“Tuổi trẻ VTC cùng đồng bào vùng cao đón Tết” là một hoạt động từ thiện có tính truyền thống của tuổi trẻ Tổng Công ty VTC trong nhiều năm qua trước mỗi dịp xuân về.
Sau Si Ma Cai, Lào Cai năm 2010, Phục Hòa, Cao Bằng năm 2011..., năm nay Tuổi trẻ VTC sẽ hướng về đồng bào ở xã Huổi Luông – một xã nghèo biên giới thuộc huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.
Để chuẩn bị cho chương trình diễn ra thành công và thực sự đem được những món quà ý nghĩa tới đồng bào vùng cao còn gặp nhiều khó khăn, từ ngày 30/11 – 3/12/2011, Đoàn thanh niên Tổng Công ty VTC đã có cuộc khảo sát thực tế tại hai huyện biên giới Phong Thổ và Sìn Hồ của tỉnh Lai Châu.
Theo đó, điểm lựa chọn để làm chương trình “Tuổi trẻ VTC cùng đồng bào vùng cao đón Tết” năm nay sẽ là bản Làng Vây 1, Làng Vây 2, Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, Đồn biên phòng Huổi Luông thuộc xã Huổi Luông của huyện Phong Thổ. Dưới đây là những ghi nhanh của Đoàn khảo sát.
Cứ mưa là bị cô lập
Làng Vây 1 và Làng Vây 2 có 139 hộ dân đều là dân tộc Mông, nằm treo leo trên đường biên giới Việt - Trung, (giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) với chỉ nghề duy nhất là làm nương. Bởi vậy, theo anh Vàng A Sài – Phó bản Làng Vây 1, nơi đây hàng năm có đến 30% số hộ dân phải sống trong cảnh thiếu đói từ 1-3 tháng.
Ở Làng Vây 30% hộ dân thiếu đói từ 1 đến 3 tháng/năm.
Không những thiếu ăn, Làng Vây còn thiếu nước trầm trọng. Theo ghi nhận của chúng tôi, cả bản người Mông này chỉ có một bể nước dùng chung song luôn trong tình trạng cạn đáy. Và để có nước ăn, người dân bản chỉ còn cách mang can đi bộ vài cây số, gùi nước về.
Tồi tệ hơn chính là việc đi lại ở nơi đây. Từ UBND xã Huổi Luông vào bản Làng Vây chỉ có một con đường độc địa với chiều dài khoảng 10km. Con đường này men theo các triền núi cao, với một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm cùng rất nhiều quãng dốc và khúc cua tay áo.
Sự hiểm trở của địa hình trở thành nỗi ám ảnh trong việc đi lại. Phần lớn người dân ra vào bản bằng phương tiện đi bộ. Xe máy lác đác vài hộ gia đình sắm được, nhưng khổ nỗi, mỗi lần nổ máy rời bản là tiêu hao cả một bình săng.
Chưa hết, chỉ cần một cơn mưa ập xuống nơi đây, lập tức Làng Vây bị cô lập giữa núi rừng heo hút do đường vào bản trên nhiều đoạn bỗng trở thành một cái sình lầy, luôn sẵng sàng nuốt trọn những bước chân hay những chiếc bánh xe.
Làng Vây chưa có điện và bao đời nay vẫn bập bùng cùng thứ ánh sáng phát ra từ những bếp củi khi màn đêm ập xuống. Nhà khá hơn thì có đèn dầu hoặc nến.
Nhọc nhằn cho cái bụng no chữ
Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc có điểm trung tâm đóng ở đầu ngọn núi vào bản Làng Vây 1. Cả trường có 21 lớp học với gần 200 học sinh nhưng có tới 16 lớp cắm bản, lớp nhiều nhất có 16 học sinh và lớp thấp nhất có 5 học sinh.
Những lớp học tuyềnh toàng ở Làng Vây
Đến nơi đây, chúng tôi thực sự cảm phục trước cuông cuộc “gùi chữ về bản” của 28 giáo viên. Họ là những người trồng người tuổi đời còn rất trẻ đã tình nguyện bỏ lại những no đủ vật chất dưới xuôi, hàng ngày, hàng giờ chỉ với bảng đen, phấn trắng, bám lấy những lớp học tranh tre vách nứa, trồng cho kỳ được con chữ trên rẻo cao.
Một đặc thù ở Làng Vây là đồng bào người Mông đa phần theo đạo Công giáo. Vào những ngày thứ Năm hoặc ngày Lễ, cả trường sẽ vắng tanh vì học sinh nghỉ học để ở nhà đi Lễ. Sự nhận thức về tầm quan trọng của con chữ trong đồng bào vốn đã thấp, giờ cộng thêm phong tục tập quán đặc thù càng khiến cuộc vận động học sinh tới trường của tập thể giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Không ít lần, các thầy cô phải mua cả bánh kẹo, vào từng hộ gia đình động viên các em trở lại lớp.
Cô giáo Hồng quê ở Yên Bái là giáo viên trẻ tuổi nhất vừa mới lên cắm bản cho biết: “Những ngày đầu mới lên Làng Vây, thấy cảnh núi rừng âm u, heo hút, không điện, không nước, rồi nhà cửa tuềnh toàng, trống hoác, đêm nằm thấy gió lộng tứ bề… chỉ nghĩ nước bỏ về. Nhưng rồi, được các anh các chị đi trước động viên nên cũng cố gắng bám trụ và bây giờ đã thấy quen hơn.
Mà suy cho cùng, cái khó khăn mình và các anh chị phải đối mặt hàng ngày cũng chẳng thấm vào đâu so với các em học sinh. Thiếu ăn, thiếu mặc đã đành, chẳng nhẽ lại để các em thiếu nốt con chữ. Càng trăn trở lại càng thấy quyết tâm hơn!”
Vì bình yên trên đường biên Tổ quốc
Đồn Biên phòng Huổi Luông có hơn 40 chiến sỹ nhưng phải trải ra, quản lý cả một địa bàn rộng lớn. Khi đoàn cán bộ VTC tới được Đồn Biên phòng Huổi Luông, đồng hồ đã chỉ hơn 7h tối. Thế nhưng, thời điểm này ở đồn chỉ có 14 cán bộ trực chiến, số còn lại vẫn đang đi tuần tra và đi cắm bản chưa kịp về.
Đóng trên đỉnh một ngọn núi cao, Đồn Biên phòng Huổi Luông cũng như đồng bào Mông vùng biên giới Tây Bắc Tổ quốc gặp vô vàn khó khăn.
Một cán bộ Đồn cho biết, hiện tại, nguồn thực phẩm của Đồn hoàn toàn tự cung tự cấp song trước điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên và sự khô cằn của đất đai, rau xanh ở đây cũng trở nên khó trồng.
Khó khăn là vậy nhưng anh em chiến sỹ vẫn luôn cố gắng hết mình để hoàn thành nhiệm vụ. Tình quân dân vùng biên trở thành nguồn động viên lớn lao giúp họ vượt qua mọi hoàn cảnh, vừa giữ vững biên giới thiêng liêng của Tổ quốc vừa giúp đồng bào vươn lên trong cuộc sống.
“Tuổi trẻ VTC cùng đồng bào vùng cao đón Tết" là một hoạt động truyền thống của Tuổi trẻ Tổng công ty VTC mỗi dịp xuân về (Ảnh: Hà Thành)
Nhân dịp năm mới Nhâm Thìn – 2012, với mong muốn cùng với đồng bào dân tộc Làng Vây, Giáo viên Trường Tiều học Nguyễn Bá Ngọc và Cán bộ chiến sỹ đồn Biên phòng Huổi Luông đón Tết cổ truyền của dân tộc ấm áp hơn, Đoàn thanh niên Tổng Công ty VTC chính thức phát động chương trình “Tuổi trẻ VTC cùng đồng bào vùng cao đón Tết”.
Bằng tất cả các nguồn kinh phí hỗ trợ, sách vở, đồ dùng học tập. Đoàn thanh niên Tổng Công ty VTC sẽ thành lập 01 đoàn công tác trực tiếp đi thăm, tặng quà Tết cho đồng bào dân tộc Làng Vây, xây dựng tủ sách tri thức cho Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, giao lưu kết nghĩa với chiến sỹ đồn Biên phòng Huổi Luông và tổ chức chương trình Văn nghệ “Mừng Đảng – Mừng xuân” phục vụ đồng bào, chiến sỹ, giáo viên đang sinh sống, công tác nơi biên cương của Tổ quốc.