Yêu cầu EVN và TKV tính toán chênh lệch do biến động tỷ giá
Thông tin tại buổi họp báo do Bộ Công Thương tổ chức chiều 4/9, tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, Cục đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) thống kê phát sinh lỗ do chênh lệch tỷ giá để liên bộ xem xét có phân bổ vào giá điện hay không?
Trước đó, thông tin đưa ra tại buổi giao ban do Bộ Công Thương tổ chức sáng 3/9, đại diện Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, do chênh lệch tỷ giá đã khiến lĩnh vực điện của TKV phát sinh khoản lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng và tập đoàn này kiến nghị Bộ Công Thương cho phân bổ vào giá điện.
Trong khi đó, số liệu sơ bộ của lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cho rằng, EVN có khả năng sẽ lỗ gấp 10 lần con số mà TKV đưa ra, tức là khoảng 12.000 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá.
Từ những ý kiến trên, theo ông Phúc, với doanh nghiệp nói chung có hợp đồng vay vốn ngoại tệ trong đầu tư và chi phí mua nguyên vật liệu đều bị ảnh hưởng từ việc biến động tỷ giá và TKV và EVN cũng không nằm ngoài những biến động đó.
"Chênh lệch tỷ giá lớn có thể làm ảnh hưởng tới việc tăng giá điện bán lẻ, nhưng việc này sẽ ảnh hưởng đến đời sống sản xuất và toàn dân nên cần tính toán kỹ lưỡng. Trường hợp có thống kê chênh lệch cụ thể, Cục Điều tiết Điện lực sẽ trao đổi với Bộ Tài chính và báo cáo Bộ Công Thương để có hướng giải quyết," ông Đinh Thế Phúc nói.
Trước câu hỏi về biểu giá bán lẻ điện mới mà Bộ Công Thương đang xem xét để rút bớt bậc thang từ 6 bậc xuống còn 3 bậc, ông Đinh Thế Phúc cho biết, trong tháng Chín, EVN sẽ tổ chức hội thảo tại 3 miền để lấy ý kiến rộng rãi của các bên về vấn đề trên.
Nội dung hội thảo sẽ tập trung tính toán phương án và cơ cấu biểu giá điện mới, cụ thể là những tác động đến sản xuất và tiêu dùng qua đó sẽ tổng hợp lại và hoàn thiện báo cáo Bộ Công Thương trong tháng Mười.
Liên quan đến việc EVN báo cáo khả năng thiếu khoảng 5 tỷ kWh điện do lưu lượng nước về các hồ thủy điện thấp, theo ông Phúc đây mới là số liệu đánh giá trong 8 tháng đầu năm và đến cuối năm vẫn còn nhiều diễn biến xảy ra.
Tuy nhiên, nếu thiếu hụt , Bộ Công Thương sẽ huy động các nguồn điện khác như nhiệt điện than và khí... để đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội.
Theo báo cáo của EVN, sản lượng điện sản xuất và mua ngoài của tập đoàn này trong tháng ước đạt 14,31 tỷ kWh. Lũy kế 8 tháng năm 2015, sản lượng điện sản xuất và mua của EVN ước đạt 105,15 tỷ kWh, tăng 11,78% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó thủy điện chiếm 34,95%, nhiệt điện than chiếm 33,64%, tua-bin khí chiếm 29,99%, nhiệt điện dầu chiếm 0,31%, nhập khẩu chiếm 1,11%.
Như vậy, thủy điện chỉ chiếm gần 35% trong cơ cấu phát điện của EVN nên vẫn còn nhiều nguồn dự phòng khác dự phòng trong trường hợp lưu lượng nước về các hồ thủy điện thấp.
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, điện là một trong những mặt hàng thiết yếu liên quan trực tiếp đến sản xuất và tiêu dùng, nên trong mọi tình huống phải đảm bảo An ninh năng lượng.
Theo ông, việc xảy ra lũ lụt tại Quảng Ninh khiến nhiểu mỏ bị sự cố nhưng Bộ Công Thương đã yêu cầu TKV có giải pháp tìm ngay nguồn than đảm bảo cho phát điện và người tiêu dùng.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng khẳng định, chỉ 1% sản lượng điện sản xuất liên quan đến dầu và xăng nên dù giá thành phẩm sản phẩm này liên tục giảm thời gian qua cũng không có ảnh hưởng lớn đến giá thành sản xuất điện.
"Việc tăng giảm giá điện Bộ Công Thương sẽ xem xét trong thẩm quyền và chức trách của mình, nếu có biến động lớn sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định," Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.