Để thực hiện được sản xuất theo phương thức ODM thì cả hệ thống may mặc, dệt nhuộm, phụ liệu sẽ theo đó để cùng phát triển tốt. Tuy nhiên, ngành dệt may đang yếu ở ba khâu phát triển sản phẩm, marketing và liên kết chuỗi. Do đó, muốn làm được ODM thì phải phát triển đồng bộ cả ba khâu trên, đặc biệt là khâu marketing định hướng sản phẩm cho thị trường.

Không những thế, muốn thực hiện được thì ban đầu phải xác lập sản phẩm mục tiêu của mình, từ doanh nghiệp may, tiếp đó phát triển tới nền tảng nguyên phụ liệu. Bởi khách hàng hiện đang có xu thế hướng tới sản phẩm trọn gói.

Chính vì vậy, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng nếu doanh nghiệp phải nắm vững lịch phát triển sản phẩm cung ứng cho khách hàng, chịu trách nhiệm đến cùng cho sản phẩm tới các kho hàng. Ngành Dệt may Việt Nam đang đặt ra mục tiêu là trở thành nhà cung ứng chiến lược cho khách hàng.

Theo ông Lê Tiến Trường, tới đây Vinatex sẽ rà soát, cải tạo tổng lực để đáp ứng mục tiêu sản xuất không chỉ thị trường nội địa mà còn khai thác xuất khẩu. Vinatex nhất định sẽ thực hiện sản xuất hàng theo phương thức ODM. Đây là một thị trường tiềm năng mà chúng ta có thể tự hoạch định được với liên kết chuỗi từ dệt-nhuộm sang may. Đó là con đường mà Vinatex phải quyết liệt đi càng sớm càng tốt, để cải thiện chỉ số hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Trước tiên, Vinatex sẽ xây dựng hệ thống may mẫu, bên cạnh việc làm gia công sẽ kết hợp làm dẫn ODM, tạo liên kết chuỗi nhuộm-dệt-may. Đó là chiến lược lớn mà Vinatex theo đuổi.

Cùng với đó, trong chiến lược lớn cần có những chiến lược nhỏ (để tăng giá trị gia tăng cho hai loại sản phẩm truyền thống đã có thị trường và làm quen là vải kaki và vải dệt kim) mà Tập đoàn có thể thực hiện dứt điểm nhanh để lấy ngắn nuôi dài.

Uyên Hương (Theo TTXVN)

.
.
.
.