.
.

EVN phản hồi về tác động của việc điều chỉnh tỷ giá và tăng giá điện

Thứ Sáu, 18/09/2015|16:28

Chiều 15/9, Tập đoàn Điện lực Việt nam (EVN) đã chính thức có thông tin phản hồi về những tác động của việc điều chỉnh tỷ giá đến hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN cũng như những thông tin về việc hạch toán lại các chi phí tăng thêm vào giá điện, vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Chịu tác động của việc điều chỉnh tỷ giá

Vừa qua, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá, các đơn vị có liên quan đến kinh doanh ngoại tệ, hoặc vay vốn ngoại tệ đều chịu ảnh hưởng, có doanh nghiệp thì ảnh hưởng theo chiều hướng tốt lên như doanh nghiệp xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn, ngược lại, với các đơn vị nhập khẩu chi phí sẽ tăng lên. Theo ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN, những doanh nghiệp như EVN vay vốn bằng ngoại tệ, việc chênh lệch tỷ giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành và chi phí đầu tư.

Tính sơ bộ, từ đầu năm 2015 đến nay thì các khoản nợ ngắn hạn (các khoản phải trả nợ ngay) của EVN là khoảng 240 tỷ đồng.

Chênh lệch thứ hai tác động trực tiếp đến chi phí của EVN là giá khí, hiện đang tính bằng USD, vì vậy, khi tỷ giá tăng thì chi phí mua điện của các nhà máy chạy khí sẽ tăng, ước tính chi phí tăng lên trong năm 2015 do chênh lệch tỷ giá dẫn đến việc giá mua điện của các nhà máy tăng là khoảng 1.800 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng các khoản phải hạch toán ngay trong năm 2015 này là 2.000 tỷ đồng, Phó Tổng Giám đốc EVN lý giải.

"Ngoài ra, chênh lệch tỷ giá do các khoản vay dài hạn của EVN tăng thêm do điều chỉnh tỷ giá vừa qua theo chúng tôi tính toán đến cuối năm 2015 là khoảng 10.000 tỷ đồng. Đối với khoản chênh lệch tỷ giá 10.000 tỷ này không phải hạch toán ngay vào trong giá thành”, ông Trí nhấn mạnh.

Từ nay đến cuối năm không xin điều chỉnh giá điện

Về các biện pháp xử lý đối với  khoản chênh lệch tỷ giá, ông Đinh Quang Tri cho biết: trong thời gian tới, trước hết đối với khoản chênh lệch tỷ giá 2.000 tỷ đồng phải đưa ngay vào chi phí sản xuất, EVN sẽ chỉ đạo các tổng công ty trực thuộc tiết kiệm chi phí và tăng lợi nhuận bằng cách tăng sản lượng các nhà máy điện, đặc biệt là các nhà máy thủy điện có giá thành thấp, yêu cầu các nhà máy phát tăng sản lượng, huy động tối đa công suất để tăng lợi nhuận để bù vào.

Đối với khoản chênh lệch tỷ giá 10.000 tỷ đồng, có khoản trả trong vòng 20 năm, hoặc có những khoản vay ODA trả trong vòng 30 năm, 10 năm ân hạn thì EVN sẽ xin phép Chính phủ sẽ phân bổ dần chứ không đưa ngay vào giá thành điện. Như vậy, trong năm 2015 việc xử lý tài chính của EVN sẽ không có vấn đề gì lớn, vẫn bảo đảm sản xuất kinh doanh được. Chênh lệch giá sẽ được giải quyết bằng các giải pháp tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận từ các nhà máy có giá thành sản xuất thấp.

Trước thông tin vừa qua có một số báo đưa tin EVN đang muốn tăng giá điện, EVN khẳng định không phải vì điều chỉnh tỷ giá mà EVN xin điều chỉnh giá điện và từ nay đến cuối năm sẽ không xin điều chỉnh giá điện.

Cũng theo ông Đinh Quang Tri, hiện nay các doanh nghiệp khác trong nên kinh tế cũng đang gặp khó khăn, nếu EVN xin điều chỉnh giá điện thì lại càng khó khăn hơn nữa. EVN thấy cần có trách nhiệm phải giữ ổn định từ nay đến cuối năm. Sang năm, EVN vẫn phải tính toán tiếp để giữ mức ổn định càng lâu càng tốt.

Toàn Thắng (Theo Chinhphu.vn)

.
.
.
.