Ngành than: Chú trọng hơn công tác hoàn nguyên và xử lý bãi thải
Sau đợt mưa lũ kéo dài kỷ lục tại Quảng Ninh, ngành than ước tính thiệt hại trên 1.000 tỉ đồng. Vấn đề đặt ra là công tác xử lý môi trường sau hàng loạt sự cố và công tác hoàn nguyên đang được ngành than thực hiện như thế nào? Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) |
PV: Đợt mưa lũ vừa qua đã khiến ngành than bị thiệt hại nặng nề. Nhiều chuyên gia cho rằng ngoài nguyên nhân biến đổi khí hậu, thiệt hại lần này phần lớn là do công tác quy hoạch, hoàn nguyên sau khai thác của ta còn yếu kém. Ông nhận xét thế nào về đánh giá này?
Ông Vũ Anh Tuấn: Đợt mưa lớn kéo dài kỷ lục trong vòng 50 năm qua trên địa bàn Quảng Ninh đã làm quá tải hệ thống thoát nước, hồ lắng, đê đập chắn đất đá, gây bồi lấp suối thoát nước, mặt bằng sản xuất, khu dân cư.
Đây là thiên tai bất thường, không được dự báo trước và vượt ra khỏi các tính toán trước đây, gây thiệt hại và ảnh hưởng lớn không chỉ trong các khu vực có hoạt động khai thác mỏ của Tập đoàn mà còn cho cả các khu vực khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Tôi khẳng định việc khai thác than, đổ thải đất đá đã tuân thủ theo đúng quy hoạch, giấy phép khai thác, thiết kế mỏ, những thiệt hại vừa qua chủ yếu là do thiên tai bất thường, biến đổi khí hậu không thể dự báo trước được.
Hiện, Tập đoàn đang chỉ đạo xác định lại độ ổn định, thông số bãi thải, trình tự đổ thải và các giải pháp thoát nước theo điều kiện mưa lớn như vừa qua, trên cơ sở đó điều chỉnh quy hoạch, thiết kế các bãi thải cho phù hợp.
PV: Công tác hoàn nguyên của ngành than trong những năm qua được triển khai ra sao thưa ông?
Ông Vũ Anh Tuấn: Công tác hoàn nguyên, hay nói chính xác hơn là công tác cải tạo, phục hồi môi trường các bãi thải đã được Tập đoàn triển khai từ năm 2005 đến nay. Chúng tôi đã hợp tác với nhiều đối tác nước ngoài như Hiệp hội Nghiên cứu mỏ và môi trường Đức (RAME), Tổng công ty Phục hồi môi trường mỏ Hàn Quốc (MIRECO), Tổng công ty Dầu khí và kim loại quốc gia Nhật Bản (JOGMEC) để nghiên cứu, áp dụng thử nghiệm các công nghệ của bạn, trên cơ sở đó xác định công nghệ phù hợp với điều kiện nước ta.
Với công nghệ đã lựa chọn, Tập đoàn đã cải tạo, phục hồi môi trường được gần 800 ha bãi thải với tổng số kinh phí trên 500 tỉ đồng. Một số bãi thải hiện nay đã ổn định, cây phát triển phủ xanh kín như rừng. Trong đợt mưa lũ vừa qua, các bãi thải đã được cải tạo, phục hồi môi trường ổn định, an toàn.
Tuy nhiên, việc cải tạo môi trường chỉ có thể thực hiện đối với những bãi thải đã kết thúc đổ thải, đạt giới hạn thiết kế và phụ thuộc vào tiến độ khai thực hiện.
Trong thời gian tới, để tăng cường công tác cải tạo, phục hồi môi trường nhằm hạn chế ảnh hưởng của bãi thải tới môi trường và dân cư, chúng tôi sẽ chỉ đạo các đơn vị tập trung đổ thải gọn từng khu vực, từng tầng, trong đó ưu tiên những khu vực gần dân cư, nhìn được từ Quốc lộ 18A.
Với các bãi thải còn đang đổ thải, chưa kết thúc, chưa cải tạo, phục hồi môi trường được, TKV chỉ đạo các đơn vị thực hiện đổ thải tầng thấp hơn 30 m (quy chuẩn cho phép là thấp hơn 50 m), gia cố các đai thoát nước, tăng cường hệ thống đê đập chắn đất đá theo điều kiện mưa bão lớn để giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường và dân cư, nhất là khi có mưa lớn kéo dài như vừa qua.
PV: Sau trận lũ vừa rồi, những chất độc hại ở bãi thải sẽ ngấm xuống làm ô nhiễm môi trường đất, nước xung quanh và đổ ra Vịnh Hạ Long đang là băn khoăn của rất nhiều chuyên gia môi trường. Ông nghĩ sao về những lo lắng này? TKV đã phối hợp cùng địa phương khắc phục vấn đề này như thế nào?
Ông Vũ Anh Tuấn: Đất đá thải mỏ than cũng tương tự các loại đất đá khác, trong thành phần có chứa một số kim loại nặng như đồng, chì, kẽm, cadimi… Tuy nhiên, hàm lượng các kim loại này rất nhỏ và trong ngưỡng cho phép của tiêu chuẩn môi trường. Vì vậy, khi xét duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án khai thác mỏ than, đất đá thải mỏ được coi là chất thải thông thường và Bộ TN&MT không yêu cầu phải xây dựng bãi thải đặc biệt như với chất thải nguy hại.
Như vậy, việc lo ngại những chất độc hại ở bãi thải sẽ ngấm xuống làm ô nhiễm môi trường là không có cơ sở. Ảnh hưởng chủ yếu của các bãi thải trong đợt mưa lớn kéo dài vừa qua chủ yếu là nước mưa cuốn theo bùn đất chân bãi thải, gây bồi lấp suối thoát nước và khu dân cư.
Sau mưa lũ, Tập đoàn đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm gần các bãi thải để tránh bị ngập lụt; đồng thời tổ chức nạo vét hồ lắng, suối thoát nước, gia cố đê đập chắn đất đá, bổ sung đê đập mới để thoát nước.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn lâu dài, TKV đang tính toán để xác định lại độ ổn định, thông số bãi thải, trình tự đổ thải, các giải pháp thoát nước; trên cơ sở đó quy hoạch thiết kế lại các bãi thải cho phù hợp với điều kiện mưa lớn, biến đổi khí hậu.
PV: Tập đoàn sẽ có kế hoạch gì để rút kinh nghiệm sau sự cố vừa rồi, đặc biệt là việc quy hoạch bãi thải?
Ông Vũ Anh Tuấn: Từ đợt mưa lũ kỷ lục vừa qua, bên cạnh việc tập trung nạo vét, gia cố hệ thống suối thoát nước, hồ lắng, đê đập chắn đất đá hiện có, bổ sung đê đập chắn đất đá mới tại các vị trí xung yếu, củng cố lại hệ thống các tầng bãi thải theo hướng giảm chiều cao tầng xuống dưới 30 m, tăng chiều rộng đai thoát nước, tăng chiều cao bờ chắn, TKV đã giao Viện KHCN Mỏ là đơn vị nghiên cứu chuyên ngành về khai thác mỏ tính toán xác định lại độ ổn định, thông số bãi thải, trình tự đổ thải, các giải pháp thoát nước theo điều kiện mưa lớn như vừa qua. Trên cơ sở đó điều chỉnh quy hoạch, thiết kế bãi thải phù hợp hơn, đảm bảo an toàn lâu dài, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, trận mưa lũ vừa qua 50 năm mới có một lần, nếu đầu tư tất cả để đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu này thì sẽ tốn rất nhiều tiền của. Nếu đầu tư cực đại thì rủi ro bằng 0 nhưng nếu không đầu tư cực đại thì chúng ta phải chấp nhận rủi ro nhất định. Vì vậy, Tập đoàn đang tiếp tục cân đối tài chính để làm tất cả những việc trong khả năng có thể nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy ra với tình hình khí hậu biến đổi khó lường như hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Phan Trang (Theo Chinhphu.vn)